Những người “canh” trời Tổ quốc nơi biển biếc
Ngày đăng: 20/09/2024; 63
THANH VĨNH
 
 
Kỳ 1
 
Trong cuộc giao lưu chan chứa tình cảm hậu phương, đất liền - tiền phương, biển đảo tại Hội trường đảo Song Tử Tây chào đón năm mới 2023, giữa hội trường với hầu hết là những sắc áo trắng của lính hải quân, thì một sắc áo xanh da trời của người lính ngồi trên hàng ghế đầu tiên đã khiến tôi bị thu hút. Đầu tiên là bởi màu quân phục, tiếp nữa, là vẻ hồn nhiên, vô tư khi vỗ tay cổ vũ đồng đội trong từng tiết mục văn nghệ.
Vậy là, ngay khi buổi giao lưu kết thúc, nhắm theo lưng áo xanh da trời, tôi vội vượt qua các đồng nghiệp, khi đó đang tíu tít làm quen, tranh thủ phỏng vấn, ghi hình, tác nghiệp… để tìm gặp người lính nọ.
Đó là Mai Duy Dũng, sinh năm 1980, quê Hà Tiến, Hà Trung (Thanh Hoá); là Chính trị viên Trạm Rada 21, Trung đoàn Rada 292, Sư đoàn Phòng không 377 Quân chủng Phòng không - Không quân, đang làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây.
Khi biết tôi quê ở Vĩnh Phúc, Mai Duy Dũng như reo lên, vui vẻ:
- Ô thế thì nhất định chị phải tới trạm chúng em đấy nhé. Anh em rada luôn mong có khách tới thăm. Ở trạm em, có hai đồng chí quê Vĩnh Phúc đấy ạ!
Rồi Dũng cười, nói thêm:
- Được gặp quê ở nơi đảo xa thế này, còn gì vui bằng…
Đêm dần về khuya, mưa lại rả rích rơi. Thấy chúng tôi ai cũng thấm mệt, do nhiều ngày bị sóng lớn, gió to vây bủa, lại thêm những cơn mưa giông dai dẳng đeo bám khiến đường vào đảo càng thêm gian nan, khiến nhiều người trong chúng tôi bị ướt sũng; Dũng thân mật nắm chặt tay từng chúng tôi, nói:
- Em xin phép về đơn vị! Mời chị và các bạn, sáng mai tới thăm anh em rada chúng em! “Nhà” chúng em ở kia…
Theo hướng tay Dũng chỉ, chúng tôi nhận ra, xa xa, dưới ánh điện bị làn mưa làm cho mờ nhòe, những quả cầu khổng lồ màu trắng, kiêu hãnh vươn lên, nổi bật trên tán lá cùng màn đêm xanh thẫm.
- Ồ thì ra đó là “nhà” của các anh! - Hồng Chung - phóng viên Báo Vĩnh Phúc, hồn nhiên thốt lên - Lần nào lên boong tàu ngóng vào đảo, em cũng thấy mấy quả cầu ấy mà không biết đó là “nhà” của các anh phòng không…
Câu nói của Chung khiến chúng tôi cùng bật cười vui vẻ.
 
***
         
Sau nhiều ngày tròng trành, chao lắc cùng tàu 490 trên những con sóng triền miên cấp 6, có lúc tới cấp 8, khiến ruột gan lắm khi muốn lộn ngược… vậy nhưng đêm đó, mặc dù đã ở trên đảo, được đặt chân xuống mặt đất, được thấy hơi đất, được bước đi một cách bình thường, được nằm ngủ trên chiếc giường bình thường… và dù rất mệt, nhưng chúng tôi đều khó ngủ. Một cảm xúc rất lạ, cứ nôn nao nơi ngực. Đêm trên đảo Song Tử Tây - một đêm đầu năm mới 2023 - mới bình yên và dịu dàng làm sao. Nếu không có tiếng sóng rì rầm, ràn rạt xa xa, thì không gian, cảnh trí nơi đây chẳng khác bất kỳ một vùng quê hay góc phố nào trên đất liền. Nhưng tôi biết, trên những vị trí công tác, luôn có những người lính đứng gác. Đã có ai đong đếm, để biết được, để có sự bình yên này, bao nhiêu mồ hôi, cả máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi giữ biển, đảo - từng đổ xuống!
Trong tiếng sóng, tiếng gió biển xa, ba chị em Vĩnh Phúc chúng tôi - sau khi kiểm tra lại các thiết bị công tác, chuẩn bị cho buổi tác nghiệp vào ngày mai - liền rủ nhau mở cửa phòng, nhón chân đi về cuối hành lang, nơi ban công tầng 2 của khu nhà khách đảo Song Tử Tây, ngóng về phía biển. Mưa vẫn rả rích rơi. Dù khá mệt, nhưng dường như cả ba chúng tôi chưa ai muốn đi nghỉ. Chúng tôi mong trời mau sáng, để được ngắm nhìn cho thỏa lòng, biển, đảo thân yêu, và nữa, để được gặp những con người đi “canh” trời nơi biển xa này… Có lẽ, chưa khi nào, lời hẹn của một người mới quen - một người lính phòng không có nụ cười rất hồn hậu, cởi mở - lại khiến chúng tôi hồi hộp như vậy. Hà Giang thì thầm, như sợ nếu nói lớn, sẽ làm không gian yên bình này bị xáo động, đánh thức: Đảo đẹp quá! Hồng Chung khe khẽ thêm: Vậy mà cách đây mấy tháng, có cơn bão lớn đã đổ bộ vào đảo, làm gãy hết cây cối phải không chị? Tôi xác nhận: Đúng vậy! Bão Rai, giật cấp 15, bẻ gãy hơn 90% cây xanh trên đảo, làm tốc mái, hư hại nhiều nhà cửa, công trình... Hà Giang xuýt xoa: Vậy mà hôm nay mình tới, đảo đã xanh như này. Sức sống của đảo quá là mãnh liệt…
 
***
         
Thức khuya là thế, vậy mà mới 5h sáng, sau hiệu lệnh báo thức thứ nhất của đảo, cả ba chị em chúng tôi đã thức dậy. Ai cũng háo hức, nên ai cũng quên nhanh nỗi mệt mỏi. Trời vẫn mưa. Chúng tôi khẩn trương hoàn tất các công việc cá nhân đầu ngày. Rồi máy ảnh, camera, túi thiết bị… trên tay, trên vai, chúng tôi tìm lối đến Trạm Rada 21.
Một cơn mưa lớn lại đổ xuống, bầu trời om om, không khí oi nồng. Không sao, những cơn mưa đều là “quà” quý mà thiên nhiên tặng đảo, đó là nguồn nước ngọt. Thế nên, mặc ông trời với việc của ổng, nhằm hướng những quả cầu màu trắng, to đùng phía trước, chúng tôi - ống quần xắn cao, che chung nhau một chiếc túi nilon của bộ đội, theo con đường trải bê-tông, hai bên xanh mướt tán phong ba, tra, bàng vuông… háo hức bước. Đến khi, bên tai bỗng vang lên câu nói với ngữ điệu hồn hậu, vui vui: Nhà có khách, các đồng chí ơi… chúng tôi ngẩng lên. Đã thấy Mai Duy Dũng cùng hai chiến sĩ đứng đó. Từ bậc thềm nhà, mấy anh em tươi cười chạy xuống sân, đỡ tấm nilon, giúp chúng tôi bước lên hiên. Dũng vồn vã:
- Thấy mưa to, em cứ lo mấy chị em không xuống được! Em đã thông báo cho anh em trong trạm là hôm nay nhà sẽ có khách, lại là khách từ Vĩnh Phúc, nên ai cũng mừng. Nhất là mấy anh Vĩnh Phúc…
Chúng tôi cùng cười. Một anh trong nhóm gọi lớn:
- Mấy anh Vĩnh Phúc đâu rồi, ra nhận quê này…
Có tiếng cười lao xao vọng ra từ một số phòng làm việc quanh đó như để đáp lại. Mai Duy Dũng nhắc:
- Một số đồng chí đang làm nhiệm vụ. Mời các chị em, mời tất cả cùng vào hội trường, để anh em của trạm cùng đón khách quý ạ!
Hội trường của Trạm Rada 21 là một căn phòng nhỏ, đồ dùng tuy đơn sơ nhưng được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Một tốp đông chiến sĩ đã có mặt, tôi nhận ra Phúc - người lính trẻ đã tham gia hái hoa dân chủ, rồi biểu diễn vũ điệu hip hop rất sôi động trong cuộc giao lưu văn nghệ đêm trước.
Các chiến sĩ dành cho chúng tôi những cái bắt tay xiết chặt, nụ cười cùng ánh nhìn thân thiết. Sự hồ hởi, nhiệt thành của những người lính khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bối rối. Có lẽ vì thế mà cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 21 không có khoảng cách chủ - khách, mà thân tình như đã quen thân từ lâu. Trong câu chuyện, thấy tôi băn khoăn về những chiếc bàn chiếc ghế đã cũ, có nhiều chỗ được “vá” rất khéo bằng những mảnh gỗ tiết kiệm, Thiếu tá, Trạm trưởng Đoàn Văn Hiến, sinh năm 1982; quê Đoan Bái, Hiệp Hòa (Bắc Giang) - nói vui:
- Chị thấy lính rada chúng em khéo tay không? Cứ gặp lính Rada 21 thì đồ vật cũ lại không còn cũ nữa.
Tiếng cười vun đầy, át tiếng mưa rơi ngoài sân nhỏ. Rồi tiếp đó, với cây đàn ghi ta và cách “bắt nhịp” đầy hứng khởi của Mai Duy Dũng, các chiến sĩ cất cao tiếng hát. Trong niềm lạc quan rất lính ấy, tôi thấy mình như trẻ lại, bên những người lính tuổi mới mười chín, đôi mươi, gương mặt dù sạm màu nắng gió nhưng luôn anh ánh niềm vui hồn nhiên, trong trẻo...
Tranh thủ trò chuyện với binh nhất Lê Bảo Phúc - chàng lính trẻ đã cùng đồng đội biểu diễn điệu nhảy hip hop rất mộ điệu trong đêm giao lưu mà tôi đã nhắc đến ở trên, được biết Phúc sinh năm 2001, quê Đông Hòa, Phú Yên. Trước khi trở thành lính rada làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây, Phúc đã theo nghề thợ bạc truyền thống của gia đình. Mạnh mẽ, sôi nổi trên sân khấu, nhưng khi trò chuyện, Phúc lại hay bẽn lẽn. Em bộc bạch: Tụi em đón Tết ở ngoài đảo có vui có buồn! Buồn vì xa gia đình, vui là được cán bộ, chỉ huy động viên, quan tâm, chia sẻ, tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao, thi ca hát, hái hoa dân chủ. Như buổi giao lưu tối qua, có mấy câu hỏi rất thú vị…
Nghe Phúc nhắc tới “mấy câu hỏi”, hai chị em cùng bật cười, vì nhớ lại khoảng khắc thú vị khi đó, Phúc lên hái hoa dân chủ, gặp một câu hỏi rất “nhây”. Buồn cười nhất là khi nghe tôi cùng các đồng đội “gà bài”, khiến Phúc trả lời chưa chính xác, khiến hội trường được một trận cười nghiêng ngả.
Hỏi Phúc về suy nghĩ của em khi sống cuộc sống quân ngũ, lại làm nhiệm vụ nơi đảo xa, có nhiều thiếu thốn, vất vả… Phúc đáp ngay, vẻ tự tin: Em rất tự hào khi được đào tạo, rèn luyện trong quân ngũ chị ạ! Sự rèn luyện nghiêm khắc của quân đội khiến em trưởng thành lên rất nhiều, chứ trước đây, em nghịch lắm đó chị! - Chúng tôi cùng cười. Phúc nói tiếp, tự tin:
 - Chúng em luôn nhắc nhau: sẵn sàng chiến đấu, quản lý tốt vùng biển, vùng trời của ta, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc mình, chị ạ!
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của những người “canh” trời nơi biển xa này, Trung tá, Chính trị viên Mai Duy Dũng cho biết: Với khẩu hiệu: Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ các tình huống trên không, cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 21 đảo Song Tử Tây luôn xác định: hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tiền tiêu là góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc. Muốn vậy, thì tất cả mọi công việc đều phải được mỗi cán bộ, chiến sĩ chủ động và chủ động cao nhất ngay từ trước khi ra đảo. Trong đó, bên cạnh yếu tố tiên quyết là con người thì việc nắm vững nghiệp vụ, tinh thông chuyên môn, làm chủ mọi trang - thiết bị, vũ khí, khí tài mới… được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng để làm nên thắng lợi. Thế nên, mặc dù trước khi ra đảo, các cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada21 đã được huấn luyện rất kỹ về chuyên môn. Vậy nhưng, vừa làm tốt nhiệm vụ trực chiến, Trạm Rada 21 còn thường xuyên tổ chức huấn luyện, huấn luyện nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ cho tất cả cán bộ, chiến sĩ của Trạm.
Nơi đầu sóng, anh em nhanh chóng, tập trung xây dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, luôn gắn bó, chia sẻ, động viên lẫn nhau từ trong đời sống, tâm tư, sinh hoạt thường ngày cho tới thực hiện nhiệm vụ. Cả đơn vị là một khối thống nhất. Gặp bất kỳ khó khăn nào, Trạm đều tổ chức hội ý ban chỉ huy, ban chi ủy đơn vị, để tìm ra giải pháp giải quyết tốt nhất. Bên cạnh đó, còn là sự hỗ trợ của các lực lượng đóng quân trên đảo, sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Chỉ huy đảo Song Tử Tây dành cho Trạm.
Đặt câu hỏi về những khó khăn nơi đảo xa mà người lính rada thường phải đối mặt, tôi được anh em cho biết: Với người lính, nhất là những người lính làm nhiệm vụ nơi xa xôi, đầu non cuối bể thì khó khăn được xem như là “bạn” đồng hành. Đảo xa đất liền, khó khăn càng nhiều gấp bội. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu điện, nước, nhất là vào mùa khô. Mà thiếu nước là sẽ thiếu rau xanh... Trong khi đó, nhiệm vụ của bộ đội rada lại mang những đặc thù riêng với các phiên chiến đấu, trực chiến đấu rất căng thẳng. Sự độc hại do sóng rada, sóng điện từ phát ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bộ đội. Vì thế, nếu chế độ ăn uống, dinh dưỡng không đầy đủ, nhất là thiếu rau xanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chiến sĩ và hiệu quả công tác.
- Chị biết đấy! - Mai Duy Dũng bộc bạch - Chỉ về mặt thời gian trong chiến đấu của bộ đội phòng không đã là nét đặc thù riêng. Bởi khi đó, thời gian được tính bằng giây (s), vì sự cơ động của máy bay, chiến đấu cơ trên không là rất rất nhanh, lên tới 250m/s, nên chỉ lơ là trong một tích tắc thôi, sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cả đơn vị, đến cả cục diện chung. Vì thế, lính rada phải luôn khỏe mạnh, tinh tường nhất có thể…
Vậy nên, chưa khó khăn nào khiến cán bộ, chiến sĩ Trạm rada 21 đảo Song Tử Tây lùi bước.
 
Kỳ 2
 
Để khắc phục việc thiếu điện (hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời trên các đảo dễ bị nhiễm mặn nên nhanh xuống cấp, hư hỏng) Trạm “ưu tiên” điện cho thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, anh em tận dụng điện trong các phiên trực chiến đấu, làm nhiệm vụ để kết hợp bảo quản thực phẩm.
- Ở trạm chúng em, chỉ chiếc tủ lạnh là được “ưu tiên” dùng điện nhiều nhất đó chị! - … Trạm trưởng Đoàn Văn Hiến nói vui, khi thấy tôi tỏ ý băn khoăn, rằng thời tiết nóng bức như vậy, nếu không có điện, sinh hoạt của bộ đội sẽ rất vất vả. Được biết, Hiến vừa hết nhiệm kỳ công tác trên đảo, sẽ cùng chúng tôi theo tàu 490 về bờ. Thay cho em, là Trung tá Trần Văn Lô, sinh năm 1984, quê An Nội, Bình Lục (Hà Nam). Lô cũng mới cùng đoàn công tác ra đảo, chuẩn bị nhận nhiệm vụ thay cho đồng đội. Nhưng Hiến nói ngay: Chúng em là lính mà. Đã là lính thì việc rèn luyện, chịu đựng gian khổ phải thành thói quen, chị à!
So với việc khắc phục nỗi thiếu điện, thì khắc phục việc thiếu nước có lẽ có nhiều sáng tạo thú vị hơn. Ấy là, cứ mỗi khi trời có mưa, thì không chỉ lính rada mà toàn đảo đều tận dụng tất cả những gì có thể chứa nước để mang ra… hứng nước mưa. Anh em cắt cử nhau, người làm nhiệm vụ, người tranh thủ hứng nước. Làm sao để hứng và chứa được nhiều nước nhất có thể. Nước ấy, được dồn vào bể chứa, qua lắng lọc rồi mới sử dụng. Và dù là “của giời cho”, thì vẫn phải tiết kiệm nhất có thể. Có nước rồi thì theo các mùa, tranh thủ sau giờ công tác, anh em tổ chức tăng gia, làm đất, bắc giàn, dựng dậu trồng đậu, đỗ, bầu, bí… các loại.
Tuy nhiên, muốn trồng gì, và muốn có được rau, quả, củ cho bữa ăn, thì việc đầu tiên lại là tìm cách che chắn gió biển, hơi mặn cho những phần đất đơn vị được phân chia ở những vị trí theo quy định. Phải có giàn che đảm bảo đủ vững trước gió biển. Tiếp đó, anh em tranh thủ giờ nghỉ, làm đất, gieo trồng các giống rau: muống, dền, mồng tơi, đỗ... Việc chăm sóc cho vườn rau phát triển cũng là một kỳ công. Bởi nếu sơ suất, không che chắn cẩn thận, thì chỉ sau vài giờ đồng hồ bị gió biển táp, vườn rau đang mơn sẽ bị cháy xám đen, mọi công sức xem như đổ biển. Việc tưới rau cũng phải biết cách. Ví như khi hạt rau đang lên mầm, phải biết tưới cho phù hợp. Rồi dịp cuối năm - đầu năm là mùa gió mạnh, nếu tưới quá nhiều hoặc quá ít nước rau đều bị ảnh hưởng. Vì thế, để tăng gia hiệu quả, đơn vị phân công các đồng chí có kinh nghiệm hướng dẫn các chiến sĩ mới cách trồng mùa nào rau nấy, cách chăm sóc, tưới bón sao cho tiết kiệm mà phải hiệu quả, rồi cách thu hoạch, bảo quản, sử dụng rau, củ, quả… Lại còn phải làm sao để vừa thu hái vừa duy trì trên vườn khi nào cũng có rau gối mùa, đảm bảo luôn có rau tươi cho bữa ăn của chiến sĩ.
Nghe Dũng rồi Hiến chia sẻ, các phóng viên trẻ xuýt xoa thán phục.
- Các anh có cả một quy trình với đủ các “bí kíp” làm vườn. Nếu ở bờ, khéo chiều nào chúng em cũng sang đơn vị xin rau, rồi ra còn xin học các anh cách trồng rau đấy! - Một phóng viên đài PT-TH Vĩnh Long nói.
- Nếu thời tiết không quá khắc nghiệt thì anh em tăng gia đảm bảo thoải mái rau ăn. Thế nhưng do nắng khét, gió mặn, nên các chị xem… - Dũng chỉ vào lùm dây leo khá lớn trước mặt. Chúng tôi tròn mắt kinh ngạc khi thấy, một nửa bụi dây leo thân lá còn khá xanh tốt, nhưng nửa còn lại ở phía biển lại cháy xám, khô xác. - Dũng nói thêm - Đây cũng là một loại lá cây ăn được, khi thiếu rau, chúng em vẫn hái về nấu canh đó chị. Thế mà chị xem, bị gió mặn táp, một nửa bụi cây đã cháy khô rồi.
 - Khắc nghiệt là thế, nên để đảm bảo khẩu phần ăn luôn có rau xanh, vào mùa khô, anh em còn ủ giá đỗ, làm rau mầm để sử dụng thay thế! - Tiếp lời Dũng, Hiến cho biết thêm.
- Bộ đội cũng biết làm giá đỗ ạ? - Tôi thốt hỏi.
- Không những biết làm mà chúng em còn làm khéo không kém bà nội trợ nào ấy chứ! - Vẻ tự tin, Hiến đáp - Mà chả cứ chúng em, anh em nào đã đi đảo đều có kinh nghiệm về mấy “vụ” rau giá này.
Rồi say sưa, Hiến kể:
- Chúng em nhận hạt đậu do hậu cần cấp, đem về đãi sạch, rồi ngâm cho hạt đậu “uống no” nước, sau đó lựa nhặt kỳ hết những hạt xấu, lép, đầu ruồi… Nhặt càng kỹ thì khi mình đem ủ giá, những hạt đậu kém chất lượng đó sẽ không ảnh hưởng sang phần hạt lành khác, làm cho giá đỗ dễ bị úa lây.
- Úi chà! Cứ đà này, về hưu, có khi anh em ta mở lớp tập huấn hoặc công ty sản xuất giá đỗ, rau mầm sạch, đảm bảo đắt hàng số 1 nhé! Em xin chân síp hàng! - Mấy chúng tôi lao xao xen ngang, nói vui. Hiến bật cười, rồi tiếp:
- Hiện tại, theo quy định, việc chăn nuôi trên đảo rất hạn chế bởi liên quan đến môi trường. Căn cứ theo các đợt tàu từ đất liền ra đảo làm nhiệm vụ, đơn vị gửi nhờ mua heo thịt, tầm 80 - 100kg/con, đưa ra đảo chăn thả một số ngày. Khi có sự kiện như ngày lễ, Tết, anh em tổ chức làm thịt heo, liên hoan, cải thiện bữa ăn. Đối với rau xanh cũng vậy...
Và như thế, với phương châm “thực túc, binh cường”, vừa kết hợp nguồn rau xanh do Trạm tăng gia tại chỗ với thực phẩm từ đất liền gửi theo tàu ra đảo, Trạm Rada 21 luôn thực hiện được các bữa ăn đủ dưỡng chất, giúp lính khỏe, đảm bảo hiệu quả công tác, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
 
***
 
Theo chân các chiến sĩ, chúng tôi tham quan vị trí trực chiến đấu của Trạm Rada 21. Chỉ vào quả cầu trắng to đùng trên đảo, một chiến sĩ hóm hỉnh giải thích: Quả cầu đó có tác dụng… làm đẹp cho rada, giống như cái mũ bảo hiểm, úp xuống, bảo vệ toàn bộ rada phía bên trong. Chất liệu chế tạo quả cầu là composite nên không ảnh hưởng đến việc thu - phát sóng tín hiệu…
Bằng chuyên môn, bất kỳ loại máy bay nào, bay với tốc độ ra sao… bay qua, bay gần hay có hoạt động gì trên vùng trời của ta, đều được cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 21 phát hiện kịp thời, bám sát, báo cáo về trung tâm chỉ huy biết, chỉ đạo biện pháp xử lý phù hợp.
- Bây giờ tình hình bớt phức tạp chưa anh? - Biên tập viên Hồng Chung (Báo Vĩnh Phúc) hỏi.
- Phức tạp là tất nhiên! Nhưng anh em rada quen với “phức tạp” rồi, nên thấy bình thường. - Mai Duy Dũng đáp - “Bên ngoài” mà bày trò làm găng, là anh em sẵn sàng đáp trả khi có lệnh. Còn bình thường thì việc mình, mình làm, và luôn cảnh giác cao độ.
Ngắm những gương mặt chiến sĩ đang dõi sâu ánh nhìn vào màn hình rada, ngắm căn phòng trực chiến bình dị, cảm nhận sự tự tin, chủ động, toát lên trong từng phong thái của mỗi chiến sĩ rada, lòng tôi dâng nỗi bình yên. Ngoài sân, một cơn mưa lại trút xuống...
Trên đường trở lại hội trường của Trạm, chợt thấy những giá phơi dày kín quần áo chiến sĩ vẫn nằm nguyên dưới mưa, tôi thắc mắc: Sao anh em không đưa quần áo vào nơi khuất mưa để phơi?
Nghe tôi hỏi, Thiếu tá, Trạm trưởng Đoàn Văn Hiến, sinh năm 1982, quê ở xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) - nói vui: Để ông trời tưới nước rửa trôi bớt mặn của muối biển đó chị… Hẳn thấy vẻ mặt tôi chưa hết băn khoăn, Hiến nói thêm, như là giải thích: Nói vui với nhà báo chút, mà cũng là thật đấy ạ. Trên đảo vẫn đang mùa khô, ít mưa nên thiếu nước ngọt chị ạ. Đợt này, trời thương lính đảo nên thi thoảng lại có mưa giông. Mưa thì đảo bớt khô khát, đồ giặt xong anh em cũng “nhờ” mưa “tráng” giúp cho bớt hơi muối mặn, nên mới phơi mưa là vậy đó chị…
Nghe Hiến nói, sống mũi tôi chợt cay tê. Thì ra, những vất vả của chúng tôi khi di chuyển từ tàu 490 xuống xuồng CQ, rồi từ xuồng CQ lên tàu Vạn Hoa… để cơ động vào đảo, nào có thấm tháp gì với những gian khổ mà người lính nơi đảo xa ngày ngày phải chống chịu. Vậy mà, khi gặp cơn giông trên biển, tôi đã buông lời than van… Những cơn mưa này, là “quà” của trời tặng lính đảo - những con người đang ngày đêm canh giữ sự bình yên cùng vẹn toàn chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo, bầu trời Tổ quốc. Lẽ nào, chỉ vì chút ướt át khi gặp mưa mà tôi lại khó chịu cho đặng.
Trở lại câu chuyện trực chiến, các cán bộ, chiến sĩ Trạm 21 cho biết: Trên vùng trời Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) vẫn xuất hiện máy bay của nước ngoài hoạt động, vi phạm nguyên tắc bay…
- Dù chúng chỉ le ve bay qua bầu trời của ta, thì bọn em vẫn cứ là bắt chặt, theo dõi chắc, thông báo kịp thời về chỉ huy sở. Bất cứ động tĩnh nào dù nhỏ của máy bay nước ngoài trên vùng trời Việt Nam, anh em rada mình đều quản lý được hết, đúng như khẩu hiệu: “Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ các tình huống trên không” chị ạ! - Hiến nói chắc nịch.
- Nói chung, bất kỳ hoạt động hay sự quấy nhiễu nào của máy bay nước ngoài trên vùng trời của ta, chắc chắn đều có mục đích của riêng họ, trong đó, có những mục đích không có lợi cho ta. Vì thế, anh em Rada 21 luôn chủ động, cảnh giác cao nhất, canh phòng cẩn thận nhất! - Nối lời Hiến, Dũng nói tiếp - Còn nếu chúng vi phạm, thì chúng em lập tức xử lý theo đúng quy trình: quản lý, phát hiện, báo cáo về. Việc xử lý tuân thủ theo chỉ đạo của cấp trên, thực hiện theo quy định. Vì thế, “chúng” bay đến đâu là tụi em theo sát, biết chắc đến đó. Trong trường hợp chúng làm quá, tới mức vi phạm, thì theo quy định, cấp trên sẽ cho phương án xử lý. Khi đó, tên lửa, pháo, các lực lượng hoả lực của ta sẵn sàng chiến đấu. Nếu chúng bay vào khu vực không được phép, thì ta tổ chức máy bay, bay chặn, phát tín hiệu cảnh cáo. Chúng vẫn cố tình, tiếp tục bay vi phạm tiếp thì ta sẽ có biện pháp tiếp. Nhưng nhìn chung, chúng nó không dám vi phạm đến mức độ đó đâu chị.
Ngừng giây lát, Dũng nói thêm:
- Hiện nay, hầu hết các nước đều đề cao ngoại giao, nhưng lâu lâu vẫn có kẻ ngoại bang vờ vịt bay qua, nếu ta không cảnh giác thì chúng sẽ bay sâu vào không phận của mình, vì mục đích gì đi nữa và dù chúng chỉ dám bay vào chút ít thôi thì ta cũng tuyệt đối đề cao cảnh giác, phát hiện, xua đuổi tức khắc. Kiểu như lâu lâu gã hàng xóm xấu tính lại thả sang “ao” ta một “con vịt” để thăm dò. Nhiệm vụ của chúng em là phát hiện, giúp chỉ huy có phương án để xua cho “vịt” cút đó chị...
Sự ví von ngộ nghĩnh của Dũng khiến chúng tôi cùng cười vang, vui vẻ.
 
 
***
 
Tham quan nhanh nơi ở và làm việc của anh em cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 21, chúng tôi quay trở lại “đề tài” “có người Vĩnh Phúc đang công tác tại trạm”. Mai Duy Dũng nói vui:
- Hôm qua nghe tin có đoàn ra thăm đảo, lại có các anh chị nhà báo đến thăm, tuyên truyền cho Trạm Rada 21, anh em rada phấn khởi quá, tối qua có ngủ được đâu. Nhất là người Vĩnh Phúc ở trạm…
Nói rồi, Dũng hướng vào một đồng đội, lúc này mới xuất hiện, nói tiếp:
- Như Tường đây, cứ thấp thỏm trông cho đêm mau sáng, rồi lại mong mãi cho hết ca trực để còn đón quê…
Mọi người cười oà.
Người lính bị Dũng trêu, có vóc người dong dỏng, nếu không mang quân phục phòng không, sẽ dễ khiến người xung quanh tưởng đó là một thày giáo, hoặc một viên chức. Em bẽn lẽn cười, làm quen với chúng tôi. Em là Đại uý Bùi Văn Tường, sinh năm 1987, Phó Trạm trưởng Trạm Rada 21.
- Nhà em ở vùng nào của Vĩnh Phúc? - Tôi hỏi.
- Dạ, em ở Yên Lạc chị ạ! Ở trạm có hai anh em quê Vĩnh Phúc. Gồm em và bạn Hà ở Đức Bác. - Tường đáp.
Nghe vậy, Trạm trưởng Đoàn Văn Hiến như chợt nhớ ra, liền kêu lên:
- À đúng rồi! Hà đâu nhỉ! Đồng chí nào xem Hà hết ca trực chưa thì mời Hà lên đây, có đồng hương ở đất liền ra thăm nhé!
Cuộc “tìm người Vĩnh Phúc ở đảo” càng thêm thú vị, khi xuất hiện thêm một người lính có vóc người đậm và gương mặt chất phác sạm nắng gió, khắc khổ. Hà Giang - phóng viên Đài PT-TH Vĩnh Phúc - nhanh chóng nhận ra đó là đồng hương. Đồng hương xã Đức Bác (huyện Sông Lô) của Hà Giang là Thiếu tá Hoàng Ngọc Hà, sinh năm 1978, quê ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Sau phút bỡ ngỡ, hai anh em ríu rít thăm hỏi, trò chuyện với nhau. Hà Giang kể: Anh Hà là anh trai của bạn em. Thế nhưng lúc ở nhà anh em cũng chưa kịp quen nhau nhiều. Đi cả ngàn km ra đây được gặp đồng hương, đúng là duyên kỳ ngộ đấy ạ.
Nghe thế, Mai Duy Dũng liền trỏ vào Hà, trêu: Đây là Đức Bác… rồi lại chỉ vào mình, nói tiếp: Còn đây là… Đức Chú… Chúng tôi lại cười tóa. Tiếng cười át tiếng gió rát rạt ngoài sân.
Tường cho biết:
- Từng có đợt, em đi làm nhiệm vụ 5 năm liền, mà chỉ về ăn Tết cùng gia đình có một lần.
- Nhưng về là “ngon”, cứ về là lại có thằng cu!
Một đồng đội của Tường ngồi gần đó, tếu táo trêu. Tường đỏ mặt ngượng nghịu. Em kể:
- Chúng em mới sinh cháu thứ hai. Khi nhà em chuẩn bị sinh thì em ra đảo. Được một thời gian thì vợ em sinh con. Em mới được thấy con qua ảnh, chứ chưa được bế con lần nào…
Được biết, Tường từng đi làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết, và nay là đảo Song Tử Tây. Như bao đồng đội có nhiều năm ở đảo, liên tục xa nhà, nên với Tường, nỗi nhớ nhà nhiều bằng tình yêu đảo và đồng đội. Cảm xúc này không chỉ là của riêng Tường, mà là của tất cả những người lính đảo. Quanh năm xa gia đình, người thân, xa quê hương, các anh các em luôn có một tình cảm, sự gắn bó sâu nặng với đơn vị, với đồng đội. Với ai kia, khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” có thể chỉ là khẩu hiệu, nhưng với những người lính đảo, với cán bộ, chiến sĩ Trạm rada 21 thì đó đích thực là lời xác nhận về một tình cảm sâu sắc, ruột thịt của những người lính.
Ngồi cạnh Tường, phóng viên Anh Đào (Đài Tiếng nói Việt Nam) hỏi vui:
- Anh chị đặt tên con có liên quan đến kỷ niệm với đảo không?
Tường cười, ngượng nghịu, thật thà đáp:
- Em muốn đặt nhưng vợ không cho.
Mai Duy Dũng trêu:
- Vì vợ đẻ thì vợ có quyền đặt mà.
Mọi người cười ầm, Tường tiếp:
- Chỉ vì chuyện đặt tên cho con mà em và vợ giận nhau cả tháng luôn đấy. Em muốn đặt tên con theo ý em, nhưng vợ em không nghe, còn nói: anh thích thì về mà đặt! - Tường cười -  Thế mới khó, vì em có về được đâu mà đặt…
Tất cả lại cười. Có ai đó nói vui:
- Con gái Vĩnh Phúc cũng cá tính đấy…
- À, thì chả gì cũng là con cháu Hai Bà Trưng mà! - Tôi đáp. Tất cả lại cười oà.
- Cậu định đặt tên con là Bùi Minh Đức, Bùi Minh Trí đúng không? - Dũng hỏi.
Tường bẽn lẽn:
- Vâng anh! Nhưng các anh chị không biết đâu, việc tưởng đơn giản, thế mà cũng mất cả tháng “gầm gừ” nhau suốt đấy ạ!
Mọi người lại phá lên cười…
Quay qua tôi, Tường rủ rỉ: Em ra đảo công tác từ tháng 1/2022 đến nay (tháng 1/2023) tròn một năm. Nhiệm vụ chính của Trạm chúng em là sẵn sàng chiến đấu. Ra đảo, không nói thì ai cũng biết, có rất nhiều khó khăn. Nhưng với chúng em, khó khăn cũng chính là cơ hội để mình trưởng thành. Được đào tạo về chuyên ngành rada, em luôn xác định rõ tư tưởng, tự trang bị cho mình một bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng đồng đội vượt lên mọi gian khổ, an tâm công tác. Thời gian công tác ở Trường Sa, xa gia đình, cuộc sống có nhiều thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần nhưng anh em chúng em luôn động viên nhau, quyết tâm rèn giũa bản lĩnh quân nhân, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó.
Trong câu chuyện, có lúc, tôi đã hỏi những người lính rada Song Tử Tây về ước mơ của các em. Đáp lại tôi, Phúc - chàng binh nhất yêu thích điệu nhảy hip-hop bày tỏ: Hoàn thành nghĩa vụ, em sẽ về quê, tiếp tục theo nghề thợ bạc của gia đình. Tường thì mong sớm được thăm nhà, và bế con - đứa con sinh sau ngày em ra đảo nên vẫn chưa kịp biết đến vòng tay ấm áp, mạnh mẽ của bố. Hiện tại, vợ con Tường vẫn ở cùng nhà ngoại, cuộc sống vẫn còn nhiều chật vật, lo toan. Còn Hà, vừa gói ghém cây hoa ốc do chính tay em làm ra để Hà Giang chuyển giúp về làm quà tặng gia đình, vừa cười rất hiền mà rằng: em mong gia đình, người thân luôn được bình an, mạnh khoẻ, các con ngoan, học giỏi…
Những ước mơ bình dị xiết bao, vì họ là người lính đảo, là những con người quanh năm xa nhà, nhận về mình những hi sinh thầm lặng không dễ sẻ chia, để bảo vệ bình yên và vẹn toàn chủ quyền biển, đảo, bảo trời thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
***
 
Rồi thì phút chia tay những người lính rada đảo Song Tử Tây đã đến. Nắm chặt tay từng người anh người em mà lòng nghe trĩu nặng nỗi quyến luyến. Cơn mưa biển lại ào ạt rơi, như đồng cảm với chúng tôi. Trên tàu Vạn Hoa trở lại tàu 490, điện thoại tôi rung tín hiệu tin nhắn, là Mai Duy Dũng. Em nói em và cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 21 gửi lời chúc chúng tôi hải lộ bình an… Tôi nghe, thốt rưng rưng. Tôi muốn nói, với Dũng, với Hiến, và Phúc và Tường và Hà, và tất cả những người lính rada Song Tử Tây, với tất cả những người lính đảo, rằng chúng tôi luôn dành gửi về các anh các em, về đảo xa những nhớ thương chân thành từ trái tim… Chỉ một câu nói ngắn ấy thôi, vậy mà khi điện thoại bật lên, tôi lại nghẹn ngào không sao nói cho tròn tiếng.
Thì nhé, những người anh người em của tôi, hãy luôn vững vàng trước mọi phong ba, luôn bình an, mạnh khỏe, lạc quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mãi xứng đáng với niềm yêu tin của hậu phương, của quê mẹ. Cành hoa ốc các bạn tặng, với tôi, mãi là kỷ niệm đẹp nhất, là hình ảnh thân thương về biển, đảo và những người lính biển thân thương. Để mỗi lần ngắm hoa, tim tôi, càng đầy thêm nỗi nhớ đảo xa.
Nơi ấy, có những người lính rada - những người “canh” trời Tổ quốc nơi biển xa vời vợi…
Đảo Song Tử Tây - Vĩnh Yên, 2023
T.V
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc