Con Cui
Ngày đăng: 05/05/2022; 71
Con Cui
                                                             
Truyện ngắn
NGUYỄN TRẦN BÉ
 
So với các con trâu khác ở làng, con trâu nhà tôi không đẹp mã cho lắm. Đôi sừng của nó không cánh ná, cánh cung, mà rùn rụt như cái măng tre, đã thế lại còn vèo vẹo, xoăn xoắn hình vỏ đỗ, ông nội tôi gọi nó là con Cui. 
Tuy xấu mã nhưng Cui rất khỏe và được việc. Ông nội tôi bảo nó là con trâu quý và ngoan. Quý thì tôi chẳng biết, nhưng ngoan thì nhất quyết là không. Trong mắt tôi, Cui là con trâu bất trị. Tuy ngày nào tôi cũng dắt nó ra đồng gặm cỏ đến no tròn, tắm cho sạch bóng, nhưng hễ thấy tôi là nó gầm ghè. Đúng là đồ vô ơn! - Tôi thường rủa nó như vậy. Nhiều lúc nhìn cái mặt câng câng của nó, tôi điên tiết vụt cho mấy phát. Đoạn dây thừng xác rắn gập đôi là thứ “vũ khí” mà tôi vẫn dùng để trị Cui. Thường là mỗi khi đánh nó xong tôi lại thấy ân hận, nhưng cứ nghĩ đến lúc chẳng may tuột sẹo, nó không cho tôi bắt mũi, khiến tôi phải đuổi khắp làng mới tóm được, thì tôi lại thấy đáng đời cho nó. Ông tôi bảo: “Con Cui này he mũi, khó bắt sẹo, nhưng nếu biết cách bắt thì cũng dễ!”. Nghe lời ông, mỗi khi Cui tuột sẹo, tôi thường bẻ một cây ngô non, một ngọn mía hoặc lấy một chậu nước muối để nhử, nhưng ít khi tôi nhử được nó. Điều lạ lùng là, cũng bằng cách đó, ông tôi lại nhử được ngay. Có hôm ông tôi chỉ giơ tay gọi “nghẹ, nghẹ” là Cui tự “dẫn xác” đến cho ông bắt mũi. Sau khi thay sẹo mới cho Cui, không những ông không đánh mắng mà còn vuốt ve, âu yếm nó. Những lúc như vậy đôi mắt Cui lim dim có vẻ cảm động và sung sướng lắm! Tôi hỏi ông: “Sao ông nhử thì dễ mà cháu nhử nó không được ạ?”. Ông cười, bảo: “Con trâu nó cũng như người, ai đối xử tốt với nó thì nó sẽ yêu người ấy!”. “Thì cháu vẫn tốt với nó đấy thôi. Ngày nào cháu chẳng dắt nó ra đồng ăn no cỏ, tắm mát!”. “Điều ấy đúng, nhưng hình như cháu chưa yêu thương nó thực lòng. Có lúc còn lừa dối nó.”. 
Nghe ông giải thích, lúc đầu tôi chưa hiểu lắm, nhưng sau khi tự kiểm lại cách đối xử của mình với Cui, tôi thấy ông nói đúng. Hằng ngày tôi vẫn dắt nó ra đồng ăn cỏ, nhưng đấy là công việc được bố mẹ giao cho, chứ thực lòng tôi chẳng có thiện cảm với Cui. Đấy là chưa kể nhiều khi tụi bạn chăn trâu còn chê con Cui xấu mã, tự dưng tôi ghét lây cả nó. Nhưng có lẽ cái sự lừa dối con Cui của tôi rõ nhất là khi nó tuột sẹo. Giơ chiếc chậu nhôm trước mặt Cui, tôi gọi: “Nghẹ, nghẹ… lại đây tao cho uống nước muối. Mau lên!”. Gọi vậy, nhưng thực ra trong chậu chẳng giọt nước nào. Có lần tôi dùng cây ngô non nhử được nó, cũng với giọng ngọt ngào như vậy: “Lại đây tao cho ăn. Ngô non ngon lắm. Tao không đánh đâu mà sợ. Lại đây!” con Cui ngập ngừng tiến đến. Đợi Cui nhai được nửa cây ngô, tôi bất ngờ chộp lấy mũi nó, luồn nhanh sợi dây thừng xác rắn vào sẹo rồi lôi nó về. Cơn bực tức của tôi đang bị ghìm nén trước đó bùng phát. Tôi nghiến răng, trợn mắt rít lên. Sau mỗi tiếng rít là một cái vụt thẳng tay bằng sợi dây thừng chập đôi vào mặt Cui. Nó cúi gầm mặt tránh các cú vụt của tôi, mũi thở phì phò. Nửa thân cây ngô trong miệng nó đang nhai dở trều ra cùng dãi dớt. Đúng lúc đó ông tôi đến, giằng đoạn dây thừng từ tay tôi, ông quát: “Cháu đừng có ác! Con trâu là con của, là bạn của người, sao cháu lại tệ bạc với nó như thế? Bao công to, việc lớn của đồng áng đều trông chờ vào nó, cháu có biết không?”. Nghe ông nói, tôi ứa nước mắt, lùi ra. Ông xoa xoa những vết bầm trên mặt con Cui, nói với nó điều gì đó tôi không nghe rõ. Chỉ thấy đôi mắt con Cui chớp chớp, ngước nhìn ông tôi đầy vẻ biết ơn.
Cui bị ốm. Chẳng biết có phải tại trận đòn hôm nọ của tôi hay không, nhưng hôm nay tôi thấy Cui khật khừ, ủ rũ. Đôi mắt nó lúc nào cũng nhoèn nhoèn nước và đầy nhử. Cái mũi thì khô cong và liên tục thở phì phò. Mỗi lần thấy tôi, Cui lại cúi đầu tránh mặt, vẻ sợ hãi. Tự nhiên tôi thấy thương nó quá! Kiếm một cây ngô non, tôi chìa trước mặt Cui, nựng: “Này, ăn đi Cui! Thôi đừng giận tao nữa! Tao biết lỗi rồi. Từ nay tao không đánh mày nữa đâu!”. Hình như nể tôi, Cui cố sức lè lưỡi liếm cây ngô non, nhai một cách khó nhọc. Tôi ôm lấy cổ nó, vỗ về: “Cố ăn cho chóng khỏi, Cui nhé!”.
Tôi đang định vào nhà báo cho ông biết việc Cui bị ốm thì đã thấy ông tôi dẫn chú Thoát - cán bộ thú y của xã - về chữa bệnh cho Cui. Thì ra ông đã biết chuyện Cui ốm trước cả tôi. Khám xong cho Cui, chú Thoát bảo: “Rất may là nó chỉ bị ngộ độc thức ăn, chỉ cần cho uống nước tỏi, nước gừng và nghỉ ngơi vài hôm là khỏi.”.
Sau ba ngày được ông và tôi chăm sóc, Cui đã khỏi ốm. Nó ăn một lúc hết bó cỏ lá tre tôi cắt về. Nhìn Cui ăn ngon miệng, tôi phấn khởi bảo nó: “Từ nay tao với mày là bạn tốt của nhau Cui nhé!”. Chẳng biết Cui có hiểu lời tôi không, nhưng tôi thấy nó ngừng nhai, chớp chớp mắt vẻ cảm động lắm!
Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu hết lời dạy của ông, rằng, con trâu nó cũng như người, ai đối xử tốt với nó thì nó sẽ yêu người ấy!
 
N.T.B
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc