(Nhân đọc tập thơ “Gió ở đầu sông”, của nhà thơ Bùi Quốc Bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2021)
TRẦN KHOÁI
Dày, mỏng một nghiệp văn phụ thuộc vào bao sự thẩm định, đánh giá của bạn đọc. Cùng song hành còn là chuyện thử thách nghiệt ngã của thời gian. Bởi thời gian luôn có hai mặt: Vun đắp và loại bỏ…
Vân vi triết lý đôi điều là khi tôi nghĩ về thi sĩ Bùi Quốc Bình, người mà trong thập niên qua đã có tới 5 tập thơ ra mắt bạn đọc.
Có dịp đàm đạo với một số cây bút văn chương, người thì cho rằng cần có sự kết tinh nghệ thuật hơn nữa, người lại nể phục về sức lao động sáng tạo của một ngòi bút.
Với người viết lời giới thiệu này lại thấy - nhịp điệu hai, ba năm ra mắt một tập thơ (đều do Nxb. Hội Nhà văn ấn hành) đủ nói lên sự cố gắng, niềm đam mê và thái độ nghiêm túc của tác giả Bùi Quốc Bình.
Ở tuổi ngoài 70 (ông sinh năm 1949), những công việc khác có thể sẽ bất cập, nhưng với một nhà thơ tôi lại thấy đây là lúc có sự hội tụ những phẩm chất cần thiết cho sự sáng tạo.
Độ tuổi này người ta đã qua nhiều trải nghiệm cuộc sống… với người cầm bút vốn sống sẽ giúp họ làm nên những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Bởi vì đối với một nhà văn, nhà thơ, cái đích cuối cùng làm nên tên tuổi của họ chính là những tác phẩm. Nói như Raymond Carver (nhà văn Mỹ): “… Một nhà văn cần được đánh giá qua những gì anh ta viết, và chỉ nên thế thôi…”.
Nếu coi ý kiến của Raymond Carver như một nguyên lý, lý luận thì xin được đi sâu vào tập thơ mới nhất của Bùi Quốc Bình - tập thơ “Gió ở đầu sông” (Nxb. Hội Nhà văn, 2021).
Nhìn một cách khái quát 54 bài thơ trong tập phần nào cho ta nhận diện một nhà thơ về nhiều mặt. Ví như bút pháp, đề tài, cảm xúc…
Với tôi, hình như trong thi ca hay ở mọi lĩnh vực cuộc sống thì sự chân thành bao giờ cũng là điều trân quý nhất. Về điều này tôi đã tìm thấy trong thơ Bùi Quốc Bình. Chính nhờ sự chân thành trong cảm xúc, nên thơ ông thường thiên về “Tự sự” - và tôi gọi nó là “Tự sự trữ tình”.
Sự chân thành trước sự đời, sự người với bao thăng trầm thân phận sẽ đánh thức niềm trắc ẩn trong người đọc, từ đó giúp họ đồng cảm, sẻ chia, thương mến… Điều này có thể thấy ở một số bài như: “Những người đàn bà làng chài Cát Bà”. Hình ảnh những người đàn bà “choãi chân kéo lưới” và họ “để lại dấu tay trên vỏ sò vỏ ốc…” cho ta thấy sự lao động cực nhọc, dãi dầu… chỉ có vậy họ mới nuôi được bản thân, gia đình, con cái lớn khôn. Cảm động hơn từ những con người bình dị ấy - đó là khi đất nước giặc giã xâm lăng, họ sẵn sàng “tiễn chồng con đánh giặc…”.
Quả thật những điều nhà thơ nhận biết về những người đàn bà vùng biển đã trở thành nỗi “ám ảnh” với nhà thơ và với cả chúng ta khi tiếp xúc với bài thơ ông viết.
Ở bài thơ “Tự sự hậu chiến” cũng vậy. Bài thơ là tự sự của những người lính - trong đó có cả nhà thơ. Sau chiến tranh sống sót trở về, hằng năm, họ tổ chức họp mặt. Đấy là những giờ phút họ được: “Chuyện chồng lên chuyện/ Cũng chỉ là để nhớ mà thôi…”, nhớ kỷ niệm chiến trường một thuở để mà đau mà xót, để mà mừng mà vui. Nước mắt cũng đấy mà nụ cười cũng đấy. Hợp tan là chuyện lẽ thường. Tan ra để rồi hợp lại đông vui hơn ai chẳng muốn. Nhưng xót xa với người cựu chiến binh lại là ở chỗ năm sau gặp lại họ già yếu thêm, thưa thớt thêm… và họ cay đắng nhận ra: “Một điều tôi không giấu tôi mãi được/ Bạn cũ mỗi năm vơi dần…” (Tự sự hậu chiến).
Có thể nói trong tập thơ “Gió ở đầu sông”, chùm thơ Bùi Quốc Bình viết về kỷ niệm chiến tranh, những địa danh chiến tranh và thân phận con người hậu chiến thực sự cảm động. Tôi biết ông từng là người lính trong những năm chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Chính vì thế ông viết về chiến tranh, viết về người lính là viết về chính mình, về đồng đội của mình mà hôm nay đã người còn người mất. Những bài thơ như “Tự sự hậu chiến”, “Viết ở Vị Xuyên”, “Phía trước và phía sau người chiến sỹ”, “Với cát Trường Sa”, “Hãy cho con ôm mẹ”, “Núm ruột”, “Mẹ ngồi đan áo”,…
Đọc những bài thơ này tôi luôn có cảm giác mình được đến với những nỗi lòng, nỗi đời, những chia sẻ ngậm ngùi, bi tráng - trước cả khi mình đến với thơ.
Tuy nhiên xin dành lại bạn đọc về đề tài hậu chiến trong tập thơ. Phần còn lại bài viết sẽ đi sâu vào đề tài lịch sử mà tập thơ “Gió ở đầu sông” đề cập tới.
Tôi biết đây là mảng đề tài mà Bùi Quốc Bình có sự am hiểu sâu về kiến thức. Chả thế, tập thơ có trên 50 bài, mà tác giả dành ngót 20 bài về đề tài này. Đọc kỹ một số bài nhà thơ viết - tôi thấy ông khá tinh tế khi thể hiện. Bởi vì, như một học giả phương Tây từng quan niệm: “Đằng sau những câu chữ về lịch sử là cuộc sống được tái hiện, diễn ra với bao con người và số phận…”.
Từ ý kiến trên có thể hiểu: Lịch sử là những sự kiện, con người, địa danh, chiến tích… của quá khứ nhưng nó vẫn tồn tại, có mặt trong cuộc sống hôm nay. Nó giúp cho chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm, trăn trở và thanh lọc để sống tốt hơn, đẹp hơn trên nền tảng truyền thống.
Tinh thần này ta có thể thấy qua bài thơ “Ghi ở thành cổ Sơn Tây”. Đây là bài thơ hay. Bài thơ thể hiện rất rõ phong cách Bùi Quốc Bình mỗi khi viết về đề tài lịch sử.
Bài thơ được kết cấu bằng 3 khổ thơ, viết theo lối thơ mới. Khổ thơ đầu là niềm tự hào của nhân vật “tôi” trữ tình. Bởi vì anh đến thành cổ Sơn Tây không phải bằng em gái hướng dẫn viên du lịch dẫn đường, cũng không phải một sử gia chỉ lối mà là: “Sơn Tây dẫn tôi tròn một vòng thành cổ…” cả một miền quê dẫn anh đi. Không gian, thời gian rộng mở một xứ Đoài. Đón anh là bốn cổng thành “gió cuốn”, là “Rặng duối già làng Mông Phụ - Đường Lâm…”, là Đền Và, chùa Mía như còn đó Ngô Quyền “Luyện tượng”, Đại Vương Sơn Thánh hiển linh…
Những gì anh thấy, xa thì thật xa vì đấy là lịch sử, gần thì thật gần vì đấy là cảnh và người của thành cổ Sơn Tây hôm nay.
Khổ thơ thứ hai là khung cảnh và con người Sơn Tây trong thời kỳ đổi mới. Sơn Tây giống như một cô gái eo thon lướt xe đời mới làm tươi trẻ cả khu phố. Người dân tươi vui ríu rít. Hoa phượng vào hè tưng bừng cùng trang sách học trò. Sông Hồng thuyền xuôi với khoang hàng đầy ắp…
Xứ Đoài như thế - Sơn Tây như thế đã sản sinh những nhà thơ ưu tú - đó là Quang Dũng với bài thơ: “Đôi mắt người Sơn Tây” bất hủ của ông.
Trước một thành cổ Sơn Tây xưa và nay, nhân vật “tôi” trữ tình thấy mình như được thanh lọc ở nơi đây để sống tốt hơn, đẹp hơn của một người tử tế.
Trong tập “Gió ở đầu sông”, Bùi Quốc Bình có hai bài viết về các tháp cổ: “Chiều Tháp Nhạn” và”Tháp Bình Sơn”.
“Chiều Tháp Nhạn” là bài thơ viết về cảm xúc của người con xa xứ nay có dịp về thăm lại cổ tháp trong nỗi bồi hồi, xúc động. Còn với tôi trong hai bài trên, xin được dừng lại ở bài “Tháp Bình Sơn”. Và cũng chỉ đi sâu vào khổ thơ đầu của bài thơ này là chủ yếu: “Vóc dáng kiến trúc Lý - Trần/ Tạc vào cao xanh tài hoa bốn mặt/ Những phương trời - phương người - thông điệp/ Hậu thế hiểu gì dụng ý tiền nhân?...”.
Đoạn thơ cho ta thấy - nhìn cây Tháp Bình Sơn (thuộc huyện Lập Thạch cũ - nay thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), nhà thơ nhận ra vóc dáng kiến trúc Lý - Trần với “Thông điệp” gửi phương trời - phương người đó là sự tài hoa, hoành tráng, vươn lên và thách thức khẳng định sự bền vững. Sức gợi của đoạn thơ làm ta nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của triều đại nhà Lý và nhà Trần. Một thời đại thiên đô lập nước phá Tống bình Nguyên Mông. Những vương triều hung bạo của phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta. Hào khí Đông A của vương triều nhà Trần làm nên chiến thắng lẫy lừng Bạch Đằng - Vạn Kiếp… sự phấn khích ấy còn vang trong thơ Trần Nhân Tông đầy chất tráng ca: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu…” (có thể hiểu: Đất nước đến ngựa đá cũng hai lần lao ra trận/ Vì thế non sông này nghìn năm bền vững).
Cái thông điệp gửi hậu thế còn là “Ngọn tháp - ngọn đèn” soi tỏ lòng người dọc dài lịch sử gửi về mai hậu: “Gió hôm nay ngưỡng vọng gió ngàn năm…”.
Trong chùm thơ Bùi Quốc Bình viết về đề tài lịch sử còn phải kể tới bài thơ “Nhớ Trần Nguyên Hãn”.
Tôi từng đọc một số bài viết về Trần Nguyên Hãn của ông và đều có ấn tượng sâu sắc.
Quê Bùi Quốc Bình thuộc xã Đức Bác (trước thuộc huyện Lập Thạch nay thuộc huyện Sông Lô) cận kề với làng Sơn Đông “Làng gốm” nơi có đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn - người đã cùng Lê Lợi và Nguyễn Trãi dựng nghiệp nhà Lê - vương triều hoàng kim của lịch sử phong kiến trung đại Việt Nam.
Tôi tin khi còn nhỏ nhà thơ đã được nhiều lần theo cô, dì, chú, bác hoặc cha mẹ… đi dự lễ đều đặn hằng năm. Lớn lên qua trường học, sách vở và đường đời ông càng hiểu thêm thiên tài thao lược, những chiến thắng vô cùng oanh liệt của Tả tướng quốc và cả giông bão oan khiên cuộc đời ông.
Đọc bài thơ “Nhớ Trần Nguyên Hãn” đúng là đã nhớ thì phải đi tìm. Vì thế câu hỏi: “Ông ở đâu?” cứ dội lên thôi thúc, bức xúc. Câu hỏi ấy có tới sáu lần ghim xoáy vào tâm thức người đọc.
Nhà thơ không tìm ông ở ngôi đền người ta thờ ông, mà tìm ông khắp cõi nhân gian. Nhà thơ thấy ông dọc thời gian lịch sử, thấy ông bên bờ sông Lô, trong trang trại Sơn Đông. Thấy ông trong trận đánh Xương Giang gươm chìm giáo gãy. Thấy ông trong cuộc sống ruộng vườn. Thấy ông bên bến Đông Hồ. Thấy ông “Một vầng trăng” nhưng có lẽ cái nơi xứng với Trần Nguyên Hãn nhất đó là: “Lòng muôn dân căn cước đời người…”. Đấy mới là vĩnh cửu. Đấy mới là cao quý. Đấy mới là cái đích của mọi nguyên thủ.
Để kết lại bài giới thiệu này xin được dẫn ra buổi trò chuyện giữa tôi và Bùi Quốc Bình. Ông hỏi: “Anh biên tập giúp em tập thơ chắc anh đã đọc kỹ, anh thấy thế nào?”.
Tôi trả lời: “Thơ ông hay. Đề tài phong phú. Bút pháp linh hoạt, cảm xúc chân thành. Tránh được những vân vi, nhàm chán, quẩn quanh...”.
Có hai mảng đề tài mình thích đấy là những bài viết về hậu chiến và những bài viết về lịch sử.
Ông nói: “Bác quá khen! Em muốn được thấy những mặt còn yếu kém của mình để cố gắng sửa chữa khắc phục”.
Tôi trả lời: “Ông là cái gì mà tôi phải khen nịnh. Gần 80 tuổi người ta thường thật lắm! Thấy tập thơ hay tôi bảo là hay. Hơn nữa ông cũng đã có tới 4 tập thơ được xuất bản. Vì thế làm gì ông lại không đánh giá được tập thơ hay, hay không hay”.
Tôi cười nói tiếp với ông: Chính vì nó hay nên ông sẽ vất vả lắm đấy. Thứ nhất là bạn đọc sẽ tin tưởng và chờ đợi tập tiếp theo của ông. Thứ hai là tập tiếp theo phải hay hơn tập thơ này.
Ông nắm tay tôi cười tít mắt: Em sẽ cố!
T.K