Hương Tết
Ngày đăng: 20/01/2025; 83

NGỌC ANH

 

            Khi ngọn gió cuối Đông trở giấc giao mùa, đất trời đánh thức những cành cây khẳng khiu trụi lá cựa mình bật tung mầm non xanh biếc, mơn mởn… khi ấy tôi biết là mùa Xuân đang về.

            Theo quy luật của tự nhiên, Xuân về, bầu trời lắc rắc làn mưa mỏng nhẹ bàng bạc. Không khí Tết cứ như vậy theo chị gió Xuân tràn khắp các phố phường, cánh đồng, ngả đường rồi ùa vào từng mái nhà. Ngày còn nhỏ, cứ sau ngày cúng ông Công ông Táo là tôi phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Mẹ hướng dẫn tôi cẩn trọng bao sái từng chiếc lư đồng, lau sạch bụi phủ trên những bức tranh, ảnh ông nội để lại mà lòng chộn rộn về cái Tết sum vầy, đoàn tụ. Bố sẽ thay bóng đèn, trang trí thêm dàn màu nhấp nháy xanh đỏ, sơn lại tường nhà cho mới, cho đẹp. Khoảnh sân trước nhà, những chậu hoa hồng màu trắng, đỏ, nâu chúm chím ngậm sương cười e thẹn; vạt cải ngồng trổ những cánh hoa xinh xắn, vàng ruộm toả hương trong nắng sớm. Riêng với tôi, cứ thấy thoảng trong gió mùi thơm của luống mùi già mẹ trồng là tôi biết Tết đã về.

Nhớ ngày còn bé, vào dịp cuối năm, mỗi lần đi chợ sắm Tết cùng bà ngoại tôi thấy bà không bao giờ quên mua mấy mớ mùi già. Khác với những loại rau và người bán rau, chủ gánh mùi già chẳng bao giờ mời mọc, chèo kéo khách. Và, không giống như mua các thực phẩm, hàng hoá, người mua mùi già cũng chẳng bao giờ mặc cả, kì kèo. Ai mua chỉ hỏi, chọn rồi trả tiền. Hương mùi già thật thơm. Nhìn mớ cây già cỗi, xấu xí với chi chít những quả tròn nhỏ màu nâu nhạt ấy tôi ngây thơ hỏi ngoại mua để làm gì, rau già thế này sao ăn được? Ngoại tôi cười, bảo rằng: nó có ích lắm, là cháu chưa biết đấy thôi. Ngoài làm gia vị trong món ăn, mùi già còn là dược liệu để chữa bệnh trầm cảm và cung cấp các khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Khi cây mùi già trổ hoa, kết quả thường được lấy về để tươi, hoặc phơi khô đun nước tắm. Việc tắm nước cây mùi già cơ thể không chỉ thơm tho mà còn giúp tinh thần thêm sảng khoái, dễ chịu.

Để có được những cây mùi già, các gia đình trồng rau thường bớt lại ở luống rau những cây mùi to, khoẻ để chúng cao lên, ra hoa kết quả. Những chấm hoa tí xíu màu trắng, tím, toả hương kín đáo giữa thảm lá xanh mướt, mảnh mai nhìn thật đẹp. Mùi ra hoa rồi kết quả. Những quả mùi xanh ngắt, tròn xoe, to bằng hạt đỗ, treo khắp thân cây. Lúc ấy, nhìn những cây mùi khẳng khiu và mong manh đeo những chùm hạt căng mẩy, nhỏ nhắn tròn xoe thật thích mắt…

Chiều Ba mươi Tết, ngoại lấy mớ cây xấu xí ấy rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ săm sắp nước, bắc lên bếp, chụm củi đun sôi. Khi nước trong nồi lục bục rồi bồng lên, một mùi thơm nồng ấm lan toả từ bếp lên nhà xua đi cái ẩm ướt, rét mướt của buổi chiều cuối năm. Chính mùi thơm dịu của nước mùi già khi tắm xong vương trên tóc, trên da thịt, áo quần… khiến tôi như tĩnh tâm, thư thái hơn sau bao mỏi mệt, phiền muộn trong cuộc sống để đón chào một năm mới may mắn và tốt đẹp.

Trưởng thành, có gia đình riêng, tôi bắt chước ngoại giữ nếp đun nước tắm từ cây mùi già cho tổ ấm nhỏ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Chiều Ba mươi Tết năm nay, sau khi hoàn tất mâm cơm cúng gia tiên, ngồi trong căn bếp nhỏ, chụm củi đun nồi nước mùi già cho chồng, con tắm. Nghe âm thanh tiếng củi nổ tí tách, xèo xèo khiến tôi nhớ lại những cái Tết của tuổi thơ, nhớ hình ảnh ngoại giờ đã về cõi hạc tất tả bên bếp lửa nấu bữa tất niên, nhớ mùi nhang trầm vương vít trong ngôi nhà cổ của ngoại, nhớ mùi thơm của mứt gừng, mứt dừa do chính tay ngoại làm. Những hình ảnh đó giờ chỉ còn là kỷ niệm… Chẳng biết tục tắm nước cây mùi già vào ngày tất niên có tự bao giờ và cũng không biết hương mùi đã phả thơm bao cuộc đời nhưng mỗi dịp Xuân về, mùi hương ấy luôn làm tôi xao xuyến, chộn rộn. Hương mùi già khiến cái Tết trở nên trọn vẹn, đủ đầy. Ngỡ ngàng cảm nhận chút hương vị tưởng đâu là tơ duyên của thiên nhiên ban tặng cho con người làm tôi thấy bâng khuâng nhớ những cái Tết của tuổi thơ, của những ngày kinh tế gia đình còn khó khăn, thiếu thốn...

             Giờ, nơi tôi sống là thành phố trẻ đang vươn mình theo nhịp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chỗ nào cũng nhà cửa san sát, quán sá nhộn nhịp, người xe chen lấn chật chội, đông đúc, hối hả… Không còn “dấu vết” của ngày xưa nữa, cũng không còn cảnh nhà nhà, người người quây quần bên nhau ngồi hơ tay bên bếp lửa ấm trông nồi bánh chưng chờ đón giao thừa. Trong muôn vàn sự đổi thay ấy, Tết vẫn ngọt ngào trong cái rét, trong lất phất mưa bay để cây cối đâm trồi nảy lộc, đơm hoa kết trái dâng mật ngọt cho đời.

Xuân về, mọi người thêm tuổi mới, sức khoẻ và nhiều niềm vui mới. Kính lễ bề trên, con cháu tới nhà chúc Tết ông bà nội, ngoại, họ hàng xa gần và nhận từ ông bà, cha mẹ phong bao lì xì màu đỏ cùng lời chúc may mắn, hạnh phúc; năm mới học giỏi, công việc thuận lợi, hanh thông... Tết này, nhà cửa được tôi chăm chút, trang trí và trưng bày theo hướng hiện đại, song không bao giờ tôi quên dán giấy đỏ lên bàn thờ, cánh cổng, cửa sổ để chúa Xuân mang hạnh phúc, bình yên đến với gia đình mình. Với tôi, màu đỏ chính là màu của Tết, sắc đỏ chính là sắc “kéo xuân về”.

Xuân Giáp Thìn 2024 đã về. Chúc cho đất nước đổi mới, nhà nhà, người người khoẻ mạnh, bình an, lộc tài tăng tiến; còn cánh trẻ chúng tôi cũng chúc nhau đồng lòng vượt khó, thi đua học tập thật tốt để mai này dựng xây quê hương ngày thêm giàu đẹp, phồn vinh.

N.A

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc