Cảnh giới
Ngày đăng: 07/05/2024; 109
Truyện ngắn
 HÀ ĐÌNH CẨN
 
     Tôi bất ngờ vì An lên sống ở ngôi chùa nhỏ của làng trên lưng núi, mà nào đã già, cữ tuổi tôi, ở nhà có tiền thương binh hàng tháng vẫn ổn. Lên chùa gặp An, tôi lên tiếng, nam mô a di đà Phật. An cười bảo, mình không phải là sư, chưa từ được sân si nên chỉ xin làm bõ thôi. Bõ thật, An không xuống tóc, không mặc áo tràng, lại còn phì phèo thuốc lá. Tôi bảo An, sao ông lại lánh sự đời sớm thế? An bảo, nào tôi có lánh, ở đây ai cấm tôi làm việc đời. An nói, nhìn tôi vẫn cái nhìn chất phác và hiền lành, tự tin nhưng có gì đó như nhẫn nhịn.
     Ngày còn trẻ, An đã có cái nhìn ấy. Bây giờ vẫn thế.
     Chúng tôi là bạn, nhập ngũ cùng đợt. Ngày lên đường vì An đẹp trai, học giỏi, đã có người yêu - là cô Kim, xinh nhất làng tặng chiếc khăn thêu đôi bồ câu châu mỏ vào nhau. Còn lông bông như tôi vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Hai đứa cùng xe đón lính mới, nhưng đến bãi tiếp nhận, An đi một nơi, tôi về một hướng. Sau sáu tháng huấn luyện, tôi mới biết, An được chọn vào đơn vị công binh. Đất nước thời kỳ chiến tranh, bộ đội công binh lúc nào cũng nhiều việc. Vì thế, khóa huấn luyện tân binh vừa xong, An đã theo đơn vị vào Trường Sơn làm đường. Nửa năm sau, đúng là trời định, đơn vị chúng tôi hành quân vào Nam, dừng chân nghỉ lại ở Binh trạm 12 bên dòng sông Sêrêpốk. Tôi đang tắm, có người réo, Hà làng Vằng có phải không? Cứ nguyên bộ quần áo ướt, tôi ôm chầm lấy An làm cậu ta cũng ướt đầm đìa. Được một đêm ngồi với nhau, chia nhau từng điếu thuốc lá Tam Đảo và ít lương khô, ruốc mặn, rồi lại mỗi thằng một hướng.
     Đơn vị tôi vào Bắc Tây Nguyên, ở gần đầu con đường Trường Sơn do đơn vị An mở chạy qua, nhưng chẳng thể nào gặp được nhau. Chiến tranh có khi hai đứa cùng một tiểu đoàn cũng không nhận ra nhau, huống hồ một công binh, một bộ binh. Tuy nhiên, do sau này tiểu đoàn của tôi được điều đi vác gạo, vác đạn từ bãi hàng cạnh đường Trường Sơn đưa sâu vào Pleiku chuẩn bị đánh lớn, nên hóng tin lính kể cũng biết chút ít về  An, hay cậu nào đó đại loại tên là An.
     Chuyện lính hay tầm phào, phóng đại mua vui, ai tin thì tùy. 
     Nơi các nhánh đường Trường Sơn mở qua thường là vùng không dân, nhưng cũng có đôi chỗ, ở lưng núi heo hút, nhô lên một hoặc vài nóc nhà cô độc. Họ sống thế nào ở đó, khi không có cộng đồng, hoàn toàn là bí mật với cánh lính mở đường. Chỉ biết họ đang ở đó, như cây rừng bám vào đất, cứ thế mà tồn tại. 
       Một chiều đơn vị của An đang san lấp hố bom để thông xe thì máy bay địch lại đến giội bom xuống đoạn phía trước và cả mấy ngôi nhà tận ven núi xa. Chỉ thấy khói từ ngôi nhà bốc lên, không nghe thấy tiếng người. An chợt nghĩ, những người ở ngôi nhà ven núi xa kia có bị sao không? Sống hay chết? Ai cứu họ? Tiểu đội trưởng An nói với anh em, tiếp tục lấp hố bom, để anh chạy lên chòm bản vừa bị địch giội bom xem dân tình ở đó ra sao.
       Chòm nhà cô đơn nhìn thì gần nhưng đi tới khá xa, phải qua mấy con suối, mấy dốc mới tới, mất hơn hai giờ. Trời ơi, nếu An không lên ngôi nhà này thì tai họa lớn. Bên cạnh mái nhà cháy lửa đã lụi, có một người đàn bà nằm co gập người lại, như cố che chở đứa bé nằm ôm lấy chân người mẹ. Người mẹ đã tắt thở, trong khi đứa bé gái chừng như khóc hết nước mắt, chỉ thở khò khè, mắt trắng dã, hoảng sợ.
      An mai táng người mẹ vô tội rồi ẵm đứa bé ngồi chờ xem có người nào về ngôi nhà này không. Chờ mãi, đến tối nhọ mặt người vẫn không thấy ai. An viết vài chữ lên trang giấy nhỏ: “Tôi đón cháu về đơn vị công binh 32. Nếu người nhà về, xuống đơn vị nhận cháu. An, hòm thư 032110”, đặt vào chiếc túi nilon, buộc chặt phòng mưa gió, treo lên cành cây cạnh ngôi mộ mới.
      Cả tuần nuôi cháu bé ở đơn vị, không có ai đến nhận.
      Bấy giờ dọc các binh trạm Trường Sơn và đơn vị đồn trú đảm bảo xăng dầu, kho bãi không hiếm trẻ nhỏ. Có nơi còn có hẳn tổ nuôi dưỡng những đứa con do các cô thanh niên xung phong, giữ kho, trạm bơm xăng, giao liên nhỡ nhàng sinh ra. Cũng có những đứa trẻ vùng hậu địch, bố mẹ hi sinh, cơ sở tìm cách gửi chúng theo đường giao liên ra Bắc cho hưởng chính sách con liệt sĩ, nuôi dưỡng ăn học.
Những em bé chuyển theo đường giao liên thường rất lâu mới qua hết con đường bom đạn này. Bé đến được tay các cô thanh niên xung phong, thường bị giữ lại vài ba hôm, để các cô trang bị thêm quần, áo, đường sữa và chơi với bé cho đã cơn thèm trẻ mới chuyển giao cho đơn vị khác bế đi tiếp. Có bé bị ẵm đi, ẵm lại mấy lần trên một cung đường, vì đến lúc bàn giao, cô giao liên bảo, do yêu bé quá, ẵm quay lại.
     Bé gái An ẵm về thuộc diện sẽ gửi giao liên cho ra Bắc. Sau khi làm thủ tục ở binh trạm, do cháu còn yếu, bị sốt, lại sợ người lạ nên An giữ lại đơn vị, chăm sóc cho cháu khỏe rồi mới gửi đi.
     An tính là vậy, nhưng ở giữa nơi bom đạn đâu biết chắc ngày mai.
     Một sáng, An gửi lại bé cho tổ nuôi quân, đi phá bom nổ chậm. Phá đến quả thứ ba, không may một quả bom bi tròn như quả bóng tennis đen óng màu nòng súng lăn từ trên vách talus xuống, nổ ngay dưới chân anh. May cạnh đó có chiếc hố, An lao người xuống kịp, chỉ một bên chân còn chới với trên miệng hố nên bị bom cắt mất nửa bàn chân. 
     An nổi tiếng phá bom mở đường bị loại khỏi vòng chiến đấu chỉ sau một tiếng nổ của bom bi.
     Trên cáng về trạm xá An ôm theo bé gái. Ở đơn vị, cháu bé là con của một gia đình dân tộc bị bom dội còn sót lại. Đến trạm xá, đứa bé thay đổi lý lịch đã là con của một người bạn vào tuyến trong gửi đem về hậu phương. Từ trạm xá ra đi, bé gái lại thay lý lịch lần nữa - là con của chính An với cô gái dân tộc đã mất vì bom đạn. Bấy giờ chả ai có thì giờ mà đi xem xét tông tích một cháu bé.
An ẵm cháu bé qua các đơn vị dọc đường Trường Sơn đều nhận được sự chăm sóc của rất nhiều người, đặc biệt là các cô bộ đội và thanh niên xung phong. An phải mang theo đến hai ba lô đường sữa, quần áo mà các cô, các anh gửi cho cháu. Đến ngày An làm giấy phục viên với thương binh hạng 2/4, về quê, cháu bé đã năm tuổi.
     An về nhà, dắt theo bé gái, mắt tròn xoe, má phúng phính, tóc cột đuôi gà xinh xinh nhảy nhót, rối rít gọi An là bố, cả làng ngỡ ngàng. Người bị choáng là cô Kim. Cô đã chờ An mấy năm trời, nhiều chàng chạm ngõ đều bị cô từ chối, thế mà ngờ đâu...
     An kể lại chuyện bé gái, có sao nói vậy nhưng Kim không tin.
     Kim bảo, anh không phải nhiều lời, nhìn mặt con bé là em biết con ai. Giỏ nhà ai quai nhà nấy, nhìn chả khác anh tí nào.
     An nói thế nào Kim cũng không nghe. Kim không chấp nhận đứa bé, An đành một mình nuôi con. Anh dọn căn nhà cũ bố mẹ để lại, chị gái đi lấy chồng vẫn giữ cho để hai bố con ở. Tiếng bé gọi bố líu lo suốt ngày nên căn nhà cũng đỡ trống vắng. Có chút tiền phụ cấp thương binh, trồng thêm rau củ ở vườn, nuôi đàn gà, cuộc sống hai bố con An cũng tạm ổn.
Nuôi con, khổ nhất là lúc con đau ốm. Gà trống nuôi con lại khổ hơn.
     Một đêm, bé bỗng khóc thét lên, gọi mẹ, không chịu để bố An ru ngủ. Thôi chết, đầu con nóng như hòn than. An ẵm con chạy vội lên trạm xá xã. Y tá trạm xá cho uống thuốc giảm sốt, bé vẫn nóng bỏng, lại run như sốt rét, dỗ thế nào cũng chỉ nằng nặc gọi mẹ. Hoảng quá, An ẵm con chạy về nhà Kim, cầu cứu, xin Kim ôm lấy cháu để cháu có hơi ấm của mẹ. Kim đưa tay đón, nhưng bé cứ ôm chặt lấy cổ An, không để Kim ẵm, đòi về nhà. An ẵm con quay lui, Kim nói theo, em đã bảo rồi, anh trả con cho người ta đi.
       An ẵm con về đến nhà, thì thuốc giảm sốt mới có tác dụng. Cháu giảm sốt rất nhanh, không đòi mẹ, không khóc nữa mà ngủ yên. Không muốn con tỉnh giấc, An ẵm con ngồi tựa lưng vào bờ tường suốt đêm, nước mắt chảy lăn trên má.
     Sau tối An tìm đến nhà nhờ dỗ bé con hai tuần, Kim lấy chồng, là anh chàng bán hàng giàu có trên phố huyện.
      Mất Kim, An buồn, nhưng cầm lòng vậy, biết làm sao. Hôm cưới Kim, An cũng chống nạng gỗ, dắt con đến chúc mừng. Quà mừng ngoài chiếc phong bì nhỏ còn có gói hiện vật là kỷ niệm của hai người từ xưa. Dù buồn, nhưng An cũng phải cứng rắn chấp nhận và được an ủi bởi đứa bé anh nuôi khôn lớn dần, ngoan ngoãn nay đã vào học lớp mẫu giáo lớn. 
   
***
 
      Kim lấy chồng cũng chỉ hạnh phúc được một đêm động phòng, khi những phong bì và gói quà mừng cưới chưa được mở ra. Hôm sau hai vợ chồng vui vẻ mở quà cưới, chiếc khăn thêu hai con chim bồ câu của Kim tặng An ngày đi bộ đội, nay Kim đi lấy chồng, An gửi trả lại lộ ra. Chồng Kim vồ lấy, mặt lạnh băng, hỏi, cái quái gì thế này?
     Kim giải thích chuyện cái khăn.
     Anh chồng nghe xong, nói cộc lốc, ra tôi chỉ là con bò nhai lại của cái thằng trai gái lẳng lơ phải nuôi con một mình.
     Kim nghĩ, rồi chồng sẽ hiểu, nhưng càng ngày chồng càng cố không hiểu, vẫn chấp nhặt chuyện cũ. Chuyện bé xé ra to, có đêm Kim bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà. Kim chạy đến nhà An khóc lóc, bảo tại anh mà em khổ thế này.
     An hỏi ra nhẽ, chống nạng đến thẳng nhà chồng Kim chỉ nạng vào mặt gã chồng tồi, bảo, anh bỏ cái thói vũ phu đi. Chúng tôi yêu nhau, thời ấy đến nắm tay cũng không dám. Anh mà còn làm khổ cô ấy vì chuyện không đâu, tôi thương binh thật nhưng vẫn còn đủ sức phang cái nạng này vào mặt anh.
     An về, người chồng vũ phu càng nổi đóa, giận cá chém thớt, bao nhiêu uất ức anh ta đổ hết lên đầu Kim.
     Đó là những ngày An cũng rất buồn.
     Con gái lên lớp một. Sáng sáng An chống nạng dẫn con đi qua con đường làng rơm rạ vương đầy, nhận được bao nhiêu cái nhìn thiện cảm của người làng. Một vài cô thấy hoàn cảnh của An cũng ngấm ngầm giúp đỡ, khi cho cháu tấm áo, khi mang tận nhà tặng chục trứng gà, nải chuối tiêu cho hai bố con bồi dưỡng. Thường An từ chối khéo để không nhận quà và cả những lời ý tứ tỏ tình. An vẫn chưa quên được Kim, gái làng ngầm hiểu thế.
      Bé đi học được hết học kỳ I thì một hôm có người đàn ông đã luống tuổi, da dẻ mỡ màng, lái chiếc xe ô tô con đến tìm An. Ông ta nói đủ thứ chuyện ngày xưa ở chiến trường Tây Nguyên ra sao, ở Đại đội Kpa Klơng, bộ đội địa phương của Gia Lai đánh nhau như thế nào. Mãi cho đến năm 1973, chuẩn bị cho đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, Đại đội Kpa Klơng của ông ta sát nhập với đơn vị khác để thành một tiểu đoàn bộ binh của tỉnh. Trước ngày sát nhập, ông ta nói, được nghỉ phép mấy ngày vội chạy bổ về nhà. Đứng ở đầu núi, chân muốn khuỵu xuống vì chòm nhà của gia đình và hàng xóm đã bị thiêu cháy từ khi nào không biết. Ông ta tìm thấy ngôi mộ ở khu nhà cháy và mảnh giấy này… Người khách lấy ra trước mặt An mảnh giấy gần năm năm trước anh đã viết.
       An vuốt mảnh giấy, hỏi, vậy bây giờ anh tính thế nào?
     Người đàn ông nói, tôi là bố cháu. Sau chiến tranh tôi về tỉnh công tác, làm ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội không đi bước nữa. Mới rồi sau khi làm giỗ bỏ mả cho cô ấy không còn bị ràng buộc với gia đình, tôi mới đi tìm cháu theo địa chỉ của anh để lại. Tìm nửa năm tôi gặp được anh.
     An làm cơm mời khách, để hai người có dịp ngồi cùng mâm hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay. Sau bữa cơm, An gọi con đến bên, bảo, ông này mới là bố con. Bố chỉ là bố nuôi. Bây giờ con đi theo bố ruột về quê.
      Đứa bé không hiểu chuyện rắc rối của người lớn, cứ ôm lấy An mà khóc, một mực nói con không đi đâu…
      An phải nói với vị khách, xin anh đừng vội, để tôi nói dần cho cháu hiểu. Tôi cũng muốn con phải về với bố. Bao giờ cháu nghe lời, tôi dẫn cháu về với anh. Việc của tôi là cứu người, nay việc cứu đã xong, tôi lấy đó làm vui.  
     Cháu học hết lớp một, An dẫn cháu về Gia Lai với bố đẻ. Sau chuyến đi, An về quê, người như mất hồn, ngồi một chỗ, đến bữa cơm chỉ ăn qua quýt cho xong. Căn nhà cũ năm gian trống trải, đêm nằm chỉ nghe cọt kẹt tiếng mọt. 
      Một tối, cô Kim tìm đến An, nói, không hiểu anh, em làm khổ anh. Anh cho em chuộc lỗi. Em bỏ chồng, xin quay lại với anh.    
Nghe Kim nói, lòng An cũng se sắt. An châm ngọn đèn tọa đăng ít khi dùng đến đặt lên ban thờ. Nhìn đôi mắt sưng đỏ của Kim, An thương tình, nhưng vẫn khuyên, em đừng bỏ chồng. Anh ấy đối xử tệ với em, thì em lựa lời nói dần cho anh ấy hiểu.
     Kim kêu lên, anh ơi, anh còn muốn em khổ đến bao giờ. Em càng nói, anh ấy càng ghét em. Em cùng đường rồi.
     An nói, thực tình, anh chả biết giúp em thế nào cho phải.
     Kim nắm tay An, nói, anh ngửa tay đón em, anh ơi.
     An rút tay ra khỏi tay Kim, nói, em ạ, vào hoàn cảnh của anh được một người thương thì còn đòi hỏi gì. Anh cô độc lại nghèo thế này, nếu có người đàn bà đã có con mà nhỡ nhàng đến với anh, anh cũng mở lòng. Ai thương cũng mừng nhưng người đó không phải là em. Bởi anh yêu em, khi em còn trong trắng, nên khi lấy em cũng phải trong trắng, chứ không phải người đã qua một đời chồng.
    Kim òa khóc, ôm mặt chạy nhanh ra khỏi nhà An.
    Sau tối đó, An lên chùa làng làm bõ.
 
***
 
     Theo chân An tưới hoa chúng tôi đi lòng vòng, vừa đi vừa nói chuyện trên sân chùa. Mới sáng, chùa còn vắng phật tử thăm viếng, nên chúng tôi cứ nhởn nha, chẳng đi đâu mà vội. Tôi nói thật với An, tôi nghĩ, ông là người thiệt thòi nhiều quá, cả đời lận đận. An cười bảo, ai bảo tôi thiệt, tôi giàu thì có. Sư thầy có lần về chùa làng giảng lời cảnh giới cho phật tử, rằng, người cho đi mới là người giàu; của cho đi là của còn mãi với mình.
 An nói rồi cười, vẫn cái cười thời trẻ hiền khô nhưng có gì đó như nhẫn nhịn.  
 
H.Đ.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc