Một cuốn tiểu thuyết dã sử đáng suy ngẫm
Ngày đăng: 25/04/2023; 357
                                                            CAO NGỌC THẮNG
 
Trên tay tôi là cuốn tiểu thuyết dã sử Dòng Lô xanh thẳm của tác giả Đỗ Hàn, người đã xuất bản ba tập thơ, hai tập truyện ngắn và bốn tập truyện hài (Chuyện của Phòm - ký tên LaHAN), do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam ấn hành quý III năm 2021. Cuốn truyện kể về những ngày trước khi Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn gặp nạn trên dòng sông Lô - quê hương ông, khi ông trở về Đông Đô bệ kiến vua Lê Thái tổ, chỉ sau hơn một năm lui về ở ẩn. Năm đó (1429), Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn mới 39 tuổi (ông sinh năm 1390).Không gian và thời gian của truyện chỉ diễn ra trong bảy ngày ở một vùng quê trung du, nơi ba con sông Đà, Thao và Lô cùng chảy qua và nhập vào nhau, trước hay sau, khi đến Bạch Hạc hội tụ thành dòng sông Hồng xuôi về đồng bằng rộng lớn. Song, phạm vi của truyện được mở ra, bao quát cả một thời kỳ oanh liệt, đậm dấu ấn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc của Nhân dân nước Việt dưới cờ tụ nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi cách đây sáu trăm năm.
Có mặt ngay từ những ngày đầu dưới cờ tụ nghĩa của Lê Lợi, chàng trai mang dòng máu Đông A, ở độ tuổi đôi mươi tả xung hữu đột, trăm trận trăm thắng, trên bộ cũng như trên sông nước, phá thành cũng như vây hãm thành của giặc. Lĩnh chức Tư đồ (1424 - 1425), Trần Nguyên Hãn chỉ huy giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ngày nay). Xung chức Thái uý, Trần Nguyên Hãn chỉ huy bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chặn đường tiếp tế của quân Minh trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (1427). Trước khi Lê Lợi xưng Vương (1428), trong cuộc bình công và mừng chiến thắng giặc Minh, Trần Nguyên Hãn được vinh danh và phong chức Tả Tướng Quốc. Nhưng không bao lâu ông rời vị trí bên cạnh vua Lý Thái Tổ, từ quan về an trí. Tại quê nhà - làng Đa Cai, trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới - Trần Nguyên Hãn chỉ huy Nhân dân trong vùng bắt tay vào xây dựng một cuộc sống mới với sự huy động các nguồn nhân lực, vật lực rất rầm rộ. Chẳng ai hay vị Tướng quốc đang nhằm tới mục tiêu gì, chỉ biết rằng công việc của ông đem lại sự bình yên và no ấm cho người dân.
Sự việc từ quan về quê xây dinh thự, đóng thuyền to, sắm khí giới của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn khiến các thế lực quyền uy ở nước lớn phương Bắc và trong triều đình nổi cơn sợ hãi, nổi máu ghen ghét, tỵ hiềm dẫn đến xúc xiểm, gây nỗi ngờ vực cho nhà vua. Và, bi kịch đã xảy ra với vị tướng quốc đầu triều một cách thảm thương và mờ ám.
 
***
Trong khuôn khổ hơn 350 trang in, tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm kết cấu thành chín chương và phần Vĩ thanh, tác giả kể rất nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp oanh liệt cũng như diễn biến dẫn tới cái chết thảm khốc của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Để tải được dung lượng thông tin không nhỏ như vậy, tác giả Đỗ Hàn đã tiếp cận các nguồn tư liệu lịch sử cũng như giải quyết những tình huống, những vấn đề thuộc về lịch sử một cách tường minh, xây dựng nên cuốn tiểu thuyết dã sử với lối kể chuyện khá hấp dẫn, có nhiều sáng tạo, hợp lý và thuyết phục.
Chọn hướng dã sử, tác giả đã vượt thoát sự câu nệ nguồn biên chép từ chính sử vừa ít ỏi vừa mang những định kiến của các sử gia đương thời và tiếp sau. Hướng dã sử cho phép tác giả “khâu nối” các ký ức với thực tại trong các chuyện kể mang tính tâm linh, pha trộn giữa huyền bí và sự thực, phù hợp với đời sống tâm lý dân dã đương thời, tạo nên không khí gần gũi với bối cảnh lịch sử, đồng thời mở rộng không gian và thời gian của tiểu thuyết. Nghệ thuật kể chuyện của tác giả thể hiện ở sự sáng tạo trong cách xây dựng nhân vật, lối kể chuyện và đặc biệt thổi vào tiểu thuyết không khí của thời hiện đại.
Nhân vật trong Dòng Lô xanh thẳm không dựng theo tuyến phân lập của mô-típ “chính - tà”, “địch - ta”, “được - thua”, “tốt - xấu”, mà tác giả xây dựng những bộ ba nhân vật cùng vận động, cùng chuyển động, không tách rời khỏi mối quan hệ, liên hệ của người và người, người và cảnh vật, của quá khứ và hiện tại, của huyền sử và lịch sử… Trong bộ ba ấy, mỗi nhân vật đều có tính cách riêng, hành động độc lập, trong nội bộ cũng như mở rộng mối liên kết với bộ ba nhân vật khác, tạo thành một “tập hợp” liên đới, chặt chẽ nhưng rất linh hoạt, cơ động. Các bộ ba nhân vật trong tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm khiến ta hình dung tới một sơ đồ chiến thuật gồm những “tam giác” cầu thủ vận động trên sân cỏ của một đội bóng đá chuyên nghiệp… Những bộ ba nhân vật ấy đều có giá trị nghệ thuật riêng và lan toả từ chương đầu cho đến chương cuối của tiểu thuyết.
Ngay từ Chương đầu - Trang ấp, mùa xuân, các bộ ba nhân vật chính yếu của tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm đã xuất hiện: Các con sông Đà - Thao - Lô là bộ ba nhân vật trữ tình, được nhân cách hoá; là ba bà vợ của Trần Nguyên Hãn - bà Cả Khiêm - bà Hai Tuyển - bà Ba Ngọc Lanh; là ba anh em kết nghĩa - ông Cả Pheo - ông Hai Hãn - ông Ba Giản.
Bộ ba sông Đà - Thao - Lô tạo nên một không gian khoáng đạt của vùng trung du trù phú, mang nhiều dấu tích của truyền thuyết, của đời sống tâm linh nhiều sắc màu huyền ảo, của truyền thống văn hoá, lao động và đấu tranh chống ngoại xâm. Nơi ấy “Con sông Đà nước xanh đen… đổ vào sông Thao đỏ ngầu phù sa” cùng chảy về ngã ba Hạc Trì “đón nhận dòng nước xanh trong đến nao lòng của sông Lô. Ba con sông hợp làm một tạo nên thế hùng vĩ chưa nơi nào có. Nhưng nước của nó đã phần nào bớt đi cái đỏ hồng của dòng Thao, bớt một phần cái xanh đen của sông Đà. Và, tất nhiên, cũng bớt đi cái xanh trong của Lô Giang…” (trang 156). Chính nơi sông Thao đón nhận dòng nước sông Lô nhập vào “hiện” lên “thành Tam Giang - yết hầu của Giao Chỉ về đường bộ” trong khi ở cửa biển Hải Ninh, sông Bạch Đằng là yết hầu của Giao Chỉ về đường thuỷ (trang 82). Trong ba con sông, Lô giang được tác giả chọn làm nhan đề cho tiểu thuyết, bởi nó gắn liền với không gian quê hương vùng Lập Thạch của Trần Nguyên Hãn, với tích ông cứu người con gái sau trở thành người vợ cả gắn bó cuộc đời ông - bà Cả Khiêm. Tác giả dùng “dòng Lô” chứ không phải “Lô giang” hay “sông Lô” là có ý tưởng riêng của mình muốn nói trong tiểu thuyết. Ở đây, dòng Lô cũng là “nhân vật”, một hướng đi, một dòng chảy rất riêng của Tả Tướng quốc. Dòng Lô ấy chứng kiến những đổi thay do Tả Tướng quốc kiến tạo, những cuộc “hội kiến” trong mộng giữa Trần Nguyên Hãn với Lệnh Bà - Thần Sông cũng là hoàng phi của vua Lê Thái tổ (Chương 3 - Hồn linh ân oán), với Lê Lai “liều mình cứu chúa” xuất hiện cùng ba áng mây xanh - trắng - vàng và “đội quân hắc ám”, tiên đoán vận mệnh chẳng lành sẽ đến với Tả Tướng quốc (Chương 6 - Hồn nặng quốc thù), và đặc biệt trực tiếp chứng kiến cái chết bi tráng của Trần Nguyên Hãn cùng bốn mươi người trong đoàn thuyền xuôi về Đông Kinh, ngay sau đó là cái chết của ông Cả Pheo cùng con tuấn mã đuổi theo con thuyền dọc bờ sông Lô (Chương 9 - Giọt nước lên trời).
Bộ ba nhân vật - các bà vợ của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, mỗi người một lai lịch, một tính cách, một lối xử thế, nhưng cùng chung đặc điểm của người phụ nữ Việt Nam truyền thống: đảm đang, trung dũng và một mực thuỷ chung. Bà Cả Khiêm - người con gái được Trần Nguyên Hãn vớt từ sông Lô khi mới mười lăm tuổi, thành thân với ông trở thành người phụ nữ tần tảo, sinh hạ cho ông người con trai Trần Doãn Hữu, là chỗ dựa vững chắc cho chồng yên lòng nơi chiến trận. Trên đường vào Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn được vợ chồng người lái đò trên sông Luồng (một nhánh của sông Mã) cứu thoát khỏi sự truy đuổi của giặc Minh, nhưng người chồng - Hoàng Dực - hy sinh, để lại người vợ là Lê Thị Tuyển đang mang thai. Sau đó, Trần Nguyên Hãn lấy chị làm vợ, cho đứa con của chị mang họ của ông, vừa để trả ân cứu mạng, vừa thoả lòng mong mỏi mà người chồng của chị trăng trối trong một giấc mộng. Bà Hai Tuyển suốt mười năm bí mật chuyển lương thực tiếp tế cho nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi. Bà Ba có tên Ngọc Lanh xuất thân là con một điền chủ giàu có ở bên kia sông Lô (thuộc huyện Phù Khang), nhưng có cửa hàng thu mua đồ gốm ở trang Sơn Đông, đem lòng ngưỡng mộ và tự nguyện hiến vàng cho Tướng Quân thực hiện việc lớn. Chứng kiến cảnh cô thôn nữ hằng ngày quấn quýt nơi chồng bận việc, bà Cả Khiêm nhắc chồng: “Nên cho người ta một danh phận chứ đừng để người ta phải thiệt thòi”. Ngọc Lanh trở thành người vợ thứ ba của Trần Nguyên Hãn (trang 15).
Bộ ba nhân vật anh em kết nghĩa: Cả Pheo - Hai Hãn - Ba Giản, mỗi người một tính. Cả Pheo đầy nghĩa khí, lòng dạ thẳng ngay, theo Trần Nguyên Hãn vào Lỗi Giang từ khi Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa và xông pha trận mạc khắp đó đây. Ba Giản tận tâm, tận tuỵ, có nhiệm vụ ghi chép những sự kiện diễn ra tại Sơn Đông. Hai Hãn có đức tính của cả hai, thêm tính thâm trầm của kẻ trí lực và tuệ nhãn của đấng anh hào. Từ bộ ba nhân vật này toả ra nhiều câu chuyện theo các hướng khác nhau. Sự có mặt của họ cho thấy tính chân thực, làm nhòa đi dấu vết hư cấu cũng như sự tham gia của tác giả vào từng câu chuyện, ở thời điểm hiện tại của tiểu thuyết cũng như sau này (trong Vĩ thanh).
 
***
Lối kể chuyện, cách xây dựng nhân vật cũng như hệ thống ngôn ngữ trình diễn trong Dòng Lô xanh thẳm, chứng tỏ bút pháp của tác giả Đỗ Hàn khá vững vàng trong loại hình tiểu thuyết dã sử, mà thực tế không phải các tác phẩm văn học nào viết về lịch sử cũng thoả mãn được người đọc. Ở tiểu thuyết đầu tay này, Đỗ Hàn không bị chìm ngập vào việc lý giải, đánh giá cái sai, cái đúng, bởi lịch sử, với bối cảnh của nó, luôn có lý lẽ riêng và thường bị lớp bụi thời gian khuất lấp những căn nguyên thực. Sự kiện của lịch sử chỉ cho người viết tiểu thuyết ngày nay thấy được những chỉ dẫn cơ bản và là động lực cho trí tưởng tượng của nhà văn “bung ra” sức sáng tạo với cái nhìn khách quan, trong sáng, hư cấu đấy mà rất thực, tạo nên sức hấp dẫn và thuyết phục.
Lịch sử như chiếc đinh để tác giả mượn nó, khoác lên đó bộ áo mũ mới của thời đại!
Qua các bộ ba nhân vật và các câu chuyện mang màu sắc huyền tích, chứa đựng dung lượng lớn các sự kiện và nhân vật, tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm tái hiện chân xác và sinh động cuộc kháng chiến kéo dài mười năm chống lại sự đô hộ của nhà Minh, mà thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã cho ra đời triều đại Lê Sơ do Lê Thái Tổ thiết lập. Triều đại của chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó. Triều đại đất nước trở về với tên Đại Việt, mà quốc hiệu có từ đời Lý Thánh Tông. Triều đại tập hợp quanh Bình Định vương Lê Lợi nhiều tướng sỹ thực tài, văn võ song toàn, chiến công hiển hách, danh vang bờ cõi muôn đời, nổi bật trên hết là quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng lớn, ngày nay được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hoá thế giới” và là một trong mười bốn anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Cần phải nói ngay rằng, tác giả tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm có cách tiếp cận lịch sử và trình diễn cách tiếp cận ấy bằng sự chọn lọc khá tinh tế, tránh khỏi cái ma trận lý giải các sự kiện rậm rịt đã bị lớp bụi thời gian phủ lấp, để thoải mái cho sức tưởng tượng bay lên cùng những chuyện thật hoà lẫn với hư cấu, trong sự tạo lập những bộ ba nhân vật chuyển động liên tục và dẫn dắt truyện hướng tới mục tiêu của ý tưởng nghệ thuật. Tiểu thuyết không nhằm phân tích để làm sáng tỏ cái chết bi thảm, chứa đựng nhiều bí ẩn và đầy oan ức của Trần Nguyên Hãn, mà nâng những suy nghĩ và hành động của ông sau khi từ quan, trở về xây dựng quê nhà lên tầm tư tưởng mới, có ý nghĩa lớn lao, mong muốn nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc ngoại bang, để vươn tới một Nhà nước kiểu mới với những thể chế linh hoạt, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực cho dân tộc và cho Nhân dân. Mặc dù câu chuyện là hư cấu, nhưng rất gần với khí chất cùng đức độ của một vị Tướng tinh anh trận mạc, giàu lòng nhân ái, mà chỉ vì tư tưởng của ông đi trước thời đại đã bị kẻ xấu ghen ghét xúc xiểm, đưa đến cái chết tức tưởi ở tuổi 39 đang độ sung sức.
Không phải ngẫu nhiên tác giả Dòng Lô xanh thẳm trích thơ của Nguyễn Trãi làm đề từ cho 9 chương của tiểu thuyết. Phải chăng tác giả đã thấm nhuần câu thơ của Lê Thánh Tông: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo...” - Lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) thơ văn tỏa sáng và cao vời vợi hay là do Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi cùng gốc tích họ hàng: Nguyễn Trãi con bá, cháu ngoại và Trần Nguyên Hãn con cậu, cháu nội Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán - tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Hai người cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, cùng là khai quốc công thần, cùng được Lê Thái Tổ vinh danh, ban chức. Hơn nữa, hai người cùng có chung chí hướng, quan điểm, và đặc biệt cả hai đều bị vu oan, rơi vào thảm cảnh: vụ án Lệ Chi viên khiến Nguyễn Trãi bị chém và chu di ba họ, vì chí lớn Trần Nguyên Hãn bị hãm hại trên sông Lô. Cả hai cái chết đều oan ức đầy bi tráng. Trong tiểu thuyết, tác giả dành một số trường đoạn luận về “gươm thần” - thanh gươm quốc bảo Trần Nguyên Hãn dâng cho Lê Lợi, là gián tiếp nói về nguyên cớ dẫn tới hai cái chết oan khuất ấy. Dù là gươm thần, nhưng khi không còn hữu ích nữa, tức là khi đất nước đã thanh bình, thì cũng không còn và không nên sử dụng nữa!
Ấn tượng sâu sắc của tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm là việc Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn tiến hành xây dựng cơ đồ mới tại quê hương với tư tưởng thay đổi thể chế quan lại, thay đổi chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền bằng thể chế quân chủ trị vì, do dân làm chủ, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc cái luật lệ vô lối trói buộc nước nhỏ của “thiên triều” Trung Hoa phong kiến. Đó là sáng tạo của tác giả trong cách tìm tòi và lý giải câu chuyện từ lịch sử. Tư tưởng của Trần Nguyên Hãn đi trước thời đại trở thành căn cớ dẫn tới cái chết của ông. Ở Vĩ thanh, tác giả mạnh dạn kể về cuộc “hội ngộ” giữa các tướng đời sau với Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn và con cháu của ông. Điều đó gợi cho ta người trị vì đất nước cùng Nghị viện hay quốc hội của đương đại là có từ trong tâm tưởng của Trần Nguyên Hãn cách đây trên 600 năm, mở ra cho bạn đọc tiếp tục luận bàn về thể chế mà Trần Nguyên Hãn suy nghĩ nhưng tiến hành dang dở ở quê hương ông...
Bút pháp của tác giả - nhà thơ Đỗ Hàn đã phả vào tiểu thuyết dã sử Dòng Lô xanh thẳm hơi thở của thời đại mới, thêm phần làm sáng tỏ hào khí bất diệt của Khởi nghĩa Lam Sơn, của tư tưởng cách tân ở triều đại Lê sơ, mà Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn là một đại diện sáng giá. Theo tôi, đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ có nhiều điều đáng suy ngẫm cả về nội dung và bút pháp biểu hiện.    
Qua tiểu thuyết Dòng Lô xanh thẳm, người đọc thấy rõ tác giả nỗ lực vượt thoát cái không gian và thời gian, cũng như những nhân vật bị bó chặt trong khuôn khổ giới hạn của chính sử, không sa đà mô phỏng lại những gì lịch sử đã phân kỳ, đã chia ngôi xếp bậc, mà khai thác triệt để cái bản chất vốn có của thời đại được lịch sử chép lại, thổi vào văn bản tiểu thuyết cách nhìn, cách cảm, cách ngẫm suy của người ngày nay một cách hợp lý, hợp tình. Đó là quá trình nung nấu suy tư, gạn đục khơi trong nguồn tư liệu ngồn ngộn và cả những cuộc điền dã nhẫn nại. Đó cũng là quá trình lao động kiên trì để “tác thành” những câu chuyện trở về với sự dung dị, mạch lạc trong lối kể, cách dựng bố cục chặt chẽ, ngôn từ phóng khoáng mà vẫn giữ được không khí, hồn cốt của bối cảnh cũng như lời ăn tiếng nói cách nay mấy trăm năm.
Những mặt mạnh của tiểu thuyết dã sử Dòng Lô xanh thẳm, đã được tác giả phô diễn khá nhuần nhuyễn. Đó là thành công quan trọng bước đầu của tác giả Đỗ Hàn. Song, đó có thể cũng là bức tường, vừa hữu hình vừa vô hình, mà chính tác giả phải vượt qua ở tác phẩm tiếp theo, để có những bứt phá về tiết tấu, về độ đậm nhạt, về diễn biến tâm tư của nhân vật, một cách hấp dẫn và thuyết phục…
 
   C.N.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc