Một nét nghệ thuật tranh dân gian của người Cao Lan ở Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 20/06/2022; 520
LÂM QUANG HÙNG
 
Trong hệ thống tín ngưỡng của đồng bào Cao Lan ở Vĩnh Phúc có thờ một bộ tranh thần Phật với trên 20 bức tranh được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài những bức tranh thờ chung của cộng đồng dân tộc, mỗi dòng họ còn có một bức tranh thờ thần riêng. Hầu hết những bộ tranh này được những người thầy cúng - trưởng họ tộc Cao Lan lưu giữ.
Bộ tranh của dòng họ Lâm ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, được xem là bộ tranh cổ nhất, có ghi niên hiệu cách nay hơn 150 năm. Bộ tranh gồm 2l bức tranh khổ rộng 30cm x 60cm, dài 30cm x 80cm. Ngoài ra còn có một bức tranh vẽ trên tấm vải khổ rộng 30cm, dài tới gần 4m. Qua nhiều đời lưu giữ, bộ tranh đã không còn nguyên vẹn, song vẫn giữ được những đường nét, màu sắc gần như nguyên sơ. Tranh thường được treo vào dịp Tết Nguyên Đán từ 30 Tết đến rằm tháng Giêng hoặc những dịp có đám ma, lễ hội. Mỗi lần treo tranh phải thắp hương xin thần Phật một cách trang trọng.
Nghệ thuật thể hiện trong bức tranh được các họa sĩ đánh giá cao về bố cục, đường nét, màu sắc, mang đậm phong cách dân gian cổ và có ảnh hưởng sắc màu của tranh thờ Trung Quốc thời nhà Minh. Một số gam màu hiện nay khó có thể pha màu bắt chước được. Những hình tượng (hình vẽ) trong bộ tranh cổ phản ánh khá đầy đủ những dạng thức tư tưởng tâm linh thuộc về thượng tầng kiến trúc của một cộng đồng dân tộc. Mỗi bức tranh đều thể hiện từ 3 đến 5 tầng ý thức: thượng, trung, hạ và cõi âm ti. Tôn thờ cái thiện, cái công bằng, răn đe, trị tội cái ác, thói hư tật xấu. Một số bức còn thể hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động, chăn nuôi gia súc, gia cầm gieo trồng lương thực của đồng bào như bức tranh thần nông và bức địa niệm.
Dưới đây là thần tích và ý nghĩa của một số bức tranh tiêu biểu trong đời sống tâm linh của đồng bào Cao Lan hiện nay:
Bức tranh thánh sư: Bức tranh được bố cục hai tầng, tầng trên là cụ sư tổ ngồi nghiêm trang ở tư thế đang giảng bài, tay cầm bút lông, phía trước mặt là quyển sách có bốn môn đệ hầu cận. Tầng dưới là vị thầy dạy, có lẽ ở trình độ thấp hơn. Người Cao Lan quan niệm, công việc ở trên đời đều phải có thầy dạy mới làm nên. Do vậy, tất cả những người có chút học vị (biết chữ, biết cúng) đều phải lập bàn thờ thánh sư. Với người thầy dạy mình phải “sống tết, chết giỗ”.
Bộ tranh công pháp: Gồm bốn bức miêu tả các vị quan thần trông coi về pháp luật, được bố cục cân đối từ 4 đến 5 tầng. Các bức tranh được ghi là thượng công pháp, trung công pháp, hạ công pháptầng địa ngục (nhà giam, hình phạt). Bức tranh thượng công pháp bố cục bốn tầng: Tầng trên là hình ông Bao Công râu tóc trắng, bộ mặt đen, đôi mắt mở to, nghiêm nghị. Tầng thứ hai là vị quan toà trực tiếp xử án, mặt trắng, râu đen ngồi ở tư thế chánh án, tay cầm lệnh bài, phía trước có hình đầu rồng thể hiện uy lực. Tầng thứ ba hình vị quan toà là phụ nữ, có vẻ mặt đôn hậu, giơ hai tay trước mặt phân trần điều phải trái. Phía trước vị quan tòa là sáu vị quan thư ký lục sự, hình đầu hổ lại để lệch sang một bên. Tầng dưới cùng thể hiện sự trừng phạt, ngục tù, có ba đồ tể thân người đầu ngựa, đầu hổ, đang hành hình tội phạm.
Bức tranh thần bưu tá (người đưa thư): Được bố cục theo hình zích zắc (Z) đường từ dưới đất lên thiên đàng. Các thần bưu tá cưỡi ngựa, cưỡi rồng, cưỡi hổ, cưỡi phượng hoàng tiếp nhau đưa tờ tấu sớ lên Ngọc Hoàng Thượng đế, những điều người dưới trần gian cần tấu trình. Mọi cuộc cúng lễ đều phải có mục cúng thần bưu tá, nhờ ông đưa thư, tấu sớ lên trời mời thần linh về phù hộ.
Hai bức tranh thần nôngđịa niệm: Được bố cục hai tầng, thể hiện rất sinh động về cuộc sống lao động trồng trọt, chăn nuôi của đồng bào. Bức thần nông miêu tả ông thần nông có thân hình khoẻ mạnh, đóng khố, tay phải cầm “mặt nhật” giơ lên, tay trái cầm “mặt nguyệt” phía trước bụng, ý chỉ người điều hành thời gian đêm ngày. Phía dưới là hình hai người (một nam, một nữ) đang chọc lỗ, tra hạt lúa trên nương và một vài người đang cày bừa, cấy lúa dưới ruộng. Bức tranh địa niệm thể hiện vị thần đất đai ngồi ở tư thế nghiêm nghị, đưa hai tay lên như đang giảng giải cho dân chúng phải quý trọng đất đai. Tầng dưới miêu tả bằng đàn gia súc.
Bức tranh dẫn lộ hương (âm dương lộ, nghĩa là đường âm - dương tiễn đưa người chết trở về quê hương cõi Trời, Phật): Đây là bức tranh đặc biệt, dài tới gần 4m (có bức dài hơn) được vẽ trên vải tấm khổ 30cm x 40cm. Bức tranh này chỉ sử dụng khi người chết là thầy cúng, còn người thường chỉ dùng tấm vải trắng được đặt ở đầu quan tài dẫn lên mái nhà, chỗ đó có một tàu lá hoặc viên ngói dỡ đi để hở lên trời. Ý chỉ đường của linh hồn người chết trở về trời. Bức tranh vẽ nhiều tầng nấc từ thấp đến cao. Tầng trên cùng có chữ thiên gia (nhà trời). Những đường nét hoa văn hình vân mây uốn lượn uyển chuyển, biểu tượng con đường lên thiên đường phải qua nhiều cửa ải, nhiều trạm, tầng nấc có quy định độ dừng của từng thứ bậc, trình độ. Người nào sống ở đời tốt, trình độ học vấn cao (thầy cúng) thì linh hồn được đi theo con đường này lên đến tầng thứ chín thiên gia (nhà trời). Còn người thường chỉ được ở đến lưng chừng đường đi.
Ngoài ra còn hơn 10 bức tranh thờ các thánh thần khác như: Tranh thờ gia tiên, tranh thờ Phật Bà Quan Âm, thần núi, thần sông, thần thiên lôi, thần văn nghệ ca hát... Tất cả các bức tranh đều mang yếu tố tâm linh, giáo huấn răn dạy người đời phải học hành, phụng sự tổ tiên, tôn trọng đất đai. Đồng thời cần phải sống có luật tục, có trên có dưới, vươn tới cái thiện, cái đẹp, cái cao cả. Cái ác sẽ bị trừng trị.
Có thể thấy, tranh thờ của người Cao Lan thể hiện sự kết hợp hài hòa các yếu tố tôn giáo, biểu tượng ý thức tâm linh mang tính giáo huấn cao, không huyền bí. Sắc màu, hình tượng trong tranh đậm nét dân gian, gần gũi với cuộc sống đời thường và đậm tính nhân văn sâu sắc.
 
L.Q.H
 
   Tài liệu tham khảo
 
1. Lâm Quý, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc, Sở VHTT Vĩnh Phúc (2005)
2. Các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc (2011)
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc