Văn hóa ẩm thực trong lễ cưới hỏi của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 18/05/2022; 236
                                                                                                                        LÂM QUANG HÙNG
 
Cưới xin, xây dựng gia đình là một trong những công việc lớn và hệ trọng của mỗi đời người. Hầu hết các dân tộc ngoài việc chuẩn bị chu đáo về vật chất cho một lễ cưới hỏi thì vấn đề tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo cũng được họ đặc biệt quan tâm. Cũng như nhiều dân tộc khác, việc cưới xin cho mỗi cặp đôi của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục với nhiều nghi thức khác nhau và mỗi thủ tục đều gắn với hoạt động ăn uống mang sắc thái riêng.
Nghi thức đầu tiên trong lễ cưới hỏi của người Sán Dìu là lễ xin lá sốso tuổi. Đây là nghi lễ khởi đầu để xác định hôn nhân của mỗi cặp đôi. Nghi lễ này do ông mối đảm nhận. Để mời ông mối, bố chú rể mang một nải chuối sang nhà thưa chuyện và mời ông mối ăn bữa cơm.
Khi ông mối đồng ý, nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật gồm một nải chuối, chè, thuốc, trầu cau, một vài đồng bạc để ông mối thay mặt nhà trai sang nhà gái xin lá số. Nhà gái mời ông mối dùng cơm và thăm dò ý bên nhà trai. Sau lễ xin lá số, nhà trai tổ chức lễ đi xem mặt. Lễ vật xem mặt gồm trầu cau, bánh kẹo, một chai rượu màu. Đoàn xem mặt được nhà gái mời cơm. Qua bữa cơm, nhà gái có dịp tìm hiểu tính tình cũng như cách ăn nói giao tiếp của chú rể tương lai.
Nghi thức tiếp theo trong lễ cưới xin của người Sán Dìu là lễ ăn hỏi. Lễ vật ăn hỏi gồm mười lá trầu, mười quả cau, hai chai rượu màu, kẹo bánh. Bên nhà gái cũng chuẩn bị một bữa cơm mời anh em, chú bác đến cùng bàn bạc việc thách cưới với nhà trai. Thông thường nhà gái thách cưới lễ vật gồm một con lợn, cân nặng từ 100kg đến 120kg; 10 đến 20 đồng bạc trắng hoa xòe; 70 đến 80 lít rượu; 6 đến 7 đôi gà sống thiến; 150 quả cau và một số lễ vật khác. Trong nghi lễ ăn hỏi có lễ sang bạclễ gánh gà. Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt và có lời mời ông mối và em trai ruột hoặc em trai họ của bố chú rể đi sang nhà gái để làm lễ sang bạc. Ông mối được nhà gái mời vào nhà, lấy nước rửa chân. Ông mối sắp tiền thách cưới, vòng tay, hoa tai và lễ vật gồm 20 lá trầu, 20 quả cau, một chai rượu màu, hai gói bánh, bày vào mâm đặt lên bàn thờ gia tiên nhà gái. Gia chủ thắp hương báo cho tổ tiên biết về việc nhà trai sắm lễ sang bạc. Sau lễ sang bạc, nhà trai sẽ mời một số anh em thân thiết trong dòng họ đến cùng ăn bữa cỗ gọi là cỗ gánh gà hay lễ gánh gà. Đoàn gánh gà gồm có ông mối dẫn đầu, tiếp theo là quan lang trưởng, hai người gánh gà, một người gánh cau và một quan lang út khoác túi cho ông mối. Lễ vật gồm toàn bộ số gà, cau do nhà gái thách cưới thêm hai con gà, ba đấu gạo nếp, rượu màu, bánh kẹo, trầu cau đã têm sẵn. Nhà gái thịt từ ba đến bốn con gà để dâng lên tiên tổ sau đó đãi anh em, cô bác trong dòng tộc. Ăn cơm tối xong, ông mối và quan lang lưu lại đêm hôm ấy ở nhà gái, gia chủ mời gái làng đến hát soọng cô, trong đêm hát có một số bài hát về chủ đề lễ gánh gà. Khi đã thống nhất ngày cưới, bố mẹ cô gái dẫn con mình mang gà sống thiến đến biếu ông bà nội, ngoại, chú bác ruột. Những người được biếu gà thường tặng lại cho cô dâu một ít tiền để làm vốn sau này.
Trước khi tổ chức đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị gánh lễ vật nộp cho khán trại bên làng nhà gái (người đứng đầu một thôn xóm) để cúng ở đình làng. Đi cùng với ông mối có quan lang trưởng và một quan lang gánh lễ vật. Lễ vật gồm bốn đồng bạc trắng, hai mươi quả cau, trầu, hai đôi gà thiến, rượu. Những lễ vật này được dâng lên thành hoàng làng và cáo thành hoàng về việc cắt một nhân khẩu đi sang làng khác.
Tới dự buổi lễ hôm ấy có bà con trong làng cùng ăn uống và chính thức công nhận đôi trai gái thành vợ chồng.
Sau lễ ăn hỏi hai gia đình sẽ tổ chức lễ cưới. Đoàn nhà trai đưa lễ vật cưới sang nhà gái gồm một con lợn, một gánh rượu, một gánh cau. Nhà gái dựng rạp cưới, kê xếp bàn ghế, mượn thêm nồi xoong, bát đĩa, ấm chén, chậu thau. Cách bài trí trong đám cưới được chia thành hai khu vực gồm trong nhà và ngoài sân. Phía trong nhà, gian giữa nhà từ mép bàn thờ trở ra cửa, kê hai cỗ phản để dành cho các cụ cao niên, trưởng họ, trưởng tộc an tọa. Hai gian cạnh mỗi gian được kê một dãy phản. Hai gian buồng thì một buồng dành cho cô dâu và bạn cô dâu, còn một buồng là của bà chủ nhà. Rạp ở ngoài sân được kê phản hoặc xếp bàn ghế đón tiếp khách. Đám cưới của đồng bào Sán Dìu có một tổ chức tự quản khá chặt chẽ, toàn bộ công việc trong đám cưới gia chủ giao cho tổ chức này. Người đại diện cho tổ chức này là người đàn ông cứng tuổi, có thể là anh trai ruột hay anh trai bên họ mẹ, thông thạo nghi lễ cưới xin, giỏi hát soọng cô, biết nhiều câu đối, tục ngữ. Ông này, thay mặt họ hàng nội, ngoại chủ trì cuộc khai hoa tửu ở nhà gái. Người đi mời khách cho nhà trai thường là trưởng thôn, thay mặt gia chủ bưng trầu cau đến mời rượu từng chủ hộ trong thôn xóm đến ăn cỗ cưới, đón tiếp khách. Người nấu cỗ cưới cũng phải là người trong dòng họ, tháo vát, biết chế biến các món ăn truyền thống được chủ nhà bàn giao toàn bộ thực phẩm làm cỗ cưới. Người têm trầu cho lễ cưới là người phụ nữ có tuổi trong họ mẹ, có nhiệm vụ têm trầu, bổ cau phục vụ đám cưới. Người nấu cơm là người trực tiếp nấu cơm cưới đồng thời đôn đốc các chị, em phục vụ tăm, nước uống. Sau khi ăn cơm trưa, nhà gái thịt con lợn của nhà trai đưa tới từ tối hôm trước để làm cỗ đón khách buổi chiều. Đại diện nhà gái mời ông mối, quan lang trưởng đại diện nhà trai xác nhận trọng lượng con lợn thứ nhất. Cỗ bàn được sửa soạn linh đình, thịt lợn được chế biến thành các món như thịt luộc, thịt trộn thính, thịt áp chảo, lòng dồi gan, giềng giã nhỏ om với xương, thịt mỡ nấu với chuối xanh... ngoài ra, đồng bào Sán Dìu sống gần sông còn có thêm món tôm, cá rán... Món ăn khi chế biến xong được bày lên mâm cỗ thường có hai đĩa thịt lợn luộc, một đĩa thịt trộn thính, một đĩa thịt nạc nướng, một đĩa bộ ba (nầm rán, lòng dồi, gan), một đĩa lòng con (lòng chấy), một bát giềng om xương, một bát thịt mỡ nấu chuối xanh (hai món này gọi là đồ nấu), một đĩa xôi bày trên lá chuối, một bát nước chấm làm bằng nước muối hòa với nước thịt. Mâm cỗ được đặt trên một chiếc giá. Trước khi ăn cỗ cưới, người ta sắp ba mâm cỗ cúng tổ tiên và năm mâm cỗ gồm cỗ mặn, cỗ chay, chân giò lợn sống cúng thành hoàng làng để thông báo cho tổ tiên trong dòng tộc và quan thành hoàng làng có người đi xuất giá. Phụ trách cúng thành hoàng ở ngoài sân là ông từ (người trông coi đình chùa). Sau khi cúng xong, người ta trải cót ở ngoài sân cho trẻ con ăn trước, tiếp đó là mâm các cụ bậc trên ở phản giữa, trong nhà và ngoài rạp. Mâm cỗ người Sán Dìu thường chỉ ngồi 5 người chứ không ngồi 4, 6, 8 hay 12 người như ở một số dân tộc khác. Vị trí ngồi ở trên giường, phản, chiếu chứ không phải ngồi trên bàn ghế. Khách ăn uống được tiếp thêm thịt lợn luộc, đồ nấu. Khách ăn xong được người hộ đám mời tăm, khăn lau tay, nước uống, thuốc lào, thuốc lá…
Ngày cưới chính bên nhà gái, nhà trai sẽ cử thêm tánh cả (người phụ trách lo việc đón cô dâu về nhà chồng), quan lang mang lễ vật gồm một con lợn lễ (lợn lễ phải là lợn đen tuyền, kiêng lợn trắng) và một gánh rượu. Lọ rượu tình là một chiếc lọ sành nhỏ, hình chum, cao 20 cm, đựng trong cái giỏ đan hình mắt cáo, có quai, bắp lọ bằng giấy trổ hoa văn. Bên trong lọ có một đồng hai hào bạc trắng, một ít rượu, một cái gáo nhỏ múc rượu bằng đốt ống nứa. Lọ rượu có ý nghĩa đôi vợ chồng này có cưới, có hỏi, có cheo làng, có ông mối, số tiền trong lọ là để trả ơn cha mẹ sinh thành. Ngoài ra, nhà trai còn đem theo trứng vịt luộc để làm lễ khai hoa tửu tại nhà gái. Tất cả các đồ lễ dẫn sang nhà gái đều dán giấy đỏ. Khi đến nhà gái, đại diện nhà gái hướng dẫn quan lang trưởng và quan lang út bưng trầu cau đến mời các ông bà, chú bác, cô dì, các anh chị nội, ngoại, người mời khách, người têm trầu, nấu cơm, người sắp cỗ, các mâm khách (mỗi mâm một đĩa trầu) để thông báo quan lang nhà trai đã tới, xin được phép vào nhà. Theo nghi lễ ngày cưới, quan lang trưởng đại diện nhà trai phải nộp cho người sắp cỗ nhà gái 30 quả cau, hai cây thuốc lá để biếu cho anh em phục vụ. Nộp cho bà chủ nấu cơm 30 quả cau để biếu cho chị em phục vụ. Nộp cho người têm trầu 30 quả cau. Quan lang út phải giữ tráp trầu cau cẩn thận, nếu để các cô gái giằng lấy mất không có đồ đựng trầu cau thì quan lang trưởng phải chuộc lại bằng 20 quả cau. Người phù dâu nhà gái hướng dẫn người đón dâu nhà trai mời trầu cau bà nội, ngoại, người têm trầu, người nấu cơm, các chị gái, chị dâu của cô dâu để xin phép được vào nhà.
Trong khi nhà trai tiến hành làm một số thủ tục xin phép vào nhà, nhà gái nhận lợn lễ giết mổ. Trọng lượng con lợn được đại diện nhà trai, nhà gái xác nhận đủ. Lợn mổ, phần thủ lợn, đuôi lợn có phủ mỡ chài bày vào mâm, đặt lên bàn thờ theo hướng quay đầu trở vào bát hương. Trưởng họ nhà gái thắp hương báo tổ tiên nhận lợn lễ nhà trai.
Sau khi mọi người đã ngồi nghỉ, quan lang trưởng và quan lang út sắp lễ vật gồm trầu cau, chè thuốc, tờ giấy ghi giờ đón dâu, hai quả trứng vịt luộc gói trong giấy đỏ, lọ rượu tình, tất cả đặt lên bàn thờ gia tiên nhà gái. Nhà gái cử một cháu trai khoảng 12 tuổi bưng một thau nước cho ông mối, quan lang trưởng, tánh cả rửa chân. Rửa xong, mỗi người thả vào thau nước một ít tiền. Sau đó mọi người trò chuyện và bước vào dự bữa tiệc cưới hôm ấy. Quan lang ngồi vào mâm, chị em phục vụ đám cưới cũng mang bát đũa đến ngồi cùng để tiếp quan lang, qua bữa ăn, trai gái lại có dịp thăm dò tìm hiểu bạn đời trăm năm.
Trong khi quan lang nhà trai đang ăn uống, nhà gái cử hai thanh niên đại diện để hát khai hoa tửu. Đây là một trong những lễ nghi không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dìu. Lễ vật có hai quả trứng vịt luộc, hai quả trứng được nối với nhau bằng hai sợi chỉ màu đỏ và hai đầu dây xâu vào mỗi bên hai đồng tiền lỗ vuông. Trứng đặt trên một cái đĩa, có lót giấy cắt hình hoa hai mặt, một trắng, một đỏ. Bên cạnh đó là một lọ rượu tình, trong lọ có rượu, cau và một đồng hai hào bạc trắng. Theo quan niệm của đồng bào Sán Dìu, lòng trắng quả trứng là bạc, vàng còn lòng đỏ quả trứng là sự hòa thuận sinh sôi, phát triển. Lòng trắng là âm - là nữ, lòng đỏ là dương - là nam, âm dương kết hợp - nam nữ kết hôn. Vì vậy khi quả trứng được dâng lên tổ tiên là cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống đến bạc đầu răng long, làm ra nhiều của cải. Những đồng tiền xâu vào chỉ đỏ là tiền trả công cho bố mẹ. Lọ rượu tình và cau nhà trai đưa sang nhà gái có nghĩa là đôi trai gái thành vợ chồng, là có ông mối, bà mối, có cưới, có xin.
Đoàn đưa dâu về đến nhà trai sẽ có đại diện nhà trai là các chị em gái ruột hoặc chị em gái họ của chú rể mang trầu cau, nước uống ra mời. Quan lang trưởng nhà trai huy động nam thanh niên đứng xếp hàng bên tay trái, nữ thanh niên đứng xếp hàng ở bên phải, để cất nón mũ cho anh trai cô dâu và đoàn đưa dâu.
Cô dâu được dẫn đi nhận mặt họ hàng. Người được nhận trầu cau đầu tiên của cô dâu là bố mẹ ruột, anh chị chú rể. Mỗi người nhận trầu cau sẽ tặng cho cô dâu một chút tiền mừng hạnh phúc. Sau lễ nhận họ, cô dâu ra lấy bát đĩa, đũa, vài miếng trầu cau thả vào chậu nước đã được nhà trai chuẩn bị sẵn và quay trở vào buồng cưới. Mọi người dự lễ cưới đều được chú rể mời nước, chúc rượu, trai gái hai bên hát đối đáp hò hẹn ngày gặp lại. Nhà trai cử người mang lễ tạ ơn quan lang trưởng, tánh cả… mỗi người một chiếc giò lợn. Đặc biệt là ông mối được quan lang và chú rể mang đến tận nhà một vai lợn, một thủ lợn hoặc một con lợn sống cùng rượu, gạo nếp, trầu cau và một bánh pháo để hậu tạ…
Nghi lễ cuối cùng trong lễ cưới hỏi của người Sán Dìu là lễ lại mặt hay còn gọi là lễ lại gót. Lễ lại mặt thường tổ chức ngay sau đám cưới. Lễ vật lại mặt gồm có một đôi gà thiến hay đôi chân giò lợn, 12 chiếc bánh chưng, hai chai rượu. Nhà gái sắp cỗ cúng gia tiên, mời thêm chú, bác, họ hàng thân thiết đến tham gia. Nhà gái biếu lại nhà trai một con gà thiến hay một chiếc giò lợn, sáu chiếc bánh chưng, một con gà mái làm giống để mong phát triển giống nòi. Lọ rượu tình được nhà trai đưa sang trong ngày cưới thì vào ngày lại mặt, bố mẹ nhà gái để vào trong lọ các loại hạt giống như: lúa, ngô, đậu đỗ… cho con mang về nhà chồng, theo quan niệm đó là cấp phát giống má cho con cái làm ăn được mùa.
Có thể nói, văn hóa ẩm thực trong cưới hỏi của người Sán Dìu không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên. Vì vậy, việc giáo dục truyền thống cho cộng đồng để gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
                                                                                                                                                   L.Q.H
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Ma Khánh Bằng, Người Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1983
2. Diệp Trung Bình, Dân ca Sán Dìu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1987
3. Lâm Quý, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc, Sở VHTT Vĩnh Phúc, 2005
4. Các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2011
5. Lê Đại Năm, Sưu tầm, biên dịch và sáng tác dân ca Sán Dìu, Nxb. Hội Nhà văn, 2019   
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc