Tục lệ “lễ sống” của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 10/05/2022; 484

LÂM QUANG HÙNG

Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về đời sống văn hóa cổ truyền nói chung, tôn giáo tín ngưỡng nói riêng của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, chúng ta dễ nhận ra cốt lõi của tôn giáo tín ngưỡng người Sán Dìu là truyền thống nhân bản. Bởi ngay trong tang lễ (ma chay) của người Sán Dìu có những bài mo cúng cho người chết, ngoài sự thể hiện tình cảm thương tiếc của người sống đối với người đã quá cố, thì thông qua thầy mo, người chết cũng nhắn nhủ và khuyên dạy người sống với nhiều điều tốt lành như: ăn ở, đối nhân xử thế trên đời phải có nhân nghĩa, kính trên nhường dưới, cha mẹ phải thương yêu con cái, ở hiền gặp lành, không làm điều gì độc ác, trái với lương tâm đạo đức cha ông truyền lại. Đám cưới của người Sán Dìu cũng vậy, con gái trước khi về nhà chồng phải làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, phải “lễ sống” (bại zang) bố mẹ, ông bà. Tục lệ này  không nên quy chụp là tục lệ cổ hủ vì nó bao hàm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự biết ơn của người con gái đối với đấng sinh thành, dưỡng dục mình khôn lớn. Ngoài ra còn rất nhiều điều quý báu trong kho tàng văn hóa dân tộc như văn học dân gian, y học dân gian, nghệ thuật dân gian,… mà chúng ta cần phải tiếp tục khai thác, sưu tầm và ghi chép lại cho muôn đời sau.

Tục lệ “lễ sống” (bại zang) của người Sán Dìu thường được tiến hành ở những gia đình có ông bà đã cao tuổi, sức yếu không thể qua khỏi. Người làm lễ phải trực tiếp chắp tay, quỳ lạy trước mặt người sống ba lạy và xin được nghe những lời dạy bảo quý báu của các bậc cha mẹ, ông bà. Trong dịp này, con cháu họ hàng những người thuộc chi, cành dưới dòng họ tổ chức đến thăm hỏi, động viên, chúc ông bà mạnh khỏe, sống thêm tuổi cùng con cháu. Tục lệ “lễ sống” các cụ già yếu, sắp về với tổ tiên khá đơn giản. Ngoài việc chuẩn bị dăm ba gói bánh kẹo, nải chuối, gói đường gọi là có tấm lòng thăm hỏi, những người đến “lễ sống” thường tự bộc bạch nói lên tình cảm của mình, mong các cụ khỏe mạnh để vui vầy cùng con cháu, để con cháu được nhờ vả (tiếng Sán Dìu gọi là “phanh zạy”)… sau đó con cháu theo thứ tự trước sau, xếp hàng vào “lễ sống”. Hai tay chắp trước ngực quỳ xuống vái ba lạy với khuôn mặt nghiêm trang và kính trọng, rồi đứng lên nghe lời dạy bảo ân nghĩa chí tình của các cụ. Nội dung lời dạy bảo của các cụ thường ngắn gọn nhưng chân tình như nhắc nhở con cháu phải có đạo đức với ông bà, bố mẹ già, chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau bệnh tật, phải đoàn kết anh em trong nhà như gà cùng một mẹ, như bầu bí chung một giàn, không làm trái lương tâm, đạo đức con người, đoàn kết trên dưới, phải cư xử với nhau như anh em ruột thịt, tối lửa tắt đèn có nhau, vui buồn, sống chết có nhau.

Dưới đây, xin trích nội dung được nói trong buổi “lễ sống” của người Sán Dìu như sau:

Tiếng Sán Dìu: “Công à (Ché à), slon họi Lưu Quang Xon, Mềnh Quang, Slam Báo Slan Don, Thẹng ty Công Ché, khoi Sộng, Slon Nhõng lồi là, mạo dịu mè cả, hạm chụ thành slim, dịu bao bánh, kin thòng, zo cheo chấy bí công ché, ọi óc sóc, slang láo bác slọi, bí chấy slon thồng slim, phanh slạy tạo láo lốc”.

Tạm dịch ra tiếng phổ thông: “Ông ơi (bà ơi), cháu ở xóm Lưu Quang, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nghe tin cụ ông (cụ bà) ốm đau, mệt nhọc đã lâu chúng cháu đến thăm hỏi không có gì nhiều gọi là thành tâm có bao bánh, gói kẹo, nải chuối mời Ông (bà) ăn để sống được trăm tuổi, để con cháu được nhờ vả”.

Còn ông bà tuy đã già yếu nhưng khi nghe được con cháu hỏi thăm sức khỏe thì nét mặt trở nên vui vẻ, rạng rỡ, rồi được người nhà đỡ dậy cảm ơn những lời tốt đẹp của con cháu. Lúc đó, các ông bà thường nói lời dạy bảo, nhắc nhở con cháu như sau:

- Tiếng Sán Dìu: “Công ché lao lốc, chấy zon óc sóc, mạo tách slông nao, mạo tách zông tá, hăng thạy sọc phanh slạy, thông cay chông mế, phù ca chông phàng, mạo chụ xíu va, long xòn thông zim, dịu nhìn cóng, dịu nhìn thẹng, zong cóng hạ thẹng, công ché an slim, chấy zon ạ!...”.

- Tạm dịch ra tiếng phổ thông: “Nay ông bà đã già yếu lắm, con cháu phải khỏe mạnh, không được cãi chửi nhau, anh em, chú cháu phải đoàn kết như gà chung một mẹ, bầu bí chung một giàn, dựa vào nhau mà sống. Đừng có bao giờ làm cho bố mẹ, làng xóm phải đau lòng, người nói phải có người nghe, đồng lòng đồng sức, con cháu ạ!…”.

Điều đáng chú ý là theo tâm linh của người Sán Dìu thì những điều người sống nói với người sắp tạ thế hoặc người sắp qua đời nói với người đang sống, thường là những lời nói chân thành, nặng về tình cảm đạo đức, đúng với ý nguyện của người sống và người sắp chết, là những lời răn dạy quý báu nhất để làm người. Người Sán Dìu cho rằng: Hình ảnh một người già yếu sắp qua đời lại tỉnh táo, bình tĩnh nói được những câu rành mạch mang đầy tính triết lý, đạo đức, răn dạy những bài học làm người cho con cháu, thì cũng như ngọn đèn cạn dầu khi sắp tắt còn bùng cháy một lần cuối cùng, nhưng cũng là lần sáng rõ nhất để nói hết những tâm tư tình cảm, bài học đạo đức của cả cuộc đời mà các cụ đã trải qua, để làm gương cho con cháu học tập và noi theo. Đồng thời qua động tác “lễ sống”, con cháu phải lễ ba lần liên tiếp rất kính cẩn và nghiêng mình trước mặt ông bà đang hấp hối, cũng giống như một nguồn thuốc bổ vô hình giúp người ốm thêm sức lực và tỉnh táo hơn. Trong mỗi lần “lễ sống” như vậy, con cháu có cơ hội thể hiện tình cảm của mình, còn ông bà thì cũng được tăng cường sức khỏe.

Thực tế trong nhiều trường hợp, tục lệ “lễ sống” của người Sán Dìu đã tạo ra một phép màu kỳ lạ, có giá trị như liều thuốc quý cho những ông bà đã quá yếu mệt vẫn có thể khỏe khoắn và vui vẻ hơn. Vì được con cháu đến “lễ sống” thì các cụ dù già yếu đến đâu cũng phải cố gắng ngồi dậy, hoặc dựa lưng vào con cháu để nói những lời dạy bảo ân tình.

Có thể nói tục lệ “lễ sống” của người Sán Dìu là tục lệ có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nguyện vọng của đồng bào là muốn bảo tồn, giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, qua đó thấy được những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần mang đặc trưng sắc thái văn hóa cộng đồng.

 

L.Q.H

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc