ĐỖ HÀ
Với quan niệm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”, Đề án thí điểm xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu (LVHKM) đang thực sự là “luồng gió” mới mang lại những đổi thay rõ nét cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng với làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố là một trong số ít những tiêu chí về hạ tầng có sự chung tay, góp sức của người dân rõ nét nhất. Từ “dân vận khéo” để lòng dân đồng thuận, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được chọn thí điểm xây dựng LVHKM đã huy động được nhiều nguồn lực cùng chung sức xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, sân thể thao văn minh, sạch đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Vừa đặt chân đến đầu thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), tôi đã được đón nhận rất nhiều nụ cười thân thiện, lời chào mến khách của người lớn và trẻ nhỏ nơi đây. Tiếp tục rảo một vòng quanh thôn, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng dọc theo các trục đường bê tông kiên cố, rộng rãi, ven đường trồng rất nhiều hoa đẹp.
Toàn bộ các trục chính ở thôn đều được cắm biển chỉ đường và một cổng chào chính. Đan xen vào đó là những hàng cờ đỏ tung bay phấp phới, tràn ngập khí thế, sức sống mới của một làng quê đang thay da đổi thịt theo từng ngày.
Nông thôn mới không có “điểm dừng”, sau khi cán đích, Bàn Mạch được chọn là một trong 30 thôn, làng, tổ dân phố (TDP) của tỉnh được chọn thí điểm xây dựng LVHKM. Không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào, ông Nguyễn Xuân Toàn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân phấn khởi khoe với tôi: Chỉ sau 9 tháng triển khai, Bàn Mạch là địa phương đầu tiên của huyện Vĩnh Tường hoàn thành vượt chỉ tiêu xây dựng và đưa vào sử dụng khu thiết chế văn hóa, thể thao LVHKM. Đây chính là thành quả của công tác “Dân vận khéo” khi cấp ủy, chính quyền, Nhân dân cùng chung sức, chung lòng xây dựng LVHKM.
Chia sẻ để có những thành công bước đầu trong xây dựng LVHKM như hiện nay, ông Nguyễn Xuân Toàn cho biết: Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng LVHKM trên địa bàn thôn Bàn Mạch, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng mô hình LVHKM.
Cũng như nhiều địa phương khi được tỉnh chọn điểm xây dựng LVHKM, những ngày đầu triển khai thực hiện, thôn Bàn Mạch cũng gặp những thuận lợi và khó khăn đan xen. Đây là mô hình hoàn toàn mới, trong khi nhận thức, quan điểm của cán bộ, Nhân dân còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chủ trương trên. Trong bối cảnh đó, xã đã chỉ đạo cán bộ thôn đề ra rất nhiều những giải pháp trọng tâm trong công tác vận động quần chúng. Cùng với việc xây dựng đồng bộ các giải pháp, “Dân vận khéo” đã trở thành công cụ hữu hiệu để đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của xã, của thôn tuyên truyền, vận động làm đổi thay nhận thức, cách nghĩ, cách làm của Nhân dân. Bên cạnh việc giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của xây dựng LVHKM thì việc cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; phát huy quy chế dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo điều kiện để mọi người cùng tham gia bàn bạc, giám sát là những “bí quyết thành công” được lãnh đạo xã rút ra từ thực tế.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Xuân Toàn cử đồng chí Nguyễn Văn Thức - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Bàn Mạch trực tiếp đưa tôi xuống Khu thiết chế văn hoá, thể thao thôn Bàn Mạch.
Hiện hữu trước mắt tôi là khuôn viên thiết chế văn hoá thôn với một quần thể hài hòa, hữu ích; có không gian đọc sách ngoài trời, sân bóng, sân tập thể thao. Công trình nhà văn hóa được xây dựng trên diện tích gần 5.000 m2 với đầy đủ trang thiết bị. Tường rào cứng được Nhân dân chung tay tháo dỡ, thay bằng tường rào mềm với cây xanh, thảm cỏ thân thiện. Qua đó, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương.
Chỉ tay về phía những bức tường rào được trang trí, sơn kẻ với đầy đủ bức hình sinh động, Trưởng thôn Bàn Mạch nói với tôi: Đây là thành quả “dân vận khéo” được người dân đóng góp với tổng giá trị quy đổi trên 2 tỷ đồng trong việc chỉnh trang, sơn sửa, trang trí kẻ vẽ hàng nghìn mét vuông tường rào, đường hoa, mua và chăm sóc cây cảnh, trồng cây các tuyến đường thôn và nghĩa trang Nhân dân. Người dân đã tự giác duy trì công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Nằm trong 30 thôn được chọn làm điểm xây dựng LVHKM trong năm 2023, công trình thiết chế văn hoá, thể thao thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) được khởi công xây dựng từ ngày 23/5 với tổng diện tích 15.000 m2. Sau 3 tháng triển khai, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn thể Nhân dân công trình được hoàn thành với các khu chức năng đồng bộ, có tính vượt trội về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật so với yêu cầu tỉnh đặt ra. Từ chỗ nhiều diện tích đất hoang, một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp…. đến nay, khu thiết chế văn hóa, thể thao được cải tạo bổ sung, hoàn thiện tạo nên một quần thể hài hòa, hữu ích. Trong đó nhà văn hóa được xây mới với diện tích trên 600m2 và trang trí đồng bộ các thiết bị nội thất, âm thanh, ánh sáng. Cải tạo nạo vét toàn bộ 4.500m2 mặt nước để tạo thành hồ điều hòa, trồng sen, hoa súng, đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường. Đường dạo quanh hồ thiết kế rộng rãi. Hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời được lắp đặt đồng bộ, 2 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông được chỉnh trang làm mới, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân.
Tự hào trước những thay đổi tích cực của địa phương sau thời gian phấn đấu xây dựng LVHKM, ông Nguyễn Văn Hồng - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thụ Ích cho biết: Kinh nghiệm thực hiện dân vận khéo trong xây dựng LVHKM của thôn Thụ Ích không chỉ nhờ đi sâu, đi sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân mà còn ở công tác tổ chức. Trong đó là sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cũng như việc kiện toàn các Tổ dân vận ở cơ sở. Chi bộ đã chỉ đạo các đảng viên, người có uy tí trong thôn đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình xây dựng LVHKM. Với sự đổi mới trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục và cách làm, người dân đã hiểu và đồng lòng hưởng ứng ủng hộ 400 triệu lắp camera an ninh, lắp biển tên đường, số nhà, ủng hộ 300 triệu đồng sơn sửa bàn ghế, mua sắm loa đài hội trường, tự nguyện hiến 5.000 m2 đất mở rộng khuôn viên khu trung tâm LVHTT, trồng phủ hoa hoặc cây xanh tô điểm tường rào khu vực xung quanh khu thiết chế văn hóa, thể thao…
Bà Đào Thị Chiêm - người dân trong thôn chia sẻ: “Ngày trước sinh hoạt ở nhà văn hoá cũ dột nát khổ lắm, nhưng bây giờ thì khang trang rồi, chúng tôi rất phấn khởi. Khi bàn đến làm nhà văn hóa chúng tôi ủng hộ ngay dù làm bằng phương thức nào thì Nhân dân cũng đồng tình ủng hộ”.
Đưa tôi đi tham quan khu thiết chế văn hoá, thể thao LVHKM Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), Tổ trưởng tổ dân phố Tam Quan Lê Xuân Hữu phấn khởi cho biết: “Khu thiết chế văn hoá, thể thao LVHKM Tam Quang được đầu tư xây dựng hiện đại, khuôn viên rộng rãi với hệ thống các thiết chế như nhà văn hóa, thư viện, sân bóng, công viên…
Ngay từ những ngày đầu đón nhận chủ trương của xây dựng LVHKM đầu tiên của tỉnh, Nhân dân tổ dân phô Tam Quang vinh dự được đón Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trực tiếp về khảo sát, phát động khởi công xây dựng công trình. Các cấp, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện, thị trấn thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tổ dân phố trong quá trình xây dựng LVHKM.
Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng thụ”, Đảng ủy thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các thành viên và các đoàn thể.
Trên cơ sở phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, khối dân vận của địa phương đã phối hợp các đoàn thể, cán bộ, tổ dân phố Tam Quang tổ chức họp dân cư để phổ biến chủ trương của tỉnh trong việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh Nguyễn Thị Thu Thanh cho biết: Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ những ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc xây dựng LVHKM và đồng thuận cao, tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo phong trào thi đua sôi nổi. Quá trình xây dựng công trình thiết chế văn hoá, thể thao và thực hiện các tiêu chí xây dựng LVHKM có nhiều thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ Nhân dân”. Sau gần 9 tháng triển khai, nhờ làm tốt công tác “dân vận khéo”, Nhân dân tổ dân phố Tam Quang đã đóng góp gần 2 tỷ đồng xây dựng công trình LVHKM, đóng góp hàng trăm ngày công lao động để chỉnh trang đô thị, đường phố, ủng hộ quỹ khuyến học hơn 50 triệu đồng, vận động ủng hộ tài trợ hơn 2.000 đầu sách cho thư viện với tổng giá trị 250 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, để “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong đời sống, đạt được hiệu quả phải có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Gắn với đó, công tác xây dựng phong trào, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và có sự thống nhất về nội dung, phương pháp triển khai đồng thời phải công khai, minh bạch, có kế hoạch cụ thể từng phần việc trước Nhân dân. Thành công từ mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng Nhà văn hoá, thể thao của một số địa phương được chọn điểm xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là tiền đề để các địa phương tiếp tục hoàn thành các tiêu chí xây dựng LVHKM trong thời gian tới.
Đ.H