TRẦN KHOÁI
Vốn là “phan” hâm mộ thơ Hải Thanh do vậy có điều kiện cảm nhận được hành trình của thơ Ông.
Trong lời tự bạch đầu sách tập thơ “Tự Thanh 4” của mình nhà thơ viết:…. “Tôi nghĩ chậm và viết chậm, trong khi cái mới cái hay luôn thôi thức mỗi ngày….” Thực ra đây cũng chỉ là lời tự bạch khiêm nhường, còn khi ý thức “cái mới, cái hay thôi thúc mỗi ngày….” đủ thấy chẳng thế nào, “nghĩ chậm, viết chậm” được đối với một nhà văn. Thực tế ấy đã minh chứng qua 8 tập thơ và 3 tập văn xuôi trong những năm gần đây ông ra mắt bạn đọc.
Trong bài viết này không đề cập tới phần văn xuôi mà tập trung vào phần thơ của ông
Sinh năm 1970 – năm 1994 Hải Thanh ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay với tên gọi “Bến trăng”. Hai mươi bốn tuổi – tất cả đều đẹp và rực rỡ. Với tấm bằng đại học báo chí, với tháng lương đầu tiên, với sức trẻ háo hức và hứa hẹn. Bên cạnh đó là không khí tưng bừng, phấn khích của đất nước đổi mới sau những năm tháng chiến tranh, gian khổ - Đúng là một bến trăng tỏa sáng ánh vàng.Tuy vậy hình như từ “ Bến trăng” Hải Thanh đã linh cảm, đã bắt đầu có sự điều chỉnh về thế giới quan sau những “bồng bột” hăm hở buổi đầu, Hải Thanh đã nhận ra cuộc sống không phải tất cả, là sự yên bình, tốt đẹp mà song hành với nó còn là một “Bến thu xưa “ xao xác, tiêu sơ, cùng những điều phiền muộn. Vì thế có thế thấy từ “ Bến Trăng ” tập thơ đầu đến tập thơ “ Bến Thu xưa ”( 1998) – Sự nhìn nhận của nhà thơ đi sang một hướng mới – đa chiều, giầu suy ngẫm hơn. Nếu từ “ Bến trăng” đến “Bến thu xưa” là quá trình điều chỉnh của Hải Thanh về nhìn nhận cuộc sống, thì từ tập thơ “ Bến thu xưa” đến tập thơ “ Tự Thanh I” lại là sự điều chỉnh của nhà thơ về quan niệm của ông đối với bản thân và thi ca.
Có thể nói – khi Hải Thanh đặt tên các tập thơ của mình là “ Tự Thanh”- điều ấy như một thông điệp: “ con đường của tôi để đi, cuộc đời của tôi để sống”. Ý thức tạo cho mình một “ vết chân” trên đường đời và đường thơ đã trở thành niềm thôi thúc trong ông.
Khi đã có ba tập thơ trên hành trình sáng tạo, có lẽ với ai đó đã là thành công, nhưng với Hải Thanh ông tự nhìn lại và nghiêm khắc đánh giá - Trên con đường thơ, ông chưa in được “ Vết chân” mình trên đó. Điều này dễ nhận thấy khi ông ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 4 – (năm 2006) với tên gọi “ Con đường không có vết chân” Nói là vậy song ông cũng không thể phủ nhận những gì mình đã làm được. Từ hành trang đã có nhà thơ thấy nghiệp thơ của mình mới như vầng trăng “ thượng thuyền”. Từ trăng thượng thuyền đến trăng rằm tròn đầy viên mãn còn gian nan lắm. Cái gian nan vươn tới, đó là phải khẳng định được một phong cách trong thơ. Đây là cái đích tối thượng đối với một nhà văn
Bởi vì chúng ta biết : ( Phong cách nghệ thuật là một khái niệm chỉ những quan hệ nghệ thuật có giá trị của nhà văn. Phẩm chất ấy đòi hỏi phải có tính thống nhất về những đặc điểm nghệ thuật mà chỉ nhà văn ấy có. Bởi vì phong cách nghệ thuật phải bao trùm cả nội dung và hình thức. Tất cả những điều này ta có thể quan sát, nhìn thấy và miêu tả được qua những sáng tạo của nhà văn. Đã là phong cách nghệ thuật đòi hỏi phải có tính bền vững. Nếu thay đổi chỉ luôn thay đổi về các khía cạnh, yếu tố chứ không bao giờ thay đổi cái cốt lõi tạo thành của phong cách).
Từ những tiêu chí của phong cách nghệ thuật một nhà văn – soi dọi vào hành trình thơ Hải Thanh ta nhận ra: Ở thơ ông tính phản tỉnh là yếu tố sâu đậm, thành công nhất. Vẫn biết thơ nào chẳng có tính phản tỉnh, nhưng khi nó đạt được được sự bền vững, da diết, đậm đặc như thơ Hải Thanh, thì điều đó lại trở thành một phong cách sáng tạo.
Ở đây cũng xin bàn đôi điều về từ “ phản tỉnh”. Theo từ điển Tiếng Việt – phản tỉnh là tự kiểm tra tư tưởng và hành động của mình để nhận ra cái đúng, cái sai, cái cao cả hay thấp hèn, từ đó điều chỉnh nhận thức để sống tốt hơn, đẹp hơn
Trở lại vấn đề phong cách như đã biết: - phong cách là hữu hình, người ta có thể quan sát, nhìn thấy và miêu tả được. Vậy ta có thể đi sâu vào thơ Hải Thanh để quan sát, nhìn thấy và miêu tả nó qua các sáng tác của ông.
Ví như bài thơ “Hai người đàn bà” (Tự Thanh I) Bài thơ được thể hiện bằng dạng tự sự miêu tả: “ Một người đàn bà bằng xương, bằng thịt/ Quỳ trước bức tượng tạc chân dung, một người đàn bà khác/ Giữa hai người là một đỉnh hương…”
Nhà thơ cho ta thấy: “ Người đàn bà bằng xương bằng thịt” có nghĩa là bà đang được sống trên cõi nhân gian, người đàn bà trên bàn thờ được tạc tượng là người đã phải chết. Họ là người xa lạ với nhau, nhưng nhờ có đỉnh hương thờ phụng mà họ gặp nhau. Không biết kẻ sống, người chết nói với nhau điều gì nhưng cái động thái “ quỳ lạy ” của người sống trước người đã chết chắc chắn: “ Một người cầu xin, một người cứu rỗi”/ Một đấng tối cao, một kẻ thấp hèn/ Đỉnh hương mơ màng tỏa khói…” Câu thơ kết cho toàn khổ thơ thật bất ngờ “ Ai là người nước mắt đã vơi hơn”. Câu thơ thành câu hỏi làm người đọc thảng thốt, giật mình. Bởi lẽ biết đâu người đàn bà được tạc tượng sơn son thiếp vàng khi sống cũng có những đau khổ, bất hạnh ngút trời. Có thể bà không đau đớn vì thiếu thốn vật chất nhưng lại tan nát vì đời sống riêng tư với những vết đau tinh thần không sao giải thoát. Còn ta chứng kiến một sự thật mà bài thơ mang lại: Một người đàn bà đang được sống và một người đàn bà đã phải chết, vì thế: “Ai là người nước mắt đã vơi hơn ”. Vậy thì khi ta được sống, hãy vươn lên mà sống. Mọi sự cầu xin chỉ là hoang tưởng, Biết đâu nơi ta cầu xin, nương tựa lại là nơi bất hạnh hơn ta.
Ở một bài thơ khác – bài thơ “ Đừng tin nhé” – ( Tự Thanh I). Bằng sự giả tưởng, nhân vật xưng anh dặn dò người sống khi mình đã chết. Bài thơ có ba khổ thơ. Ở đầu mỗi khổ được nhấn bằng cụm từ “ Đừng tin nhé….” Sự trăng trối ở đây như một lời kêu gọi, cầu cứu, thống thiết, nhức nhối… “ …Đừng tin nhé sau ngày anh đã chết/Em hương hoa lễ lạt rước anh về/ Anh không thể nghe lời em thổn thức/Không biết gì trước cõi vĩnh hằng kia…”
Có thể là cực đoan, nhưng tôi tin nhiều người cũng có suy nghĩ như mình khi đọc đoạn thơ trên: Chết là hết. Đó là khi ta “ không thể nghe’ “ không thể biết” trước những “ hương hoa”, “ nức nở”, “ rước đón…”
Vì thế khi sống hãy thương yêu, chia sẻ, cảm thông với nhau. Được sống cùng nhau, đấy là cái lẽ nhân sinh trân quý.
Điều ấn tượng ở thơ Hải Thanh không phải ở đề tài, mà điểm nhấn là cách khai thác và đặt ra những vấn đề nhân sinh khi ông sử dụng đề tài ấy. Có cảm giác, tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có thể được nhà thơ khai thác. Ở Hải Thanh tứ trong thơ ông thường rất kín, chỉ khi người đọc trầm tĩnh, suy ngẫm, vận dụng vào đời sống mình có, khi đó ta mới cảm thức được thơ ông. Có thể dẫn ra hai câu thơ trong bài: “ Bổn phận cánh đồng” “ ..Nỗi niềm trời cao còn vì hạt cát/ Nỗi niềm giọt nước còn vì biển sâu.” Đọc qua cứ tưởng là chuyện trời biển. Ngẫm kỹ lại thấy đó là quan hệ giữa người với người. Phải chăng kẻ quyền quý cao sang cũng cần có “ nỗi niềm” cảm thông tôn trọng với kẻ thấp hèn. Kẻ thấp hèn cũng cần hiểu và cảm thông đối với kẻ quyền quý, cao sang… Điều đáng quý là chúng ta hiểu nhau, nghĩ về nhau, cảm thông với nhau trong cuộc đời dài rộng này.
Như trên đã nói: Thơ Hải Thanh đề tài là tất cả những gì thuộc về cuộc sống. Tuy nhiên người đọc có cảm giác đề tài về làng quê – hôm nay, hôm qua và mai ngày với những biến đổi không ngừng là nơi ông gửi gắm nhiều tâm trạng nhất. Cũng phải thôi, sinh ra ở một làng quê vào loại điển hình của Trung du Bắc Bộ. Đấy là cái làng mà nay được gọi là xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi ấy là đất thuần nông, nhưng ở gần kề quốc lộ hai, xa hơn một chút là phố thị Vĩnh Yên, vì thế từ xa xưa mỗi độ nông nhàn vẫn có người chạy chợ.
Ngày xưa tuổi thơ nào ở làng quê mà chẳng mò cua, bắt ốc, thả diều, bắt chim, cưỡi lưng trâu, tắm ao làng ngầu đục, thọc bưởi, thọc na nhà hàng xóm, rồi lén lút ngó con gái tắm chuồng….thôi thì đủ cả. Vất vả cũng có, ngọt ngào cũng có. Lớn lên may mắn thành người nhà nước, ăn cơm triều đình, cũng có lúc chân giầy, chân dép, nhưng ngồi buồn vẫn thậm thụt nhớ quê… Tất cả những điều chẳng là gì ấy như cái nút thắt “ an lành” chẳng ai nỡ cởi ra.
Nghĩ thế nên có thể coi bài thơ: “ Ngơ ngác đồng quê” của Hải Thanh (Tự Thanh 4) chính là bức chân dung làng mà ông thương yêu phác thảo. Làng quê là cái nơi: “ Mưa dầm thối rễ/ Gió cào nát lá/ Trăm năm/ Sông có lúc đầy/ Nghìn đời/ Núi vẫn chơ vơ…. / Người đi ngược/ người về xuôi….”
Đấy là cái nơi: “… Thiên tai, địch họa/ Máu hàng sông/ Xương hàng núi/ Ai ở đâu/ Ai là ai/ Ai đã làm gì…/ Làng còn là: “…. Tròn kiếp nông dân/ Cổ cày vai bừa/ Chém to kho mặn/… Chỉ lo xây nhà/Không xây tổ ấm…”. Nhưng chính ở đấy lại cho ta những điều nhân ái mà cả đời ta gạn lọc: “… Nhớ một ngày giỗ tổ/ ….Đất là nơi chôn rau/ Là nơi chôn xương/ Lời an ủi cuối cùng….”
Làng là nơi soi vào đấy thấy bao gương sáng làm người “.Người quê tôi/Không quen đi ngang về tắt/ Cay đắng ngọt bùi/ Cái kiến, con ong/ Gieo khắp mặt đời như hạt thóc/ Ngẩn ngơ không nhớ nổi mùa màng…”
Đúng là tận dâng, tận hiến cho quê hương Tổ quốc, mà ở đây là cái làng quê.
Đọc những bài thơ Hải Thanh viết về làng quê, người đọc luôn có cảm giác đắng xót, xót xa và có gì đó run rẩy, phập phồng. Đây là cảm giác có thật. Tôi nghĩ rất nhiều về sự thật ấy. Từ đó ngộ ra – Hải Thanh đã tiếp nhận được cách tư duy ứng xử của người dân quê truyền thống tới mức máu thịt.
Người quê thường nhắc nhau: “Nghĩ đi còn phải biết nghĩ lại”; “ Đời cha ăn mặn đời con khát nước” “ thương người như thể thương thân” “ tắt lửa tối đèn có nhau ” “ chị ngã em nâng….”.
Có lẽ, vì thế trước sự đổi thay của làng quê hôm nay làm ông vừa mừng vừa thắc thỏm, hồi hộp….
Đúng là làng quê của nghìn năm, thế mà chỉ vài ba năm đổi mới đã khoác lên mình một bộ áo mới của phố phường. Ai mà không mừng, ai mà không vui, nhưng vẫn có gì đó thắc thỏm với người cả nghĩ: “ Quê già phố xá thì non/ Làm cho lũ trẻ lon ton bỏ nhà…”.
Cái thắc thỏm chính ở cảnh “phố xá thì non” liệu có đủ sức để thay cái “quê già”. Không cẩn thận lại thành mớ lổn nhổn thì thật tai vạ. Lại còn “lũ trẻ” lon ton,… “cái tương lai của làng quê đang chờ đợi ở chúng nghĩ gì”..
Đúng là thơ Hải Thanh luôn đặt người đọc vào tâm thức suy ngẫm, đắn đo, cân nhắc để từ đó điều chỉnh cuộc sống.
Ở bài thơ “ Chợ quê’’ ( Thượng huyền) cũng vậy: Nhìn bề ngoài chợ quê vẫn có dáng vóc ngày xưa: “ Vẫn là gạo, vẫn là ngô/ Chợ bao nhiêu gió để khô mặt người…” Song sự biến động ở chợ quê chính là ở chỗ “ câu chuyện làm quà”. Ngày xưa câu chuyện làm quà là thăm hỏi nhau vồn vã, chuyện về gia đình, cha mẹ, chồng con, là chuyện giống má cấy cầy… Còn hôm nay câu chuyện làm quà chẳng biết những gì nhưng nó làm cho “….Để anh hàng trứng trở nên hai lòng….” “ Cô bán rượu thì “ Chán chồng vì men ” Đúng là đầy những nghi ngờ, phản trắc và biến động…..
Vốn là người sống ở làng quê. Nhiều lần chứng kiến cảnh những ngôi nhà cổ bị phá đi để xây nhà tầng bê tông, cốt thép. Do vậy quá cảm thông với nhà thơ khi ông viết bài thơ “Sợ rằng mình cũng bê tông (Tự Thanh 2)
Bài thơ xót xa, bất lực trước cảnh ào ào bê tông hóa làng quê. “Tự nhiên như bắt được tiền/ Làng xây mới cả ưu phiền dáng quê…./ Thôi đành làng đã thay tên/ Tại con diều sáo bỏ quên cánh đồng….?
Thay cũ đổi mới là điều đáng làm. Nhưng tưng bừng quá không chút đắn đo, nuối tiếc – nghĩ đi không nghĩ lại, cảm thấy băn khoăn, sờ sợ. Nhất là văn hóa ngàn đời của làng quê lại là kính trọng cội nguồn.. Có lẽ vì thế mà nhà thơ lo lắng “ Sợ rằng mình cũng bê tông/ Thèm nghe cổ tích lại không còn bà/Sợ ai buộc lạt quê nhà/Bưng ra phố xá bảo là…..mớ rau”
Khép lại bài viết này, chợt nhớ hôm có anh bạn trẻ đến chơi nhà. Anh thấy tôi ngồi đọc thơ Hải Thanh. Anh bảo: - Bây giờ ít người đọc thơ lắm. Người như ông thật hiếm. Thời của trí tuệ nhân tạo. Các Rô bốt làm thơ không khác gì thơ thật. Thích nhất là cần bao nhiêu, có bấy nhiêu. Vì thế sẽ đến lúc không cần người sáng tác.
Tôi ngồi nghe, nghĩ mà lo
Những ngày sau bỗng thấy vững tâm hơn bởi tự nhận ra: - Người làm thơ họ viết bằng những rung cảm tự lòng mình. Chữ nghĩa họ dùng, sự việc họ nói hình như gạn từ nước mắt, buồn vui, được mất có thật trong cõi đời này… Và tôi tin, tin tới mức bảo thủ, cực đoan: ..sẽ có thơ Rô bốt, song nhất định đó không phải thơ con người đau đớn, trăn trở làm ra.
Sự bảo thủ này chắc có phần ảnh hưởng từ “ Tính phản tỉnh trong thơ Hải Thanh” khi tôi đọc và tìm hiểu.
T.K