Trên hải trình tới biển
Ngày đăng: 20/10/2024; 82
THANH VĨNH
 
     Còn nhớ, trong cuộc gặp và thông tin nhanh về công tác tuyên truyền trong hải trình ra với biển, đảo Tổ quốc, khởi hành cuối tháng 12/2022; chúng tôi được các đồng chí chỉ huy Vùng 2 Hải quân chia sẻ về cuộc sống cùng những đóng góp, cống hiến của các lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo tiền tiêu, trong đó có những người lính hải quân công tác tại các âu tàu, trạm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật nghề cá trên các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
     Điều chia sẻ ấy thu hút tâm trí tôi suốt hải trình ra với biển, đảo Tổ quốc. Vì thế, khi tàu 490 đưa đoàn công tác cập đảo Sinh Tồn, nơi đầu tiên trên đảo mà tôi muốn tới là trạm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật của đảo.
     Đang mùa gió chướng, biển liên tục nổi giông, những cơn mưa lớn chốc chốc lại ào ào trút xuống. Trong âu tàu đảo Sinh Tồn khi đó có 5 tàu cá đang neo đậu. Bên bờ âu, tôi được gặp và trò chuyện với một số ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi. Trong câu chuyện, nhắc tới trạm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật, một ngư dân đã cảm kích thốt lên: Với tụi tui, đi biển mà chẳng may gặp sự cố, chỉ cần thấy đảo, thấy bộ đội mình là tui biết mình được sống rồi!
     Mang theo lời nói mộc mạc, chan chứa niềm xúc động ấy, chúng tôi đi đến ngôi nhà nhỏ tọa lạc bên hàng dương xen với phong ba, bàng vuông, tra… đang thì khép tán. Đó là Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn.
 
***
 
     Nằm kề âu tàu Sinh Tồn, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tôn gồm nhà công vụ/điều hành - nơi sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ và khu nhà xưởng.
     Khi chúng tôi tới, một tốp các chiến sĩ đang cặm cụi làm việc trong nhà xưởng. Mấy chị em cất tiếng chào. Tất cả cùng ngừng tay, ngẩng nhìn chúng tôi với ánh mắt vui vẻ. Anh lớn tuổi nhất nhóm nhoẻn cười, thân mật: Chào các em! Mời các em vào thăm đơn vị anh!
     Từ thềm nhà điều hành của trạm dịch vụ, tôi dõi mắt ra âu tàu Sinh Tồn. Nơi cửa âu, thêm một tàu cá đang tiến vào. Bên mạn bờ kè, một tàu cá khác đang được các chiến sĩ của trạm bơm cấp nước ngọt. Trời khi mưa khi nắng khiến không gian vốn sũng hơi nước lại càng thêm ngột ngạt, oi bức. Thời tiết ở Trường Sa quả là khắc nghiệt và đỏng đảnh. Đang nắng rát mặt, khét tóc bỗng thoắt lại mưa giông rầm trời. Và gió thì thừa mứa, cứ quần quật quần quật vần vã trên mặt biển, xung quanh đảo, như muốn cuốn bay tất cả…
          Những người thạo nghề biển cho tôi biết: Khoảng thời gian cuối năm thường là mùa biển động với sóng to gió lớn triền miên. Thế nhưng mùa biển động cũng lại là mùa khai thác cá mực, cá ngừ đại dương. Đó cũng là một sự lạ của thiên nhiên. Vì rằng, càng vào mùa sóng gió thì những hải sản được xem là đặc sản của biển như cá mực, cá ngừ… lại càng sinh sôi đông đúc. Và như là một ưu đãi riêng cho ngư dân Việt, những hải sản quý ấy lại kéo đàn tìm về với biển Trường Sa. Theo luồng cá, ngư dân vươn khơi. Trung bình, một chuyến đi biển của bà con sẽ kéo dài tới đôi vài tháng trời. Không ít tàu cá, bà con đi biển từ những tháng cuối năm trước xuyên qua tới đầu năm sau mới về. Để có được những khoang thuyền đầy chặt cá, ngư dân phải đối mặt với bao hiểm nguy, gian nan. Trong khi, hầu hết tàu, thuyền cá của ngư dân mình đều là loại tàu, thuyền nhỏ; không thể có đủ điều kiện trụ lại nơi ngư trường xa xôi. Giữa trùng khơi thăm thẳm chỉ trời và nước, ba bên bốn bề là giông bão, phong ba; tàu thuyền thô sơ, nhỏ bé; lại thêm ngoại bang hăm he, đe dọa; những âu tàu, những trạm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật nghề cá trên các điểm đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, Song Tử Tây… thực sự đã trở thành những “ngôi nhà” bình yên cho mỗi con tàu cùng những phận đời ngư dân nơi đầu sóng. Nói cách khác, nhờ các âu tàu, các trạm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên các điểm đảo luôn kịp thời tiếp ứng, cứu hộ cứu nạn, sửa chữa máy móc khi có sự cố, mà ngư dân yên tâm có đủ nhiên liệu, ngư cụ, lương thực, nước ngọt, thuốc chữa bệnh, nước đá… để bám biển, vươn khơi, khai thác hải sản dài ngày.
 
 
Âu tàu và Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn
                                                                                                  Ảnh: TL
 
     Tiếp chúng tôi dưới tán tra đan dày cành lá, Đại úy Lê Văn Hiệu (sinh năm 1981, quê Thanh Hoá) - Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn (Hải đoàn 129, Hải quân Nhân dân Việt Nam) cho biết: Âu tàu đảo Sinh Tồn được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2017 cùng với sự ra đời của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá với nhiệm vụ: thông tin kịp thời tình hình thời tiết, hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển; cung cấp nước ngọt miễn phí cho các tàu cá; sửa chữa tàu, thuyền miễn phí về nhân công cho ngư dân; cung cấp, cung ứng nhiên liệu bằng giá bán trong đất liền cho bà con; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; chia sẻ cùng bà con từ cân thực phẩm tươi tới mớ rau xanh… khi bà con thiếu thốn, hoặc có nhu cầu… Đồng thời, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống.
      Kể từ khi thành lập, trạm đã là “chốn về” bình an cho hàng ngàn tàu, thuyền cùng ngư dân. Còn nhớ, trong hai cơn bão số 6 (tháng 11/2019) và số 9 (tháng 10/2020), Trung tâm Hậu cần Dịch vụ - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn đã tổ chức đón 145 lượt tàu cá với 1.230 bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bình Thuận, An Giang vào neo đậu, trú tránh bão. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc đánh bắt hải sản của bà con ngư dân bị gián đoạn, nên các năm 2021, 2022 số lượng tàu cá vào âu tàu Sinh Tồn xin cung ứng nước ngọt, tiếp nhận ngư cụ, sửa chữa thiết bị, máy móc có giảm so với trước. Nhưng, hễ có tín hiệu cấp cứu, là cán bộ, chiến sĩ của Trạm lập tức lên đường tiếp ứng bà con với tinh thần “cống hiến quên mình”, vì bình yên cho mỗi con tàu, cho mỗi ngư dân. Trên tất cả, là vì bình yên và vẹn toàn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
 
 
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn trao tặng ngư dân cờ Tổ quốc và nhu yếu phẩm. Ảnh: TL
 
Tính riêng trong khoảng cuối năm 2022 sang đầu năm 2023, Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn đã tiếp đón 63 tàu cá, 568 ngư dân vào âu trú, tránh bão; cứu hộ, tiếp nhận 13 ngư dân gặp nạn; tổ chức cấp cứu thành công 2 trường hợp ngư dân lâm bệnh nặng trên biển; sửa chữa 14 tàu, thuyền cá bị hư hỏng thiết bị, máy móc; cấp phát hàng trăm mét khối nước ngọt miễn phí, cung cấp gần 10.000 lít nhiên liệu theo bảng giá trong đất liền cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.
 
 
Khẩn trương sửa chữa, khắc phục sự cố kỹ thuật tàu cá giúp ngư dân yên tâm vươn khơi. Ảnh: TL
 
 
Cấp phát nước ngọt cho tàu cá khi vào neo trú, sửa chữa trong âu tàu đào Sinh Tồn. Ảnh: TL
 
Nghe Lê Văn Hiệu chia sẻ, lòng tôi dâng niềm khâm phục. Làm nhiệm vụ đặc biệt nơi đầu sóng, những người lính Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá Sinh Tồn phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm… Những gian khó ấy, ở nơi trùng khơi sóng gió này đều trở nên khó lường gấp bội. Để hoàn thành nhiệm vụ, rất có thể, người lính phải hy sinh cả tính mạng. Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ, chỉ sức mạnh với trang, thiết bị hỗ trợ… là chưa đủ, mà mỗi người lính đều phải dạn dày bản lĩnh, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm… Cũng có nghĩa, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn phải là những “con dao pha”... Nghe tôi bày tỏ những suy nghĩ này, Lê Văn Hiệu mỉm cười, bộc bạch:
- Chúng em luôn xác định đây là nhiệm vụ cao cả, quan trọng; cũng là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn với đồng bào mình. Muốn giữ vững chủ quyền biển, đảo, phải xây dựng được thế trận lòng dân, quân với dân là một, cùng chung ý chí, mục tiêu, chung quyết tâm, ắt sẽ thành công, chị ạ!
Lê Văn Hiệu ngừng lời, dõi ánh mắt ra khơi xa. Phía ấy, trên trùng trùng những con sóng lớn, là tàu 490 đang buông neo, là những tàu cá của ngư dân đang rẽ sóng. Phóng viên Anh Đào (VOV) lên tiếng:
- Anh có thể kể cho tụi em nghe về một số lần cán bộ, chiến sĩ trạm mình đi cứu hộ, cứu nạn trên biển?
Câu hỏi của cô phóng viên trẻ như kéo Lê Văn Hiệu trở lại với chúng tôi, với câu chuyện mà chúng tôi cùng quan tâm. Lê Văn Hiệu mỉm cười, nói:
- Là nhiệm vụ của đơn vị anh mà em, và chiến công thì cũng nhỏ bé, bình dị thôi!
- Làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong giông bão mà nhỏ bé sao được, anh? - Anh Đào kêu lên, rồi nài tiếp - Anh kể cho chúng em nghe đi!
Chúng tôi cùng biểu đồng tình với Anh Đào. Lê Văn Hiệu mỉm cười. Và chúng tôi được ngược dòng thời gian về những năm tháng trước, ôn nhớ, tự hào về những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn nơi đầu sóng...
 
***
 
     Đó là chuyện kể về tàu cá PY 91999TS do ông Lê Văn Lắm (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trưởng. Ngày 19/9/2019, tàu xuất phát từ bến Đà Rằng, trên tàu có 6 thuyền viên, hành nghề lưới rê và câu cá ngừ đại dương.
     Vào khoảng 4h ngày 22/10/2019, khi đang khai thác hải sản cách âu tàu Sinh Tồn 15 hải lý về phía Đông Bắc, thì máy phát điện của tàu gặp sự cố.
     Nhận thông tin từ tàu cá, chỉ huy Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu hộ. Theo đó, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ kể từ khi gặp sự cố, tàu PY 91999TS đã cập vào âu tàu Sinh Tồn an toàn. Được cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật của Trạm tận tình giúp đỡ, sửa chữa, sự cố máy phát điện của tàu được khắc phục. Một ngày sau, tàu PY 91999TS chia tay cán bộ, chiến sĩ Trạm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn tiếp tục vươn khơi.
 
Còn nữa…
T.V
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc