HOÀNG LĨNH
Đền Đình Chu tọa lạc tại thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ vị thần núi hiệu là Tuấn Ngật Cao Sơn và thờ vọng 18 đời Hùng Vương. Đền Đình Chu là một di tích tiêu biểu trong hệ thống các di tích thờ Hùng Vương và dòng dõi, tướng lĩnh trên đất Vĩnh Phúc. Năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), cùng với làng Thượng Đạt, làng Đình Chu (khi đó có tên là Mễ Đề) là hai làng duy nhất của huyện Lập Thạch được ghi vào Tự điển “Bộ Lễ” triều Lê thống kê những địa danh thờ Hùng Vương, trong tổng số 73 di tích thờ Hùng Vương trong cả nước Đại Việt vào thời điểm đó.
Trong đền còn lưu giữ bức đại tự “Hùng Vương miếu” và các đạo sắc phong cho thần núi Tuấn Ngật Cao Sơn và “Cổ Việt Hùng thị thập bát thế” (18 đời vua Hùng của nước Việt cổ). Nguyên do, trước đây khi làng mới hình thành thì chưa có đền, chỉ có ngôi miếu nhỏ thờ thần núi và 18 đời Hùng Vương. Đến năm 1762 (thời Hậu Lê), dân làng mới dựng đền thờ. Ngày nay, cách đền Đình Chu khoảng 500m về hướng Đông Nam còn có đình Đình Chu thờ vọng 18 đời Hùng Vương, niên đại xây dựng là năm Gia Long thứ 2 (1804). Cả đình và đền Đình Chu đều thờ các nhân vật lịch sử trong buổi đầu dựng nước nhưng lại gắn với các danh tự thần núi như: Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn... Theo lý lịch di tích, có giả thuyết cho rằng đây là tín ngưỡng thờ thần núi của cư dân nông nghiệp thời kỳ tiến xuống trung du và đồng bằng. Đây chính là sự biểu hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam.
Đền Đình Chu có niên đại khởi dựng được ghi rõ là vào năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762) và các lần trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), Minh Mệnh thứ 13 (1832), Tự Đức thứ 2 (1841), Tự Đức thứ 16 (1855). Đền được xây dựng trên một khu đất rộng và bằng phẳng, thoáng đãng tại khu vực trung tâm xã Đình Chu. Đền nhìn về hướng Đông Nam, ẩn hiện giữa những tán cây cổ thụ, xung quanh có tường đá ong thấp bao quanh. Đền có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Công (工) gồm có 3 tòa: tiền tế, ống muống và hậu cung. Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu 4 hàng chân cột với các bộ vì dạng “thượng giá chiêng - hạ kẻ”, 4 mái có đao. Ống muống kết cấu 1 gian dọc, không có tường xây, tạo không gian thoáng đãng, chuyển tiếp giữa tiền tế và hậu cung, có 2 bộ vì kiểu chồng rường. Hậu cung gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu 4 hàng chân cột, 4 mái có đao tương tự như tiền tế. Các bộ vì được làm giống nhau theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường - hạ kẻ”. Gian giữa được nâng sàn lên cao 1,4m làm thượng cung dạng khám thờ, là nơi đặt long ngai bài vị. Mặt bằng kiến trúc hình chữ “Công” với tiền tế 3 gian 2 dĩ và hậu cung cũng 3 gian 2 dĩ, nối giữa tiền tế với hậu cung là 1 gian ống muống tạo chiều sâu kiến trúc và phân chia, thâm nghiêm hoá hậu cung nhưng vẫn đảm bảo tính liên hoàn chặt chẽ của chỉnh thể kiến trúc.
Xét về tính chất và loại hình của một ngôi đền thờ, đền Đình Chu có quy mô kiến trúc tương đối đồ sộ, chắc khỏe, rất thành công về mặt kỹ thuật - với bộ khung kiến trúc bền chắc phù hợp với thiên nhiên nhiệt đới, đạt yêu cầu về chức năng sử dụng - phù hợp với tâm lý, tư duy của con người Việt Nam và thoả mãn được yêu cầu thẩm mỹ.
Đền Đình Chu có cảnh quan thiên nhiên đẹp với đặc trưng về kiểu thức kiến trúc cổ rất cổ kính, trang nghiêm, ngoạn mục với các đầu đao cong vút. Tất cả các bộ phận cấu thành nên kiến trúc của ngôi đền đều được bố trí hợp lý, gia cố mực thước chính xác. Là một ngôi đền thờ thần núi trong thần điện của người Việt cổ, kết cấu kiến trúc của đền Đình Chu bảo tồn được tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ kiểu chữ Công với các bộ vì kèo được làm theo kiểu giá chiêng, chồng rường, kẻ, bẩy, cột trốn… mà mỗi chi tiết đều có một chức năng nhất định. Có thể nói, nghệ thuật kiến trúc đền Đình Chu đã kết hợp được tinh thần nghệ thuật từ các giai đoạn trước và gắn kết vào tinh thần kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVIII, tạo nên nhiều yếu tố đa dạng, đặc sắc, hoà quyện giữa nghệ thuật truyền thống và yếu tố lịch sử liên quan đến nhân vật lịch sử được thờ.
Đền Đình Chu trải qua thời gian đến nay vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn kết cấu kiến trúc cổ cùng nhiều bức chạm khắc, trang trí phong phú, sinh động và hệ thống cổ vật, di vật có giá trị. Cùng với đình Đình Chu, đây là những di tích tiêu biểu của xã Đình Chu, huyện Lập Thạch nói riêng, của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Đình Chu là rất cần thiết, được đặt ra với các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân địa phương, nhằm bảo đảm tính bền vững của di tích, phát huy sức sống của di sản trong cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ trẻ hiện tại và trong tương lai.
H.L