Xuân đang về trên sóng đảo xa
Ngày đăng: 26/03/2025; 48
THANH VĨNH
 
Trở lại đảo xa, nỗi nhớ thêm gần
Mong mỏi được đặt chân lên đảo đã thành hiện thực. Điều lạ là, dù là người lần đầu tiên được đến đảo hay người từng có vinh dự đến vơi đảo xa nhiều lần, thì cảm xúc của chúng tôi vẫn giống nhau: háo hức, mong đợi - một sự háo hức mong đợi đến nôn nao… Đặc biệt, nỗi nôn nao ấy càng thêm “thắp lửa” nơi lồng ngực bởi được lên đảo dịp này, cũng có nghĩa chúng tôi còn được cùng quân dân ta nơi đầu sóng đón chào năm mới 2023. Vinh dự đặc biệt này, đâu dễ có trong đời người chứ! Thế nên, em hồi hộp quá chị ạ! - Phóng viên Lê Đức (TTX Việt Nam) ôm khư khư chiếc túi nilon màu xanh xám to kềnh của lính biển, trong đựng máy ảnh, nhoẻn nụ cười có chiếc răng khểnh mà chia sẻ với tôi như thế. Gương mặt Đức vẫn tái nhợt vì lạnh và say sóng, nhưng nụ cười thì rất tươi tắn. Niềm vui được lên với đảo đã thắp hồng nụ cười ấy. Niềm vui ấy không chỉ của riêng Đức, của tôi, mà lấp lánh trên mọi gương mặt các thành viên đoàn công tác hải trình đi thăm, chúc Tết quân dân ta trên các điểm đảo của Tổ quốc lần này.
- Hoàng hôn trên biển thường buông chậm hơn hoàng hôn trên đất liền. Lúc ấy, chúng em nhớ nhà nhiều nhất! - Đó là chia sẻ của mấy chiến sĩ tôi được gặp trên đảo khi các em vừa hết ca gác trong lần tôi được đến Song Tử Tây, tháng 4 năm 2018, khi chị em tôi làm quen, trò chuyện với nhau. Nhưng hoàng hôn chiều cuối năm 2022 trên đảo Song Tử Tây lại đã nhanh chóng khép lại bởi những cơn giông mù mịt. Đang mùa gió chướng, biển động triền miên. Trời trĩu nặng mây đen. Nơi cửa âu, sóng hung hăng tung ngàu ngàu bọt trắng. Dù được “trung chuyển” từ xuồng CQ sang tàu Vạn Hoa để động lên đảo, nhưng xuống xuồng từ 13h30 mà tới gần 16h chiều cùng ngày chúng tôi mới tới được đảo. Gian khó ấy càng khiến mong muốn được lên đảo, được gặp gỡ và đón năm mới cùng đồng chí, đồng bào càng thêm háo hức.
Trong cơn giông giăng màn, đoàn chúng tôi nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của quân dân trên đảo. Các chiến sĩ dành cho chúng tôi tất cả những gì thuận lợi, tiện nghi nhất của đảo, từ nước ngọt, phòng nghỉ, đến bữa ăn đậm hương vị quê nhà…
Sau nhiều ngày lao đao vì say sóng, đi lại trên tàu phải bám vịn, hạn chế, nay được đứng thẳng người trên mặt đất; được ngả lưng thư thái trên giường mà thân mình không bị sóng chao lắc, “rang lạc”; được trút bỏ bộ quần áo sũng nước biển, thay bằng bộ đồ khô ráo… ai ai cũng cảm nhận rất rõ, sự thoải mái, dễ chịu - một hạnh phúc bình dị, nhỏ bé mà hằng ngày, vì bị chi phối bởi những thứ ồn ào to tát, ta đã chẳng khi nào chú tâm. Mới biết, để bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính nơi đầu sóng đã nhận về mình cả những hy sinh, dù bình dị nhất, như sau một ngày làm việc, được tắm gội thoải mái bằng nước ngọt, được nhận về hương thơm của sự sống thay vì bị bao bọc bởi những khét nồng của mặn nắng mặn gió biển cả.
Tắm gội, nghỉ ngơi chốc lát, theo hiệu lệnh, chúng tôi tập trung ở nhà ăn. Tại đây, một bữa cơm nóng hổi, với những món ăn được chế biến khéo léo, gồm cả cá kho, muối vừng, rau luộc… nhìn rất ngon mắt. Đặc biệt, trên mỗi mâm cơm còn có thêm một tô cháo hoa. Mọi người hào hứng vào bữa. Chị dùng trước chút cháo hoa cho tỉnh người đã nhé! - Người chiến sĩ ngồi cạnh nói và đơm cho tôi một bát cháo nhỏ. Sau nhiều ngày say sóng, bát cháo nóng hổi, thơm mùi gạo quê ấy đã giúp tôi hoàn toàn tỉnh táo, hồi sức. Nói điều này với người lính ngồi cùng bàn, anh vui vẻ cho biết: Cháo trắng là “thần dược” giúp hồi sức nhanh nhất sau khi bị say sóng đó chị. Kinh nghiệm của lính tụi em đó. Say sóng, đau ốm… muốn hồi sức nhanh, chả gì bằng cháo hoa - món ăn “truyền đời” của ông bà ta, chị ạ!
Bữa ăn thêm hào hứng bởi những tiếng xuýt xoa khen cơm ngon, khen lính đảo nấu ăn không thua đầu bếp nhà hàng trên đất liền. Nếu không có tiếng sóng biển đang ầm ầm dội quanh khi xa khi gần, thì bữa cơm ấm tình quân dân ấy chẳng khác bất kỳ bữa cơm ngon nào nơi đất liền. Đồng nghiệp ngồi cạnh tôi thốt nói: Ngon quá, cả tuần nay say sóng, em không ăn được gì, giờ được bát cơm nóng với canh rau như này là đủ chị ạ! Ăn cơm với cá kho muối lạc, làm em nhớ nhà quá… Nhìn bạn ăn rất ngon miệng, tôi nhớ lại cảnh trước đó vài giờ đồng hồ, bạn ngồi nép trong góc khoang tàu, mặt tái mét vì say sóng, mệt mỏi.
Còn có một điều khiến tôi xúc động, đó là, sau bữa tối, khi đang trên đường trở về phòng nghỉ lấy máy ảnh và thiết bị công tác để lên dự buổi giao lưu đón chào năm mới với quân dân trên đảo; tôi gặp Thượng tá Phạm Văn Thọ - Trưởng Đoàn công tác - tận khi đó vẫn đang mang trên người bộ quần áo ướt sũng nước mưa lẫn nước biển. Chân mang dép râu, ống quần xắn ngang bắp, anh Thọ đang cùng các cán bộ chỉ huy trên đảo kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp vật tư, nguyên liệu từ tàu lên đảo; trao - nhận hàng quà Tết, thay - thu quân... Lúc ấy, trời lại lắc thắc mưa. Nói điều này với một chiến sĩ, em cho biết: Chúng em nhắc thủ trưởng thay đồ mấy lần, nhưng anh ấy nói: Đang dở công việc, để lát nữa. Nãy em lại vừa nhắc tiếp, rằng mặc bộ đồ ướt tới nửa ngày trời rồi, mà lúc này đảo đang có gió lạnh khá mạnh, sợ anh bị ốm. Thủ trưởng cười, bảo: Ôi, lính mà, sợ gì gió mưa. Cậu cứ yên tâm! Lát vãn việc tớ sẽ…
Nghe người lính chia sẻ, tôi lại nhớ, cứ mỗi khi đoàn công tác chúng tôi chuẩn bị rời tàu lên đảo, hoặc từ đảo về tàu; dù sóng gió đến đâu, thì dẫn đầu hàng quân, trực tiếp chỉ huy, đôn đốc mọi công việc, luôn là Thượng tá Phạm Văn Thọ - Trưởng Đoàn công tác. Không chỉ vậy, những khi hầu hết chúng tôi bị cơn say sóng vần cho nằm bẹp, anh Thọ thường qua thăm hỏi, động viên. Rồi những bắp ngô, củ khoai luộc nóng hổi, thơm ngọt được các chiến sĩ đưa tận tay, giúp chúng tôi vơi nguôi những cơn say sóng biển. Trên hải trình sóng gió, những người lính biển luôn dành cho chúng tôi những chăm sóc ấm áp đầy tình người như thế. Nói điều này là bởi, tôi từng có vinh dự 3 lần ra với Trường Sa, với Nhà giàn DK1.
 
Những ngày lênh đênh trên biển, tôi được nhận về những chăm sóc rất đỗi ân cần, bình dị của những người lính biển. Ấy là chiếc khăn ấm nước nóng chườm mặt, một cốc nước uống, một viên kẹo ngậm; tới củ khoai, miếng trái cây tươi… mỗi khi chúng tôi bị say sóng, choáng váng, không ăn nổi cơm. Hay mỗi khi tôi và các đồng nghiệp chuẩn bị lên - xuống xuồng, vào đảo, lên Nhà giàn DK1… những người lính lại nhận về mình trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chúng tôi, từ việc lái xuồng trong sóng dữ, tới việc dìu đỡ chúng tôi lên xuống, bảo quản, khuân vác các thiết bị công tác… Nhận về sự dìu đỡ bước chân sao cho chính xác cùng những câu nói, như: Chị đưa em xách máy ảnh và ba lô cho. Chị yên tâm, không ướt được máy ảnh đâu. Nào, chị chú ý! Chuẩn bị bước xuống/lên (xuồng) thật chính xác, chị nhé… là lòng tôi lại ngập tràn niềm tin tưởng, sự yêu mến, kính trọng… với những người lính. Khi ấy, những con sóng đang lừng lững dâng cao kia, với tôi, không còn chút gì đáng sợ, dù tôi không hề biết bơi. Và trước khi được ra với biển, đảo Tổ quốc, cứ gặp phải mặt nước nào tối thẳm, là tôi thường bị ngợp thở, mất bình tĩnh. Trong khi đó, sức vóc các anh các em chiến sĩ cũng đâu có to khỏe gì hơn chúng tôi. Cũng da cũng thịt, nên các anh các em cũng phải chịu đựng những tác động của thời tiết khắc nghiệt trên biển, lại làm việc trong điều kiện thường xuyên bất lợi vì thời tiết nên dù có dạn dày sóng gió thì các anh các em cũng làm sao có thể tránh khỏi mỏi mệt, đau đắng. Tôi, không ít lần lặng người khi gặp những chiến sĩ trẻ măng, nhưng da mặt các em bị sám nhúa, loang tróc vì sóng gió. Và thật kỳ diệu là nụ cười người lính biển - luôn sáng rỡ, khi em nghe tôi hỏi thăm và lo rằng nắng gió quá, da dẻ tróc hết vậy, em có sợ về sau sẽ bị… xí trai. Em đã cười giòn trước nỗi lo rất “đàn bà” của tôi: Sợ gì cô, tụi con quen rồi! Và tôi lại nhớ đến chiến sĩ Nguyễn Huy (Nhà giàn DK1/10, bãi cạn Cà Mau), khi em cùng đồng đội kéo sợi ròng rọc, trên đó treo tòn teng một khúc cây, trên khúc cây là một ai đó trong chúng tôi (ngồi lên, tay bám chắc sợi dây ròng rọc) để các chiến sĩ dùng ròng rọc đưa lên Nhà giàn DK1/10 vào mùa Xuân năm trước. Hôm ấy, trời chang chang nắng mà sóng vẫn cấp 5. Nắng gió trùng khơi đã khiếp, nắng gió trên biển nhà giàn còn khiếp hơn nhiều lần - Có ai đã đúc kết như vậy. Huy có gương mặt trái xoan rất ưa nhìn cùng nụ cười dễ mến. Nắng quá rát, sóng chốc chốc lại chồm cao, hắt tới tận chân nhà giàn nơi Huy đứng, vậy mà Huy vẫn đầu trần, phơi mình trong nắng, làm nhiệm vụ. Tôi xót, hét to, nhắc Huy đội mũ. Em cười, tiếng át tiếng sóng: Không sao đâu chị… Sau tôi mới biết, từ trước đó, Huy đã nhường mũ của em cho một nữ phóng viên… Chao trời! Người lính Cụ Hồ là thế đấy, sẵn sàng nhận về mình những khó khăn, cả những hy sinh thầm lặng đến không dễ nhận ra. Mà nào đâu chỉ công việc giúp đỡ đoàn công tác có một hải trình tuyệt đối an toàn, hiệu quả; cán bộ, chiến sĩ trong các hải đoàn mà tôi từng được gắn bó, đồng hành trên biển như Hải đoàn tàu 561, tàu KN263, tàu KN490… còn vừa phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Quân đội, Bộ Tư lệnh Hải quân và đơn vị giao phó; trong đó, có nhiệm vụ trao chuyển cả chục tấn, trăm tấn hàng hoá, nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, đồ dùng… lên các đảo, nhà giàn trong sóng cuồng gió lộng, không mưa giông rát mặt thì cũng nắng đốt khét tóc.
Cùng trong hải trình, mỗi khi trong chúng tôi có người say sóng, đau mệt, chúng tôi luôn được nhận từ những người lính biển - những con người từng chịu bao sóng gió gian khổ - những quan tâm, chăm sóc rất bình dị mà thấu tận tâm can. Bởi thế, mà khi tàu khởi hành, từ bữa cơm đầu tiên trên tàu trong hải trình sóng gió, trong chúng tôi đã không còn có khoảng cách giữa đại biểu đoàn công tác, báo chí và cán bộ, chiến sĩ. Thế đấy, tất cả là vì công việc, tất cả là để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ - Đó là phương châm, là mục tiêu tối thượng của người lính đảo.
Đảo xa, biển thẳm - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, vì thế, chẳng còn xa xôi nữa. Bởi đảo xa, biển thẳm luôn thường trực trong mỗi tim người, như câu hát, luôn thầm thì dội vào tâm thức: Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em Trường Sa luôn bên anh…
Xuân về trên đảo tiền tiêu
Niềm háo hức được đón năm mới trên đảo đã cận kề. Chúng tôi nhanh chóng tề tựu tại hội trường xã đảo Song Tử Tây. Hôm đó là ngày 28/12/2022.
Hội trường xã đảo là một căn phòng khang trang, được trang trí giản dị mà không kém phần trang nghiêm, đẹp mắt. Trung tâm căn phòng là chậu mai vàng do những bàn tay lính đảo khéo léo tạo thành. Trên đó, cùng các bông mai là đèn màu, là bao lì xì, là các “bông hoa” câu đố - chi tiết không thể thiếu trong các cuộc giao lưu với tiết mục hái hoa dân chủ… của quân dân trên đảo. Ngắm không gian ấm áp ấy, tôi như thấy mình đang ở đất liền, bởi, không gian ấy, chẳng khác bất kỳ một không gian mừng năm mới nào trong các cuộc giao lưu đón Xuân nơi đất liền mà tôi từng được dự.
Dự đêm giao lưu đón năm mới trên đảo Song Tử Tây, là đầy đủ các thành phần quân dân trên đảo, từ cán bộ, chiến sĩ các quân chủng, quân y, nhân viên hải đăng, trạm khí tượng, các hộ dân, thầy và trò trường tiểu học… Háo hức và háo hức! Sự háo hức thấy rõ trên từng gương mặt người, từ em nhỏ, tới các chiến sĩ.
 
 
 
 
 
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây trang trí cành mai, chuẩn bị đón Tết
 
Được biết, để chào đón năm mới, tạo thêm không khí vui tươi, lạc quan trong đời sống tinh thần quân dân trên đảo; từ trước đó, cùng với các hoạt động, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới; cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao… Ngắm những trang báo tường với chủ đề mừng đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân mới được trang trí đẹp mắt, trình bày rất “có hoa tay”, có nhiều nội dung phong phú; trong đó, nổi bật là những trang viết về biển, đảo quê hương, về tình yêu đất nước, gửi gắm nỗi nhớ tình thương về hậu phương, người thân… tôi không khỏi rưng rưng. Bởi cảm thấu sự ấm áp, yêu thương lan toả tự tâm hồn những người lính nơi đầu sóng gió.
Và đêm giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ đón Tết, mừng năm mới của quân dân xã đảo Song Tử Tây và đoàn công tác chúng tôi bắt đầu. Mọi ánh nhìn đều hướng cả về phía sân khấu. Nơi đó, sẽ diễn ra nhiều tiết mục hấp dẫn, vui nhộn, ý nghĩa. Với sự luyện tập, chuẩn bị công phu, chương trình giao lưu văn nghệ bao gồm nhiều tiết mục phong phú: hát, đọc thơ, dân vũ rồi hiphop - “món” mà nhiều chàng lính trẻ rất mê, bởi sự hấp dẫn riêng của nó.
Đắm vào sự rộn rã, vui nhộn rất “lính”, chúng tôi nồng nhiệt tán thưởng, cổ vũ. Có lúc, cả hội trường như bùng nổ bởi màn hiphop điệu nghệ của các chàng lính trẻ. Rồi cả khán trường lại như lắng xuống, khi các em nhỏ trên đảo diễn đọc bài thơ “Con sẽ đợi ba về”. Những câu thơ vời vợi niềm nhớ thương vang lên nơi đảo nhỏ qua giọng đọc hồn nhiên, trong ngần của trẻ thơ, nghe mới rưng rưng làm sao:
“Con và mẹ đang ngồi canh nồi bánh chưng xanh để kịp gửi ra cho ba đón xuân nơi tiền tiêu Tổ quốc nơi quanh năm nắng tuôn mưa dội
nơi bốn bề từng lớp sóng bủa vây hòn đảo nhỏ giữa sóng nước trời mây
hai tiếng thiêng liêng Trường Sa yêu dấu…”
Bên hành lang hội trường, tôi đã được gặp tác giả bài thơ giàu xúc cảm ấy: Nhà giáo Nguyễn Hữu Phú. Thầy Phú ra đảo Song Tử Tây dạy học đã gần 5 năm. 5 năm công tác trên đảo, từng trải nếm phong ba bão táp trùng khơi, từng cùng học trò, cùng quân dân trên đảo đi qua những cuồng phong kinh hoàng do cơn bão Rai (2022) gây ra; với thày Phú, biển, đảo Song Tử Tây không chỉ là một địa danh trên bản đồ Tổ quốc, mà đó là yêu thương, tự hào, trách nhiệm. Bao cảm xúc đã dồn nén lại, để Nguyễn Hữu Phú viết bài thơ này.
 
 
Một tiết mục văn nghệ chào năm mới của các chiến sĩ đảo Song Tử Tây
 
Em làm thơ, để học sinh của em đọc, mà thêm yêu thương hơn cha má, gia đình, quê hương, đất nước; thêm hiểu về những người lính đang ngày đêm can trường giữ bình yên, vẹn toàn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình, chị ạ! - Nắm chặt tay Phú, tôi xúc động nhận từ nhà giáo trẻ, giàu nhiệt huyết lời tâm sự chất phác ấy. Tôi lại nghe, mi mắt mình cay…
Và chợt, tôi bắt gặp vẻ bẽn lẽn của một thiếu phụ trẻ khi chị nhận từ người bạn đời của mình bông hoa bàng vuông đang rộ nở (anh tặng vợ sau khi chị vừa cùng các chị em tổ phụ nữ làng đảo biểu diễn ca khúc “Bài ca may áo”). Hỏi chuyện nhanh hai anh chị, tôi được biết, họ ra đảo đã được gần 5 năm. Nhà có hai vợ chồng và 2 con nhỏ. Sang năm, gia đình sẽ về đất liền, để chuẩn bị con con lớn vào học trung học cơ sở. Hằng ngày, vợ lo chăm sóc con cái, việc nhà, chồng có thể theo tàu đi đánh bắt cá và tham gia các công tác chung của xã đảo…
Cứ mỗi khi đảo có người từ đất liền ra thăm, chúng em vui lắm. Nhất là vào dịp đón năm mới như này đó chị! - Người chồng mỉm cười, nói với tôi. Chỉ vào cành bàng vuông với hai bông hoa đang hàm tiếu rất đẹp trên tay chị, tôi hỏi anh: Trời tối quá, chúng tôi lên đảo muộn mà lại mắc mưa, nên không kịp ngắm hoa bàng vuông dù rất ao ước. Anh kiếm được hoa bàng vuông này từ đâu vậy? Người chồng vui vẻ: Từ cái cây trước cửa nhà em đó chị! Đợt này mưa gió quá, bàng vuông chưa nở rộ. Ở ngoài này chỉ có hoa bàng vuông là đẹp nhứt, nhưng cây đã cao nên cũng không dễ kiếm. Với lại, phải dịp đặc biệt như này em mới dám hái một bông tặng vợ mà thôi. Còn thì để hoa nở đẹp chung ngắm và nữa, để hoa kết quả, đặng có quả dành ươm cây mới để trồng cho đảo thêm xanh, chị à! Nói rồi, anh âu yếm nhìn vào mắt vợ. Chị bẽn lẽn cười. Còn tôi, tôi thấy tim mình ấm lan niềm hạnh phúc của họ.
Hội trường lại rào lên những tiếng vỗ tay tán thưởng. Chúng tôi tạm dừng câu chuyện để quay lại với cuộc vui chung. Trên sân khấu xuất hiện một chàng lính trẻ: Trung sĩ Đinh Tiên Hoàng. Sau cái chào rất “con nhà võ”, Đinh Tiên Hoàng trình diễn bài võ thuật với hàng loạt động tác mạnh mẽ, dũng mãnh, đẹp mắt. Những tràng pháo tay tán thưởng chàng lính trẻ lại nối nhau ròn rã vang dậy hội trường...
Thêm một tiết mục thú vị, khiến cả hội trường không ngớt cười vang trong đêm giao lưu văn nghệ đón Tết sớm trên đảo Song Tử Tây, đó là mục hái hoa dân chủ, Người chơi lên “hái hoa”, nhận câu hỏi, câu đố vui rồi trả lời. Bị không khí hồi hộp rồi vỡ oà thú vị của những câu đố vui lôi cuốn, tôi và nhóm chiến sĩ đứng cuối hội trường “ủn lưng” nhau xung phong lên hái hoa, giảng đố. “Hái” 3 câu, giảng sai đáp án tới… 2 câu, nhóm chúng tôi khiến hội trường cười rung nhà. Thú vị hơn cả là mấy câu đố khiến chúng tôi tắc tị và giải sai, lại được các em nhỏ giảng đúng một cách… dễ ợt, càng khiến đêm giao lưu vỡ oà với những trận cười vui.
  • Đó, tài không đợi tuổi á cô! Mấy nhỏ bé xíu vầy mà giảng đố tài quá, cô con mình thua hết rồi! - Binh nhất Võ Văn Thanh (quê Tuy Hòa, Phú Yên) vừa cố nín cười vừa nói với tôi như vậy. Cô cháu tôi lại oà lên cười.
Vui đến nao lòng…
Tranh thủ hỏi chuyện Lê Bảo Phúc và mấy chiến sĩ khác, tôi được biết: Không chỉ tổ chức giao lưu văn nghệ đón tết sớm, đảo còn tổ chức gói bánh chưng, làm báo tường, chơi trò chơi dân gian, thi kéo co, thi đấu bóng chuyền, bóng đá…
  • Đón Tết ở đảo có vui có buồn! Buồn vì xa gia đình. Còn vui là được cán bộ, chỉ huy động viên, quan tâm chia sẻ, tổ chức những trò chơi thể dục, thể thao, thi ca hát, hái hoa dân chủ, khi nãy chơi “hái hoa giảng đố”, có mấy câu hỏi rất thú vị… tụi con rất khoái. Đi bộ đội giúp con trưởng thành lên rất nhiều đó cô. Con công tác ở Trạm Rada của đảo. Chỗ con mấy anh mấy chú chỉ huy “cưng lắm”, y như anh lớn, chỉ bảo tụi con mọi việc. Tụi con hứa: sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ, quản lý nghiêm vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Đó là những bộc bạch của Lê Bảo Phúc, khi tôi hỏi em rằng: Năm đầu tiên xa nhà trong đời quân ngũ, lại làm nhiệm vụ và đón Tết ngoài đảo xa, em có buồn không? Phúc đã đáp một mạch, rất tự tin, chững chạc như vậy. Dừng giây lát, Phúc nói như khoe thêm:
  • Vui lắm cô à! Chỗ con (Trạm Rada Song Tử Tây - TV) cứ sau giờ công tác là tổ chức tập hát, tập nhảy hiphop...
  • Bạn ấy nhảy hiphop sành một cây đó cô! - Một chiến sĩ khác, trỏ Phúc, nói với tôi. Phúc thẹn, tinh nghịch quay qua “xì” bạn một cái. Lại oà lên cười. Niềm vui cứ lấp lánh, lấp lánh ánh mắt người lính trẻ…
Cũng câu hỏi ấy, tôi quay qua Binh nhất Võ Văn Thanh (quê Tuy Hòa, Phú Yên, Trạm Rada 21 Song Tử Tây). Chàng lính trẻ cười bẽn lẽn:
  • Dạ cô! Đón Tết quân ngũ ở đảo xa nên có lúc con cũng buồn vì nhớ nhà, nhưng tụi con luôn được cán bộ chỉ huy, được đồng đội quan tâm chia sẻ. Con rất tự hào khi được ra đảo làm nhiệm vụ. Tụi con luôn sẵn sàng chiến đấu khi có địch bay, xâm phạm vùng trời, biển của Tổ quốc.
Chia sẻ mộc mạc của người lính trẻ khiến tôi thêm xúc động. Những người trẻ ấy là tương lai của đất nước tôi. Mang trên vai trọng trách bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nơi đầu sóng; được quân đội trui rèn, các em đã biết cách trưởng thành, tự nguyện nhận về mình trách nhiệm cao cả của công dân với Tổ quốc. Trong niềm thương mến, tin tưởng, tôi siết chặt tay những người lính trẻ… Tay tôi, và tim tôi, nhận về những ấm áp tin yêu.
Chương trình giao lưu văn nghệ đón Tết sớm trên đảo đang dần về cuối, nhưng hội trường vẫn tràn ngập tiếng cười. Theo lối đi dưới những tán tra, phong ba, bàng vuông xanh ngún, tôi thả bước. Quanh đảo nhỏ, biển thăm thẳm, sóng trùng trùng. Thời gian đang trôi, những thời khắc cuối của năm cũ đang qua đi. Đêm cuối năm trên đảo Song Tử Tây bình yên quá đỗi. Ước ao sao, Tổ quốc tôi, biển, đảo quê hương tôi mãi mãi yên bình, để những đứa con luôn được về bên mẹ, để hoà bình, no ấm, hạnh phúc luôn ở lại trong mỗi mái nhà.
Chưa tới biển, đảo thấy nhớ mong biển, đảo. Nay tới rồi mà sao vẫn nhớ thương…
 
T.V
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc