Sịnh ca Cao Lan
Ngày đăng: 21/09/2023; 408
BÌNH SƠN
 
Dân tộc Cao Lan (còn gọi là dân tộc Sán Chỉ, Sán Chí, Sán Chấy, có nghĩa là “người là sống ở ven núi”) là một thành viên trong đại gia đình 54 dân tộc anh em Việt Nam. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, người Cao Lan sinh sống tập trung ở 4 làng, bản: Đồng Dong, Đồng Dạ, Đồng Găng, Xóm Mới, dưới chân dãy núi Sáng (Sáng Sơn), thuộc xã Quang Yên, huyện Sông Lô.
Trải nhiều đời định cư trên quê hương Vĩnh Phúc, đồng bào Cao Lan xã Quang Yên đã tạo dựng cho mình những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, giàu ý nghĩa; trong đó phải kể đến những làn điệu dân ca.
Dân ca (tiếng Cao Lan: sịnh ca*) của tộc người Cao Lan là những khúc hát nối dài, truyền đời này qua đời khác, từ người nọ sang người kia, để ai cũng nhớ, cũng thuộc, cũng có thể cất lời hát, khi trái tim lên tiếng, khi tâm hồn rung động… nhằm gửi trao đến người mình mến thương những tấm chân tình.
Về nguồn gốc những “câu hát ông bà” này, đồng bào Cao Lan còn lưu truyền những truyền thuyết, truyện kể. Nhà báo, nhà thơ Lâm Quý (1947 - 2007, dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là người có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm công phu về văn hóa truyền thống của tộc người Cao Lan. Trong các nghiên cứu của mình, ông cho biết: đồng bào Cao Lan có khá nhiều chuyện kể về nguồn gốc dân ca Cao Lan. Trong đó, tiêu biểu là câu chuyện về vị nữ thần nghệ thuật: nàng K’lau Slam** xinh đẹp, có giọng hát rất hay. Cũng theo Lâm Quý, sịnh ca là tác phẩm thơ dân gian mang tính sử thi kể về cuộc thiên di vất vả, gian khổ của tộc người Cao Lan trên đường di cư từ Trung Quốc tới Việt Nam tìm đất sống vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII để tránh nỗi đói rét, giặc giã, sự áp bức...
Chuyện xưa kể rằng: Nàng K’lau Slam mồ côi từ nhỏ, phải sống cùng gia đình anh trai. Cuộc sống lao động vất vả, nặng nhọc, lại phải chịu sự ghẻ lạnh, hắt hủi của chị dâu độc ác, nhưng nàng không vì thế mà tủi buồn. Nàng thường lắng nghe tiếng chim, học thuộc giọng hót véo von của các loài chim, rồi tự làm ra cho mình những bài hát, khiến đời sau mãi xao xuyến:
Giọng hát nàng trong như tiếng chim
Nhớ mãi câu hát của nàng… (Sịnh ca Cao Lan).
Chuyện xưa còn kể: Nàng K’lau Slam đã đi khắp các bản Mường để học những điệu hát trong dân gian. Đến đâu, nàng cũng tặng mọi người tiếng hát ngọt ngào, huyền mị của mình, giúp cuộc sống vơi bớt muộn phiền. Tiếng hát nàng vang xa, khiến bao người yêu quý, ngưỡng mộ, muốn tìm gặp, kết bạn, hát cùng:
 Giữa ngày xuân hoa đẹp 
Bên dòng nước trong xanh 
Soi bóng nàng giặt áo 
Có ba người con trai 
Giong thuyền rồng ghé bến 
Hỏi đường lên Lũng Phầy 
Nơi có người giỏi hát 
Tên là nàng K’lau Slam… 
(Sịnh ca Cao Lan)
Ghen tức với tài năng, nhan sắc của K’lau Slam, chị dâu nàng đã lập mưu hãm hại nàng, khiến nàng gặp nhiều oan khổ mà chết. Thác đi, hồn nàng nhập vào cây thông. Từ đó, thông bốn mùa vi vu reo hát. Cũng từ đó, dân bản tôn K’lau Slam là bà chúa thơ, có uy lực ngang với các thần núi, thần sông, thần trời…
Truyền rằng: Số bài hát nàng đặt ra “nhiều hơn lá cây rừng”, hát hết, đếm hết ngày, hết tháng cũng không thể hết. Những khúc hát ấy, đã được người Cao Lan đời nối đời truyền tụng, trở thành một di sản văn hóa độc đáo, đồng hành cùng đời sống của người Cao Lan. Vì thế, để tỏ lòng biết ơn nữ thần K’lau Slam, mỗi khi mở đầu một cuộc hát, người Cao Lan bao giờ cũng hát mời hồn bà chúa về dự để dạy thêm cho dân bản những bài hát mới. Hát rằng:
- Chưa mừng chủ nhà xin cứ mời khách
Mời chúa thơ K’lau Slam cho kỳ được
Mời chúa thơ K’lau Slam đến làm chứng
Bao tuổi K’lau Slam biết làm thơ
- Đã mời được chúa thơ, xin anh chúc chủ
Lập ngay đàn chay để cúng mường
Năm nay cúng chay sang năm sung túc
Chủ cưỡi 5 ngựa chơi khắp đó đây. 
Người Cao Lan rất say mê sịnh ca. Những khúc hát sịnh ca Cao Lan rất phong phú về nội dung, mượt mà về giai điệu.
Khi làm quen với nhau, trai gái Cao Lan cất tiếng hát ướm ngỏ mong ước được kết mối duyên lành:
Bài ca chúc mối tình của em 
Anh biết tính em, em chớ trách 
Đêm nằm trong phòng ngủ chẳng sang 
Đi ra gặp em thì em đã đi gặp người yêu 
Bên kia tình tứ đáp lại:
- Đừng nói nữa 
Xin anh đừng nói, lòng em hãi 
Để em chúc tình của anh vậy 
Những người hát đêm nay có ai là người yêu em đâu 
Và khi, ít nhiều đã tỏ nỗi lòng nhau; hoặc đã bén duyên nhau, họ mạnh dạn cất tiếng hát trao lời hẹn ước:
 Anh gặp em rồi em gặp anh 
Giống như cá chép được gặp ao 
Cá chép vào ao ăn báu vật 
Đôi ta gặp mặt để sắm giường chung 
Hay để tỏ nỗi còn băn khoăn về “đối tượng”, cô gái hát:
- Chẳng biết chàng là quân tử không 
Hay là cậu trí óc tinh thông 
Đừng trách lòng em đây dốt nát 
Xuân đến hoa gì nở trong lòng? 

Còn chàng trai ngầm khẳng định:
Chỉ có hoa tình nở rung rinh 
Trong lòng nàng ấy đến là xinh 
Hoa ấy mẹ cha anh trồng đấy 
Giờ đây đang nở ở môi mình 
Khi đã trao gửi, đón nhận tình nhau, để tỏ tấm thủy chung, người hát căn dặn nhau, cũng là căn dặn mình:
Đã dạm hỏi rồi 
Đã ăn dạm rồi coi như vợ người ta 
Đã ăn dạm rồi coi như người có chủ 
Đừng giống chim chu hát đối ở bên đường…
Tiếp đến là những bài hát ngợi ca sản xuất, hát “phụng” Thổ công, Thần Nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo... thể hiện mong ước, khát vọng về một cuộc sống bình yên, sung túc, vui tươi.
Đây là một khúc hát như thế, kể về cảnh sống bình dị, về những sự vật sự việc đời thường trong cuộc sống hàng ngày, do người trai hát:
Gà đã gáy rồi báo em hay 
Thần sấm trên trời sinh mấy trai 
Long vương dưới đất đẻ bao gái? 
Gà gáy lần đầu lúc mấy giờ? 
Và người nữ hóm hỉnh đối lại:
Gà đã gáy sáng em bảo anh 
Thần sấm trên trời sinh chín trai 
Long vương dưới đất đẻ chín gái 
Gà gáy lần đầu vào giờ Sửu… 
Đồng bào Cao Lan hát bất cứ khi nào có thể. Càng những khi lao động vất vả, mệt nhọc, bà con lại thường cất lên tiếng hát ca ngợi tinh thần lao động, cầu chúc những vụ mùa tươi tốt, hay hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản… Người viết bài từng có may mắn được theo bà con Cao Lan bản Xóm Mới (xã Quang Yên) lên nương làm cỏ mía, và được thưởng thức cảnh: trong nương mía xanh bát ngát hút tầm nhìn, thấp thoáng những bóng áo chàm áo nâu của bà con Cao Lan vừa nhổ cỏ, bỏ phân cho mía vừa thay nhau cất cao tiếng ca. Theo gió, tiếng ca bay xa, ngọt ngào, khiến cảnh trí quê hương càng thêm thanh bình, quyến luyến.
Qua những câu hát, người Cao Lan muốn gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, cả những ước mơ, nguyện vọng của đồng bào với thiên nhiên và thần linh - những đấng tối linh trị vì vũ trụ, mong được các ngài che chở, bảo bọc… Đó có thể là một câu hát mang khát vọng lớn lao:
Bài ca hát lên có chín đoạn 
Chín đoạn hát mây chín đoạn hát núi 
Chín đoạn hát mây che lấp mặt biển 
Lại có chín thỏi nắng như rồng chiếu vào núi Thái Sơn. 
Lại cũng là một câu hát kể về công việc đời thường cùng ước mơ bình dị:
Chiếc thuyền mới đã làm xong 
Dựng lên mui thuyền cao vạn trượng 
Cỗ mừng mời thợ đóng thuyền 
Người thợ đã dùng hết sức làm thuyền cho mình dạo chơi 
Những câu hát lung linh hồn vía ông bà như thế, làm sao thiếu trong đời sống người Cao Lan. Thế nên, quanh năm, dù vất vả lên nương xuống ruộng kiếm cái sinh nhai, nhưng cứ mỗi dịp xuân về tết đến, cùng với những lễ tục mùa xuân riêng có của mình, đồng bào Cao Lan không thể thiếu lời ca tiếng hát. Hát quanh năm, nhưng có lẽ, khi Xuân về, thì những làn điệu sịnh ca Cao Lan được cất lên, da diết nhất:
Tháng Giêng nở rộ hoa mâm xôi 
Hoa nở ven đường không ai nhìn đến 
Chẳng được một lời khen 
Khi quả chín trăm người đến nếm.      
Người cao tuổi trong các làng Cao Lan ở Quang Yên cho biết: Ngày trước, vào dịp giêng, hai, khi xuân sang, vạn vật đang hân hoan vào mùa sinh sôi, nảy nở; bà con thường tổ chức các buổi hát tại bản làng mình, hoặc kết thành từng đoàn đi hát ở các bản mường lân bang. Trong những đoàn du ca ấy, chiếm số đông là trai gái đang độ xuân thì còn có vài ba người già, người lớn tuổi - là những người lịch duyệt, giỏi giao đãi, thông thạo sịnh ca, có tài xuất khẩu, ứng đối, có uy tín cao trong làng bản - cùng đi. Xuân về, mùa Xuân là mùa du chơi, thế nên, những đoàn sịnh ca chẳng việc gì phải vội vã. Bà con thong dong đi hết thôn này tới bản khác, đến đâu, ghé vào nhà nào, đều được chủ nhà đón tiếp, khoản đãi. Khi biết có đoàn khách từ làng bản khác du xuân tìm tới, dân bản đã kéo đến chật cửa đầy nhà. Cơm nước xong xuôi, những canh hát sịnh ca được mở ra, hân hoan vô cùng. Trước hết là lời xin phép bà chúa ca hát K’lau Slam đầy trân trọng:
 Tin chuyền nhanh như tên: 
- Bản Lũng Phầy có khách 
Con gái sửa lông mày thật đẹp 
Búi tóc cài trâm ngà voi 
Áo dăn dinh lượt là như suối 
Rủ nhau đi sịnh ca 
Tối nay người hát đêm thứ nhất 
Phải là K’lau Slam 
Càng về khuya, cuộc hát càng rôm rả. Tiếng hát càng trong hơn, réo rắt, quyến luyến, tình tứ hơn. Nếu có ai đói bụng, chủ nhà sẽ tiếp đồ ăn khuya. Người hát cứ mê mải hát. Lời ca nối lời ca. Lời ca do bà chúa Thơ K’lau Slam đặt ra đã hát từ đêm này sang đêm khác không hết, nay lời ca lại còn do con cháu bà mến cảnh yêu người ứng khẩu tại chỗ mà thành. Thế nên, lời ca ấy cứ kéo dài mãi, như tình người quyến luyến khó có thể rời đi. Bởi thế, mà các canh hát dường như chẳng muốn ngừng. Lắm khi, trong một cuộc hát ở bản nọ, chủ - khách quyến luyến nhau tới mươi ngày mới tạm chia tay. Chia tay, mà vẫn dùng dằng:
Giọng hát nàng trong như tiếng chim
Nhớ mãi câu hát của nàng
Ngày mưa đội chung nón
Ngày nắng che chung ô…
                (Sịnh ca Cao Lan)
Dân ca Cao Lan có hai loại chính: sịnh ca - hát vào ban đêm, hát trong nhà và vèo ca - hát khi ban ngày, hát ngoài trời.
Như đã nói ở trên, sịnh ca Cao Lan rất phong phú về các điệu hát. Có thể nói trong bất kỳ cảnh huống nào, đồng bào đều có thể cất lên lời ca để tỏ bày. Sịnh ca, vèo ca - nhờ thế, được hát trong hội hè, đám cưới, dịp vui; lại cũng được hát trong đám tang, lúc đau buồn… bằng nhiều làn điệu: hát ví, hát chào hỏi, hát xe kết, hát than trách, hát đố, hát chia tay, v.v… được đồng bào hát trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Điều dễ nhận thấy, đó là: hầu hết các làn điệu sịnh ca, vèo ca Cao Lan đều đậm chất trữ tình, hàm chứa vẻ đẹp tâm hồn, tính cách, khí chất của người Cao Lan. Chẳng thế, mà sinh thời, nhà thơ, nhà báo Lâm Quý đã viết về những câu dân ca của dân tộc mình bằng những vần thơ say đắm như thế này:
Ơi rừng xanh
Nếu cứ ăn tiếng hát
Sẽ không bao giờ già
Ta đã vứt bỏ tháng năm
Đi cùng trời cuối đất
Tìm em
Em là tiếng hát
Tiếng hát ở đâu ở đâu
Anh đi tìm đầu nguồn cuối biển
                        (Em là tiếng hát)
Và nữa:
Tiếng hát em khéo vặn chạc thừng
Vặn xoắn tình anh vào đấy
….
Tiếng hát em khéo vặn chạc mây
                       (Tình em đêm hát ví)
Lại nữa, trong sách cúng của người Cao Lan, ở chương “Tiễn biệt”, có đoạn viết (lược dịch):  Em ơi, em về trời trước. Khi anh chưa về thì em cũng chưa được về. (Hồn) em cứ ở quanh nhà, bên anh. Chờ khi anh về anh sẽ đưa em lên hòn núi đá cao. Anh bổ đôi hòn núi đá, lấy nước non suối (thứ nước tinh khiết, nguyên sơ) cho em uống. Rồi anh sẽ làm nhà trong lõi đá để đôi ta sống đời đời…  để Lâm Quý sáng tạo nên một thi phẩm, trong đó có đoạn:
Yêu em anh bổ hòn đá núi
Lấy nước non nguồn trong lõi đá nuôi em
Thương em, anh chòi vầng trăng tỏ
Lấy lửa mặt trời nướng chín em ăn
Anh vắt lấy nước thơm của dây rừng cho em tắm…
(Điều có thật trong câu dân ca)
  Với những giá trị riêng có, tin rằng, theo năm theo tháng, dù cuộc sống có đổi thay, thì những câu hát sịnh ca Cao Lan - như mạch suối rừng Sáng Sơn - lặng lẽ mà bền bỉ, luôn còn mãi với cuộc đời.
 
B.S
 
* Có khi nói và viết là “sình ca”, “xình ca”.
** Còn gọi là Lau Slam, Kólau Slam, Lưu Tam…
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc