Văn học trước hiện thực mới hôm nay (nhìn từ đội ngũ viết)
Ngày đăng: 25/04/2023; 84
                                                                         GS. PHONG LÊ
 
Lực lượng chủ công trong đội ngũ viết hôm nay, theo tôi nghĩ và mong mỏi, đó phải là thế hệ viết sinh ra trước sau thời điểm 1990. Sớm hơn một ít, đó là năm 1986 - năm khởi động công cuộc Đổi mới. Muộn hơn một chút, đó là năm 1995 - năm Việt Nam thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN.
Có thể tìm thấy khát vọng đi tìm cái riêng là ráo riết nhất ở lớp người này. Lớp người đến nay nhìn chung ở vào tuổi ngoài 20 cho đến trên 30 dưới 40, là lứa tuổi có tiềm năng và hoàn cảnh tốt nhất cho việc thực hiện các khát vọng; và nhìn vào lịch sử, thì chính đó là lứa tuổi đã làm nên các mùa màng lớn, như mùa văn học 1930 - 1945 trước yêu cầu hiện đại hóa văn học, với tư cách là các kiện tướng của phong trào Thơ mới, văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực...; hoặc mùa 1960 - 1975 trước yêu cầu giải phóng và thống nhất Tổ quốc, trong tư cách nhà văn - chiến sĩ...
Việc thực hiện được cái riêng của thế hệ, và của cá nhân từng người viết là yêu cầu chính đáng và cần thiết để đưa lại một diện mạo mới cho văn học qua các thời kỳ.
Một đội ngũ viết hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi, ai cũng muốn viết đến tận cùng những trải nghiệm và ao ước của mình; ai cũng mong đến được với cái riêng của mình - đó là điều tự nhiên; nhưng dẫu sự theo đuổi cái riêng là ráo riết đến mấy thì trước hiện thực hôm nay, tất cả các thế hệ viết đều có một mẫu số chung cho sự tìm kiếm: đó là cảnh ngộ và số phận chung của dânnước - hai khái niệm đã được đặt ra trong tính khẩn thiết của nó, ngay từ đầu thế kỷ XX, và đã được chứng nghiệm cực kỳ sâu sắc trong Cách mạng tháng Tám và hơn hai cuộc chiến tranh. Nếu chủ nghĩa yêu nướcchủ nghĩa nhân văn là xuyên suốt lịch sử nhiều nghìn năm văn học trung đại và hàng trăm năm văn học hiện đại, thì câu hỏi về nó vẫn không phải đã hết ý nghĩa thời sự ở thời điểm bây giờ. Nếu Tổ quốc vẫn cần được giữ gìn cho từng tấc đất; nếu mỗi khoảnh rừng hoặc từng hải lý biển không cho phép bất cứ ai lấn tới; nếu tài nguyên là tài sản cho con cháu muôn đời thì văn học hôm nay đâu có thể dễ dàng là sự cắt đứt với Tuyên ngôn độc lậpĐại cáo bình Ngô... Còn chủ nghĩa nhân văn với lòng yêu thương con người và sự giữ gìn, bảo vệ phẩm chất người thì đâu phải đã hết lý do cho sự tồn tại khi những bất công xã hội vẫn còn đầy rẫy; sự phân tầng xã hội diễn ra càng gay gắt; và nỗi đau nhân quần như tràn lấn, bởi tội ác và các tệ nạn xã hội là muôn hình nghìn vẻ, đến từ nhiều phía và len lỏi khắp mọi nơi, khiến cho Nguyễn Du - từ 1965 đến 2015 vẫn là người duy nhất đứng ở vị trí cao trong sự tôn vinh của dân tộc và nhân loại.
Yêu cầu nhận diện hiện thực hôm nay, và văn học hôm nay, bất cứ ở chặng nào, và với thế hệ nào cũng không được phép xa rời hoặc quay lưng với những vấn đề cơ bản ấy.
Dĩ nhiên, khác với báo chí và các phương tiện truyền thông, sự nhận diện trong văn học là nhận diện qua con người, thông qua tính cách và số phận con người. Dẫu sức hấp dẫn của Chủ nghĩa hiện đại hoặc Hậu hiện đại có lớn đến mấy đối với một bộ phận người viết trẻ từ thế hệ 6X trở đi thì những gì liên quan đến con người vẫn không thể, hoặc không nên là xa lạ với họ; và do vậy vẫn phải có cách thức tồn tại cho người đọc nhận diện. Một cái đuôi lợn gắn với nhân vật chính trong Trăm năm cô đơn của G.G. Mác-kết, những cái tên phiếm chỉ như K. trong Lâu đài của F. Kafka, hoặc những nhân vật không tên trong tiểu thuyết của A.R. Grillet cũng đều là sự ám ảnh về cái cô đơn, và về thân phận con người trong đời sống hiện đại. Vậy thì con người của hiện thực hôm nay có diện mạo và số phận như thế nào? Đã là số đông hay chưa những ông chủ doanh nghiệp, các doanh nhân biết cách làm giàu mà không lạm dụng sự bóc lột, sự tước đoạt và hủy hoại môi trường? Hàng nghìn (hoặc nhiều nghìn) nam nữ công nhân trong các khu chế xuất đã giảm nhẹ được đến đâu những cực nhục trong sự mưu sinh? Những nông dân trong quá trình đô thị hóa vẫn còn đất, hoặc mất đất đã sống như thế nào? Số lượng những người thay mặt dân trong bộ máy công quyền, kể từ cấp phường, xã, ấp lên các cấp cao giữ được nhân cách mà không sa vào quan liêu, thoái hóa, tham nhũng, theo được tấm gương Hồ Chí Minh là chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Những cán bộ viên chức trên mọi lĩnh vực của phân công xã hội biết cách làm trọn phận sự của mình, trên mục tiêu: do dân, vì dân? Những trí thức có thực học, có đóng góp tích cực cho một xã hội học tập và một nền kinh tế trí thức, và giữ được phẩm chất một kẻ sỹ hiện đại?... Có thể nói chưa lúc nào bằng lúc này chúng ta ao ước có được nhiều bảng mầu để có thể bao quát một toàn cảnh các chân dung cho cái thời mà các tiêu chí đánh giá cũ là không còn thích hợp, hoặc không còn đủ cho sự phân biệt tốt xấu, hay dở, đúng sai… Thay vì chủ nghĩa xã hội như là cuộc chiến cho sự chiến thắng của một phía, trong một thế giới gồm hai phe kéo dài cho đến hết thập niên 1980 bây giờ là mục tiêu dân giàu, nước mạnh; dân có giàu thì nước mới mạnh; nhưng việc làm giàu là bằng nhiều cách, và không khó thấy những cách cực kỳ bất lương. Xã hội công bằng là ao ước muôn thuở của con người; nhưng bản chất con người là không công bằng, nên không thể dùng phương sách tước đoạt kẻ giàu như thời Cải cách ruộng đất cần đến Sửa sai, hoặc chia đều cái nghèo theo chủ nghĩa bình quân như thời bao cấp cần đến một sự Cởi trói! Còn dân chủ và văn minh? Đó là mục tiêu xuyên suốt cả thế kỷ XX, và bất cứ lúc nào cũng có khía cạnh đặt ra cho sự theo đuổi của con người; và do vậy nó luôn luôn phải được đặt ra cho sáng tạo văn chương - học thuật.
Như vậy, dẫu có theo đuổi cái riêng của cá nhân hoặc của thế hệ thì vẫn không nên tách mình ra khỏi một cộng đồng lớn hơn - đó là cộng đồng Nhân dân, cộng đồng dân tộc trong những không gian và thời gian cụ thể của lịch sử.
***
Nhìn lại sự đồng hành của bốn (hoặc hơn bốn) thế hệ viết hôm nay kể từ thế hệ 3X đến 9X như là một biểu tượng lạc quan của sự phát triển văn học sau 35 năm trong sự nghiệp Đổi mới và sau hơn một thế kỷ hiện đại hóa, về phần tôi, tôi không khỏi có ít nhiều băn khoăn về thế hệ sinh ra từ sau 1990, là thế hệ đối ứng và đáp ứng trực tiếp với hiện thực hôm nay; thế hệ có thẩm quyền nói lên chính tiếng nói của cuộc sống hôm nay; thế hệ không ai thay thế được họ, trong tư cách là người đại diện.
Vẫn còn một băn khoăn như thế trong toàn cảnh sự phát triển của văn học hơn ba mươi năm qua tính từ 1990 - sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ, trước hiện thực hôm nay.
Rõ ràng cái vốn căn bản đầu tiên để chúng ta hy vọng và trông đợi ở một thế hệ viết - đó là sức trẻ, là tuổi trẻ. Không có một cuộc cách mạng nào trong lịch sử, kể cả cách mạng văn học mà không được thực hiện bởi một lực lượng trẻ. Ở cuộc chuyển động lần thứ nhất, thời 1930 - 1945, người nhiều tuổi nhất là Ngô Tất Tố (sinh 1893), viết Tắt đèn ở tuổi 45, và Khái Hưng (sinh 1896) viết Hồn bướm mơ tiên ở tuổi 37; cả hai rất hiếm hoi đã vượt được áp lực tuổi tác để đứng ở hàng đầu hai trào lưu hiện thực và lãng mạn; còn tất cả, hoặc hầu hết những người viết khác đều thực hiện được khát vọng văn chương của mình ở tuổi 20 đến 30; trong đó những tên tuổi sáng giá như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... đều ở tuổi ngoài 20 hoặc ngót 30.
Một thế hệ viết sau 1945, cũng đã đến được hoặc đạt đỉnh cao sáng tạo của mình ở tuổi 20 đến 30, như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu..., rồi Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Anh Đức, Ma Văn Kháng... trong mở đầu và kết thúc văn học chống Pháp; tiếp đến là lứa 20 văn học chống Mỹ cho đến thời Đổi mới như Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Đỗ Chu, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Trần Nhuận Minh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương...
Từ các kinh nghiệm lịch sử ấy, để đi tìm thành tựu của một giai đoạn mới qua đóng góp của một thế hệ trẻ trên đàn văn 30 năm nay (tính từ sau 1990), chúng ta lại chưa thấy được một phong trào, không nói đến cao trào. Nếu làm một bản kê tên tuổi những người viết ở tuổi 20 đến 30, ở thời điểm hôm nay thì đó là một danh sách dài và dường như số lớn không có tên trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng trong tổng hợp một gương mặt chung của họ thì những khát vọng sáng tạo đích thực quả chưa thật có dấu ấn rõ rệt, để có thể làm “mới”, chứ không phải gây “lạ” nền văn chương đương đại; để có thể hình thành nên những dấu ấn của khuynh hướng nghệ thuật gồm nhiều phong cách, vốn là yêu cầu, và cũng là đặc trưng của một nền văn học mang phẩm chất hiện đại (tôi nói phẩm chất hiện đại - modernité, chứ không phải chủ nghĩa hiện đại - modernisme, hoặc hậu hiện đại - postmodernisme).
Trở lại hơn 30 năm qua, tính từ sau 1990, đời sống văn học chúng ta vẫn có sự xuất hiện đều, và càng về sau càng nhiều những tên tuổi mới. Nhưng dường như tất cả họ vẫn chưa hội được thành một đội ngũ, trong một cuộc hành trình không lẫn vào nhau, nhưng cũng không quay lưng với nhau; với cái gọi là “cá tính sáng tạo” thật sự, được xác định bằng chính nội lực bản thân, mà không cần gây “sốc”; được chấp nhận không phải chỉ ở một vài cây bút phê bình hoặc nhà văn cấp tiến mà là số đông người đọc, tôi tin không phải tất cả đều bảo thủ…
Xét theo lịch sử thì 30 năm qua, đó là một thay đổi hiếm có, hoặc chưa từng có. Để từ chiến tranh (những hơn 30 năm - hoặc 40 năm) chuyển sang hòa bình. Từ đất nước bị chia cắt (hơn 20 năm) đến đất nước thống nhất (hơn 40 năm). Từ giao lưu hẹp đến giao lưu rộng... Những chuyển động như thế phải nói là rất lớn. Lớn và cũng có tầm một cuộc chuyển giao tựa như chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, đưa đất nước từ trạng thái phong bế, lạc hậu vào một cuộc Canh tân. Lớn như Cách mạng tháng Tám 1945 làm thay đổi chế độ. Tiếp tục thành quả của Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, Đổi mới, rồi Hội nhập - đó là một cuộc lên đường mới của dân tộc để rút ngắn những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại.
Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng như thế, văn học, cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, kể cả kinh tế, chính trị, cần đến những lực lượng trẻ; mà nói trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới tuổi 30, thậm chí là trong ngoài 20. Chứ không thể là 60 - hoặc hơn, thậm chí 50, hoặc 40. Thế nhưng, nhìn trên tổng thể thì dường như sự tiếp tục này, trong tư thế một đội ngũ là còn mờ nhạt. Họ có thể rất đông đúc, và gây nhiều ồn ào; có thể xuất hiện hàng ngày trên báo, đài trong chủ ý tuyên truyền, quảng bá của hệ thống thông tin đại chúng; có thể gợi lạ, hoặc gây “sốc” cho  người đọc, để làm cồn lên dòng chảy đã có; nhưng để làm nên một dòng chảy mới thì chưa hẳn đã có.
 
***
35 năm trong sự nghiệp Đổi mới, 45 năm sau khi kết thúc chiến tranh, tính đến thời điểm 2021 lịch sử này - đó là một thời gian không ngắn, nếu so với các chu kỳ biến động của đời sống và sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ XX… 35 năm và 45 năm - đó là sự đồng hành của bốn (hoặc năm) thế hệ viết; và thế hệ tiếp nối, thế hệ có trách nhiệm nhận sự chuyển giao, trong mở đầu thế kỷ XXI này, có khác với tất cả các thế hệ trước, gần như không phải chịu một sức ép nào của truyền thống, của lịch sử, mà chỉ chịu một sức ép lớn nhất và duy nhất là sức ép của thời đại, trong một cuộc hội nhập mà dân tộc gần như không thể tránh, nếu không nói là phải dũng cảm đón nhận trong tư thế chủ động, để khỏi bị đẩy ra khỏi “đường ray của con tàu phát triển”.
Cần một cách nhìn như thế để chúng ta có đòi hỏi cao đối với một thế hệ viết mới - thế hệ tuổi 20 đến 30; và để không ngạc nhiên trước những gì rồi sẽ diễn ra - tôi hy vọng thế, như đã diễn ra đầu thế kỷ XX, nếu lấy con mắt Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh mà nhìn Nguyễn Ái Quốc; nếu lấy con mắt Nguyễn Khuyến, Tú Xương mà nhìn Hồ Biểu Chánh, Tản Đà; nếu lấy con mắt Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách mà nhìn Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Nam Cao... Phải một thế hệ trẻ, hoặc rất trẻ, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, lại vừa là chủ thể của hoàn cảnh, với bản lĩnh cá nhânsức mạnh của đội ngũ, mới mong đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt, mang tính cách mạng, như đã từng diễn ra ở nửa đầu thế kỷ XX; và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc chắc chắn là còn lớn hơn, gấp nhiều lần vào nửa đầu thế kỷ XXI, sau 35 năm đất nước trong Đổi mới và Hội nhập.
Dưới đây là mấy cảm nhận sơ bộ của một người đọc đã quá quen thuộc với các thế hệ viết thế kỷ XX trong tiếp cận và đối chiếu với thế hệ trẻ hôm nay, thế hệ ở tuổi sung sức nhất và có đủ tư cách đại diện cho hiện thực mới - thế kỷ XXI, không còn giống, nếu không nói là khác, rất khác với các thế hệ ông cha.
***
Nhận diện đặc trưng về nội dung và nghệ thuật trong sáng tạo của các thế hệ viết ở lứa tuổi từ ngoài 20 đến trước sau 30 tôi thấy có những dấu hiệu chung như sau:
1. Nổi lên vai trò cá nhân thay cho cộng đồng, do sự ráo riết đi tìm những khác biệt thay cho tương đồng. Dị ứng với cái chung, cái giống nhau. Mối quan tâm này chi phối mọi cách thức tìm kiếm trong nội dung và nghệ thuật thể hiện.
2. Xuất hiện những nhân vật mới thay cho hệ thống nhân vật cũ đã quá quen thuộc trong nhiều chục năm chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội như Công Nông Binh; Con người mới - Cuộc sống mới; những tấm gương tiên tiến thuộc Người thực Việc thực (để ca ngợi, xưng tụng, nêu gương)…; và những nhân vật tiêu cực trong bộ phận lãnh đạo thoái hoá, cao nhất chỉ đến cấp huyện (để phê phán)… Nhân vật mới, đó là các thế hệ trẻ trước những băn khoăn về tình yêu và tình dục, lẽ sống, khát vọng cá nhân, con đường lập nghiệp, và các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, hoặc siêu nhiên và… vũ trụ…
Họ kể chuyện về chính mình, đi sâu vào bản thân mình, và tìm được sự hưởng ứng của thế hệ. Sách của họ được in ra với “con số đáng mơ” và được tiêu thụ rất nhanh, qua những cái tên gần đây nhất như Anh Khang, Phan Ý Yên, Jun Phạm, Minh Đức, Diệu Ái, Nguyễn Duy Quyền, Hạnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt… Con số do Công ty văn hoá Phương Nam cung cấp: tổng lượng phát hành 5 cuốn của Anh Khang đến nay là 540.000 bản, 3 cuốn của Phan Ý Yên là 200.000 bản, 3 cuốn của Jun Phạm là 250.000 bản (1)
Hạnh Nguyên, sinh 1995, trong Say - quyển sách được Giải Phát hiện mới của Giải Sách hay 2016, có thế giới nhân vật “là những người trẻ cô đơn, khép kín và vô định, lọt thỏm giữa vũ trụ rộng lớn của cõi người”. Hạnh Nguyên viết từ tuổi 17 - cái tuổi mọi điều buồn vui đều có thể trở thành một “vấn đề”. “Nguyên viết cho cô, nhưng cũng là cho tuổi 17 đầy hoang hoải của bất kỳ cô cậu nhóc nào” 1… Điều cần lưu ý là tất cả những tên tuổi đã nêu trên trong số rất, rất nhiều tên tuổi viết trẻ khác, có dễ đến hàng trăm, xuất hiện từ nhiều năm trước đây, số lớn ở phía Nam, đều không có gì liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước đã có thâm niên trên 60 năm, với trên 1000 hội viên, và với tuổi thọ bình quân có lẽ phải trên 60, hoặc 70!.
3. Chức năng giải trí trội lên, đứng ở hàng đầu thay cho nhận thức, và giáo dục; cả hai giờ đây rất ít có vai trò vì đã có các phương tiện khác thay thế.
Nhận thức: Các phương tiện thông tin, truyền thông giải quyết ngay tại chỗ và bất cứ lúc nào.
Giáo dục: trả về cho gia đình, nhà trường cùng bộ máy công quyền phải sao cho trong sạch gương mẫu gắn với việc thực thi hiến pháp, pháp luật.
Đáng tiếc là cả ba khu vực này còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập, thậm chí còn chưa ra khỏi những suy thoái cục bộ.
4. Thay vì các thứ tính như tính đảng, tính giai cấp, tính Nhân dân (với cách hiểu nhiều thiên lệch và bất cập trước đây), bây giờ là sự nổi lên cá tính trong đối ứng với tính dân tộc tính nhân loại, để đến với yêu cầu hội nhập một cách bình đẳng và không để mất gốc, với những khác biệt chung của dân tộc so với khu vực và thế giới, và riêng cho các cá thể rất được người viết chăm lo.
Càng dấn sâu vào toàn cầu hoá thì cái riêng của dân tộc càng phải được khẳng định, bồi đắp, trước hết trong đời sống văn hoá, tinh thần. Nhưng cái riêng đó là thế nào thì vẫn còn rất mù mờ và còn lắm mắc mớ trong nhận thức và thực tiễn. Cứ nhìn vào các lễ, hội diễn ra qua nhiều năm nay với sự lúng túng trong điều hành của bộ máy công quyền và trong tâm thế xã hội thì biết; và các giới trí thức khoa học và nghệ thuật, trong đó có các nhà văn xem ra còn chưa mấy đầu tư suy nghĩ về việc này để có được chiều sâu trong nhận thức và mới mẻ trong sáng tạo.
5. Ít quan tâm, và do vậy mà khó nhận ra những vấn đề nóng bỏng gây nhức nhối cho xã hội, cũng là dấu hiệu đáng lưu ý khi chức năng nhận thức xã hội được khoán trắng cho báo chí, truyền thông 2.
Mặt khác, những gương mặt mới của thời đại cũng ít thấy có trong sáng tạo của giới trẻ nói riêng, và lực lượng hùng hậu hàng ngàn hội viên Hội Nhà văn nói chung. Tôi muốn nói đến nhân vật doanh nhân (hiện đã có trên 60 vạn) và sự khẳng định nền kinh tế tư nhân (chiếm trên 60% GDP quốc dân)…
Nhân loại đã trải biết bao thay đổi kể từ khi Mác viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tiên tri về sự diệt vong của giai cấp tư sản và khẳng định giai cấp vô sản sẽ là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản… Cũng thời gian đó, giai cấp tư sản trong vai trò kiến tạo nên thời đại mới cũng đã chứng kiến biết bao thay đổi mà hình ảnh sống động về nó đã được ghi lại trong cả một gia hệ gồm nhiều đời, qua những bộ tiểu thuyết lớn như Gia đình Ru-gông Mac-ca của Ê-min Dô-la, Gia đình Ti-bô của Rô-giê Mác-tanh đuy Ga, Gia đình Butdenbruc của Tô-mát Man đến Gia đình Ac-ta-mô-nốp của M.Gorky… Và bây giờ, khi thế giới xuất hiện những tỷ phú có tài sản trên dưới 100 tỷ đô la, không phải nhờ vào sự bóc lột, tước đoạt như Bin Gatte, ông chủ Amazon, ông chủ Facebook mà số lớn tài sản lại được dùng vào việc thiện, thì trên đất nước ta cũng đã có người lọt được vào con số 200 đại gia giàu nhất thế giới, và hiện đã có trên 60 vạn doanh nhân, cùng nhiều chục vạn bạn trẻ trong phong trào khởi nghiệp…
 
***
Là người viết và cũng là người đọc thuộc thế hệ sống trọn vẹn trong 3 cuộc chiến chống xâm lược, và chống đói nghèo suốt hơn nửa thế kỷ, tính từ sau 1945 cho đến hết thập niên 1990, tôi rất mong mỏi có những đổi thay lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Được đồng hành với họ, nếu chưa bị thay thế cũng đã là hạnh phúc lớn! Nhưng tương lai đó như thế nào thì ngay cả dự đoán tôi cũng không dám có…
Nếu biến động từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, từ văn học Hán - Nôm trên các mộc bản, thạch bản sang văn học Quốc ngữ với sự xuất hiện công nghệ in ấn và phong trào báo chí - xuất bản, trong giao chuyển thế kỷ XIX sang thế kỷ XX đã vô cùng lớn và khôn lường như thế, thì biến động từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI sẽ còn rất nhiều lần lớn hơn. So với 3 cuộc cách mạng cũ (hơi nước; điện năng và lắp ráp dây chuyền; máy tính cá nhân và thiết bị lập trình) thì tác động của cuộc cách mạng 4.0 sẽ còn dữ dội gấp nhiều lần. Robot sẽ thay cho mọi loại lao động giản đơn đưa đến nạn thất nghiệp cho nhiều triệu người. Riêng khu vực giáo dục thì đó là một tiên đoán không biết là bi quan hay lạc quan như của ông Jaime Saavedra - Giám đốc cấp cao về giáo dục của nhóm Ngân hàng thế giới, trong chuyến thăm Việt Nam 4 năm trước đây: “Chí ít là giáo viên sẽ không bị robot thay thế trong ít nhất một thập kỷ tới” 3. Vậy thì sau đó sẽ ra sao? Tất cả các cấp học có còn cần đến “thầy” nữa không, cùng với đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư…”? Còn trí tuệ nhân tạo thì đã phát triển đến mức có thể chiến thắng mọi kỳ thủ cao thủ nhất thế giới, hoặc rất thành thạo trong sử dụng các nhạc cụ. Có nghĩa là ở cả hai lĩnh vực - đánh cờ và chơi nhạc, robot đã vượt mặt con người! Vậy thì việc robot có thể làm thơ, viết văn chắc chẳng phải là chuyện khó hiểu! Không biết thứ thơ, văn đó có địch nổi, hoặc vượt hơn Xuân Diệu, Nguyễn Tuân? Còn về tình yêu? Hẳn chắc những bản tình ca muôn thuở của con người, kể từ Ngưu Lang Chức Nữ, Tristan và Yseul, Romeo và Juliette, Kiều và Kim Trọng, Tố Tâm và Đạm Thuỷ… sẽ hết đất đai cho sự gieo cấy khi cách sống đơn thân (không cần chồng), sự mất cân đối giới tính, tình yêu đồng tính, búp bê tình dục, cùng với các phương thức sinh đẻ không cần đến sự phối thuộc trực tiếp giữa tinh trùng và trứng… Có nghĩa là không chỉ tình yêu của hai giới tính, mà cả đạo hiếu giữa con cái với cha mẹ sẽ hoàn toàn khác, hoặc biến dạng.
Sẽ không còn chỗ cho những ý thơ, như:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Vậy thì văn học, nghệ thuật - như một hình thái ý thức xã hội sao lại không thay đổi trước những thay đổi của các cơ sở hạ tầng vật chất - như Các Mác từng dạy.
Phải chăng, do tình thế mới của lịch sử, khi Cách mạng công nghệ làm thay hoặc lấn dần hoạt động của con người, thì mọi sáng tạo tinh thần như văn học - nghệ thuật cũng phải và sẽ thay đổi để có một gương mặt mới - như cách tôi nhận diện như trên?
 
                  P.L
 

1.Tuổi trẻ; số 16/2/2017.
2. Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 do báo Tuổi trẻ, Nxb. Trẻ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức nhận được 178 truyện dài, 35 tập truyện ngắn; trong 8 tác phẩm vào chung khảo đã được ấn hành thì 4 cuốn thuộc văn học kỳ ảo, 2 cuốn về tình yêu, chỉ có 2 cuốn viết về đời sống đương đại.
3.Tuổi trẻ cuối tuần 24/12/2017.

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc