BÍCH NGỌC
Không biết từ bao giờ, trong mâm cỗ ở các lễ hội và tiệc mặn của vùng quê Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc không thể thiếu được món canh củ chuối (còn gọi là “canh giả”). Ai đã từng bươn trải suốt miền Nam Bắc, từ Tây sang Ðông, từng đến Hải Lựu, dự một mâm cỗ trong dịp lễ lạt hay giỗ hiếu ở vùng quê này, từng nếm qua món canh củ chuối, hẳn đều ấn tượng về món ăn này - một món ăn dân dã, bình dị mà ấm áp, ngọt bùi như tình đất, tình người nơi đây.
Để làm nên món canh củ chuối đậm đà hương vị quê nhà, người nấu phải chọn lấy những cây, củ chuối non, còn gọi là chuối “đuôi chiên” (tức cây chuối con nảy ra từ gốc cây chuối mẹ đang lớn). Chuối “đuôi chiên” có thân giả còn nhỏ, đường kính ở gốc từ 5 - 8 cm, lá nhỏ và ngắn, thẳng đứng, chưa xoè ngang ra, cao khoảng 70 cm. Phần được gọi là cây thực chất là thân giả, nằm phía trên mặt đất, đặc biệt, phần “thân thật” mà dân gian quen gọi là “củ” có thể làm thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Nguyên liệu chính để nấu món canh củ chuối gồm củ chuối tơ, xương lợn và một số gia vị đặc trưng.
Củ chuối tơ (loại chuối ta, chuối tây, chứ không phải chuối tiêu) được lấy về, đem gọt vỏ, rửa sạch, bổ ra rồi thái lát thật mỏng. Thái càng mỏng càng mềm, ăn càng ngon. Sau đó lại thái những lát củ chuối này một lần nữa tạo thành những “sợi củ chuối” giống sợi miến, sợi mì. Đem ngâm củ chuối đã thái sợi vào chậu nước sạch có pha dấm mẻ khoảng 15 - 20 phút cho sạch nhựa và sợi củ chuối trở nên trắng mềm. Vớt sợi củ chuối ra chiếc chậu khác, dùng hai tay ngào bóp cho sợi củ chuối thêm mềm và sạch hết nhựa, bỏ số sợi củ chuối này vào một chậu nước sạch, rũ rửa cho kỹ, vớt ra, vắt thật ráo nước.
Xương lợn nấu canh củ chuối thường là loại xương ống, xương sống và móng giò lợn. Xương lợn được rửa sạch, để ráo nước rồi chặt thành miếng có kích cỡ khoảng 2cm x 3cm, vừa để các miếng xương dễ thoát các chất béo ra ngấm vào củ chuối và cũng vừa miếng ăn.
Gia vị sử dụng cho món canh củ chuối gồm mắm tôm đen, mẻ, tương, mì chính, tiêu, tỏi, ớt tươi, rau mùi tàu…
Cho sợi củ chuối đã sơ chế vào nồi rồi ướp mẻ, mắm tôm, mì chính, tương, tiêu, tỏi, ớt... Dùng hai tay bóp nhẹ cho sợi củ chuối ngấm gia vị. Người chế biến giàu kinh nghiệm chỉ cần nhúm một nhúm sợi củ chuối đã được ngào bóp kỹ với gia vị đưa lên gần mũi ngửi là đủ xác định độ mặn, nhạt của món ăn. Ướp củ chuối với gia vị khoảng 15 phút thì đổ xương lợn đã băm vào rồi dùng đũa trộn đảo đều xương với củ chuối sau đó đặt lên bếp đượm lửa, cho thêm chút mỡ lợn vào xào cùng cho đến khi củ chuối và xương lợn cùng chín xoăn, ngấm kỹ gia vị. Tiếp đó, đổ nước luộc thịt lợn hoặc nước luộc thịt gà vào nấu cùng. Lượng nước phải ngập kín phần củ chuối và xương lợn khoảng 2cm. Đậy kín vung nồi, nấu liên tục trong khoảng 2 giờ. Khi nếm thấy củ chuối mềm, đậm đà gia vị vừa miệng là được. Trước khi bắc nồi xuống, rắc lên trên món canh độc đáo này một ít lá mùi tàu thái nhỏ cho dậy mùi thơm, bắc nồi xuống rồi múc canh ra tô, ra bát.
Về thẩm mỹ, nhìn bát canh củ chuối có màu nâu đậm, nước sánh gần như nước súp, với váng mỡ nổi rất đẹp mắt; ngửi mùi thấy hương vị ngào ngạt đặc trưng và đậm vị. Canh củ chuối có thể ăn với cơm hay bún trắng đều rất ngon, ăn chỉ thấy no, không thấy ngán. Canh củ chuối ngon nhất khi ăn lúc còn đang nóng hoặc ấm. Khi thưởng thức, hãy ăn thật chậm để cảm nhận vị ngọt bùi của củ chuối, vị béo của nước dùng, mùi thơm tự nhiên của các loại gia vị hòa quyện với nhau.
Dù là món ăn có nguồn gốc dân dã nhưng với cách chế biến cầu kỳ công phu, món canh củ chuối lại là món ăn rất ngon và là đặc sản ẩm thực của đất và người Hải Lựu. Ngày nay, dù cỗ bàn có nhiều món ăn ngon, lạ, nhưng với người dân Hải Lựu, người dân nhiều làng mạc ở huyện Sông Lô, vẫn không thể thiếu món canh củ chuối. Với hương vị đặc trưng, món canh dân dã mà thơm ngon, tinh tế này đã được nâng tầm và có mặt trong những bữa tiệc quan trọng của người làng như lễ hội, giỗ chạp… Không ít nhà hàng quanh vùng đã đưa món canh củ chuối vào thực đơn với mong muốn giữ lại hương vị cổ truyền và phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách. Mùi thơm của canh củ chuối theo đó được bay xa theo bước chân và nỗi nhớ của du khách. Chắc chắn vị ngon, lạ của món ăn bình dị mà độc đáo này luôn tạo ấn tượng khó phai cho những thực khách từng được thưởng thức.
B.N