Cựu chiến binh làm theo lời Bác
Ngày đăng: 20/07/2024; 186
ĐỖ HÀ
 
     Từ bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hoàng Gia Bảo, xã Hồng Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lại tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế. Với ông, làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí, khát vọng vươn lên của người lính Cụ Hồ.
 
     Nhắc đến cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo (sinh năm 1959), nhiều người dân thôn Kim Lân, xã Hồng Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đều khâm phục trước ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế của ông.
     Tiếp tôi tại văn phòng Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hoàng Gia Bảo nằm trên diện tích rộng gần 15 ha, ông Tẽo kể: “Đầu năm 1976, khi mới vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Hơn 5 năm tham gia bảo vệ Tổ quốc, trải qua nhiều khó khăn, thử thách, tôi luôn nêu cao tinh thần, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1981, tôi xuất ngũ trở về địa phương”.
     Là con nhà nông, gia cảnh nghèo khó nên khi lập gia đình ông Tẽo cũng không được giúp đỡ gì nhiều. Tài sản duy nhất hai vợ chồng ông có lúc đó là chiếc xe đạp thồ cũ kỹ cùng hơn 600 m2 đất nông nghiệp. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, nhưng không vì thế mà ông Tẽo “bó tay ngắm thời cuộc”. Để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng ông tập trung vào chăn lợn, chăn gà, cấy mấy sào ruộng... tuy lao động vất vả nhưng thu nhập cũng chả được bao nhiêu, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.
     Trăn trở tìm hướng làm giàu, năm 1984, ông Tẽo cùng vợ khăn gói chèo đò qua sông Hồng, đến xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ nay là Hà Nội), nhận khoán thầu 20 mẫu đất ven sông Hồng để canh tác. Sau hơn 10 năm vật lộn với lũ lụt, thiên tai, đất khó không phụ công người, cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả hơn trước, có chút vốn liếng tích lũy. Phát huy thành quả, năm 1994, ông Tẽo nhận thầu thêm 25 ha đất của 3 xã thuộc huyện Phúc Thọ để cho một số hộ cùng thôn thuộc diện khó khăn có nhu cầu thuê lại cùng phát triển kinh tế.
     Nhận thấy nhu cầu xây dựng của người dân ngày càng tăng cao, năm 2005, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được sự ủng hộ của chính quyền xã Hồng Phương, ông Tẽo đã chuyển đổi mô hình trồng trọt sang sản xuất gạch thủ công với số lượng 50 lò dã chiến, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức lương trung bình khoảng 4 - 5 triệu đồng/ tháng.
     Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm nên sản xuất hỏng nhiều, đầu ra khó khăn, lợi nhuận thấp, thậm chí có thời điểm lỗ vốn. Song với suy nghĩ học Bác từ những việc nhỏ nhất, ông Tẽo đã khắc phục khó khăn, vừa làm vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, xưởng sản xuất gạch của ông ngày càng lớn mạnh. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, năm 2014, ông Tẽo quyết định đầu tư 45 tỷ đồng thay dây chuyền sản xuất gạch Tuynel cao cấp, lắp đặt 2 lò nung, mở rộng nhà xưởng, mua thêm xe vận chuyển. Dây chuyền mới vừa cho năng suất cao vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo thêm nhiều việc làm cho cựu chiến binh, cựu quân nhân và người dân trong xã.
     Đầu năm 2019, ông Tẽo chính thức chuyển mô hình sản xuất kinh doanh từ quy mô hộ gia đình sang thành lập công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hoàng Gia Bảo với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gạch; xây dựng các công trình công sở, nhà văn hoá, trường học, đường giao thông. Với sản lượng tiêu thụ khoảng 6 triệu viên gạch/ ngày, doanh thu của công ty mỗi năm đạt khoảng 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 200 lao động. Ngoài 15 ha diện tích làm nhà xưởng sản xuất gạch, hiện tại, ông Tẽo đang phát triển trên 20 ha trồng cây ăn quả kết hợp với cây lấy gỗ và hơn 2 ha nuôi cá, hơn 3 ha nuôi gà, lợn rừng.
     Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, ông Tẽo cho biết: Làm kinh tế như trận mạc, mỗi người phải biết tận dụng cơ hội để bứt phá. Bí quyết thành công của tôi trên mặt trận kinh tế là sự chủ động vươn lên, không sợ thất bại cũng không trông chờ, ỷ lại. Đây chính là những phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ.
     Không chỉ là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo còn tham gia nhiệt tình các phong trào của cộng đồng, thôn xóm. Chỉ tính riêng 2 năm 2021 - 2022, gia đình ông đã ủng hộ địa phương xây rãnh thoát nước, ngày vì người nghèo, hoạt động thể dục thể thao, xây dựng công trình văn hoá với số tiền hơn 400 triệu đồng. Hằng năm, ông đều đăng ký những việc làm cụ thể theo gương Bác gắn với các phong trào thi đua của Hội, luôn đi đầu trong các phong trào địa phương, thường xuyên đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm để giúp hội viên vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Còn sức lực tôi vẫn sẽ còn cố gắng lao động để xây dựng đời sống no đủ và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Với tôi, làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vươn lên của người lính Cụ Hồ giữa đời thường” - ông Tẽo bộc bạch.
     Với tâm huyết của một người lính “Bộ đội cụ Hồ”, kinh nghiệm và bản lĩnh, trách nhiệm vì cộng đồng, cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo đã được Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, danh hiệu hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021; năm 2023, cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo vinh dự là một trong 10 cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc... Được Đảng và Nhà nước ghi nhận, nhưng với cựu chiến binh Hoàng Văn Tẽo, niềm tự hào lớn nhất chính là giữ vững được niềm tin với Nhân dân, với đồng đội đồng chí, giữ vững được tổ ấm gia đình hạnh phúc trong sự quý mến, tin tưởng của mọi người.
 
Đ.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc