Sáng 21/10/2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà khoa học.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Hội thảo là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn địa phương và Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo về chủ đề “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn” sẽ cung cấp những luận cứ về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn, từ đó tham gia góp ý kiến tư vấn, để quá trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc đạt được mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu quả, thực chất, ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Mô hình “Làng văn hoá kiểu mẫu” là sáng kiến xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trước hết là nhu cầu và là phương cách để phát huy sức mạnh, sức sáng tạo của Nhân dân. Cách làm lấy người dân làm chủ thể, là trung tâm và là đối tượng được hưởng lợi từ thành quả xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc là sự cụ thể hóa chủ trương: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Sự ủng hộ, tích cực đóng góp của người dân trong xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc đã cho thấy sức mạnh to lớn của Nhân dân; cùng với những cách làm sáng tạo: “Chính quyền và Nhân dân cùng làm”, “doanh nghiệp và người dân đồng hành”, là minh chứng về giá trị sâu sắc của “ý Đảng, lòng dân”: một khi chủ trương, đường lối của Đảng đúng đắn hướng tới giải quyết những vấn đề trọng yếu, thiết thực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, đời sống của nhân dân thì luôn được người dân đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và đồng hành thực hiện.
Các kết quả bước đầu trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc cho thấy tiềm năng để nhân rộng một sáng kiến độc đáo, có thể là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác đã và đang triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; là minh chứng sinh động về sự cần thiết và sớm xây dựng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và làm tiền đề để tới đây thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hoá đã được đề xuất trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, để văn hoá thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò ngày càng to lớn trong tiến trình phát triển của các địa phương và cả nước.
Về những định hướng trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đã gợi ý một số vấn đề trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình “Làng văn hoá kiểu mẫu” thời gian tới như:
Là địa phương đi đầu triển khai xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên phạm vi rộng ở nhiều thôn, tổ dân phố có điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa đặc thù với sự sinh sống, cộng cư của nhiều cộng đồng, tộc người, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, chúng ta rất cần hình dung cho đúng, đầy đủ những khó khăn, thách thức, những rủi ro khó lường. Vì thế, cùng với việc vừa triển khai thực hiện, cần vừa tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đúc rút bài học kinh nghiệm, làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Cần tham khảo các mô hình làng văn hoá của một số quốc gia trên thế giới, như phong trào “Làng mới” ở Hàn Quốc, những “Làng thần kỳ” ở Nhật Bản để có thể xác định những đặc trưng phổ quát và những đặc trưng riêng có của làng văn hoá kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc nói riêng, ở Việt Nam nói chung.
Cần khai thông, huy động, đa dạng hoá và bảo đảm nguồn lực cho việc triển khai xây dựng các làng văn hoá. Phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí. Theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm. Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển dài hạn và tạo ra sức sống mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu đã khó, nhưng để duy trì làng văn hoá kiểu mẫu có thể còn khó hơn. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hoá, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nề nếp, lối sống, những nét đẹp trong sinh hoạt của các cộng đồng dân cư; tích cực biểu dương, lan rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, để văn hoá thật sự thẩm thấu vào trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong hành vi ứng xử của mỗi người dân và trong mỗi gia đình. Đặc biệt, đã là xây dựng làng văn hoá, cần hết sức chú ý đến các tiêu chí có tính chất văn hoá: kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; giữa bảo tồn và phát huy, phát triển; giữa yếu tố đại chúng, phổ thông với yếu tố tinh hoa, chọn lọc; giữa bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận được trình bày trực tiếp và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại hai phiên thảo luận bàn tròn đã đi sâu phân tích làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của việc xây dựng mô hình làng văn hoá kiểu mẫu với những đặc trưng cơ bản, đó là có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Phân tích, đánh giá thực trạng việc xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Những thành quả bước đầu cho thấy chủ trương xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” của Vĩnh Phúc là một chủ trương đúng đắn, kịp thời; thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống với mục tiêu xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách là "mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh".
Hội thảo cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng mô hình làng văn hóa; về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn gắn với phát triển bền vững ở một số quốc gia trong khu vực. Đó là những gợi ý, tham khảo hữu ích để Vĩnh Phúc có thể nghiên cứu, vận dụng và triển khai trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa đặc thù. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ứng dụng, triển khai rộng rãi trên phạm vi các thôn, bản, ấp, làng trên phạm vi cả nước.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” với những đặc trưng cơ bản, đó là có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; có cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện; tạo sức mạnh cộng hưởng cùng quá khứ nối tương lai, thực hiện khát vọng sánh vai thế giới của Việt Nam; phân tích, đánh giá thực trạng việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
Qua đó, bước đầu làm rõ thực chất nội dung chủ yếu, các nguyên tắc và cách thức tổ chức, vận hành làng văn hóa kiểu mẫu. Những thành quả bước đầu cho thấy chủ trương xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” của Vĩnh Phúc là một chủ trương đúng đắn, kịp thời; thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua hội thảo đã gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ứng dụng, triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Nguồn: BBT
Cổng Thông tin điện tử Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh