Người lao động và bài toán khó cho “của để dành”
Ngày đăng: 21/09/2023; 240
ĐỖ HÀ
 
          Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh, dành để trả lương hưu cho người lao động lúc về già. Bản chất của tiền BHXH là câu chuyện “của để dành” cho tương lai, nhất là với những người già lúc ốm đau, bệnh tật. Vậy mà, một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra vài năm trở lại đây tại nhiều cơ quan BHXH trên cả nước đó là tình trạng người lao động đăng ký làm thủ tục rút BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống an sinh xã hội về lâu dài. BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cũng không tránh khỏi hệ lụy đó.
 
         I. Rút “của để dành” - giải quyết khó khăn trước mắt
          Vào năm 2017, sau khoảng gần 9 năm đóng BHXH, chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1982) - công nhân Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã rút BHXH một lần.
         Thời điểm này, chị Loan mới sinh cháu thứ 2, không theo được công việc nên phải chấm dứt hợp đồng với công ty. Ban đầu, chị vẫn ý định giữ sổ BHXH chờ quay lại thị trường lao động để đóng tiếp. Tuy nhiên, đến năm 2017, kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Chồng là công nhân lái máy xúc, công việc bấp bênh; con lớn đến tuổi đi học, con nhỏ mới sinh, tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Sau nhiều lần đắn đo, tính toán, chị đã quyết định rút BHXH một lần.
           Được hơn 60 triệu đồng tiền “bán lúa non”, chị Loan dùng để trang trải quãng thời gian khó khăn cho cuộc sống thực tại. Nếu không có khoản tiền từ BHXH lần đó, chị không biết xoay sở ra sao. Mất 2 năm ở nhà trông con, chị Loan mới đi làm công nhân trở lại. Lần này chị đã tham gia BHXH được 6 năm.
          Chị Loan chia sẻ: Biết rút BHXH một lần là rất thiệt thòi, nhưng trong hoàn cảnh thất nghiệp, nguồn thu nhập không còn, thì đây chính là cách duy nhất giúp chị và cả gia đình tồn tại.
          Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Mầu Thị Hằng (Hướng Đạo, Tam Dương), quyết định xin vào khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên) làm công nhân. Mức lương cơ bản của chị lúc đó khoảng hơn 4 triệu đồng/ tháng. Các khoản phụ cấp, tăng ca nếu làm thêm nhiều, tổng thu nhập của chị được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Sau gần 4 năm làm công nhân, chị Hằng mang bầu, rồi xin nghỉ để sinh con đầu lòng.
          “Em quyết định nghỉ việc và rút tiền BHXH một lần vì giờ con nhỏ không ai chăm sóc, bố mẹ hai bên đều già yếu. Chồng em cũng động viên em nghỉ. Em nghĩ: Làm thì làm cả đời, bây giờ con nhỏ, điều quan trọng là phải chăm sóc con. Bao giờ con cứng cáp đi làm sau cũng được”.
          Khi tôi hỏi, sao em không cố giữ lại sổ BHXH, chờ con lớn đi làm, tiếp tục tham gia để về già có chút lương hưu. Hằng cười nói: “Em còn trẻ mà chị. Với lại em cũng xác định làm công nhân vài năm nữa chứ không xác định làm nghề này lâu dài. Nhà em đất đồi rộng, ruộng nhiều, khi bố mẹ em già, em và chồng sẽ tiếp quản công việc này”.
          Không chỉ có người đóng BHXH vài năm lấy khoản tiền BHXH một lần ngay, mà cả những công nhân có 18, 19 năm đóng BHXH cũng muốn rút. Chị Đồng Thị Hạnh (Đồng Tâm, Vĩnh Yên) từng làm công nhân công ty Vina Korea Vĩnh Phúc tâm sự: “Mình rút BHXH một lần về nhà đầu tư mở quầy thuốc nhỏ để sinh sống. Theo chị Hạnh thì thời gian chờ nhận BHXH quá lâu, đến khi nhận thì có khi không đủ trả sinh hoạt phí, trong khi đồng tiền ngày càng mất giá, chế độ an sinh xã hội không cải thiện nhiều, rút tiền về vẫn là biện pháp an toàn nhất. Sau này, việc kinh doanh thuận lợi, có thể chị sẽ tham gia BHXH tự nguyện cũng không muộn. Chị Hạnh cho biết: Bạn thân của chị cũng rút BHXH ngay sau khi đủ 20 năm đóng”.
          Người lao động lợi ít, thiệt nhiều
          Chị Loan, chị Hằng, chị Hạnh chỉ là ba trong số hàng nghìn người lao động của Vĩnh Phúc đã rút BHXH một lần trong những năm qua. Theo thống kê của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng người lao động đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần đã diễn ra nhiều năm gần đây nhưng sau đại dịch covid-19, số người rút gia tăng đột biến kéo dài cho đến thời điểm này. Nếu như năm 2019, BHXH tỉnh giải quyết chi trả cho 7.692 người hưởng BHXH một lần, năm 2020 chi trả cho 7.241 người, thì đến năm 2021, con số này tăng lên 7.959 người. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, BHXH giải quyết chi trả cho 4.340 người, tăng 394 người so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, mỗi năm tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 7.000 người đề nghị hưởng BHXH một lần. So sánh về tỷ lệ số người hưởng BHXH so với số người tăng mới hàng năm thì cứ có hơn 2 người mới tham gia BHXH thì có một người cũ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Trong số những người lao động được cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần, có nhiều trường hợp tuổi đời còn rất trẻ, sau khi hưởng BHXH một lần lại tiếp tục đi làm và tham gia BHXH ở đơn vị mới. Có trường hợp tham gia BHXH chưa được 1 năm, có cả những trường hợp trên 40 tuổi, thời gian đóng BHXH được hơn 18, 19 năm nhưng vẫn đề nghị được hưởng BHXH một lần.
          Trước thực trạng người lao động rút BHXH một lần đang gia tăng nhanh chóng, ông Nguyễn Duy Phương - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: Hiện nay, tình trạng người lao động rút BHXH một lần gia tăng nhanh chóng, thực tế đó đặt ra không ít thách thức đối với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Phương thì người lao động nên cân nhắc trước khi rút BHXH một lần bởi với số tiền từ bảo hiểm, người lao động có thể giải quyết nhu cầu trước mắt, nhưng về lâu dài, việc rút BHXH một lần người lao động sẽ bị thiệt thòi rất nhiều.
Trao đổi về những băn khoăn của người lao động như người lao động đóng BHXH thời gian dài, giờ có nên đóng tiếp. Ông Phương cho biết, chẳng có gì yên tâm bằng tiền gửi vào quỹ của Nhà nước. Tiền tham gia đóng vào được cơ quan Nhà nước bảo hộ quản lý và có trách nhiệm an sinh xã hội ít nhiều đem đến sự chủ động cho người lao động sau khi nghỉ hưu. Điều này sẽ giúp người lao động bớt lệ thuộc vào con cháu khi hàng tháng có lương hưu, ốm đau sẽ có BHXH lo, có “nằm xuống” thì người thân vẫn được hưởng một số quyền lợi như tiền tử tuất, tiền mai táng. Nếu đã rút BHXH một lần, muốn tiếp tục quay lại tham gia BHXH, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó.
          Cũng theo ông Phương, khi rút BHXH một lần, số tiền mà người lao động nhận được sẽ ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì hiện nay mức đóng BHXH là 22% mức lương hằng tháng. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, quỹ bảo hiểm không bị ảnh hưởng trong khi người lao động lại chịu thiệt thòi, mất đi 0.64 tháng lương mỗi năm.
          Giải pháp nào để giảm tình trạng rút BHXH một lần
          Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động hiện nay ồ ạt rút BHXH một lần, bà Ngô Thục Phương - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội  tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Về mặt tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động rất thấp, hầu hết chỉ vừa đủ trang trải chi tiêu hàng ngày. Cuộc sống bấp bênh nên khi gặp rủi ro, mất việc làm thì hầu như không có tích lũy. Vì vậy, khi tiếp cận, họ đều nói rằng do kinh tế quá khó khăn nên chấp nhận rút BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là lựa chọn không phải người lao động nào cũng mong muốn. Trong khi đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp tìm cách “đào thải” công nhân nhiều tuổi (trên 35 tuổi) để giảm thiểu chi phí, khiến người lao động khó tìm được việc làm ở thị trường lao động.
          Thêm nguyên nhân nữa theo bà Phương là người lao động chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí, trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH rất hạn chế. Vì vậy, có rất nhiều người không thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH về lâu dài, cũng như tác hại của việc rút BHXH một lần.
          Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, hệ thống chính sách về BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung của nước ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
          Để hạn chế làn sóng rút BHXH một lần, theo bà Phương thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc khi người lao động mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy thì sẽ gặp nguy cơ gì? Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất… họ sẽ an tâm đóng BHXH. Muốn được như vậy, ngành BHXH cần bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi tuổi cao, gặp ốm đau, tai nạn.
          Song song với việc tạo niềm tin cho người lao động, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh luật BHXH như tính toán giảm số năm đóng BHXH, có chính sách hỗ trợ cho người lao động vay vốn hoặc hỗ trợ bằng cách thức gì đó với lãi suất thấp để người lao động khi thất nghiệp, gặp khó khăn không rút BHXH một lần. Đồng thời có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ việc doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.
          “Bây giờ chị mới thấy tiếc khi rút BHXH một lần. Nếu phải nghỉ việc nữa, chị sẽ không làm như vậy”, lời của chị Loan nói với tôi trước lúc hai chị em tạm biệt nhau khiến tôi cứ day dứt mãi. Khó khăn có lẽ ai cũng sẽ có lúc phải trải qua, nhưng nếu cố gắng thì trái ngọt sẽ đợi ta ở cuối con đường. Tham gia BHXH là chăm lo cho chính mình. Vì vậy, bằng kinh nghiệm sống của mình, mỗi chúng ta hãy cần cân nhắc thật kỹ trước khi bàn tới chuyện rút BHXH một lần.
 
 
          KỲ II: “Lợi thì có lợi nhưng... răng chẳng còn”
        Đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) là cơ hội để người lao động được đảm bảo cuộc sống lúc về già thông qua việc hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nhiều lao động vì những khó khăn trước mắt, đã chọn giải pháp rút BHXH một lần. Rút hay không rút là quyền tự do của mỗi người, nhưng có lẽ, sẽ có rất nhiều người phải trả giá vì lựa chọn của mình lúc tuổi già. Bởi khổ nhất là khi già yếu, không có thu nhập, mà không may phải sống lay lắt trong bệnh tật trong khi không có lương hưu. Không ai giàu nhờ lương hưu, nhưng nếu không có khoản tiền đó để ổn định cuộc sống tuổi già, người lao động sẽ trở thành gánh nặng cho chính gia đình và xã hội. Đánh cược tuổi già của mình bằng việc rút BHXH một lần, người lao động sẽ được gì? mất gì? Đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả tình trạng này?
          1. Rút tiền tiết kiệm tuổi trẻ, già cậy ai?
          “Mẹ chi tiêu phải biết tiết kiệm chứ. Cứ mua thuốc linh tinh về uống. Hơi chút là kêu, đòi đi khám chỗ nọ chỗ kia… giờ chúng con đi làm cũng khó khăn, còn phải lo cho bọn trẻ nữa, thời gian đâu mà về suốt được…” - đó là những câu nói tôi vẫn thường được nghe mỗi lần chị con dâu ở Hà Nội về thăm bác N.T.L - hàng xóm với gia đình tôi.
          Vì gần nhà nên tôi biết hoàn cảnh của bác N.T.L (65 tuổi, hiện đang sống tại khu chùa Hà, Định Trung, Vĩnh Yên) cũng khá đặc biệt. Vợ chồng bác sinh được hai người con. Gia đình anh con trai cả sống và làm việc ở Hà Nội. Kinh tế cũng không mấy dư dả. Chị con gái lấy chồng mãi trên Lai Châu, lâu lâu mới về thăm mẹ một lần. Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, bác N.T.L là công nhân nhà máy dứa Tam Dương. Do kinh tế khó khăn, tiền lương công nhân không đủ nuôi các con, bác ấy đã chủ động xin nhận chế độ bảo hiểm một lần sau gần 15 năm đóng bảo hiểm để có một khoản tiền lo cho gia đình. Khi đó với khoản tiền từ rút bảo hiểm, bác ấy đã dùng để buôn bán nhỏ nhưng kết quả không như mong muốn. Chồng bác mất cũng gần chục năm nay. Giờ già yếu, lương hưu không có, bảo hiểm y tế cũng không, phải phụ thuộc vào các con. Nhiều khi nhìn bác tôi cũng chạnh lòng.
          Hồi đầu năm, tôi có thuê chú Đ.V.H (60 tuổi người Đạo Tú, Tam Dương) về sửa giúp tôi bức tường rào. Người nhà chú ấy kể rằng, trước kia chú ấy có cuộc sống khấm khá lắm. Sinh ra trong gia đình khá giả, lúc trẻ làm ăn bên ngoài “tiền tiêu không phải nghĩ”. Đất đai vài mảnh, các món ăn chơi thời đó không gì mà chú không biết. Ấy vậy mà giờ chú phải lao động chân tay, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế mới biết, cuộc đời không ai nói trước được điều gì?
          Bác ruột tôi năm nay đã gần 70 tuổi. Lúc còn đi làm bác tôi cũng tham gia BHXH và đóng được 30 năm. Bác kể: Ngày đó, công nhân lao động như bác đều xin nghỉ hưu non và rút một cục về. May được sự động viên của gia đình và các con, bác quyết định giữ lại số tiền bảo hiểm. Giờ cứ đến ngày đi lĩnh lương hưu bác vui lắm vì ít nhất không phải phụ thuộc con cái. Trước kia, mỗi tháng, bác chỉ được vài trăm nghìn, còn bây giờ lương hưu tăng, bác được hơn 4 triệu đồng. Mỗi lần tăng vài trăm ngàn cũng khiến bác vui cả ngày vì giờ già rồi đâu còn làm ra tiền nữa. Có lương hưu cảm giác mình được xã hội quan tâm, lâu lâu được các cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên, cảm thấy cuộc đời mình vẫn còn ý nghĩa cháu ạ!
          Chính sách nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội chính là mục tiêu mà BHXH mang lại cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, nhưng một thực tế đang diễn ra vài năm trở lại đây đó là tình trạng ngày càng có nhiều người nghĩ đến chuyện bỏ lương hưu. Thay vì tìm việc để làm, không ít người chỉ chăm chăm tính đến số tiền BHXH một lần. Lý do họ đưa ra có vô vàn: đói quá, không tiền, không việc làm, nghỉ ở nhà, làm việc khác, đầu tư này kia nên phải rút... người có điều kiện cũng rút... nói chung nếu thực sự muốn thì người lao động sẽ tìm ra muôn nghìn lý do và kiểu gì cũng phải rút.
          2. Vì đâu nên nỗi?
         Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Duy Phương - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động xin rút BHXH một lần. Ngoài những hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm thì còn có nhiều lao động chưa hiểu được đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải tính toán chi tiết, khuyên họ cần suy nghĩ cẩn thận, phân tích kỹ càng thì người lao động mới chấp nhận và thay đổi suy nghĩ của mình.
Ông Nguyễn Duy Phương cũng thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay, tình trạng người lao động rút BHXH một lần gia tăng nhanh chóng, thực tế đó đặt ra không ít thách thức đối với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Phương thì người lao động nên cân nhắc trước khi rút BHXH một lần bởi với số tiền từ bảo hiểm, người lao động có thể giải quyết nhu cầu trước mắt, nhưng về lâu dài, việc rút BHXH một lần sẽ khiến người lao động chịu không ít thiệt thòi.
         Trao đổi về những băn khoăn của người lao động như đã đóng BHXH thời gian dài, giờ có nên đóng tiếp. Ông Phương cho biết, chẳng có gì yên tâm bằng tiền gửi vào quỹ của Nhà nước. Tiền đóng bảo hiểm sẽ được Nhà nước bảo hộ, quản lý và có trách nhiệm an sinh xã hội, ít nhiều đem đến sự chủ động cho người lao động sau khi nghỉ hưu. Điều này sẽ giúp người lao động bớt lệ thuộc vào con cháu khi hàng tháng có lương hưu, ốm đau sẽ có BHXH lo, có “nằm xuống” thì người thân vẫn được hưởng một số quyền lợi như tiền tử tuất, tiền mai táng. Nếu đã rút BHXH một lần, muốn tiếp tục quay lại tham gia BHXH, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó.
        Cũng theo ông Phương, khi rút BHXH một lần, số tiền mà người lao động nhận được sẽ ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì hiện nay mức đóng BHXH là 22% mức lương hằng tháng. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, quỹ bảo hiểm không bị ảnh hưởng trong khi người lao động lại chịu thiệt thòi, mất đi 0.64 tháng lương mỗi năm.
          Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động hiện nay ồ ạt rút BHXH một lần, bà Ngô Thục Phương - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Về mặt tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động rất thấp, hầu hết chỉ vừa đủ trang trải chi tiêu hàng ngày. Cuộc sống bấp bênh nên khi gặp rủi ro, mất việc làm thì hầu như không có tích lũy. Vì vậy, khi tiếp cận, họ đều nói rằng do kinh tế quá khó khăn nên chấp nhận rút BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là lựa chọn không phải người lao động nào cũng mong muốn. Trong khi đó, hiện nay, các doanh nghiệp luôn chọn đóng cho đa số công nhân, người lao động ở mức lương tối thiếu vùng để giảm tối đa chi phí và không có khoản bổ sung nào khác. Họ lách luật bằng cách đưa ra các khoản thu nhập khác như xăng xe, điện thoại, khoán sản phẩm… để giảm bớt chi phí. Và dù trên thực tế, doanh nghiệp đóng 14% bảo hiểm cũng là rút lương trả cho người lao động mà ra chứ không phải tiền túi của họ. Lao động nhận lương thực tế có thể 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ đóng mức lương tối thiểu vùng (khoảng 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng). Vậy khi nhận lương hưu chỉ bằng 45 - 75% mức lương tối thiểu vùng thì thử hỏi người lao động về hưu sống kiểu gì? Chưa kể hiện nay, người lao động đóng đủ 20 năm nhưng phải đủ 62 tuổi mới được nhận sổ hưu và được lĩnh lương hưu. Trong khi giờ nhiều lao động đóng đủ 20 năm nhưng mới ngoài 40, 50 tuổi. Điều đó có nghĩa họ phải chờ từ 10 đến 20 năm nữa mới được lĩnh lương hưu. Vậy trong thời gian ấy họ phải sống bằng gì để cố gắng đợi đến tuổi được nhận đồng lương hưu ít ỏi đấy. Đó chính là những bất cập của BHXH. Chỉ khi nào giải quyết dứt điểm tình trạng này, khiến người lao động tham gia thấy được quyền lợi của mình một cách rõ ràng khi đó họ mới tin tưởng vào BHXH.
           Thêm nguyên nhân nữa theo bà Phương là người lao động chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí, trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH rất hạn chế. Vì vậy, có rất nhiều người không thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH về lâu dài, cũng như tác hại của việc rút BHXH một lần.
          Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung của nước ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
          Anh Nguyễn Đức Quang - phụ trách nhân sự tại một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) phân tích: Nếu coi BHXH là một sản phẩm, thực tế người tiêu dùng không mặn mà gì với sản phẩm ấy thì chắc chắn sản phẩm ấy có vấn đề rồi. Vì vậy, theo tôi, những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách phải xây dựng lại cho chế độ, chính sách tốt hơn nữa để hấp dẫn người lao động.
          3. Đâu là giải pháp căn cơ?
          Để hạn chế làn sóng rút BHXH một lần, theo bà Phương thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc khi người lao động mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy thì sẽ gặp nguy cơ gì? Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất… họ sẽ an tâm đóng BHXH. Muốn được như vậy, ngành BHXH cần bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi tuổi cao, gặp ốm đau, tai nạn.
           Song song với việc tạo niềm tin cho người lao động, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh luật BHXH như tính toán giảm số năm đóng BHXH, có chính sách hỗ trợ cho người lao động vay vốn hoặc hỗ trợ bằng cách thức nào đó với lãi suất thấp để người lao động khi thất nghiệp, gặp khó khăn không phải rút BHXH một lần. Đồng thời có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ việc doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng hoặc không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.
          Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Quang bày tỏ: Lâu nay, việc tuyên truyền chính sách BHXH trong các doanh nghiệp vẫn chỉ mang tính hình thức, chỉ nhắc lại các quy định mà không giải thích cho người lao động thấy rõ được sự ưu việt để họ tự nguyện tham gia vào. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta vẫn chưa nhìn thẳng vào căn nguyên sâu xa khiến người lao động từ bỏ hưu trí, đó là những bất cập trong chính sách BHXH hiện hành liên quan đến các vấn đề như tuổi nghỉ hưu quá cao (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) áp đặt vào môi trường, điều kiện lao động khác nhau nhưng cùng mốc nghỉ hưu như thế là không công bằng. Hầu hết người làm chính sách đều biết 18 tuổi là tuổi lao động, người lao động có tồn tại làm trong các doanh nghiệp được 30 năm thì cũng vắt hết sức lao động rồi, từ 48 đến 50 tuổi người lao động khó mà xin được việc tại các doanh nghiệp. Hơn nữa, cách tính lương còn nhiều bất cập, tỉ lệ hưởng lương hưu quá thấp không đảm bảo cuộc sống khi người lao động về hưu. Anh Nguyễn Đức Quang đề xuất không nên quy định tuổi nghỉ hưu, chỉ cần quy định chính sách hưởng lương hưu, càng công tác lâu năm thì lương càng cao, và đương nhiên người lao động muốn công tác lâu năm thì phải đáp ứng được yêu cầu công việc mà mình đảm nhiệm.
          Giải quyết được những vấn đề này, bài toán rút BHXH một lần sẽ bước đầu tìm được lời giải. Do đó, muốn giảm tình trạng hàng loạt người lao động rút BHXH một lần, các nhà quản lý cần phải lắng nghe nhiều hơn ý kiến của người lao động, xem những khó khăn họ đang gặp phải là gì, để từ đó tìm ra đúng nguyên nhân trước khi tiến hành việc điều chỉnh luật BHXH và các luật khác có liên quan. Có như vậy, BHXH mới thực sự là một chính sách nhân văn, mới có thể đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
 
***
 
          “Bây giờ chị mới thấy tiếc khi rút BHXH một lần. Nếu phải nghỉ việc nữa, chị sẽ không làm như vậy”, lời của chị Loan nói với tôi trước lúc hai chị em tạm biệt nhau khiến tôi cứ day dứt mãi. Khó khăn có lẽ ai cũng sẽ có lúc phải trải qua, nhưng nếu không bức bách đến mức thiếu tiền ăn hàng ngày, thì hãy cố gắng bảo lưu BHXH. Tham gia BHXH là chăm lo cho chính mình. Đừng dại dột rút hết một lần rồi mất hết. Bởi nếu bỏ lỡ rồi, chúng ta sẽ không có 20 năm nữa để tích lũy lại được đâu. 
Đ.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc