Một lần thăm quê
Ngày đăng: 16/05/2022; 218
 
Truyện ngắn 
 
 LÃ THẾ KHANH
 
Gần ba năm, kể từ ngày có dịch Covid-19 không về quê nội, Anh bảo Chị:
- Em thu xếp thời gian, mai vợ chồng mình về quê một chuyến. Lâu quá rồi anh không về thăm họ mạc, các cụ chắc là trách lắm!
Đang mải nghe điện thoại, Chị ra hiệu cho Anh đừng nói. Chừng mươi, mười lăm phút, cuộc đàm thoại của Chị với đầu dây bên kia mới chấm dứt. Chị quay sang Anh hỏi lại:  
- Mai á anh? Mai thì được, nhưng chỉ buổi sáng thôi, chiều em còn phải đi họp lớp. Kỷ niệm 20 năm ngày tốt nghiệp đại học mà. Lũ bạn em, có đứa tận Sài Gòn mà vẫn bay ra tham dự đấy! Em mà không tới, chúng nó cuốc mặt ra… Lớp em có mấy “con” ghê gớm lắm!
Thấy mỗi lần nhắc về quê nội, Chị đều không mặn mà, thường viện đủ lý do, Anh chau mày:
- Thế thì chuẩn bị đi! Chiều về luôn. Đêm quay về thành phố càng mát!
Rồi Anh lưỡng lự:
- Này em! Lâu rồi vợ chồng mình không về, em chuẩn bị ít quà để biếu họ mạc!
Chị ừ hữ:
- Thì quà! Lần nào về chả có quà, dễ đi người không đấy chắc.
Vừa tủng tẳng trả lời Anh, Chị vừa bậm bịch đi vào phòng ngủ.
Nửa tiếng sau không thấy Chị quay ra, Anh sốt ruột đi vào, hóa ra Chị đang chuẩn bị quà để đem về quê. Nhìn đống quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm bộn bề trên giường ngủ, Anh trố mắt:
- Những thứ này em định mang về làm quà cho mọi người á?                     
- Vâng! Toàn đồ xịn đấy ông ạ! - Không nhìn Anh, Chị vừa gấp đống quần áo cũ cho vào chiếc túi ni lon vừa khó chịu trả lời. - Anh có biết những thứ này hồi em mua nó giá bao nhiêu không? Toàn trăm với hơn trăm đô cả đấy. Ở quê á, có mà nằm mơ!
Cầm lên tay cái váy dài màu đen, may bằng loại vải xuyên thấu (mà chỉ những hot girl bạo gan mới dám mặc) Anh trố mắt hỏi Chị:
- Cái váy này em định tặng ai?
Nhìn cái váy dài đã dùng được quá 5 năm, Chị trả lời:          
- Em tặng thím Bảy! Bà ấy được cái váy này có mà như trúng số độc đắc. Cả đời quần áo diềm bâu, cứng như mo nang, giờ cũng phải để cho thím ấy “sang chảnh” tý chứ!
Ôm bụng cười rũ rượi, Anh gào lên:
- Em định để cho thím ấy đi đóng hài à? Ối giời ơi là giời! Ai lại đem cái của nợ này về quê để tặng cho cái bà U70 hở giời? Đúng là em có một không hai!
Nhìn sang đống son phấn đủ màu và mấy đôi xăng đan, giày cao gót, Anh lại hỏi Chị:
- Thế còn cái đống hổ lốn này em định cho ai, biếu ai?
- À thì... cho mấy đứa cháu gái con nhà cô Tám, cô Lục!
- Khổ, suốt ngày chúng nó bán lưng cho rẫy, bán mặt cho nương thì phấn son, đi giày cao gót vào lúc nào? Rồi lại ngã vỡ mặt ra. Cho các cháu cái gì nó phải thiết thực một tý chứ!
Vừa nói, Anh vừa lấy một thỏi son Hàn Quốc xem hạn sử dụng. Dãy số: EXP: 05/10/2020 của thỏi son đập vào mắt Anh. Quay sang nhìn Chị, Anh lừ mắt:
- Em định cho các cháu cả thứ mỹ phẩm quá đát này à? Muốn chúng nó phải nhập viện sao?
Chị cười chữa ngượng:
- Ô, quá đát thật hả anh? Em cũng không để ý đâu. À, nhưng mà mỹ phẩm quá hạn nửa năm cũng đâu có sao. Hôm trước đọc trên mạng, em thấy họ giải thích là kể cả dược phẩm, chứ đừng nói là mỹ phẩm, nếu quá hạn dăm tháng vẫn dùng được. Chẳng qua nhà sản xuất phải cảnh báo sớm để cho người dùng tiêu thụ nhanh. Có thế mới bán được nhiều hàng!
- Em chỉ huyên thuyên! Mạng nào nói thế? Có mà mạng nhện. Mới lại ở quê, chúng nó đi tới đâu mà son với phấn. Nếu thực sự quan tâm đến các cháu thì em cứ cho chúng nó mấy đồng. Thế chẳng tốt hơn à?
- Anh lúc nào cũng tiền, tiền, tiền! Đúng là... mang tiếng sống ở thành phố mấy chục năm nhưng vẫn quê một cục. - Liếc mắt nhìn Anh, cười làm lành, Chị pha trò: - Anh đừng có tưởng nhé! Các cháu ở quê bây giờ cũng khiếp lắm! Thời trang ra phết. Ối gái phố còn chạy dài! Đấy rồi anh xem! Đống mỹ phẩm với bao tải giày dép này chiều nay sẽ không đủ phân phát. Khiếp! Họ tộc nhà anh gì mà đông như quân Nguyên, chỉ tính đám cháu gái nội đã hơn một tá!
 
 
***
 
Biết vợ chồng cháu đích tôn từ thành phố về thăm quê, chú ruột Anh - một lão nông ngoại bảy mươi đã giục con cháu làm cơm từ chiều để đợi. Về tới nhà, chưa kịp rửa tay sát khuẩn, ông chú đã bắt Anh, Chị ngồi vào mâm. Nhìn mâm cơm tú hụ toàn thịt gà, thịt lợn, rau thì chỉ có một đĩa bé xíu, Anh cười, trêu chú thím:
- Đây là ông bà bắt chúng cháu tích trữ năng lượng để chuẩn bị phòng chống hậu Covid đây. Tiền đã chả có, chú thím bày cỗ thịnh soạn thế này làm gì. Chúng cháu có phải khách đâu!
 Ông chú cười khà khà:
 - Toàn của nhà chăn nuôi được đấy. Gà, lợn, chim bồ câu... Cấm có tý tăng trọng nào đâu. Các cháu cứ yên tâm! Ăn thoải mái đi. Chút nữa về thành phố, ông bà sẽ có quà gửi cho lũ trẻ.
Thấy chú ruột nói tới quà, Anh quay sang Chị:
- Em cũng xem có quà gì thì biếu các cụ đi! Đúng 20 giờ là vợ chồng mình phải xin phép chú thím đấy.
 
***
 
Đúng như Chị dự đoán khi còn ở thành phố. Đống quần áo, giày dép, mỹ phẩm mà Chị đem về quê chỉ một loáng đã phân phát hết. Họ nội nhà Anh đông. Căn phòng khách của chú thím Anh cũng không quá nhỏ, vậy mà có người vẫn phải ngồi ở hàng hiên. Nhìn mặt để đoán độ tuổi, đoán sở thích, Chị đem đống quà lỗi mốt, quá đát để tặng từng người. Chẳng biết mọi người có thích không, nhưng ai nấy đều hỉ hả.
Thấy mọi người đều phấn khởi, Anh tự trách mình thiếu thông tin về nông thôn thời đổi mới, nên đã hiểu sai về Chị. Không ngờ những món quà Chị đem về lại được mọi người hào hứng đón nhận đến vậy. Đang lúc mọi người thi nhau thử quần áo, giày dép thì hai bà cô ruột của Anh là bà Tám và bà Lục nháy nhau ra ngoài sân. Linh cảm có điều khó hiểu, Anh lặng lẽ đi theo. Đứng nép vào thân cây sấu già cạnh bể nước, bà Tám rì rầm vào tai bà Lục:
 - Vợ nó cho chị em mình những thứ này thì chỉ có mà… quăng vào tủ để làm kỷ niệm chứ dùng thế nào được. Nhưng thôi, chị em mình cứ nhận cho các cháu nó vui. À mà này, cô cho chúng nó cái gì? Tôi thì chỉ có năm chục ký gạo xát kỹ làm quà cho bọn nó thôi!
Bà Lục chép miệng:
- Mình ở quê thì có cao lương mỹ vị gì! Quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ có mấy con gà, con vịt là hết. Em cho các cháu đôi gà cỏ với mấy chục trứng gà, gọi là góp phần với chúng nó trong những ngày chống dịch.
 Nghe trọn câu chuyện của hai cô ruột, Anh vừa ân hận vừa thẹn chín người. Lặng lẽ quay vào nhà, Anh xin phép chú thím và họ mạc để về thành phố. Biết Anh, Chị bận nên không ai níu kéo. Ông chú Anh tỏ ra rất thông cảm:
- Thành phố dạo này Covid vẫn đang còn rất phức tạp. Thôi, không giữ các cháu nữa làm gì. Về sớm đi để mà chuẩn bị các thứ. Lần sau, dịch giã ổn rồi thì bảo nhau về quê dăm bảy ngày nhé! Ở thành phố, tao còn lạ gì, tuy là thế nhưng đến giọt nước lã cũng phải đi mua. Khổ bỏ mẹ!
Nói rồi, ông ra hiệu cho mọi người:
- Nào, ai có quà gì cho chúng nó thì mang ra đi!
 Không rõ mọi người đã chuẩn bị từ khi nào mà chỉ sau ít phút, cốp chiếc xe Fortuner của Anh, Chị đã chật ních quà. Nào là gạo, lạc, đỗ, trái cây và cả mấy bó rau muống, rau dền, rau mùng tơi... Riêng chú thím ruột của Anh còn chuẩn bị sẵn 10 kg thịt lợn sạch, ướp đá từ trước để Anh, Chị đem về thành phố ăn dần trong những ngày còn dịch giã.
 Nhìn đống quà hương đồng gió nội, rồi lại nhìn những khuôn mặt khắc khổ, lam lũ, đen bóng mồ hôi nhưng rất rạng rỡ, hồ hởi của họ mạc chốn quê, mắt Anh bỗng cay sè, những giọt lệ tự trào ra, lăn dài trên gò má hồng hào, căng mịn của Anh.
Không biết Chị, tâm trạng lúc đó thế nào? Nhưng khi chiếc xe vừa lăn bánh ra khỏi ngõ, Anh thấy Chị đưa tay lên dụi mắt, giọng lạc hẳn đi:
- Hết dịch, mình về thăm quê lâu lâu vào anh nhé!
                                                                                                                                                                                                    L.T.K
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc