Tam Đảo
Ngày đăng: 22/01/2024; 192
Tùy bút
THANH VĨNH
 
     Tam Đảo là cách gọi ba đỉnh núi nổi lên giữa trời và đất Vĩnh Phúc, ba đỉnh núi ấy luôn có mây mù vây phủ quấn quýt, từ xa nhìn lại, trông giống ba hòn đảo bồng bềnh trong biển mây, thế nên thành tên gọi “Tam Đảo”.
     Tam Đảo là tên gọi cho cả dãy núi chạy dài liên tiếp nhau tới 80km, gắn kết Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Hà Nội. Là dãy núi mà từ xa nhìn lại, từ Vĩnh Yên nhìn lên luôn sừng sững một trường thành, như “tấm lưng” thiên tạo vững chãi để Vĩnh Phúc nương tựa mà hướng về Hồng Hà - nơi có ngã ba Hạc với điểm hợp nước đặc biệt của Hồng Hà, Lô giang, Đà giang; nơi dòng chảy miên man tự ngàn đời của sông Mẹ đêm ngày cần mẫn bồi đắp những màu mỡ bãi bờ, làm nên lúa ngô nuôi sống triệu triệu người Việt.
     Tam Đảo là tên gọi một địa danh hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc: Huyện Tam Đảo. Và, lẽ tất nhiên, trong huyện Tam Đảo có núi rừng Tam Đảo.
       Tam Đảo sơn tự bao đời đã được người Vĩnh Phúc tôn kính gọi là núi Mẹ, đối xứng với Tản Viên núi Cha nơi Ba Vì, Sơn Tây. Núi Cha thờ Tản Viên sơn thánh, núi Mẹ gắn liền với huyền thoại về nàng Lăng Thị Tiêu - người con gái Tam Đảo - là hiện thân của một trong bảy nàng tiên xuống núi chữa bệnh cứu dân lành, trừ bạo nghịch giúp nước. Nàng là người có công giúp Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân. Đất nước thanh bình, nàng đã cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 - chàng hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo và tài ba - kết duyên chồng vợ. Trở thành chính vương phi, bà vẫn cùng chồng giữ lối sống bình dị, hết sức chăm lo cho muôn dân được an lạc. Huyền sử còn ghi lại câu chuyện đức vua và vương phi dạy dân trồng lúa nước, dạy dân cửi canh, lễ tiết... Nhớ ơn trọng ấy, Nhân dân dựng đền lập miếu, đời nối đời khói hương cung kính phụng thờ Quốc Mẫu.
     Cùng với huyền thoại về Quốc Mẫu, nữ chúa Tam Đảo, còn có nhiều dấu tích cho thấy vùng Tây Thiên - Tam Đảo còn là một trong những “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam. Thế nên, đến với Vĩnh Phúc, đến với vùng địa linh này, là “đến với Phật, về với Mẫu”. Xem thế, đủ thấy Vĩnh Phúc là vùng địa linh, nhân kiệt, nơi sông núi quy tụ hùng khí linh thiêng của đất trời.
     Ngày trời lặng, từ Hồng Hà nhìn lên, Tam Đảo xanh thẫm. Buổi trời trong, Tam Đảo xanh mơ. Sau những cơn mưa, Tam Đảo tươi mát, xanh sáng đến tinh khôi như vừa trở về từ cổ tích. Khi chìm khuất trong mù sương thăm thẳm, Tam Đảo tựa chốn tiên bồng. Để rồi bỗng chợt, Tam Đảo lại hiện ra e ấp, ảo huyền trong mây trong gió nơi lưng trời thăm thẳm...
     Với Vĩnh Phúc, nơi có địa hình đa dạng, bao gồm cả núi cao, núi thấp, đồi gò tiếp biến linh hoạt tới vùng bán sơn địa, rồi đồng bằng - nơi được coi là “đỉnh” tam giác châu thổ sông Hồng, điểm khởi đầu cho cả một khu vực đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, nơi phát nguyên nền văn minh lúa nước - văn minh sông Hồng rực rỡ, thì Tam Đảo tựa bức trường thành vững chãi. Giữa lô xô sóng núi điệp trùng ấy, ba đỉnh núi uy nghi đột khởi. Từ mạn Vĩnh Tường, Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên nhìn lên, từ tháp cổ Bình Sơn, từ phía Nghĩa Lĩnh đất Tổ nhìn về, từ Ba Vì, Sơn Tây nhìn sang, từ Hà Nội nhìn lại ba đỉnh núi ấy sừng sững một thế đứng vững chãi. Ba đỉnh non ấy được người xưa gọi tên, lần lượt là: Thạch Bàn (bàn đá); Phù Nghĩa (giúp việc nghĩa) và Thiên Thị (chợ trời). Lại nữa, núi Tam Đảo đối xứng với núi Tản Viên (Ba Vì, Sơn Tây) qua Hồng Hà (sông Cái, sông Mẹ), trông về Hy Cương (Phong Châu, Phú Thọ) là núi Hùng Lĩnh tạo thế “chân vạc”, thế “tay ngai” “vững âu vàng”. Trung tâm ba danh sơn này là “minh đường” ngã ba Hạc - nơi Hồng Hà, Đà giang, Lô giang hợp thủy, nơi tương truyền chim Hạc trắng về đậu trên ngọn chiên đàn thiêng… Tất cả, hợp thành chốn hội tụ linh khí sông núi Việt linh thiêng, huyền bí.
     Tam Đảo - đó là địa danh ghi trên cột mốc chỉ đường của quốc lộ 2B (km 1) bắt đầu từ chân dốc Láp, đi qua trung tâm phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên hướng về đại ngàn Tam Đảo. Quốc lộ 2B tựa sợi chỉ thêu đa sắc dẫn ta qua những địa danh thân thuộc: Này là dốc Láp - con dốc trứ danh đi qua đình làng Yên Lập (tục gọi làng Láp) - nơi thờ bảy vị đại vương, bảy anh em họ Lỗ ở núi Đinh (Vĩnh Yên) - là những danh tướng có công lớn giúp nhà Trần đánh giặc nguyên Mông cứu nước (1258), nơi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939), họa sĩ Lưu Công Nhân (1930 - 2007) từng sống vào những năm tháng của thế kỷ XX. Kề bên, là chùa Hà - di tích lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất có tiếng với câu ca “Người xấu như ma, tắm nước chùa Hà lại đẹp như tiên”; cũng là điểm Bác Hồ dừng chân khi Người lên thăm Vĩnh Phúc và làm việc ở Tam Đảo. Đối diện chùa Hà là Văn Miếu - nơi tôn vinh nền khoa bảng của đất và người Vĩnh Phúc; là khu đô thị Hà Tiên, khu đô thị VCI cùng các công trình, trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị…
      Rời Vĩnh Yên, theo quốc lộ 2B ta tiếp tục qua km 6 - nơi trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp (thường được gọi một cách giản dị là “Trường 600”) đứng chân. Rồi qua Kim Long - nơi người dân quen gọi là “cây số 8” bởi địa danh này có cột mốc km 8 tọa lạc; qua trụ sở hành chính Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo; qua sân golf Tam Đảo với bóng núi lồng gương hồ Xạ Hương; qua trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia và Hạt Kiểm lâm Tam Đảo... tới hết km 12. Từ đây, để lại những ồn ào, nhộn nhịp của cuộc sống nơi phố phường, ta đến với đại ngàn Tam Đảo.
     Có thể coi km 13 - nơi Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo đứng chân, giữ màu xanh của rừng là khởi đầu cho chặng đường đèo dẫn lên thị trấn Tam Đảo - nơi vào đầu thế kỷ XIX, thực dân Pháp, sau những cuộc điều nghiên đồng thời với Sa Pa, Đà Lạt, đã nhận thấy những giá trị độc đáo, đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái nơi đây để quyết định xây dựng tại Tam Đảo, ở độ cao 930m so với mặt nước biển một khu nghỉ dưỡng cho các nhà cầm quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Quốc lộ 2B, từ đây, bắt đầu luyến láy như những giọt nhạc mà điểm nhấn là những khúc cua lượn bất chợt mất hút lại bất ngờ mở ra sau mỗi góc khuất của núi non. Một rừng lim nhiều năm tuổi tán ken tán tạo thành vòm xanh rợi mát khởi đầu cho chặng đường đèo. Dưới tán lim, người dân bày mấy quầy giải khát bình dân nhỏ, phục vụ du khách trên đường rời phố lên rừng. Nếu muốn, trước khi lên đèo, bạn có thể dừng chân, ngả lưng đu đưa trên cánh võng đay dưới tán lim xanh, nghe ríu rít tiếng chim, nghe xôn xao cây lá... sẽ thấy những muộn phiền của cõi thế vốn nhiều phức tạp, chật vật bởi đua tranh, bươn trải như vơi tan, khuây lãng.
     Tam Đảo vào mùa tháng 6 sẽ ngát lừng hương hoa dẻ - thứ hoa “đặc trưng” của miền trung du, thứ hoa luôn làm xao xuyến ngất ngây con tim học trò nhà quê tuổi cắn chắt chơi chuyền. Lại nhớ, thuở ấu thơ, vào mùa hoa, trong cặp sách của tôi khi nào cũng có dăm bông dủ dẻ. Điểm đặc biệt của loài hoa này ấy là càng héo dường như hoa càng thơm. Hoa dẻ không kết nụ rồi nở hoa như thông thường, mà ngay khi trổ lộc bông hoa đã xòe thành nhiều thùy. Hoa uống sương, tắm nắng gió, lớn dần, cánh hoa từ màu xanh thẫm, chuyển dần xanh ngọc rồi ngả nhẹ màu hoàng anh… Tới một ngày, chợt nghe không gian quanh ta thơm ngây ngất. Là hoa dẻ đấy! Cánh vàng mật ong. Hương bay ngan ngát. Những bụi dẻ nhỏ bé nép dưới tán rừng rậm rạp. Ai hời hợt thoáng qua sẽ chẳng thể nào nhận ra vàng hoa khiêm nhường ẩn vào tầng tầng cây lá. Hoa dẻ không nở mà chín. Tháng 6 là mùa hoa chín rộ, tỏa làn hương ngan ngát, thanh thoát mà quyến rũ đến điều.
      Tôi là người sinh ra, lớn lên ở một làng quê có nhiều đồi gò bát úp, tuổi thơ từng chia nhau từng bông hoa dẻ với đám bạn chăn trâu ngày hè. Mấy mươi năm xa nhà, làng đồi quê tôi giờ thành thị trấn. Phố làng thời “mở cửa” ồn ào “văn minh” lối @. Nương ruộng đồi gò thu hẹp chóng mặt thành thổ cư giá cao giá thấp để nhà cửa, hàng quán thế chân. Hoa dẻ vì thế mà gần như biến mất. Lòng người vì thế, mà phải phôi pha nỗi nhớ về hương hoa đặc trưng của quê nhà trung du. Chỉ khi đến với Tam Đảo, tôi mới được gặp lại hương sắc bình dị, thân thiết này. Thế nên, đã thành thói quen, cứ vào dịp tháng 6, tháng 7, trong các chuyến lên Tam Đảo công tác, tôi vẫn tranh thủ tìm cho mình chút thanh thản với hương hoa ấu thơ trong trẻo ấy. Tháng 6, tháng 7 hằng năm là khi thời tiết nơi đồng bằng rất oi bức, ngột ngạt; nhưng với Tam Đảo, luôn vẹn nguyên sự dịu mát trời ban. Đặc biệt, sau những cơn mưa đầu mùa, khi nắng hửng sáng những tán rừng, cả đại ngàn tầng tầng lớp lớp cây lá như được tắm gội, cứ thỏa thuê xanh, không gian nhẹ nhõm, trong trẻo, yên lành. Những khi ấy, hễ xe qua cổng Vườn Quốc gia Tam Đảo, “bắt” vào km 13, là chúng tôi tắt điều hòa, rồi không ai bảo ai, đồng loạt hạ cửa kính ô tô. Ùa vào chúng tôi là cả một trời thơm mát, thanh sạch, thoang thoảng hương hoa! - Hương hoa dẻ đấy! - Lòng tôi hân hoan thốt nói thành lời. Ký ức ấu thơ lại ùa về, chật đầy ngực cùng mùi hương hoa dẻ. Bạn nói xem, lúc đó, trái tim một kẻ lãng đãng như tôi sẽ đập nhịp thế nào khi gặp lại ấu thơ thấm đẫm hương hoa thân thương?
      Lập tức, chúng tôi dừng xe và ùa xuống. Từ km13 tới km14 quốc lộ 2B đi Tam Đảo này vẫn còn khá nhiều bụi hoa dẻ. Chắp tay thành kính, tôi bái vọng rồi khấn thầm: xin Mẫu, xin thần rừng ban cho chút hương rừng… rồi nhẹ tay vin cành chạm vào chùm dẻ vàng hươm! Tôi muốn mang theo mãi hương thơm tao khiết này của Tam Đảo, như một tình yêu, không, còn là một “chiếc neo”, níu gắn tôi với quê nhà!
      Bên sườn núi, đoạn km13, km14, quốc lộ 2B đi thị trấn Tam Đảo có ngôi đền Cậu tọa lạc. Truyền rằng Cậu rất linh thiêng, luôn phù hộ cứu giúp những cảnh đời khó khi tìm về cầu sự chở che nơi cửa Cậu. Đền Cậu cũng là một trong những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong hệ thống hàng chục di tích thờ tự các vị thánh thần do Nhân dân quanh vùng tạo lập nên. Thẳm sâu trong tâm thức người dân nơi đây, đại ngàn Tam Đảo với Quốc Mẫu, Bà Chúa Thượng Ngàn, các Cô, Cậu, đức Thánh Trần, nhị vị Vương Cô, các vị sơn thần thổ địa… luôn là cha là mẹ, cũng là những bậc thần thánh oai linh với quyền năng siêu phàm chế ngự mọi tai ách, phù hộ độ trì, che chở ban phúc cho dân lành. Theo đó, hệ thống những đền, chùa, miếu - những di tích tín ngưỡng tâm linh mang đậm sắc thái văn hóa Việt - sẽ giúp du khách khi đến Tam Đảo không chỉ được đến với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, với khí hậu đặc biệt trong lành, ôn hòa mà còn được đến với vũ trụ siêu nhiên huyền bí, được trở lại với buổi bình minh dân tộc một cách gần gụi mà rất thiêng liêng.
     Tam Đảo còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời người lính Hoàng Cầm (1916 - 1996). Ông là người con của đất Trực Ninh, Nam Định. Tuổi 20, vì nghèo đói, ông đã lên Tam Đảo tìm kế sinh nhai. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, Hoàng Cầm trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, là chiến sĩ nuôi quân. Nơi chiến trường bom đạn bời bời, để phòng tránh các thiết bị tối tân của địch cài đặt khắp nơi hòng dò tìm dấu vết bộ đội ta, nhất là các dấu vết về khói lửa để tiêu diệt; Hoàng Cầm đã sáng chế một loại bếp nấu độc đáo. Khi nấu, bếp giấu hết khói lửa, vừa giúp chiến sĩ ta đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ (yếu tố tiên quyết cho thắng lợi), hạn chế thấp nhất thương vong mọi lúc mọi nơi trong chiến đấu, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vừa trực tiếp góp phần nuôi quân được ăn cơm nóng canh sốt (điều bình thường nhưng lại là đặc biệt trong chiến tranh), bởi có “thực túc” thì mới “binh cường”, có “ăn no” thì mới “đánh thắng”. Với cái bếp độc đáo ấy, Hoàng Cầm đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cả trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Ông đã đưa vào cuộc kháng chiến chống những kẻ thù mạnh nhất thế giới một vật dụng giản dị, đời thường nhất của dân tộc Việt Nam: cái bếp nấu ăn. Và cái bếp bình dị, từng đi vào thơ vào nhạc: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời” (Phạm Tiến Duật), “Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm khắp nơi nơi” (Huy Du) đã chiến thắng những phương tiện chiến tranh siêu vi của thực dân, đế quốc.
      Thế nhưng, cái bếp nổi tiếng bao nhiêu thì cuộc sống của chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm lại lặng lẽ bấy nhiêu. Bao năm tháng qua, bếp Hoàng Cầm luôn đồng hành cùng những người lính Cụ Hồ trên mọi trận tuyến, trong mọi thời kỳ, thì tại thị trấn Tam Đảo, nơi Hoàng Cầm có nhiều năm gắn bó, sinh sống thì vẫn chưa bao giờ có được một mô hình, một đài tưởng niệm, hay một điều gì tương tự như thế để du khách xa gần khi đến với danh thắng này sẽ được chiêm ngưỡng, tưởng nhớ một con người bình dị mà cao quý; người từng được chiến sĩ ta phong tặng danh hiệu “vua bếp chiến trường”.
      Trở về sau những năm tháng chiến trường bom đạn, Hoàng Cầm được nhà nước cấp cho một căn hộ nhỏ ở Thủ đô Hà Nội. Nhưng ông đã trở lại Tam Đảo, sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở thôn 1, thị trấn Tam Đảo. Vừa cùng gia đình làm lụng, mưu sinh như bao nông dân Việt, Hoàng Cầm còn đảm nhận công việc của một thủ từ, ngày ngày coi sóc hương đèn nơi đền Thánh Trần tọa lạc trên thị trấn. Theo nguyện vọng của Hoàng Cầm, khi ông qua đời, các con ông đã đưa ông về Tam Đảo. Mộ ông nằm lặng lẽ dưới tán thông bên một sườn núi, cách nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tam Đảo không xa.
     Sau mười mấy ki-lô-mét đường đèo dốc, qua những rừng thông vi vút, qua những vạt rừng thấp vấn vít nhiều loài hoa lá; qua Cổng Trời, Quán Gió… thị trấn Tam Đảo trên độ cao gần ngàn mét hiện ra trước mắt du khách với không gian thật bình yên. Xen lẫn nhà cửa, khách sạn, quán hàng, những nhà vườn khiêm nhường - nơi sinh sống của cư dân thị trấn - là nhiều vườn su su xanh tốt. Loài rau này đã trở thành đặc sản Tam Đảo. Ngọn rau non búng đem xào tỏi, hay luộc chấm xì dầu đều ngon tuyệt. Ngọn su su ở Tam Đảo ăn giòn, ngọt khác hẳn ngọn su su trồng dưới đồng bằng! - Đó là nhận xét của hầu hết những ai từng được thưởng thức ngọn su su Tam Đảo mà tôi được gặp và hỏi chuyện. Trong mây trong nắng, những giàn su su đua nhau vươn ngọn vào trời xanh.
     Ở Tam Đảo một ngày là được sống trong đủ thời tiết bốn mùa. Đó cũng là “kết luận” của tất cả những ai từng lên Tam Đảo. Đó cũng là “đặc thù”, một biệt ân của thiên nhiên dành tặng con người thông qua non ngàn Tam Đảo. Này nhé: Sáng mơn man hương xuân, trưa nồng nàn sắc hạ, ngả chiều the the tiết thu; và đêm về, không gian se sẽ lạnh, một sự se sẽ ngòn ngọt đủ để con người muốn khoác thêm tấm áo mỏng, và muốn xích lại, xích lại gần nhau hơn. Khí hậu ấy, thổ nhưỡng ấy, để Tam Đảo là địa điểm lý tưởng cho những loài kỳ hoa dị thảo đua hương sắc. Bạn không thể không ngất ngây khi bắt gặp bên ven đường Tam Đảo những vạt hoa rực rỡ như vạt mật trời buông tặng. Kế đó lại biêng biếc tím hoa bìm, lại xôn xao những cánh huệ tây, địa lan, lay-ơn, tầm xuân… với rất nhiều màu sắc. Bung nở rực rỡ rồi biến ảo sắc màu đầy bí ẩn theo buổi trong ngày là những bông cẩm tú cầu cùng vô số loài kỳ hoa dị thảo. Ấy là chưa nhắc đến những vạt rừng đỗ quyên ẩn mình nơi rừng sâu, những loài phong lan hiếm lạ ngạo với gió sương mà trổ bày vẻ diễm lệ nơi lưng trời, những thảm hoa bướm mong manh cánh trắng đẹp đến nao lòng... Những hương sắc ấy càng lung linh ảo huyền hơn mỗi khi có mây trời vấn vít, mỗi lúc có vạt nắng óng vàng ve vuốt, mỗi khi có làn gió mơn man... Tất cả, góp làm nên cuộc tự tình đắm say của thiên nhiên, khiến lòng người bỗng thốt ước ao: giá như có bạn tâm giao kề bên; rồi tự nhủ: lần sau trở lại, nhất định sẽ tìm tri âm để cùng chiêm ngưỡng, suy ngẫm với thiên nhiên kỳ tú.
      Tam Đảo có thác Bạc, vẻ đẹp của thác khiến du khách truyền tai nhau lời dặn: đi Tam Đảo mà chưa đến thác Bạc là chưa tới Tam Đảo. Đường xuống thác đi qua ngôi biệt thự vẫn được người dân nơi đây gọi một cách thân mật là “Biệt thự Ông Đồng” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Sinh thời, Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng và nhiều cán bộ cao cấp của chính phủ từng đến đây nghỉ dưỡng và làm việc. Trải năm tháng, người hiền đã đi xa, ngôi biệt thự lặng lẽ ẩn vào mây ngàn gió núi. Chuyện về ngôi biệt thự - một di tích lịch sử cách mạng - xin dành nói sau, bởi tiếng thác tuôn đang như mời gọi. Theo lối mòn đã được kè đá chắc chắn hãy cùng lần bước xuống chân thác. Tự xa xa tai ta đã nghe vọng tiếng ù ù, ào ào. Là thác đang kể chuyện rừng chuyện núi đấy! Xuống sâu thêm, ta sẽ nhận được những luồng hơi nước mát lạnh lan lan dội ngược như mời gọi. Và kìa, ngước mắt nhìn lên, ta được thấy một dải lụa bạch bằng nước từ lưng trời miên man buông xuống, lấp lánh hào quang dưới ánh mặt trời. Ào ạt là tiếng thác đổ. Vỡ òa lanh lảnh tiếng cười thanh nữ. Xạt xào tiếng đại ngàn thở trong vòm cây... Chao! Sảng khoái làm sao!
    Tam Đảo - nơi có tháp truyền hình với chiều cao gần 100m, nặng khoảng 200 tấn do các nước bạn trong khối XHCN (Ba Lan, Liên Xô) giúp đỡ ta xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XX tọa lạc. Đó là một công trình đặc biệt được tạo nên bởi trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, tâm huyết, công sức của tập thể cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam bấy giờ. Từ đỉnh núi Máng Chì (Tam Đảo) có độ cao gần 1.200m so với mặt biển, tháp truyền hình Tam Đảo sừng sững vươn lên, giúp nối gần thêm núi với bầu trời. Nơi tháp đứng chân núi rừng lúc nào cũng ràn rạt gió và hầu như quanh năm ẩm lạnh, mù sương. Nghe kể, vì áp suất không khí ở đây thấp, nên luộc trứng ở đây sẽ chẳng thể nào chín được... Ai muốn chinh phục đỉnh cao này, phải chuẩn bị cho mình sức khỏe cùng sự dẻo dai. Thế nhưng, đã đến Tam Đảo mà không leo tới chân tháp truyền hình, cũng coi như mất đi một cơ hội thử thách bản thân, chinh phục tầm cao; đặc biệt, thêm được chiêm ngưỡng cảnh sắc huyền diệu của Tam Đảo.
      Thị trấn Tam Đảo ngày nay được chia thành các khu dân cư. Ở những nơi dân cư sinh sống, rừng đã biến mất. Thay thế là homestay, khách sạn, nhà hàng... Người ta chặt cây, bỏ rừng để trồng su su, làm nhà, dựng quán kinh doanh, xây khách sạn... Còn nhớ: bởi Tam Đảo đẹp và có một khí hậu lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng nên được người Pháp sớm phát hiện và dành tiền của, công sức rất lớn để xây dựng cùng thời điểm với xây dựng các khu nghỉ mát ở Đà Lạt, Sa Pa. Tuy nhiên, hàng trăm kiến trúc mang đậm phong cách Âu châu, góp làm nên “Hòn ngọc Đông Dương” - nhã hiệu mà người đương thời dành cho Tam Đảo của những năm 1936 - 1943 nay đã không còn. Được biết, tại thị trấn còn có cơ sở tập luyện cho một số đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia, nhưng cũng thưa thớt, buồn vắng kiểu “mùa vụ”. Hiện tại, kiến trúc thị trấn Tam Đảo chưa có được một quy hoạch ưu việt, nên lộn xộn kiểu dáng, pha tạp sắc màu, nhấp nhô cao thấp. Đó là điềm trừ (-) đáng tiếc cho phố núi trong mây này. Đứng giữa phố núi - phố nằm giữa đại ngàn - mà các đường phố hầu như không có mấy bóng cây cao! May sao, nắng ở Tam Đảo dù gắt gao nhất vẫn không làm cho con người bị bức bối, ngột ngạt. Có được điều đó là nhờ đặc ân của núi rừng Tam Đảo, của Mẹ Thiên Nhiên ban tặng. Thế nhưng, không còn cây, thì làm gì có rừng. Mà không còn rừng Tam Đảo, chúng ta sẽ còn lại gì, sẽ sống ra sao?
     Tam Đảo, nói đến đây đã khá dài, nhưng người viết vẫn muốn nhắc đến cái “lõi” của vấn đề mà những người yêu quê hương, yêu Tam Đảo trăn trở. Đó là Tam Đảo đẹp mà chưa giàu, Tam Đảo nhiều nhà hàng khách sạn mà du lịch Tam Đảo vẫn chưa xứng tầm tiềm năng. Tam Đảo được mệnh danh là vùng sinh thái lý tưởng, là lá phổi xanh, là nguồn cung cấp nước cho Vĩnh Phúc và các vùng lân cận... nhưng hàng loạt hồ, đầm quanh Tam Đảo đang ít nhiều bị vơi cạn. Và rừng Tam Đảo vẫn bị đào khoét, cây Tam Đảo vẫn bị chặt phá, rác thải đã xuất hiện gây ô nhiễm... Việc quy hoạch Tam Đảo tồn tại điều bất cập, bởi nếu khoa học và tôn trọng thiên nhiên, vì tương lai lâu dài thì người ta không được phá núi xây nhà, không được “bê-tông hóa” Tam Đảo... Tam Đảo là bao nhiêu điều kỳ thú, đẹp đẽ, nhưng cũng còn không ít điều bất cập, không đẹp, chưa hay. Buồn thay, hầu hết những điều đang làm Tam Đảo bị xấu đi, mai một đi... lại là do con người gây ra.
     Nhưng, tạm gác lại những băn khoăn này, để điểm nhanh những niềm vui mới nhất của Tam Đảo. Đó là, tháng 01/2022, thị trấn Tam Đảo đã được Nhà nước ta công nhận là khu du lịch cấp quốc gia; tiếp đó, tháng 11/2022, thị trấn Tam Đảo được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh là “thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”. Thêm một thông tin rất thú vị, là từ trước đó, năm 2003, thương hiệu nước hoa TAM DAO* - một sản phẩm nổi tiếng của Yves Coueslant** (1926 - 2013) đã góp phần đưa Tam Đảo đến gần hơn với thế giới. Cùng đó, hàng loạt chương trình hành động ý nghĩa khác của tỉnh Vĩnh Phúc, của ngành Du lịch Vĩnh Phúc nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Quy hoạch tổng thể “phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030” nhằm đẩy mạnh một bước phát triển du lịch Vĩnh Phúc sẽ góp phần đưa Tam Đảo, đưa Vĩnh Phúc phát triển xứng tầm cao mới!
     Tam Đảo! Tam Đảo... Tôi mơ một giấc mơ đẹp, tôi mong mỏi một ngày mai kỳ diệu sẽ đến với Tam Đảo, kỳ diệu như chính Tam Đảo đại ngàn. Và tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực.
 
Những ngày mùa Thu ở trại sáng tác Đại Lải - Tam Đảo
T.V
 
 
* Yves Coueslant đã viết về sản phẩm nước hoa TAM DAO của ông: “Là nhật ký bằng mùi hương ghi lại những khoảnh khắc bất tận ở Việt Nam, phác họa lại vẻ đẹp sâu thẳm của núi rừng, hòa quyện cùng từng nhánh cây xanh. Sự tráng lệ của tuyết tùng, âm hưởng giòn giã của đàn hương tan chảy trong cái ôm ấm áp của hổ phách”.
Đến nay, nước hoa TAM DAO vẫn là một trong số các dòng sản phẩm bán chạy nhất của Diptyque.
** Yves Coueslant là một trong ba nhà sáng lập Diptyque - nhà sản xuất mùi hương nổi tiếng của nước Pháp, gồm: nhà thiết kế nội thất Christiane Gautrot, họa sĩ Desmond Knox-Leet và đạo diễn sân khấu kiêm nhà thiết kế bối cảnh Yves Coueslant.
Thời thơ ấu, Yves Coueslant cùng gia đình từng sinh sống tại miền Bắc Việt Nam. Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là nơi mà gia đình ông thường tới nghỉ dưỡng. Năm 1990, khi trở lại thăm Việt Nam, Yves Coueslant đã nảy sinh ý tưởng sáng chế một loại nước hoa mang đậm hương vị núi rừng Tam Đảo, nơi ông từng được sống những ngày tháng hoa niên hạnh phúc trong bầu khí hậu an lành và cảnh sắc tươi đẹp của vùng rừng núi này. Theo đó, nước hoa TAM DAO ra đời. Mùi hương TAM DAO chính là hoài niệm sống động và tươi rói của Yves Coueslant về núi rừng Tam Đảo.

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc