Hội chợ Rưng ở Tứ Trưng
Ngày đăng: 22/01/2024; 684
HOÀNG LĨNH
 
Tứ Trưng có nghĩa là 4 làng Trưng, gồm: Thế Trưng (trước gọi là Hiến Trưng), Văn Trưng, Vĩnh Trưng và Bảo Trưng. Bốn làng này trước vẫn có chung một tên Nôm là Kẻ Rưng, sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhập thành một xã gọi là Tứ Trưng, nay là thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đây là vùng đất có lịch sử và văn hiến lâu đời, nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, có nhiều người học hành đỗ đạt và làm quan dưới các triều đại phong kiến. Theo sách “Tam xã đăng khoa” viết năm 1692, toàn xã có 491 nho sinh đi thi, đỗ 62 cử nhân, 5 tiến sĩ và 424 tú tài. Về vốn văn hoá truyền thống, Tứ Trưng nổi tiếng có chợ Rưng với quy mô lớn nhất vùng và lễ hội đặc sắc với các trò diễn có một không hai như: bắt chạch trong chum, leo cầu ùm, bơi thuyền bằng đĩa…
Chợ Rưng nằm bên bờ đầm Rưng nước xanh ngăn ngắt. Bên cạnh chợ là đền Đức Ông thờ thần thành hoàng làng Rưng là Đức ông Nguyễn Văn Nhượng (chưa rõ năm sinh năm mất) - một danh tướng thời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210) đã có công đánh tan giặc Ai Lao xâm lược, gìn giữ non sông, được vua ban cho nhiều ấn tín. Chợ và đền hiện nằm giữa thôn Giai và thôn Nghè (trước thuộc Văn Trưng). Chợ Rưng xưa một tháng mười hai phiên họp, ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch tổ chức hội chợ, còn ngày mùng 7 tháng giêng là lễ tiệc giỗ Đức Ông tại đền. Do hai địa điểm tổ chức lễ tiệc và hội chợ cạnh nhau, lại gần ngày, nên dân làng Rưng thường gộp hai ngày này lại và tổ chức thành lễ hội của làng với quy mô lớn và những nghi thức tế lễ, hội hè linh đình. Ngày chợ cũng là ngày hội, đây là nét khác biệt với các lễ hội khác trong vùng.
Phần lễ diễn ra ở đình Rưng (đình Tứ Trưng) và đền Đức Ông. Về cơ bản phần lễ cũng là các nghi thức tế lễ giống các di tích thờ thần thành hoàng khác ở trong vùng. Đáng chú ý ở đây là phần hội nổi tiếng với tên gọi Hội chợ Rưng mà Nhân dân nhiều vùng trong và ngoài tỉnh đều biết đến. Sau cuộc tế, phần hội diễn ra với các trò chơi hết sức sôi nổi. Phải nói thêm rằng, đầm Rưng là một đầm nước lớn trải suốt 3 xã, thị trấn là: Tứ Trưng, Tam Phúc, Ngũ Kiên, cho nên cảnh hội chợ trên bến dưới thuyền diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Thêm vào đó, ngày mùng 6 tháng Giêng lại là phiên chợ mở đầu tiên sau mấy ngày Tết, người đi chợ kết hợp với du xuân đông đúc náo nhiệt không sao kể xiết. Chợ Rưng không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ trai gái trao đổi tình cảm trong khi xem hội, vãn cảnh chợ. Khách thập phương và dân các làng lân cận cũng tham gia rất hào hứng với các trò chơi của người Kẻ Rưng như: đu đôi, đua thuyền, vật, nấu cơm thi, leo cầu, tổ tôm, ca hát sẩm... Đặc biệt hấp dẫn nhất là trò diễn bắt chạch trong chum và leo cầu ùm đã để lại trong lòng người xem, người chơi những ấn tượng không thể nào phai.
Bắt chạch trong chum
Sau phần tế lễ, người ta đặt vào phía trước đình Rưng bày một hàng chum nhỡ (cỡ sâu một tầm cánh tay), ít nhất cũng có năm cái chum. Mỗi chum đựng đến 2 phần 3 nước, trong có thả một con chạch. Người tham dự là các đôi nam nữ, mỗi đôi bắt chạch trong một chum. Tuy trò chơi là dành cho tất cả mọi người tham gia, nhưng thường thường đối tượng chơi trò này là những người muộn con, hiếm con, vì ý nghĩa của trò chơi thể hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu con. Tức là không phải chỉ cần khoắng tay vào trong chum mà bắt được chạch là thắng, đôi nam nữ dự trò còn phải thực hiện tục hèm theo lệ làng là vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Gái thì tay phải ôm ngang lưng trai. Trai thì tay trái ôm ngang ngực cô gái, vòng từ phía sau ra phía trước sao cho bàn tay nắm được bầu ngực của cô gái và phải bóp đều không được ngơi tay. Tay còn lại của hai người cùng cho vào chum nước mà bắt cho kỳ được con chạch mới kết trò. Cặp nào bắt được chạch đầu tiên mà ít phạm lỗi nhất thì được giải. Giải thưởng của cuộc thi là khăn lụa hồng, chè khô, trầu cau và có khi có cả tiền. Số cặp nam nữ tham gia bắt chạch nhiều hay ít tuỳ thuộc vào số chum đặt trước cửa đình mỗi năm. Ban giám khảo là các cụ cao tuổi có vai vế trong làng trong xã (trước là các quan viên), ngồi trên thềm đình theo dõi những cặp nam nữ tham dự, nhắc nhở họ khi mắc lỗi mải bắt chạch mà lơi tay ôm, tay bóp.
Đây là một trò diễn mang đậm chất tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Người kẻ Rưng quan niệm rằng, việc thực hiện công khai những hành động thầm kín ấy sẽ kích thích sự sinh sôi nảy nở của muôn loài giữa trời và đất trước cửa thánh, phúc lộc theo đó sẽ được dồi dào, dân làng sẽ đời đời no ấm, thịnh vượng. Trò diễn này đã đem lại một sức hút đặc biệt với những người đến hội chợ Rưng.
Leo cầu ùm
Người ta lấy một cây tre dài bắc làm cầu vươn trên mặt đầm, một đầu bắc lên bờ, một đầu là buộc dây chạc vào 2 cây tre bắt chéo trên ao. Đầu mối buộc cắm một chiếc cờ nhỏ. Những người chơi phải làm sao đi từ đầu cầu trên bờ ra đến giữa ao, tháo lấy cờ đem về an toàn. Nghe có vẻ hết sức đơn giản nhưng đây lại là trò chơi chứa đựng rất nhiều yếu tố bất ngờ vui nhộn. Vì cầu chỉ làm bằng một thân tre tròn và trơn, đầu cầu lại buộc bằng dây chạc nên cầu đung đưa rất khó đi. Không chỉ người chơi mà người xem cũng có cảm giác hồi hộp, phấn khích. Người thi loạng choạng, chật vật leo cầu, bỗng chốc ngã ùm xuống nước, có lẽ vì vậy mà gọi là “leo cầu ùm”. Đám đông xung quanh chọc ghẹo, cổ vũ, hò reo theo từng cú ngã... tạo nên không khí náo nhiệt, rôm rả vô cùng.
Hội chợ Rưng trong Vè Tứ Trưng
Trong dân gian còn lưu truyền một bài “Vè Tứ Trưng”, trong đó có nói đến truyền thống hiếu học, phong cảnh làng và hội chợ Rưng. Bài vè được viết theo thể thơ song thất lục bát, thể thơ được ưa chuộng trong thời kỳ văn học trung đại Việt Nam, phát triển mạnh từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, “Vè Tứ Trưng” có nhiều đoạn biến thể thể hiện tính dân gian, điều này cho thấy bài vè có thể được sáng tác vào thời gian muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu  thế kỷ XX. Đọc vè sẽ thấy hội chợ Rưng hiện ra rõ nét với nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc. Trích đoạn vè về chợ Rưng như sau:
“Chợ Rưng tháng 12 phiên
Chợ Chiều chợ Bưởi chợ liền vui thay
Người xuôi ngược đông tây kéo đến
Khách vãng lai hàng quán nghỉ ngơi
Tháng Giêng mồng sáu tiệc vui
Gần xa nô nức đến chơi hội này
Trên mũ áo sắp bày nghi vệ
Dưới nhà trò các nghệ giở ra
Nhà trò hàng huyện xướng ca
Đôi bên hàng xứ vào ra đánh cờ
Đôi bên tàn quạt phất phơ
Bốn bề đào đã tranh đua tơi bời
Trai tráng lực thi bơi thuyền ván
Gái đương thì đánh dún đu đôi
Trên cầu quan hội ngồi chơi
Dưới thời các vãi, các nơi cúng dàng
Từ chợ cho chí trong làng
Tổ tôm tam cúc đánh tràn cung mây
Nơi thì đào đẹp hát hay
Nơi thì chèo hát leo cây om xòm
Lời tục ngữ bồng con bế cháu
Để đi chơi mùng 6 chợ Rưng”.
Những câu ca dao, tục ngữ khác về hội chợ Rưng:
- “Bỏ con bỏ cháu không ai bỏ mùng sáu chợ Rưng”
- “Chợ Rưng mùng 6 tiệc vui
Khắp nơi náo nức về chơi hội làng”
- “Kẻ Rưng đi bán cá con
Kẻ Cánh gánh đất nỉ non nặn nồi...”
- “Khua nón thì ở chợ Luông
Cái nón đôi luồng nó ở chợ Rưng”…
Ngày nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hội chợ Rưng đã lâu không còn được tổ chức, tuy chợ Rưng bây giờ vẫn họp hằng ngày. Đình Tứ Trưng đã được phục hồi, tôn tạo, cùng với đền Đức Ông là các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, các hoạt động tế lễ vào những ngày tiệc lệ vẫn diễn ra theo định kỳ. Trong những năm tới, chính quyền và Nhân dân đang có định hướng phục hồi hội chợ Rưng và các trò diễn truyền thống gắn với lễ hội thờ thần thành hoàng làng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc Việt của địa phương.
H.L
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc