Đã đến lúc cần đổi mới sân khấu
Ngày đăng: 17/05/2022; 1284
                                                                                                                                NGUYỄN HIẾU
 
Một trong những nền tảng truyền thống văn hóa của dân tộc ta là yêu sân khấu. Không phải bỗng nhiên ở mỗi vùng, miền của đất nước ta đều có những đặc sản về sân khấu. Miền Bắc có chèo, có các loại hình múa rối; miền Trung có dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế, tuồng; miền Nam có các loại dân ca và hơn thế kỷ qua là cải lương.
Khi người Pháp vào nước ta mang theo văn hóa phương Tây chủ yếu là văn hóa Pháp trong đó có kịch nói. Nếu tính từ sự kiện năm 1863, kịch Pháp sang biểu diễn ở nước ta, rồi Nhà hát lớn Sài Gòn khánh thành năm 1900, Nhà hát Lớn Hà Nội hoàn thành năm 1911 thì chỉ mười năm sau tại Hà Nội, vở kịch nói thuần Việt viết theo nghệ thuật kịch châu Âu đầu tiên là “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã để lại tiếng vang lớn, báo hiệu những thành công bước đầu của kịch nói Việt Nam sau những thử thách, lần mò. Kịch nói Việt Nam đến đây đã hình thành và chính thức gia nhập đại gia đình sân khấu Việt Nam, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt.
Hơn hai mươi năm trong hoàn cảnh chiến tranh và chia cắt đất nước (nếu tính từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975). Cho dù thể chế hai miền khác nhau nhưng nền sân khấu ở từng vùng của nước ta vẫn liên tục phát triển. Ở miền Bắc, sau năm 1954 thì cùng với chèo, kịch nói, nhiều đoàn nghệ thuật các miền ra Bắc tập kết như Đoàn cải lương Nam Bộ, Đoàn kịch nói Nam Bộ, Đoàn dân ca khu 5, Đoàn tuồng khu 5, Đoàn ca kịch Trị Thiên... chẳng những tồn tại và phát triển mà còn làm phong phú thêm nhu cầu thưởng thức của người xem miền Bắc. Trong chiến tranh, các loại kịch trong đó đáng kể là kịch nói miền Bắc phát triển với nhiều đoàn diễn và chiếm được cảm tình của người xem khi dàn dựng các kịch bản của các tác giả ở hậu phương như Đào Hồng Cẩm, Trần Vượng, Tấn Đạt... và những tác giả viết từ chiến trường như Nguyễn Vũ, Chu Nghi... đã tạo ra những vở diễn mang đầy hơi thở “hậu phương lớn hướng về tiền tuyến lớn” như các vở “Chị Nhàn”, “Tổ quốc”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Đồng chí”, “Bên hàng rào Tà Cơn”... Từ giữa thập niên 70 trở đi, cùng với đà đổi mới, kịch nói vẫn là thể loại sân khấu mũi nhọn với những thành công đáng kể như “Mùa hè ở biển”, “Bạch đàn liễu”, “Đợi đến mùa xuân”... của Xuân Trình; “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nguồn sáng trong đời” của Lưu Quang Vũ đã tạo ra những “cơn sốt” thực sự đối với người xem và dư luận xã hội, ít nhiều đánh dấu sự chuyển biến của sự đổi mới trong tư tưởng và quản lý xã hội.
Ở miền Nam, mặc dù phải diễn xen vào tạp kỹ, ca nhạc và đại nhạc hội nhưng bên cạnh cải lương, kịch nói vẫn bền bỉ sống ở thành thị và nông thôn với 30 ban kịch trong đó nổi lên ban kịch Kim Cương và ban kịch Thẩm Thúy Hằng cùng những vở diễn đã tạo ra những phong cách riêng độc đáo, tạo ra thương hiệu của mình có sức hấp dẫn đối với khán giả. Các vở diễn như “Lá sầu riêng”, “Trà hoa nữ”, “Dưới hai màu áo”... của Kim Cương. “Người mẹ già”, “Suôn tình”... của Thẩm Thúy Hằng... để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Đây được coi là những dấu mốc quan trọng trong sự phát triển sân khấu miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã ghi mốc lịch sử khi đất nước sau vài chục năm chia cắt trở về một khối. Cùng với sự hòa hợp dân tộc, sự đoàn tụ của những người thân thì văn nghệ sĩ hai miền cũng có điều kiện hội ngộ và hòa hợp thông qua việc tiếp nhận những kinh nghiệm của nhau, góp phần đưa văn hóa nghệ thuật của nước ta cùng phát triển.
Tôi nhớ ngày sau giải phóng, hàng loạt đoàn nghệ thuật đặc trưng từng vùng đang tồn tại và phát triển như ở miền Bắc có Đoàn cải lương Nam Bộ, Đoàn kịch nói Nam Bộ, Đoàn ca kịch Trị Thiên, Đoàn dân ca khu 5... trở về địa phương cùng 12 đoàn nghệ thuật Trung ương, 100 đoàn nghệ thuật các tỉnh miền Bắc... vào biểu diễn phục vụ người xem các vùng mới giải phòng, đã tạo ra sự giao lưu nghệ thuật đầu tiên, đặt nền móng cho sự chuyển biến về gu thưởng thức của người xem cũng như cảm nhận, nhận thức nghệ thuật của đồng nghiệp phía Nam.
Hình ảnh khán giả Sài Gòn nô nức đi xem vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Quân đội... diễn tại Nhà hát lớn Thành phố, rạp Tân Định, Nhà hát Kỳ Hòa, rạp Gò Vấp... với các vở diễn chính luận hoàn toàn khác những vở diễn, cách diễn quen thuộc với khán giả và các nghệ sĩ Sài Gòn trước đây. Các tác phẩm như “Cách mạng”, “Kẻ đốt đền”, “Nổi gió”... của bốn vở diễn “Mùa hè ở biển”, “Tôi và chúng ta”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Nhân danh công lý và đỉnh cao mơ ước” đã thực sự chinh phục khán giả và đồng nghiệp ở phía Nam.
Không chỉ khán giả bước đầu làm quen với phong cách kịch miền Bắc mà ngay trong các đoàn nghệ thuật biểu diễn như kịch nói thì hai ban kịch nổi tiếng Sài Gòn trước đây là ban kịch Kim Cương và ban kịch Thẩm Thúy Hằng giờ thành hai trong bốn đoàn kịch chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh (đoàn kịch nói Nam Bộ sau đổi là Đoàn kịch nói Cửu Long Giang, Đoàn trường nghệ thuật sân khấu 2...). Đoàn Kim Cương ngoài dựng lại kịch bản bi lụy nổi tiếng mang thương hiệu Kim Cương, đã có nhiều thay đổi nhanh nhạy khi cho dựng hàng loạt kịch bản có phong cách chính kịch của kịch miền Bắc. Nghệ sĩ tài danh Kim Cương trở thành tác giả đi đầu viết về cuộc chiến đấu trong nội thành Sài Gòn, việc tái thiết thành phố và xây dựng con người sau chiến tranh như “Chìa khóa” (nói về cải tạo tư bản tư doanh ở Sài Gòn), “Men trắng” (về thanh niên xung phong), “Tiếng nổ lúc không giờ” (biệt động Sài Gòn), “Hoàn lương”, “Ánh đèn đêm” (nói về quan hệ sản xuất mới ở nông thôn Nam Bộ)... Đoàn trường nghệ thuật sân khấu 2 dựng “Đâu có giặc là ta cứ đi” của tác giả chiến trường Nguyễn Vũ...
Các đoàn kịch nói miền Bắc sau đợt biểu diễn từ các tỉnh phía Nam về ít nhiều cũng có biến chuyển về xử lý đài từ, câu thoại mềm mại, đời hơn và bớt căng cứng. Đặc biệt chất hài hước như bị quên lãng sau gần hai chục năm nay cũng được không ít tác giả và đạo diễn miền Bắc đưa vào khi viết kịch bản và dàn dựng vở diễn.
Đại hội Đảng lần thứ VI diễn ra vào năm 1986 với Nghị quyết khẳng định kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đã mang lại một tác động sâu xa đối với mọi mặt cuộc sống xã hội trong đó có sân khấu. Trong khi các đoàn kịch, nhà hát ở phía Bắc lúng túng giữa cơ chế thị trường, chưa thoát được thói quen dựng vở theo kế hoạch và ngân sách Nhà nước bị thu hẹp đã làm sân khấu mất dần khán giả. Quá nhiều vở diễn dựng xong cho vào kho vì sự nhạt nhòa của đề tài và sự thiếu nhiệt tình trong làm nghề của nghệ sĩ và nhất là không hấp dẫn, lôi cuốn được khán giả.
Trong khi đó ở miền Nam, vốn đã quen với cơ chế thị trường nên cùng với sự ra đời các đơn vị sân khấu nhỏ thì cũng xuất hiện hàng loạt cách làm xã hội hóa. Cũng cần ghi nhận với sự tìm lối thoát này, sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thành công đáng ghi nhận như đã nâng sân khấu nhỏ thành lực lượng chính của sân khấu Sài Gòn với sự gia tăng đáng kể các kịch bản được dựng hằng năm. Tính đến năm 2013, thành phố có 9 sân khấu kịch nói thì đến 8 đơn vị là đơn vị xã hội hóa trong đó có không ít đơn vị đã cho ra đời những kịch phẩm nghiêm túc, nghệ thuật cao như sân khấu Idecap với “12 bà mụ”, “Nghìn năm tình cũ”... sân khấu Sen Việt với “Tổ quốc cuối con đường”... Đi theo phương thức xã hội hóa là quy luật tất yếu để tồn tại. Quy luật đó là, đã là kịch phẩm thì cần đáp ứng được nhu cầu người xem. Không có người xem kịch sẽ tự thải loại mình. Nhưng không ít đơn vị sân khấu thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và sân khấu các tỉnh phía Nam nói chung vì để chiều theo thị hiếu khán giả đã tìm đến các loại kịch với những đề tài “lạ” như đồng tính, ma, tình dục...
Nhu cầu ấy là gì? Bài học về sức hút kịch của Xuân Trình và Lưu Quang Vũ đã chứng minh một luận đề: Sâu khấu là thánh đường. Trong thánh đường đó người xem muốn được xem những gì đang được xã hội quan tâm, nói hộ khán giả những điều cần nói. Với kịch ma, kịch đồng tính, kịch tình dục... chỉ hấp dẫn người xem trong quãng thời gian ngắn. Chính vì thế, sân khấu thành phố Hồ Chí Minh với tất cả sự biến báo linh hoạt để hấp dẫn người xem nhưng bỏ qua nguyên tắc cơ bản sân khấu là thánh đường nên sau thời gian bừng lên lại chìm xuống. Trở lại hiện trạng của sân khấu miền Bắc và cả nước hiện nay, nói chung là bị người xem quay lưng lại, hằng đêm nhọc nhằn đi tìm khán giả.
Một nguyên nhân nữa làm sân khấu nước ta trên dưới hai chục năm qua mất dần khán giả vì: trong khi các hình thức nghệ thuật khác như điện ảnh, ca nhạc... đã có nhiều sự đổi mới để đạt hiệu quả trong thời đại 4.0; khi nhu cầu thưởng thức của người xem được nâng cao; trình độ kỹ thuật, phương tiện thông tin đủ sức mang cả thế giới trong đó có các loại hình nghệ thuật, thể thao đến tận đầu giường cho mỗi cá nhân thì sân khấu nước ta dường như không mấy đổi mới, hay nói đúng hơn là quá mòn về nghệ thuật từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, hậu đài... Chiếc bục già nua và những mặt người biến tướng trên sân khấu vẫn tồn tại ở phần nhiều các vở diễn. Các kịch bản vẫn lớp lang cũ kỹ theo trường phái cũ, những câu thoại khoe chữ, khoe kiến thức dài thậm thượt ngự trị hàng vài thập niên đến nay vẫn chưa đổi.
46 năm qua, sân khấu nước ta đạt được không ít thành quả đáng tự hào, và hiện nay như quy luật hình sin của sự phát triển, nền sân khấu đang ở điểm trũng của quy trình. Làm thế nào để vượt lên, tạo ra nhiều tác phẩm xứng tầm với dân tộc, với thời đại? Câu trả lời nằm trong sự cắt nghĩa vì sao sân khấu nước ta gần hai thập niên gần đây đìu hiu vắng khách.
Nói vắn tắt, chúng ta phải trả sân khấu về vị trí thánh đường của nó. Tức là sân khấu phải nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu người xem, phải phản ánh được thực tế nóng bỏng, trung tâm của xã hội, nói hộ những điều người dân cần và muốn nói. Thể hiện nội dung đó bằng sự sáng tạo, cách tân toàn diện trong nghệ thuật từ khâu viết kịch đến các khâu khác.
Ngoài ra, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo... góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Chăm sóc các tài năng văn học, nghệ thuật, tăng cường mở rộng hoạt động sân khấu không chuyên, đưa nghệ thuật sân khấu thấm sâu vào đời sống xã hội, để những giá trị của nghệ thuật sân khấu có thể thâm nhập lan tỏa trong cuộc sống mỗi người dân, góp phần hình thành nhân cách con người trong xã hội thông qua những hoạt cảnh và vở diễn sân khấu.
Quan tâm đến đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên, để khán giả trẻ hiểu những giá trị nhân văn của tác phẩm sân khấu, có nhận thức giá trị nghệ thuật và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Đã đến lúc sân khấu chúng ta cần đổi mới, đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện. Có như vậy mới đủ sức tạo cơ hội cho người xem trở lại. Sân khấu mới đủ sức hấp dẫn khán giả như nó đã từng hấp dẫn ở những năm tháng hoàng kim trước đây.
 
                                                                                                                                  N.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc