Âm vang hát xình ca mùa Xuân của người Cao Lan
Ngày đăng: 27/03/2025; 36
LÂM VĂN HÙNG
 
Nói về dân ca tình yêu - xình ca Cao Lan trước tiên phải đề cập đến bà Chúa thơ ca của dân tộc này.
Từ xưa người Cao Lan tôn thờ một bà Chúa thơ ca tên là Lau Slam còn gọi là Thánh Thơ ca. Truyền rằng khi mới biết nói, cô bé Lau Slam “Thần đồng” này đã nói lên những lời thơ, 7 tuổi Lau Slam đã hát ra những bài hát, lời thơ đồng dao cho đám trẻ trong làng vui hát trong những đêm trăng. Lời hát có câu:
Pá phoom dòm dòm pây khụt phứ
Mệt phứ tèo tèo hay bôn heo...
Nghĩa là:
Ông trăng dòm dòm đi vén mây
Mây bay bay trời cao cao
Mười sáu tuổi, Lau Slam trở thành cô gái xinh đẹp, hát ví hay, giỏi đối đáp... Làm mê hồn các chàng trai trong vùng. Cha mẹ chết sớm, Lau Slam ở với người anh trai và chị dâu khó tính. Trong đám hội làng ném còn, hát ví nàng đem lòng yêu thương chàng trai nhà nghèo. Hai người đã hát ví với nhau mấy đêm ngày không ai chịu thua một lời ví đáp.
Người Cao Lan quan niệm rằng, tất cả những lời ca tiếng hát “xình ca” là do nàng sáng tạo ra để lại cho đời. Các cuộc vui xuân, hát ví, hát đám cưới... đều có một chương ca hát mời hồn thơ Nàng về nhập cuộc để thông minh đối đáp. Sau mỗi cuộc vui hát lại có chương ca tiễn Nàng về nơi cõi Phật.
Dắt slộng Làu Slam quay Phợt cúc
Ngừy slộng Làu SLam quay Phợt tài
Nghĩa là:   
Một tiễn Lau Slam về nước Phật
Hai tiễn Lau Slam về Phật đài...
Họ coi Lau Slam là bà Chúa thơ ca, được tôn thờ ngang với các vị thần linh khác.
Về “Xình ca Cao Lan” cần được hiểu theo nghĩa “Xịnh ca” hay “Xình ca” có nghĩa là xưởng ca. Một bên hát xướng lên, một bên hát đối đáp lại. Đặc trưng của hát “Xình ca” là hát giao duyên và hát sử ca. Chỉ có thanh niên nam - nữ chưa chồng, chưa vợ mới được hát đối đáp với nhau. Những người có vợ, chồng và người già chỉ đứng đằng sau dạy hát và cố vấn. Khác với hát quan hệ và một số dân tộc khác là người già cũng có thể hát đối đáp với nhau.
Mặc dù có tính chất hát giao duyên song không phải là hát tự do hoàn toàn. Có hai loại hình hát: Một là loại hát tự do tùy mức độ tình cảm mà họ nhớ lại những bài hát có sẵn đã được học ở lớp tuổi già mà đem ra hát ướm hỏi tình tứ yêu nhau hoặc có thể họ tự sáng tác ra bài hát. Ví dụ như bài:
Mòi tênh lệnh
Mờn mòi dơu sềnh mắng dơu sềnh
Dực mòi dơu sinh làng phùng hay
Dực mọi mù sềnh mụcquại vênh
Nghĩa là:
Em xinh xinh
Hỏi em đã có người tình hay chưa
Có rồi thì anh mừng cho
Chưa có anh sẽ lo cho em có tình...
Những bài ca đại loại như vậy rất nhiều. Khi tình yêu đôi lứa đã chín muồi thì họ hát những bài hát ca thề thốt da diết hơn:
Di sùi mày vắn tàu lực chắm
Mấy slơi, ca cậy vày cao sài
Mấy tắc rủ mình pụn tỉnh slấy
Senh di tổng chắm, slấy tồng mài
Nghĩa là:
Đêm nằm anh mơ thấy em
Việc nhà lười nhác chẳng thèm làm
Không được lấy em, thà đi chết
Sống chung chăn gối, chết cùng chôn.
Cô gái cũng giỏi đối đáp lại:
Mù ắc ây
Dực làng kệc hợi slấy ngoày ngoày
Công chác ca tàng mù nhằn chếch
Nhằn nhằn sừn cáng tuy mù say
Dịch nghĩa:
Ấy ấy, chàng ơi đừng vội chết
Chết rồi mang kiếp người không vợ
Chàng ơi việc nhà đừng lười nhác
Em chỉ lấy người chăm làm thôi.
Thật là một lời ca đối đáp tài tình vừa làm cho chàng trai ủy mị kia không thể “chết” mà lại cố gắng làm việc nhà nhiều hơn. Trong tài liệu của nhà học giả người Pháp Bohi Faxi (Bon-ni-phạc-xi) sưu tầm năm 1903 của tộc người Cao Lan vùng Sơn Dương Tuyên Quang... mục “quan hệ thanh niên - hôn nhân” có ghi lại một số bài thơ ca tình yêu:
...Héc nhục lớn pời phao tàu
Héc slại lìn tang phao tìu căn
Dực mòi sú phu phao tìu tuy
Phao tìu quay tuy mấy sềnh nhằn...
Nghĩa là:
Ăn thịt chọn nạc bỏ phần xương
Ăn trầu ăn nước vứt bỏ bã
Em đi lấy chồng vứt bỏ anh
Bỏ anh vất vưởng không thành người
Cô gái cũng sẽ nhanh trí sáng tác ra lời hát đối đáp phù hợp.
Đã có gan ăn thịt thì ăn cả xương
Có gan ăn trầu thì ăn cả bã
Không đời nào em bỏ anh đi lấy chồng
Em sẽ lấy anh để hai ta thành đôi người đẹp...
Về loại hình thơ ca dân gian xình ca hát tự do này, người Cao Lan gọi là “ca ý” nghĩa là “lời hát nhỏ” cũng có nghĩa là hát tâm tình “hát nhỏ” không muốn cho người khác nghe thấy; mà chỉ có đôi người yêu thương nhau nghe (ăn) lời của nhau thôi, tạm gọi là “xình ca tình yêu”. Số lượng bài hát loại hình xình ca tình yêu này là vô biên. Bởi lẽ nó được sáng tạo ra một cách bất chợt xuất ngôn thành lời ca có vần điệu tùy theo từng mức độ tình cảm. Nó luôn luôn tiềm ẩn trong đầu (tư duy) những chàng trai, cô gái ở tuổi đang yêu đương. Ngược lại nó cũng bị mất đi (quên đi) khi họ đã có vợ, có chồng. Có vợ, có chồng rồi mà lại còn nghĩ đến và hát loại ca tình yêu này liền bị chê cười là không chung thủy.
L.V.H
 
Tài liệu tham khảo:
1. Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Lâm Quý - Sở VHTT Vĩnh Phúc xuất bản năm 2005.
2. Các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc, Ban dân tộc Vĩnh Phúc xuất bản năm 2011.
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc