Văn học trong kỷ nguyên số
Ngày đăng: 05/05/2022; 40
 HOÀNG ĐĂNG KHOA
 
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số, khi mà công nghệ internet đang ngày càng “san phẳng” thế giới, dần biến thế giới thành “ngôi làng toàn cầu”. Loài người đang đối diện với tất cả những khả tính cũng như những giới hạn mà nền văn minh công nghệ mang lại.                                                                                                                                        
  Văn học là một phần tất yếu của cuộc sống, do vậy cũng đang chịu sự tác động sâu sắc và mãnh liệt của thời đại mà nó khởi sinh, nó thuộc về. Không gian văn học đang không ngừng được nới giãn, trở nên bề bộn, thoáng mở, từ đó tạo sinh nhiều cách thế hiện diện, tồn tại của văn học, và làm bất an những định nghĩa về văn học.
  Người ta đang nói nhiều về sự giảm thiểu thị phần, về sức cạnh tranh yếu ớt của văn học trên sân chơi văn hóa đương đại, về “cái chết” của văn hóa đọc, khi mà con người đang đối diện một thực đơn với danh mục các món giải trí đầy tính mời mọc. Nhưng nếu điềm tĩnh thì sẽ thấy mọi thứ đang diễn ra bình thường, hợp quy luật.
Thứ nhất, văn chương đích thực không quá đề cao chức năng giải trí. Tác phẩm lớn bao giờ cũng mê hoặc người đọc bởi vẻ đẹp ngôn từ, làm cho họ bất ngờ thú vị trước những phát hiện, kiến giải riêng khác, mới mẻ về cuộc sống, khơi vẫy họ vào những cuộc đối thoại tư tưởng, những cuộc truy vấn, nghiền ngẫm về chân giá trị, về những sự thật ở đời. Cái đọc đích thực phải là cái đọc của những cái tôi, đọc bằng hồn, đọc chậm, đọc trong im lặng, lắng sâu, đọc để nhận diện mình, nhận diện đời, để làm phong phú hơn thế giới và sự tri giác của mình, “cơi nới” mình dần vượt qua mọi giới hạn. Có nghĩa văn chương là câu chuyện của trí tuệ, của tâm hồn, mang tính hướng nội, cá nhân, nó không thể được thụ hưởng cùng lúc, cùng nơi bởi đám đông như cách người ta thụ hưởng các sản phẩm văn hóa nghe nhìn. Sáng tạo hay thụ hưởng văn học là mang tính bản mệnh, do sự thôi thúc nội tại của chủ thể, không phải muốn mà được. Thật khó để ép, hay dạy, hay ngăn được ai đó làm nhà văn, thật khó để lôi kéo được ai đó từ sân chơi văn hóa nghe nhìn sang không gian văn học, cũng thật không dễ khi khuyên ai đó từ bỏ dòng văn học này để đến với dòng văn học khác. Mỗi người sở hữu riêng mình những nhu cầu và trình độ được kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, lý tưởng không giống ai khác. Người này tìm đến thứ văn chương tinh tuyển, đích thực, nhưng người khác lại cho rằng những loại châu báu văn chương đó tỏ ra nhạt nhẽo, không có sức sống, không có khả năng giúp họ vui thú, giải trí chốc lát. Do vậy, vấn đề đang được ráo riết đặt ra là làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của văn học trong bối cảnh bành trướng của văn hóa nghe nhìn, thiết nghĩ là không cần thiết, và xem ra là bất khả. Những “chiến thuật”, “chiêu bài” gây “sốc” thời gian qua như đặt tên sách theo kiểu “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Phải lấy người như anh”, “Hễ sướng thì hét lên”, “Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng”,… như in những hình ảnh “phong nhũ phì đồn” lên bìa sách, như gia tăng liều lượng những trường đoạn diễm tình lâm ly, gia tăng mức độ tả thực của những pha tình dục, bạo lực… nếu kéo hút được một lượng đáng kể người tìm đến với sách thì đó là câu chuyện của những cuốn sách đa phần hoặc là phi văn học, hoặc là cận văn học. Đành rằng những tín điều kiểu như “Hữu xạ tự nhiên hương”, “Thơ hay như gái đẹp/ Ở đâu cũng lấy được chồng” đang trở nên xưa cũ, lạc hậu, và đành rằng văn học ngày nay đang trở thành một thứ hàng hóa, phải biết tranh thủ tận dụng sức mạnh của truyền thông để gây tạo chú ý, để lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng đọc, thì văn chương đích thực luôn phải biết tự trọng để nói không với những chiến thuật, chiêu bài phi văn học, phản nhân văn.
Thứ hai, câu cảm thán kiểu “Bao giờ cho đến ngày xưa” vốn đang bị lạm dụng, được dùng một cách hết sức vô lối, càng trở nên vô lối hơn khi dùng để nói về thị phần văn học trong không gian văn hóa đương đại, về văn hóa đọc, về chất lượng sáng tác ngày nay. Không thể lấy số lượng phát hành “khủng” của một vài cuốn sách văn học nào đó ngày xưa để so với mặt bằng số lượng phát hành của sách văn học ngày nay rồi vội vàng đi đến kết luận là thị phần văn học đang bị teo giảm, văn hóa đọc đang xuống cấp được. Bởi vì ngày nay, số lượng đầu sách đồng thời, đồng loạt được xuất bản đã vượt ngày xưa rất xa. Và làm sao có thể so sánh được số lượng các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, các tòa soạn báo, tạp chí văn học… ngày xưa với ngày nay. Việc một số báo in đang phải đình bản, một số nhà xuất bản đang đứng trước nguy cơ đóng cửa là bởi nhiều lý do, chứ không phải hoàn toàn vì lý do bạn đọc. Điều này thấy rõ qua hiện tượng hệ thống nhà xuất bản thì đang thu hẹp nhưng hệ thống công ty sách tư nhân thì lại đang “trương nở”. Việc các tòa soạn báo “số hóa” bằng cách ngoài việc in ấn, phát hành truyền thống thì lại mở thêm trang điện tử, lần lượt đăng tải lại những bài vở trên báo in bên cạnh đăng tải bài vở mới… dẫn đến hiện tượng số lượng phát hành báo in bị giảm thiểu là câu chuyện đương nhiên, dễ hiểu, cần được chấp nhận. Số lượt người truy cập trang điện tử, số lượng bản thảo tác phẩm văn học được gửi đến các tòa soạn mỗi ngày, đặc biệt là vào các dịp diễn ra cuộc thi thơ, truyện ngắn… cho thấy sự đắm đuối đối với văn chương của con người ngày nay không hề vơi giảm, nếu không muốn nói là tăng mạnh. Ngày xưa không phải ai ham thích đọc cũng đều có thời gian để đọc, và cũng đều có tiền, có cơ hội để mua sách. Những năm gần đây, nếu ai trải nghiệm một mùa hội sách ở Hà Nội, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, chứng kiến cảnh người già con trẻ, nam nữ thanh niên nghìn nghịt mua sách văn học, thì có lẽ sẽ tự tháo gỡ được cái nhìn mặc định là văn hóa đọc đang xuống cấp. Có người sẽ phản biện, vấn đề là người ta đang tìm đọc những cuốn gì, loại sách văn học nào. Thì như đã nói, thời nào cũng thế, thị hiếu thẩm mỹ, sở thích, vùng quan tâm… là câu chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân. Ngày nay, không gian văn học ngổn ngang, bộn bề, tự nó phân hóa sâu sắc và mãnh liệt cộng đồng đọc. Đứng trước thị trường sách văn học ngày nay, nếu ai thiếu cái nhìn bao dung, thoáng mở cần thiết, cứ mang tâm thế hoài cổ, sùng cổ, rồi định kiến với những sáng tác văn học mới thì sẽ tự đánh mất cơ hội được thụ hưởng những tác phẩm văn học có giá trị. Nếu như bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương chẳng hạn cứ được mặc định là hay, là có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, xứng đáng được chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa để bồi đắp đạo đức nhân cách và trình độ thẩm mỹ cho học sinh bậc trung học phổ thông như lâu nay đã từng,… thì ngày nay, số lượng bài thơ “hay”, “có giá trị” quả là không hề ít.
Kỉ nguyên số đã và đang đem đến những giản tiện, ưu việt, làm giàu có sự trải nghiệm cho những chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn học. Cây bút được thay thế bởi bàn phím. Thay vì chép tay, chỉ cần copypaste. Hình thức gửi tác phẩm bằng thư giấy được thay bằng email. Thanh toán nhuận bút từ hình thức gửi tiền qua đường bưu điện đang được thay bằng hình thức chuyển khoản. Không cần lật giở từ điển dày cộp hay đến thư viện xa gần, chỉ cần vào google gõ từ khóa là hoàn toàn có thể gặp ngay và luôn những gì mình cần tra cứu, kiểm chứng, tham khảo… Thời nay, nếu sở hữu một chiếc computer, hay một chiếc laptop, hay một chiếc iPad, hay một chiếc smartphone kết nối internet là hoàn toàn có thể bao quát được bức tranh toàn cảnh văn học tiếng Việt (nếu thành thạo tiếng Anh thì có thể bao quát được “ngôi làng” văn học thế giới), từ tác giả, tác phẩm, sự kiện văn học nổi bật đến dư luận xung quanh những hiện tượng văn học đó. Tác phẩm viết xong, nếu không có nhu cầu gửi đến các tòa soạn báo, tạp chí giấy với hy vọng được chọn đăng thì có thể nhấp chuột gửi đến trang văn học mạng nào đó, hoặc đăng ngay lên blog, facebook của mình. Khỏi phải hồi hộp chờ đợi thắc thỏm không biết tác phẩm của mình có được tòa soạn sử dụng hay không. Khỏi phải bất an không biết tác phẩm của mình có bị cắt gọt, chỉnh sửa hay không, và người đọc phản hồi như thế nào. Đăng lên trang cá nhân là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, nguyên vẹn nhất để đưa tác phẩm đến với người đọc, để nắm bắt phản hồi của người đọc bằng cách theo dõi lượt like hay lượt comment. Qua sự tương tác trực tiếp, tối đa giữa tác phẩm và người đọc, qua quá trình đọc lại của chính mình, tác giả toàn quyền chỉnh sửa, hoàn thiện đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, nếu không đủ bản lĩnh, đủ sự tỉnh táo, sáng suốt cần thiết thì tác giả hoặc rất dễ trở thành người “đẽo cày giữa đường”, hoặc ảo tưởng về giá trị của tác phẩm khi bạn facebook thường hào phóng, dễ dãi nhấn nút like, dễ dãi gõ lời khen nghi ngút, hoặc ngán ngẩm, thất vọng trước những comment hời hợt, chứng tỏ người bình luận không hiểu gì về tác phẩm, đặc biệt khi người bình luận là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà sinh tạo cụm từ “lướt web”, “lướt net” hay “lướt face”. Không đọc hoặc đọc “lướt” nhưng vẫn cứ nhấn like, vẫn cứ comment, rồi hội chứng đám đông ăn theo nói leo, a dua, rồi ném đá giấu tay.… đang là thói quen hành xử của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng. Mạng là ảo nhưng sự ảo tưởng hoặc tổn thương của con người, đặc biệt những người văn chương, là thật. Chưa bao giờ, câu chuyện văn chương, sự tương tác giữa tác phẩm - nhà văn - bạn đọc lại phơi bày ra một cách trần trụi như bây giờ. Điều này ít nhiều “giải thiêng” văn chương, khi mà nhà văn mất đi quyền trải nghiệm cảm giác được tưởng tượng, phán đoán về hành trình đến với bạn đọc, rồi hiện ra qua từng sự đọc một cách âm thầm, lặng lẽ và đầy bí ẩn của đứa con tinh thần mà mình đã thai nghén, đã sinh ra. Những sinh thể tác phẩm khỏe khoắn cả khi sống đời sống mạng, cả khi bước xuống đời sống giấy có thể kể là các tạp văn Kí ức vụn, Bạn văn của Nguyễn Quang Lập, tiểu thuyết Chuyện tình New York của Hà Kin, tiểu thuyết Săn cá thần của Đặng Thiều Quang, các tập thơ Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương của Nguyễn Phong Việt… Đây là những minh chứng cho khả tính của văn học mạng, cho một cách thế sinh tồn mới mẻ, hấp dẫn, sinh động của văn chương, cho tài năng và bản lĩnh của chủ thể sáng tạo trước cái gọi là thế giới ảo.
Chưa bao giờ như bây giờ, không gian mạng mang đến cho đời sống văn chương một “giao diện mở”. Ở đó, văn học luôn tự đột xuất mình lên, mặc sức tìm tòi, thử nghiệm, mỗi sinh thể văn chương trở nên dang dở, chưa hoàn kết, đầy bất định. Ở đó, mỗi chủ thể sáng tạo và tiếp nhận đều có thể phát huy đến mức tối đa tính năng động và tự do của mình. Và qua đó, văn học không ngừng được dân chủ hóa, xã hội hóa. Ranh giới giữa chính thống - ngoài lề, trung tâm - ngoại biên dần bị nhòa mờ. Không có tiếng nói quyền uy. Nhà phê bình cũng chỉ là một người đọc, đầy chủ quan và giới hạn. Việc thực hành chế độ kiểm duyệt, sàng lọc ngày càng trở nên bất lực. Cũng từ đây, đời sống văn học ngày một trở nên ngổn ngang bộn bề, có khi đến mức nhiễu loạn. Chữ và rác, cỏ dại và cây trồng, vàng và thau thừa cơ lẫn lộn. Những “anh hùng bàn phím”, những “thánh sống biết tuốt” nhân danh cái gọi là “dân chủ”, “phê bình”, “phản biện”, “giải thiêng”… để phá bĩnh, gây nhiễu thông tin, đánh tráo, lật đổ giá trị…
 Kỉ nguyên số vừa mang đến một sức sống mới cho văn học, vừa buộc chúng ta phải suy xét đến đường đi, đến tương lai của văn học. Cái gì bất khả cưỡng thì phải học cách chấp nhận. Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại, cái gì bất hợp lý thì sẽ tự đào thải. Việc tiếp nhận thông tin, chiếm lĩnh tri thức, thụ hưởng văn học ngày hôm nay như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thông thái, lịch duyệt văn hóa, vào bộ lọc, sức đề kháng văn hóa của mỗi “công dân mạng”. Thế giới luôn vận động và phát triển, mỗi chủ thể văn hóa luôn phải biết tháo dỡ khung “tư duy đóng đinh” để đạt đến một vũ trụ quan đang sáng tạo, trong quá trình biến hóa. Học cách cởi mở, bao dung, nhân văn khi bước chân vào không gian văn học, nói như Jean Paul Sartre là phải “lấy nhân tính bao trùm thế giới”. Vượt lên những định kiến, kháng cự, chúng ta có quyền hy vọng, rằng cuộc sống số với sự bùng nổ thông tin của nó rõ ràng đang không ngừng nâng cao trình độ dân trí, nâng cao văn hóa đọc, điều này sẽ trở lại thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sáng tác, làm nền cho việc xuất hiện những nhà văn và tác phẩm lớn.
H.Đ.K
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc