HẢI TRẦN
Để không gian xuân tới với mỗi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm này bà con nông dân trên những cánh đồng, khu vườn trồng bưởi Diễn ở huyện Vĩnh Tường, ổi lê huyện Sông Lô và thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tất bật vào vụ thu hoạch sản phẩm cung ứng thị trường Tết. Với họ, mỗi sản phẩm làm ra, ngoài việc “kiếm cơm” trên thị trường, còn là niềm mong ước cho mọi người, mọi nhà đón chào mùa xuân mới - xuân Quý Mão 2023 thật ấm áp và ngập tràn hạnh phúc.
Nguồn cung dồi dào
Trong không khí đất trời rộn rã sang xuân, tới thăm vườn bưởi Diễn của gia đình chị Vũ Thị Thùy (45 tuổi), thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, chúng tôi vui lây niềm vui của gia đình vì năm nay bưởi được mùa, được giá. Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi sai trĩu, khoe sắc vàng óng ả trong nắng xuân, chị Thùy tâm sự: Năm 2005, được người thân giới thiệu về cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, giá bán lại cao nên tôi đặt mua 100 gốc về trồng trên diện tích gần 2.000m2 đất ruộng của gia đình. Xuống giống hơn một năm, bưởi bắt đầu trổ bông, cho quả, nhưng thời điểm này chất lượng chưa ngon, độ ngọt ít nên tôi không lấy quả mà tập trung nuôi cây. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp thâm canh và “mát tay” chăm bón, sang năm thứ tư, vườn bưởi Diễn của gia đình bắt đầu được thu hoạch. “Bưởi nhà tôi là bưởi sạch, không thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nên năm nào cũng vậy, khoảng giữa tháng 11 âm lịch, gia đình đã đón thương lái tìm đến vườn đặt mua bưởi rồi, chưa bao giờ phải mang ra chợ bán cả”. - Chị Thùy “khoe” với chúng tôi.
Hiện, 100 gốc bưởi của Vũ Thị Thùy có thâm niên 17 năm tuổi. Trung bình mỗi cây cho khoảng 100 quả/vụ, theo đó, mỗi năm gia đình Thùy thu đều 10.000 quả bưởi, với giá bán vào thời điểm cuối tháng 12 năm 2022 là 12.000 - 13.000 đồng/quả (loại I); 8.000 - 9.000 đồng/quả (loại II). Trừ chi phí, mỗi năm chị Thùy thu lãi từ 90 - 100 triệu đồng. “Gần 10.000 quả bưởi được thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán, đổ buôn cho thương lái với giá 8.000 - 13.000 đồng/quả tùy loại, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, cá… Tết này sẽ là một cái Tết ấm của gia đình tôi”. - Chị Thùy vui vẻ nói.
Chia tay chị Thùy, chúng tôi chạy xe hơn 40 km trong sắc nắng mùa xuân trải vàng như mật tìm về xã Đôn Nhân - nơi được coi là “thủ phủ” ổi của huyện Sông Lô. Giữa không gian ngạt ngào hương ổi chín, ông Nguyễn Hữu Hoành, thôn Hòa Bình - chủ vườn ổi lê hơn 1.000 gốc cho biết: Những năm mới vào “nghề”, vườn ổi chỉ cho quả hai đợt/năm, nên hiệu quả kinh tế không cao. Khoảng dăm, bảy năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên quanh năm vườn ổi của gia đình đều có sản phẩm bán. Đặc biệt, dựa trên kỹ thuật canh tác, tôi điều chỉnh cho ổi chín rộ vào dịp lễ, tết… nhằm tăng giá trị sản phẩm. Mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 70 tấn ổi, trừ chi phí, tôi bỏ túi gần 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về “bí kíp” chăm sóc ổi, ông Hoành hồ hởi: Phải nắm chắc từng gốc ổi, từng loại phân bón, đối phó kịp thời với các loại sâu bệnh, rệp sáp, ruồi vàng… để chăm sóc, điều chỉnh sao cho cây ổi lúc nào cũng cho thu quả. Sau khi thu hoạch, phải cung cấp dinh dưỡng cho cây để cây “có sức” ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Đặc biệt, không phun thuốc trừ sâu, hóa chất bảo đảm an toàn cho quả ổi. Nhờ tính toán được mùa vụ, không dùng thuốc trừ sâu, kích quả và chủ động thu hoạch theo phương pháp “gối vụ”, chất lượng ổi của gia đình ông Hoành luôn bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với bưởi Diễn Vĩnh Tường, ổi lê Đôn Nhân, thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch cũng là loại quả làm nên thương hiệu nông sản của Vĩnh Phúc. Trong ngôi nhà ngập sắc đỏ thanh long tươi rói vừa được hái về chuẩn bị bán tết, chị Trần Thị Hòa, thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ vui vẻ cho biết: Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ tới nay tròn 10 năm, thời điểm bắt đầu, tôi trồng 4.000 trụ trên diện tích 4ha. Năm 2013, những trụ thanh long cho thu lứa quả đầu tiên, nhưng quả nhỏ, hình thức xấu, vị nhạt. Qua tìm hiểu, tôi biết mình bị nhà vườn bán cho loại giống kém chất lượng. Sau đó, tôi đầu tư mua lại giống, trồng mới toàn bộ 4.000 trụ thanh long ruột đỏ. Đất không phụ công người, năm 2014 tôi thu lứa quả đầu được hơn 5 tấn.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, tạo sự “trẻ hóa” cho cây từ phân hữu cơ, đạm thực vật và động vật, chất lượng và sản lượng thanh long của gia đình chị Hòa các năm sau đều đạt cao hơn năm trước. Từ 4.000 trụ thanh long ban đầu, đến nay, chị trồng mới 36.000 trụ trên diện tích 36ha đất đồi. “Quá trình sản xuất chúng tôi gây dựng được nhiều “mối ruột” thu mua, đến lứa họ vào tận vườn thu hoạch. Mỗi năm thu về khoảng 80 - 85 tấn quả, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 1 tỉ đồng/năm” - Chị Hòa cho biết.
Năm 2016, sau nhiều lần các công ty nước ngoài đến khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình chị Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; được cấp mã vạch quốc tế. Từ đây, quả thanh long ruột đỏ do gia đình chị đã vươn ra thị trường ngoài nước, được lựa chọn xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Australia…
Nỗ lực tìm đầu ra
Hiệu quả trồng bưởi Diễn, ổi lê và thanh long ruột đỏ đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Tường, Sông Lô và Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Những cánh đồng, triền đồi trồng ngô, sắn cằn cỗi kém hiệu quả trước kia nay được chuyển đổi, tràn đầy sức sống với màu xanh mát mắt của bưởi Diễn, thanh long, ổi lê đêm ngày đơm hoa, bội thu quả chín. Theo thống kê, tính đến nay, diện tích trồng bưởi Diễn của huyện Vĩnh Tường đạt trên 100ha tập trung ở các xã vùng bãi: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh; thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch có gần 300 ha; ổi lê Đôn Nhân huyện Sông Lô là 22,6 ha. Trung bình mỗi héc-ta (3.600 m2) trồng được 150 cây bưởi Diễn, 1.200 cây ổi và 1.000 trụ thanh long. Với diện tích trồng hiện tại, mỗi năm, người trồng bưởi Diễn ở Vĩnh Tường cho ra thị trường khoảng hơn 2,5 triệu quả bưởi, thanh long ruột đỏ Lập Thạch 200 ngàn tấn quả và ổi lê Đôn Nhân gần 2.500 tấn, thu về khoảng 150 tỉ đồng/năm. Trừ mọi chi phí, hộ thu lãi ít là 50 triệu đồng và nhiều là hơn 1 tỉ đồng/năm. Hiện, sản phẩm bưởi Diễn Vĩnh Tường, thanh long ruột đỏ Lập Thạch và ổi lê Đôn Nhân đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo chuẩn VietGAP. Trong đó, sản phẩm bưởi Diễn Vĩnh Tường được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký số 333592, công nhận nhãn hiệu: “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất Phủ”; ổi lê Đôn Nhân được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu tập thể “Ổi Đôn Nhân”; thanh long ruột đỏ Lập Thạch được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ số 239720 và được đón nhận “Cúp vàng sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng” do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt trao tặng.
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do UBND Vĩnh Phúc triển khai, chính quyền huyện Sông Lô, Lập Thạch còn nâng tầm quả ổi và thanh long ruột đỏ bằng cách đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần đưa hai sản phẩm này vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đã được chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, phân hạng 3 sao (năm 2019). Ông Trần Văn Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: “Đây là bước đi phù hợp với chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, là thành quả bước đầu, là động lực để bà con nông dân trồng thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch và ổi lê xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô vững tâm hơn trong sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, giúp ngành chức năng quản lý, kiểm soát tốt quy trình sản xuất, thu hoạch và chất lượng sản phẩm”.
Tuy nhiên, dù được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, được coi là “cây vàng” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, song hiện nay, phần lớn bưởi Diễn Vĩnh Tường, ổi lê Đôn Nhân và thanh long ruột đỏ Lập Thạch vẫn đang phát triển manh mún, tự phát tại các vườn tạp, gò đồi nên ảnh hưởng tới việc quản lý, thâm canh. Diện tích tập trung và sản xuất theo quy chuẩn VietGAP không nhiều. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là theo phương thức thủ công. Công tác tiếp cận thị trường vẫn thông qua thương lái hoặc bán buôn, bán lẻ ở các chợ truyền thống. Theo đó, số thanh long ruột đỏ được xuất khẩu vẫn ở con số khiêm tốn.
Giải bài toán trên, ông Thơ cho biết: “Để nâng vị thế giúp ba sản phẩm nông sản trên không rơi vào vòng xoáy “được mùa mất giá”, từ chính sách của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường, Sông Lô và Lập Thạch một mặt tập trung hỗ trợ người trồng bưởi Diễn, ổi lê, thanh long ruột đỏ mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc ký kết với một số công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh; liên kết, hợp tác giữa đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ nhằm chủ động giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm để nâng thu nhập cho Nhân dân. Mặt khác, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đưa sản phẩm quảng bá lên mạng xã hội, các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử, từ đó, giúp nông sản Vĩnh Phúc có cơ hội hội nhập nền kinh tế số; tập trung quản lý tốt đất đai để phục vụ công tác phát triển cây bưởi Diễn, ổi lê, thanh long ruột đỏ lâu dài theo chuẩn VietGAP. Qua đó, từng bước đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng...”. Đó cũng là mong muốn của bà con nông dân Vĩnh Phúc, để trong niềm vui “được mùa, được giá”, họ vui đón những mùa xuân đầm ấm và no đủ.
Từ những ưu đãi về cơ chế, chính sách; tích cực đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, gây dựng thương hiệu; đổi mới tư duy trong cách chăm trồng, bảo quản… bưởi Diễn Vĩnh Tường, ổi lê Đôn Nhân và thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch được sản xuất theo chuẩn VietGAP là bước đột phá của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
H.T