Lễ rước kiệu và tục cướp bong bóng lợn cầu may làng Hoàng Vân
Ngày đăng: 22/01/2024; 67
VĂN VƯỢNG
 
Làng Hoàng Vân, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc được hình thành từ rất sớm. Theo Thư tịch và dư địa chí Vĩnh Phúc thì làng Hoàng Vân được hình thành và phát triển từ thời Văn Lang.
Thời Hùng Vương đất Hoàng Vân thuộc Bộ Văn Lang, thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IV thuộc huyện Gia Ninh, quận Tây Xương (nay là tỉnh Phú Thọ).
Thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ X thuộc huyện Tây Xương, quận Phong Châu (nay là tỉnh Phú Thọ).
Thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XIV làng Hoàng Vân thuộc huyện Dương Trấn, tỉnh  Tuyên Quang.
Thời Lê Trung Hưng thế kỷ XV đến XVII làng Hoàng Vân thuộc huyện Dương - phủ Tuyên Hóa, sau được đổi thành huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng, Trấn Sơn Tây.
Thế kỷ thứ XIX vua Minh Mệnh nhà Nguyễn phân chia lại địa giới, bỏ cấp trấn thành lập cấp tỉnh. Làng Hoàng Vân thuộc tổng Hoàng Chuế, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc). Trải qua các thời kỳ lịch sử, làng Hoàng Vân ngày nay có 8 thôn thuộc xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Hoàng Vân và làng Đan Trì sáp nhập thành xã Hoàng Đan. Truyền thuyết lễ hội kéo cày xuống đồng thờ Quý Minh Đại Vương của làng Đan Trì và tục rước kiệu tế lợn cướp bong bóng, thờ 5 vị thần có công trị thủy của làng Hoàng Vân đều xuất phát từ thời Hùng Vương. Đây cũng là hai lễ hội văn hóa đặc trưng của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng.
Việc hai làng nằm trên một dải đất, được đặt tên và tách ra từ bao giờ đến nay cũng chưa có một tài liệu nào công bố chính thức. Theo một tài liệu viết về làng xã triều Nguyễn được xuất bản thì các làng trước đây thường là một làng nhỏ, sau quá trình phát triển, dân số tăng lên, các làng được mở rộng. Để tiện cho việc quản lý cũng như giúp các làng tự chủ hơn trong sinh hoạt tín ngưỡng, các bô lão và Nhân dân trong làng làm tấu biểu xin nhà vua cho lập đình, chùa. Đình, chùa làng Hoàng Vân được khởi dựng vào thời vua Tự Đức triều Nguyễn. Ngay sát chân đê thờ 5 vị thần làm thành hoàng làng. Theo dã sử tương truyền, 5 vị thần mà Nhân dân làng Hoàng Vân tôn thờ làm thành hoàng làng là 3 hoàng tử và 2 công chúa của vua Hùng Vương. Theo truyền thuyết kể lại thì hằng năm về mùa mưa, nước sông Phó Đáy dâng cao gây cảnh lụt lội. Đoạn sông Phó Đáy chảy qua Hoàng Vân gần cửa sông nên thuyền bè, nhà cửa, hoa màu bị ngập cuốn trôi, Nhân dân sợ hãi ly tán.
Hùng Duệ Vương cho 3 hoàng tử cùng quân sĩ xuống thuyền đi ngược sông Phó Đáy đến đoạn trang Hoàng Vân thì nước sông dâng cao. Các hoàng tử cho quân sỹ cùng Nhân dân lập đàn tràng tế thủy quan hà bá, cầu hà bá thủy quan giúp đỡ ngăn nước dâng cao ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Khi đàn tế được lập lên, quả nhiên có ứng nghiệm linh thiêng, Thủy quan hà bá - con của Lạc Long Quân đã giúp đỡ, nước rút, trả lại đất đai để Nhân dân yên tâm sản xuất.
Nhân dân làng Hoàng Vân vô cùng mừng vui, tấu lên Hùng Duệ Vương cho 3 hoàng tử ở lại lập chính cung tuần xét các xứ sông làm thế án ngữ, phòng nước dâng lên. Nhà vua đã nghe tấu biểu và đồng ý cho 3 hoàng tử ở lại trang Hoàng Vân đồn chú tại Đồi Long và lập chính cung. Vua Hùng Duệ Vương còn sai nữ thánh công chúa cùng công nương thứ 5 đến giúp và truyền dạy Nhân dân trong vùng trồng lúa, nuôi tằm dệt vải.
Khi Nhân dân đã thành thục nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nước sông cũng được chế ngự, Nhân dân mổ trâu, giết bò, thịt lợn ăn mừng, cùng nhau ca hát. Khi đó là mùa thu, 3 hoàng tử cùng 2 công chúa xuống thuyền, bỗng nhiên mưa kéo đến đen kịt cả một vùng, tia chớp lóe lên sau đó không thấy thuyền của các hoàng tử và công chúa đâu nữa. Nhân dân cho rằng các hoàng tử và công chúa đã về cung. Họ bảo nhau lập đàn tế thì quả nhiên trời bừng sáng, mây quang, mưa tạnh. Nhân dân và các bô lão làng Hoàng Vân tấu biểu lên Hùng Duệ Vương, vua Hùng Duệ Vương thấy linh thiêng nên gia phong mỹ tự nhất trí truyền cho Nhân dân sở tại trang Hoàng Vân một năm hai kỳ xuân thu tế lễ hương hoa quả lưu truyền mãi đời sau.
Ngày 12 tháng 2 năm Hồng Phúc thứ 1 (1572), Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính vâng mệnh vua Lê biên soạn truyền thuyết 3 vị thái tử và 2 vị công chúa thời Hùng Vương, có công giúp dân trị thủy tại Hoàng Vân thành sử sách.
Để tránh thất truyền, mùa xuân năm Vĩnh Hựu thứ 3, ngày 25 tháng Giêng năm 1737 triều Lê Trung hưng, nhà vua lại giao cho Quản giám bách thần Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền và Bát phẩm thư lại Nguyễn Tiến Đức sao lại thần tích đúng như nguyên bản năm 1572 để lưu truyền trong Nhân dân.
Năm Tự Đức triều Nguyễn, khi đê Hoàng Vân được chế ngự để yên dân và cầu mong 5 vị thần năm xưa đem sức giúp giữ đê tránh lũ, Nhân dân Hoàng Vân được triều đình cho phép xây dựng đình, chùa ngay chân đê, mặt hướng về phía tây nơi 5 vị thần đã xa giá về trời.
Đình Hoàng Vân khi xưa được xây dựng là một công trình kiến trúc gồm 5 gian tiền tế với 6 hàng chân cột bằng lim chính giữa long tuyền gọi là hậu cung được bít kín bằng ván nơi đặt 5 bài vị thờ. Thất ngũ lang hoàng tử, Thập lục lang hoàng tử, Thập thất lang hoàng tử, Thánh nữ công chúa và Diệu Thị Nữ Hoàng.
Đình Hoàng Vân được các nghệ nhân điêu khắc đục đẽo chạm trổ hết sức công phu tinh xảo, các đường nét chạm trổ thể hiện sinh động cảnh sắc thiên nhiên, các con vật long - ly - quy - phượng mang tín ngưỡng dân gian nhưng rất có giá trị về nghệ thuật lịch sử.
Năm 1848 triều Nguyễn, Tự Đức Hoàng đế lên ngôi, để tỏ lòng biết ơn công đức các vị tổ tiên có công xây dựng và bảo vệ đất nước, tại đình Hoàng Vân, nhà vua đã sắc phong cho 3 hoàng tử là:
- Hoàng tử thứ 15 là Nguyễn Tặng Báo an chính trực, hữu thiện chi thần hiển ứng tế thế đại vương.
- Hoàng tử thứ 16 Minh Giang nguyên tặng huy quang triêm nhuật tĩnh mục chi thần uy linh đại vương.
- Hoàng tử thứ 17 Ngũ Giang chi thần hộ quốc tý mẫn trứ linh ứng đại vương.
- Thánh nữ bà công chúa đại vương thần.
- Ngũ nương công chúa đại vương thần.
Tất cả 5 vị đều có ngai và bài vị thờ ở đình làm thành hoàng làng, vua Tự Đức còn chuẩn lệnh cho trang Hoàng Vân và các triều đại đế vương ở các thời đều phải truy phong mỹ tự hương khói thờ cúng lâu dài.
Theo ghi chép của lý trưởng làng Hoàng Vân kê khai vào năm 1938 thì hằng năm làng Hoàng Vân có 4 tiệc lớn:
- Tiệc mùng 4 tháng Giêng - tiệc ngày sinh.
- Tiệc ngày 12 tháng Giêng - tiệc thiết bị quân vương.
- Tiệc ngày 20 tháng 5 - tiệc ngày hóa thánh.
- Tiệc ngày 10 tháng 9 - tiệc quy sơn quy hải - tiệc trả nghĩa của dân làng.
Trong 4 ngày tiệc của làng, mỗi tiệc tổ chức theo một nghi thức khác nhau. Tiệc ngày 4 tháng Giêng là lễ tế cướp bong bóng lợn cầu may, ngày xưa làng Hoàng Vân có 5 giáp, ngày nay có 8 giáp, mỗi giáp là một xóm của làng.
Ngày 4 tháng Giêng, mỗi giáp thịt một con lợn (trước là 5 con nay là 8 con), lợn được làm sạch, không dính mao huyết, nội tạng bỏ lại ở nhà, lợn được trang trí đẹp để lên kiệu. Bong bóng lợn được thổi căng cho ngậm vào mồm lợn. Ngày 4 tháng Giêng, tất cả 8 giáp khiêng lợn gia đình. Lợn khiêng trên kiệu tứ cống, cờ rong trống mở, sau khi lợn tập trung đầy đủ ở sân đình. Theo sự chỉ đạo của Ban tổ chức, lợn được rước ra miếu Vực. Miếu Vực được xây dựng trên nền đất thiêng, ngay mép sông xung quanh không có người ở, cây cối um tùm (ngày nay miếu không còn chỉ còn lại vùng đất thiêng ven sông). Các giáp đặt lợn thành một hàng ngang theo lối nghinh thiết quân vương. Các cụ tổ chức tế, khi qua ba tuần tế sắc đã được khai. Cụ chủ tế cùng các quan viên nghe đông xướng và tây xướng hô lễ tất buổi tế kết thúc.
Buổi lễ kết thúc, thanh niên trai tráng trong vùng được phép lao vào cướp bong bóng, nếu ai cướp được một trong tám bong bóng và làng nào cướp được nhiều bong bóng là làng đó và người đó may mắn trong năm.
Để có được lợn tế, theo các cụ già và hương ước của làng, nhà nào trong giáp được nuôi lợn nhà đó phải thuận hòa, gia đình không có tang ma, ăn ở phúc đức, vợ chồng song toàn, con cái chăm ngoan mới được trong giáp cho nuôi lợn.
Lợn nuôi phải ở chuồng sạch sẽ, không được để bẩn. Trước ngày đưa ông lợn đi tế khoảng một tuần phải cho lợn ăn cháo gạo nếp để tạo sự trong sạch, trước khi giết lợn tế, ông lợn được “an ủi” hóa kiếp về với thánh cầu may cho dân làng.
Tục tế lợn cướp bong bóng làng Hoàng Vân khác với các lễ hội tế lợn trong vùng và tế lợn ở La Phù, Hà Nội. Các nơi tế lợn là phải đủ mao huyết, tế đó gọi là tế mao huyết, tế khao quân.
Nhưng tế lợn đình Hoàng Vân lại khác, lợn phải sạch để cả con không luộc chín, không được dính mao huyết, không có lòng lợn tiết canh vì làng Hoàng Vân làm lễ tế thần cảm ơn các vị thành hoàng có công trị thủy sông Phó Đáy, khu vực Hoàng Vân.
Tiệc ngày 12 tháng Giêng gọi là lễ rước kiệu hay tiệc mở thiết quân vương. Đồ lễ là xôi lợn phù tửu. Tám giáp chia làm 5 xóm, các xóm tự túc mỗi xóm một cỗ kiệu. Ngày thường kiệu được bảo quản tại xóm, ngày lễ nghinh kiệu ra đình để đặt bài vị.
Khi hành lễ rước kiệu từ đình ra miếu phải theo một trật tự đã được quy định sẵn theo lối (thất vị thần vương).
- Giáp Đông và giáp Mới rước kiệu có bài vị của Thập Ngũ Lang hoàng tử là anh cả đi đầu.
- Giáp Đỗ rước kiệu có bài vị của Thập Lục Lang hoàng tử đi thứ hai.
- Giáp Đoài rước kiệu có bài vị của Thất  Lang hoàng tử đi thứ ba.
- Giáp Ngòi và giáp Hóc rước kiệu có bài vị của Thánh nữ công chúa đi thứ tư.
- Giáp Bắc một và Bắc hai rước kiệu có bài vị của Thánh nương Thiên Hoàng nữ đi thứ năm.
Giờ khởi kiệu do Trưởng Ban tổ chức lễ hội thông báo, lần lượt 5 kiệu ra khỏi cổng đình lên bờ đê men theo bờ sông ra miếu Vực đồng Nghè. Miếu Vực đồng Nghè ngày nay chỉ là một khoảng đất trống cạnh bờ sông là vùng đất thiêng. Đặc điểm lễ rước kiệu Hoàng Vân sáng ngày 12 tháng Giêng không có lễ tế (phụng nghinh) và lễ tế (yên vị) theo nghi thức truyền thống trong vùng.
Trên đường rước kiệu ra miếu Vực hành lễ, tới bờ sông, các kiệu dừng lại để quan chủ tế lội xuống sông lấy nước, thay nước để vào miếu tế. Các cỗ kiệu được đặt thành hàng ngang, các bài vị của thánh được để nguyên trên kiệu. Kiệu số một anh cả giáp Đông đứng giữa, hai bên theo số chẵn lẻ, kiệu đi thứ 3 giáp Đoài và kiệu thứ 5 giáp Bắc đứng bên phải gọi là bên hữu, kiệu số 2 giáp Đỗ và số 4 giáp Ngòi đứng bên trái gọi là bên tả. Việc sắp đặt các cỗ kiệu như vậy gọi là thứ vị phân vương, khi lễ tế kết thúc, các kiệu mang về đình 5 bài vị được yên vị trên thượng cung của đình.
Lễ tế ngày 20 tháng 5 cũng như lễ tế mùng 4 tháng Giêng tế lợn. Nhưng năm nào lũ đến sớm thì nghi thức rước kiệu ra miếu Vực phải rước bằng thuyền, tuy rước bằng thuyền khó khăn nhưng vẫn phải tiến hành. Do là một làng có tục tế miếu bờ sông nên trong dân gian có câu: “Hoàng Vân có tiệc 20/ Cầu trời nắng nỏ cho tươi cỗ đòn”.
Ngày mùng 10 tháng 9 tiệc “quy sơn quy hải” - tiệc trả nghĩa 5 vị thành hoàng làng đã giúp dân vượt qua mùa nước lũ.
Cũng như bao làng quê Việt Nam, từ ngày đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, lễ hội làng Hoàng Vân lại được khôi phục. Phần nghi lễ rước kiệu và tế lợn diễn ra hết sức trang trọng. Trong ngày tế, dân làng tổ chức đem kiệu bát cống do 8 thanh niên khiêng vào nhà cụ Mệnh, rước lễ từ nhà cụ Mệnh ra đình, lễ vật gồm: xôi, gà, hoa quả. 8 thanh niên được chọn khiêng kiệu phải là những thanh niên trai tráng chưa vợ, không vướng vào các tệ nạn xã hội và hương ước của làng.
Sau kiệu vào cụ Mệnh là đội tế của làng gồm 14 người, quần áo y phục cổ truyền, hai bên có gươm đao, tùng kích, cờ lọng uy nghiêm. Vì quan chủ tế thay mặt cho dân làng lễ thánh cả năm và mỗi năm được dân làng bầu chọn một lần nên chủ tế phải là người cao tuổi, hội đủ tiêu chuẩn: nhân, đức, tín, nghĩa, ông bà song toàn, con cháu chăm ngoan, được dân làng tôn trọng. Sau khi rước lễ ra đình, các cụ làm lễ tế theo phong tục cổ truyền dâng hương 3 tuần, quan chủ tế cùng quan văn đọc chúc văn dâng lên trời đất và 5 vị thành hoàng làng, cầu cho Nhân dân trong làng an khang thịnh vượng, mùa màng tươi tốt.
Song song với phần lễ là phần hội, có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng. Ngày xưa có hát đối, các đôi nam thanh nữ tú trong vùng cũng như các sái vãi trong làng thường tổ chức hát đối, hát giao duyên. Ngày nay, những điệu hát đối bị mai một. Từ khi đất nước đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, lễ rước kiệu và lễ tế lợn cướp bong bóng của làng Hoàng Vân được phục dựng.
Hy vọng một ngày không xa, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chung tay của người dân Hoàng Vân, công trình đình - chùa Hoàng Vân sẽ được xây sửa bề thế, khang trang trở lại, để lễ rước kiệu và lễ tế lợn cướp bong bóng hằng năm được tổ chức thường xuyên như ngày xưa, xứng tầm một địa danh văn hóa của một làng cổ Hoàng Vân.
 
V.V

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc