Tiếp sức
Ngày đăng: 13/06/2022; 295
Truyện ngắn
PHÙNG KIM TRỌNG
 
Đã mấy tháng nay lão Thăng ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu bận thì thôi, còn hễ hở ra lúc nào là lão lại dán mắt vào chiếc điện thoại Vivo, theo dõi tình hình dịch Covid-19 ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Trước đây, lão không quan tâm gì đến cái con virus ấy, nhưng kể từ ngày thằng Thông - con trai lão dẫn bạn gái về ra mắt bố mẹ, thì lão luôn theo sát diễn biến dịch bệnh như người chỉ huy nắm chắc diễn biến của trận đánh. Vừa nhìn thấy con bé, hai vợ chồng lão đã ưng ngay, con bé trông khỏe mạnh, lại cùng nghề y với con trai lão. Dân thành phố lại làm việc trong bệnh viện đa khoa huyện vậy mà tính nó thật thà không làm điệu, làm bộ, không uốn éo như mấy đứa con gái mới lớn ở nhà quê. Lần đầu ra mắt nhà chồng tương lai, vừa xuống xe con bé đã săng sái ra vườn hái rau, vào bếp làm cơm như đã quen từ lâu rồi. Thấy con dâu tương lai tháo vát như vậy, vợ lão cười bảo: “Lần đầu tiên con trai đưa bạn gái về, ông không định làm gì sao?”. Lão như người tỉnh dậy sau cơn mơ vội phóng xe ra quán nhà Tuấn Lý đặt luôn 5 mâm cỗ, mỗi mâm 500 nghìn đồng. Vợ chồng chủ quán tròn mắt nhìn lão, bởi họ mở cửa hàng ăn uống ở đây đã trên chục năm nhưng chưa bán được cho vợ chồng lão Thăng một đồng nào, đấy là chưa kể về mặt họ hàng thì họ phải gọi lão bằng ông trẻ. “Hôm nay trời đi vắng hay sao thế ông trẻ?” - Thằng chồng nhìn lão hỏi như vậy. Lão cười hì hì: “Anh mày dẫn người yêu về, lát nữa hai đứa sang uống rượu.”. Thế là đã rõ, lão sẽ giới thiệu con dâu tương lai với anh em, họ mạc hai bên nội, ngoại. Đến đứa cháu bắn ba tầm đại bác mới tới như thằng Tuấn còn được mời cơ mà.
Ngay bữa hôm đó khi ngà ngà rượu, lão dõng dạc gọi con trai và con dâu tương lai đến trước mặt hỏi: “Ở đây có bác trưởng, bố mẹ cùng tất cả anh em họ mạc hai đứa nói cho bố mẹ biết chúng mày định thế nào?”. Ông bác trưởng cũng bảo: “Có tuổi rồi cháu ạ! Lấy vợ đi cho bố mẹ yên tâm.”. Nghe vậy, hai đứa đưa mắt nhìn nhau rồi thằng Thông bảo: “Thì bố mẹ cứ thư thư cho đã!”. Lão quắc mắt bảo: “Không thư thả gì hết, anh năm nay cũng ba mốt tuổi rồi, cả làng này chỉ còn có mình anh là chưa vợ thôi đấy!”. Thực lòng cũng không phải đến hôm ấy vợ chồng lão mới nói chuyện lấy vợ với thằng Thông mà đã nói không biết bao lần rồi, lần nào nó cũng cứ bảo thư thư. Không hiểu nó định thư thư đến bao giờ nữa. Lão lấy vợ muộn, hết đánh Mỹ lại làm nhiệm vụ quốc tế mãi đến 40 tuổi được về hưu mới cưới vợ. Vợ chồng lão chỉ có hai người con. Con Minh - em gái Thông lấy chồng đã hơn mười năm, con đầu nó đã đi học, biết bấm điện thoại nhoay nhoáy rồi, vậy mà, thằng Thông đã ngoài 30 tuổi cũng chưa đâu vào đâu. Hàng ngày nhìn những người cùng tuổi quanh nhà bế cháu đi chơi, đưa cháu đi học mà đêm về cả hai vợ chồng lão đều trằn trọc không ngủ được. Kinh tế nhà lão vào hàng khá giả, con lão đều được học hành đến nơi đến chốn có công ăn việc làm ổn định vậy mà sao đường tử tức nhà lão lận đận thế không biết. Bây giờ thì con trai lão cũng dẫn người yêu về ra mắt, lão phải nhanh tay ốp chúng nó tổ chức đám cưới càng sớm càng tốt. Giữa lúc lão đang hừng hực khí thế chuẩn bị hạ quyết tâm tổ chức đám cưới cho con trai, thì vợ chồng con Minh mới từ Hà Nội về. Đứa con gái bảo: “Nghe tin anh Thông dẫn ngươi yêu về ra mắt, vợ chồng con mừng quá, về luôn. Trên đường về ghé vào siêu thị mua ít đồ, khi ra quầy thanh toán thấy đông người quá sợ về muộn, con bảo, mọi người thông cảm em ở xa, mãi tận Vĩnh Phúc, cho em thanh toán trước... Vừa nghe thấy hai tiếng Vĩnh Phúc họ tản ra hết, chỉ còn lại cô thu ngân và con. Khi ấy con mới hay quê mình có người nhiễm virus Corona.
Nghe Minh nói, mọi người khi ấy mới bàn tới con virus đang gây nên bệnh dịch lạ tại Bình Xuyên. Tai lão Thăng ù lên, trước đây lão cũng loáng thoáng nghe người ta nói về con virus, vi deo gì đấy có thể gây chết người, nhưng lão nghĩ con người ta đằng nào chả chết, không bị bệnh làm sao mà chết được. Cái chết, mấy năm nay lão Thăng không biết có lẩn thẩn hay không nhưng lão luôn nghĩ rằng cái chết là phần thưởng mà tạo hóa ban phát cho con người. Không ít lần lão lớn tiếng tuyên bố, chỉ có thằng ngu mới sống đến 70 tuổi trong khi lão đã hơn 70 tuổi rồi. Cuộc đời lão cũng nếm trải đủ: Sốt rét ác tính, B52 rải thảm trên đường hành quân, rồi bị Pol Pot phục kích... lão còn chả sợ nữa thì lão sợ gì cái con virus kia. Đời lão chỉ còn mỗi việc là lấy vợ cho thằng Thông nữa là có thể thanh thản đi theo các cụ được rồi. Ấy vậy mà, cái việc tưởng như quá đơn giản, quá bình thường với người khác mà với vợ chồng lão sao mà khó thế. Vợ chồng con Minh và cả thằng Thông đều không đồng ý tổ chức đám cưới vội. Chúng nó bảo: Dù địa phương mình chưa có người bị nhiễm virus Corona nhưng tụ tập đông người cũng cảm thấy bất an.
Đúng là bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, nhìn đâu cũng thấy bệnh tật. Mặc kệ chúng nó, lão là bố lão quyết thế nào chúng phải nghe như thế, nhưng ông bác trưởng lại bảo: “Chú thím phải tính lại, năm nay thằng Thông tuổi Kim lâu cưới vợ làm sao được, phải để sang năm.”. Nghe bác trưởng nói vậy, lão mới giật mình, cũng tại vui quá lão quên khuấy mất. Thôi thì đành lui lại năm sau, lão càng có thời gian chuẩn bị.
Lão dự tính những việc cho đám cưới của con trai rất chu đáo. Lão bắt đôi lợn về chuồng, ngày ngày vợ chồng lão cặm cụi nấu cháo cho ăn chứ không nuôi bằng cám công nghiệp. Lão nuôi hơn trăm con gà, thả ra vườn cho ăn ngô, ăn lúa nhặt con sâu, con bọ. Lão hỏi bà Hảo cạnh nhà mua con bò gần hai tuổi, có đắt một chút nhưng nó là bò ăn cỏ một trăm phần trăm. Lão bảo vợ: “Nhà mình chỉ có mỗi thằng con trai, chả còn cơ hội nào để làm cỗ mời dân làng nữa nên đám cưới phải thật hoành tráng. Tôi dự định làm gần hai trăm mâm cỗ, ăn trong hai ngày liền.”. Vợ lão không đồng ý bảo rằng: “Ông đừng bày vẽ quá sau này ốm vì trả nợ.”. Mặc vợ nói gì thì nói, ý lão đã quyết. Vậy mà, đã ba lần lão định tổ chức đám cưới cho con nhưng lần nào lên báo cáo chính quyền họ cũng không đồng ý. Ông trưởng khu, ông chủ tịch, rồi cả cô bí thư Đảng ủy xã đều bảo: “Tình hình tuy có tốt hơn nhưng chúng ta vẫn đang thực hiện 5K. Bác là đảng viên, là cựu chiến binh càng phải nêu gương.”. Đúng là, nói ngọt nó lọt vào xương, nhưng lão thấy mệt mỏi quá rồi! Đã ba lần lão phải bán lợn, bán gà thậm chí con bò lão đặt mua nhà bà Hảo giờ cũng đã đẻ con biết chạy tung tăng sau mẹ. Mặc kệ cái con virus ấy, ý lão đã quyết. Lão sẽ đặt tất cả trước sự đã rồi, thử xem có ai cản được lão.
Lão đi xem ngày cẩn thận, lên danh sách khách mời, nhờ con cháu Thắm đánh máy vi tính, in ra thành mấy bản phân công nhau đi mời khách xa, gần. Lão biết đi xe máy thì nhận mời những nơi xa nghĩa là anh em, nội ngoại ở các làng  lân cận còn vợ lão không biết đi xe máy thì chịu khó đạp xe, đi bộ đến mời bà con lối xóm. Làng Đồng Chanh này cái lệ là vậy, khi nhà có cỗ cưới không phải mua những cái thiếp mời màu hồng, màu tím như trên thị trấn mà đích thân chủ nhà phải đi mời người ta mới đến.“Lời mời cao hơn mâm cỗ” mà lỵ. Khi đến nhà, nếu gặp được thì không nói làm gì, nếu đến không gặp được thì có thể nhắn nhà bên cạnh hoặc viết nguệch ngoạc mấy chữ bằng phấn ở hè nhà, khi về, chủ nhà sẽ biết mình cũng được mời đi ăn cưới. Ngày cưới là ngày vui, cũng là ngày “thu nợ”. Ở làng Đồng Chanh vẫn giữ cái lệ giúp - trả từ xưa. Các cụ nhà ta vẫn bảo, không ai chồng đống tiền để cưới vợ làm nhà cả. Nghiễm nhiên những việc như làm nhà, việc hiếu, hay việc hỷ dân làng coi đó là việc lớn của mỗi người và cùng chung tay giúp đỡ. Năm nay nhà anh cưới vợ cho con, tôi đến mừng anh 100 nghìn đồng; năm sau mẹ anh về với tổ tiên, tôi phúng viếng 50 nghìn đồng; rồi ngày kia anh dựng nếp nhà, tôi mừng anh 200 nghìn đồng... anh cứ phải ghi tất cả lại rồi khi nhà tôi có việc anh phải trả đủ lại cộng thêm cái phần anh mừng cho tôi nữa. Cái “nợ đồng lần” như vậy cứ bám lấy cuộc sống mỗi người quanh năm suốt tháng, cũng không ai thấy bất tiện cả. Mọi người ai cũng thấy như vậy cuộc sống thú vị hơn. Nhà lão Thăng đã gần chục năm rồi không có việc lớn, hai vợ chồng lão đều là con út, bố mẹ hai bên đều đã quy tiên từ lâu. Sau khi gả chồng cho con Minh em gái thằng Thông hơn chục năm về trước thì cho đến nay lão chưa có việc gì cả. Vốn là người có tính lo xa, lão Thăng sợ mình mỗi năm mỗi tuổi đến lúc không làm được nữa cưới vợ cho con sẽ khó khăn nên lão đã chủ động “gửi” tiền trong anh em. Không ai ở làng này đi mừng đám cưới các cháu đến tiền triệu như lão. Tính đến ngày hôm nay, trong sổ nhà mình, vợ chồng lão không còn nợ ai nữa, nhưng người ta nợ vợ chồng lão đến vài trăm triệu. Cưới vợ cho con xong, thu hết tiền nợ, cộng thêm số tiền mừng, vợ chồng lão sẽ có ngót tỷ bạc - một món tiền không nhỏ với người dân lao động như vợ chồng lão. Lão sẽ gửi tiết kiệm cho vợ thêm hai trăm triệu nữa, như vậy vợ lão sẽ có khoản tiền kha khá dưỡng già, nếu lão đi theo các cụ trước thì bà ấy vẫn có khoản để sống mà không phiền đến các con. Số còn lại, lão sẽ cho vợ chồng thằng Thông làm vốn nuôi con, âu cũng là đầu tư cho tương lai. Lão bàn với các con như vậy, nhưng chúng nó bảo: “Bố mẹ không phải lo cho vợ chồng con, chúng con còn trẻ, lại được học hành, có công việc ổn định, chúng con phải lo cho bố mẹ chứ sao để bố mẹ lo cho chúng con.”. Lão nghe chúng nó nói cũng phải, nhưng thôi, việc ấy tính sau, trước mắt bây giờ phải cưới vợ cho con trai đã. Lão chuẩn bị mọi thứ. Rút kinh nghiệm lần trước, lão không bàn với các con, cũng không xin ý kiến họ mạc... Vợ chồng lão sẽ đi mời khách trước, thử xem có ai cản được nữa không?
Vậy mà, ngày đầu tiên vợ lão đi mời, vừa ra khỏi nhà một lát đã thấy trở về mặt sưng, mày sỉa y như vừa cãi nhau với ai vậy. Lão Thăng ngạc nhiên, hỏi:
- Ơ sao bà vừa đi đã về rồi, mời được những ai rồi!
Vợ lão vứt cái nón xuống giường, nói:
- Mời, mời... không cưới xin gì nữa!
- Ơ cái bà này, ăn với chả nói, thế ai làm gì bà?
- Chả ai làm gì tôi cả! Tôi đến nhà cậu Thìn, cổng đóng, chốt trong, tôi gọi mãi cậu ấy mới từ trong nhà đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, cậu ấy đã hỏi: “Có việc gì vậy, mà sao chị không đeo khẩu trang?”. Tôi chả hiểu ra làm sao cả, cậu ấy cũng không mở cổng mời tôi vào nhà, nên tôi đành đứng bên ngoài mời. Tôi vừa dứt lời, cậu ấy bảo: “Điên, đang dịch bệnh thế này, cưới với chả hỏi.”. Rồi cậu ấy đưa cho tôi hai triệu bảo: “Em gửi một chút mừng hạnh phúc các cháu, hôm đó vợ chồng em không đến được.” Điên tiết lên, tôi bảo: “Hai triệu này cậu mợ trả cho tôi chưa đủ, mừng cái gì mà mừng. Tôi nói cho cậu biết, cậu cưới hai đứa con tôi mừng mỗi đứa một triệu, cậu làm nhà tôi giúp 5 triệu, giờ tôi cưới con cậu lại mừng hai triệu.”. Cậu ấy ngượng quá, bảo: “Chị thông cảm, em cũng chưa xem sổ, thôi để lát nữa em xem lại có gì gửi anh chị sau. Mà em bảo thật, đang dịch bệnh thế này anh chị đừng bày vẽ ra mà dân làng họ chửi cho đấy.”.
Lão Thăng giật mình. Đúng là lão nghĩ được một mà không nghĩ được hai, ai mà không lo cho sức khỏe của mình kia chứ. Toàn dân đang một lòng chống dịch, lão lại định làm ngược lại. Cậu Thìn ấy chửi lão điên có lẽ cũng không ngoa. Cái cậu Thìn ấy tuy bỗ bã, nhưng tính phổi bò, nghĩ sao nói vậy chứ có lòng dạ gì đâu. Bây giờ lão bày ra hàng trăm mâm cỗ mà không ai đến ăn thì lão biết làm thế nào? Lão gọi điện hỏi thằng Thông, nó bảo: “Huyện mình có một đoàn học sinh đi trải nghiệm qua vùng dịch nên hiện đang phải cách ly tại nhà. Chính quyền yêu cầu người dân không tụ tập quá ba mươi người, đề phòng dịch bệnh.”. Nghe con trai bảo vậy, lão cảm thấy như nghẹt thở. Như vậy đây là chủ trương từ trên xuống chứ đâu phải do ông trưởng khu hay ủy ban gây khó khăn cho lão. “Vậy việc cưới xin của chúng mày tính sao?”. Nghe bố hỏi vậy, Thông cười hì hì, bảo: “Con đã bảo bố mẹ cứ thư thư xem tình hình dịch bệnh thế nào.”. Lão điên tiết, bảo: “Thư thư đến bao giờ nữa. Mẹ mày đã đi xem, thầy bảo ngày 24 âm lịch tháng sau tốt ngày là cưới.”. Nó im lặng một lát rồi bảo: “Như vậy cũng được, bố mẹ cứ chuẩn bị đến ngày đó chúng con về.”. Nghe con nói, lão càng thêm lộn ruột, bảo: “Tiên sư bố anh, cưới anh mà anh bảo đến ngày đó mới về. Anh nghĩ tôi mời anh về ăn cưới đấy hả?”. Nghe bố nói vậy, con trai lão lại cười hì hì, bảo: “Nhưng hai đứa chúng con đang đi dập dịch.”. Không gọi điện cho con thì thôi chứ gọi cho nó xong lão Thăng càng thêm lúng túng. Lão đến nhà ông bác trưởng xin ý kiến để thực hiện. Ông bác trưởng bảo: “Vợ chồng chú thím cứ như người ngoài hành tinh ấy. Ngày nào loa cũng nói, rồi ti vi liên tục nhắc nhở người dân thực hiện 5K vậy mà chú thím không hiểu gì cả. Thôi! Chờ cháu nó về ta bàn tiếp.”.
Bàn cái gì được nữa, từ cổ chí kim có đám cưới nào dưới ba mươi người hay không? Lão buồn nẫu ruột, nẫu gan, trong người không đau ốm gì mà mồm miệng đắng nghét nuốt miếng cơm cũng không trôi. Lão thẫn thờ như người mất hồn, hết nhìn đôi lợn, rồi nhìn đàn gà chuẩn bị cho công việc đại sự của nhà lão. Lại phải bán nó đi thôi. Lão thở dài. Không hiểu mặt ngang, mũi dọc cái con virus ấy ra sao mà nó làm đời lão khốn khổ thế này. Lão cứ ra ra, vào vào như người bị bệnh mộng du. Vợ lão lo lắng gọi điện nói chuyện với con trai. Sớm hôm sau, thằng Thông cùng người yêu về thăm bố, hai đứa mang cả máy đo huyết áp, rồi tai nghe về khám cho bố. Khám xong, nó tếu táo:
- Huyết áp, nhịp tim không thua thanh niên tý nào. Xem chừng bố ốm tư tưởng rồi, hay là bố lo con trai ế vợ. Thì đây, con dâu bố về đây. Em… Em gọi bố đi để bố dậy, bắt gà mổ cho chúng mình ăn.
- Thì em vẫn gọi bố từ trước rồi đấy thôi.
Nghe cô con dâu tương lai nói vậy, lão như nở từng khúc ruột. Lão ngồi dậy hỏi:
- Thế hai đứa định thế nào?
- Bố con bảo, nếu ông bà bên này đã đi xem ngày rồi thì hai đứa đưa nhau đi đăng ký kết hôn, rồi bảo ông bà làm mâm cơm cúng tổ tiên cho chúng con bái đường thế là được.
Nghe cô con dâu tương lai nói vậy, lão Thăng như tỉnh người nhưng vẫn ngơ ngác, hỏi:
- Như vậy được không?
Thằng Thông cũng gật đầu.
- Sao lại không được hả bố? Đăng ký xong, về mặt luật pháp, chúng con đã là vợ chồng. Bái đường xong, nghĩa là tổ tiên nhà mình đã nhận dâu, nhận con. Khi ấy, ông bà chuẩn bị bế cháu là vừa.
Lão Thăng đưa mắt nhìn vợ, bảo:
- Các con nói vậy, ý bà thế nào?
Vợ lão có vẻ do dự:
- Nếu không cưới thì làm sao thu được nợ?
Lão ngồi im một lát, bảo:
- Cơm chưa ăn gạo còn đó, lo gì bà. Hơn nữa giữa việc thu nợ với việc có cháu bà thấy cái nào hơn?
- Cái ông này, ăn với chả nói. Thế bao giờ thì mẹ được bế cháu hả con?
Vợ lão nhìn con dâu tương lai hỏi, thằng Thông và người yêu bỗng lúng túng. Lát sau thằng Thông mới lên tiếng.
- Chúng con xin lỗi bố mẹ, cho chúng con kế hoạch một thời gian vì con và Mai đã tình nguyện đi chống dịch.
Lão Thăng nghe nói như bị điện giật, lão trợn mắt nhìn con trai và con dâu tương lai.
- Cái gì? Hai đứa lại đi chống dịch?
Thằng Thông nhìn lên tấm ảnh bố mặc quân phục với những tấm huân, huy chương trên tường. Lão không hiểu tại sao nó lại tủm tỉm cười.
- Chuyện là thế này bố ạ, tỉnh ta là tỉnh đầu tiên có người bị nhiễm virus Corona, qua mấy đợt dịch bùng phát, tỉnh ta đều dập dịch thành công. Đội ngũ y bác sĩ chúng con đều đã có kinh nghiệm nên thành lập một đoàn đi hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh dập dịch. Hai đứa con đã đăng ký tình nguyện, bái đường xong là chúng con lên đường, bố mẹ cho chúng đi nhé.
Lão Thăng nhìn vợ, rồi nhìn lên tấm ảnh của mình. Không hiểu tại sao thằng con trời đánh của lão lại nhìn ảnh lão tủm tỉm cười khi nói chuyện ấy với lão.
- Hừ! Anh chị đã đăng ký tình nguyện rồi còn nói với chúng tôi làm gì. “Tiền trảm hậu tấu” - anh học ai cái thói ấy?
Nghe bố nói vậy, Thông phá lên cười, nó chỉ lên tấm ảnh của lão, bảo:
- Con học cái ông trong ảnh kia kìa.
Hai vợ chồng lão Thăng ngơ ngác nhìn nhau. Thằng Thông quay sang người yêu bảo:
- Em chưa biết đâu, bố mình cũng oách lắm đấy. Đang học dở lớp 10, nằm trong diện miễn nhập ngũ, vậy mà giấu ông bà nội viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Lại còn viết bằng máu với ghê chứ. Này bố, như vậy có gọi là “Tiền trảm hậu tấu” không ạ?
Nghe con trai nói, lão Thăng thấy mặt mình nóng như chườm lửa, tự nhiên lão như sống lại cái thời thanh niên đầy nhiệt huyết của mình. Lão lại nhìn con trai, lão biết, dòng máu của lão đang chảy trong huyết quản của nó. Lão cảm thấy tự hào. Con lão đang tiếp nối truyền thống gia đình, truyền thống quê hương. Lão chợt nhớ lại ngày ấy, lão chỉ sợ bố mẹ lão ngăn cản không cho lão nhập ngũ. Vậy mà, không ngờ bố lão lại bảo: “Con trai, con làm thế là đúng, nếu bố còn trẻ bố cũng xung phong đi bộ đội như con.”. Còn mẹ lão lén lau nước mắt, bảo: “Mẹ tin con.”. Hơn hai mươi năm quân ngũ, cứ mỗi lần đối mặt với khó khăn, với bom đạn, lão lại nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến quê hương để có thêm sức mạnh chiến thắng chính mình. Hôm nay, con trai và cả con dâu tương lai của lão đang tiếp bước cha anh trong một trận chiến mới không kém phần gay go, ác liệt. Chao ôi, nếu lão cũng có thể nói với các con như vậy. Nhưng không hiểu sao cái đầu lão nghĩ đã thông mà cái miệng lão lại hỏi:
- Cưới nhau xong anh chị đưa nhau đi chống dịch, vậy hai người già chúng tôi ở nhà làm gì để chống dịch?
Cô con dâu tương lai nhìn lão, bảo:
- Bố mẹ chỉ cần sống khỏe mạnh, vui vẻ là góp phần chống dịch rồi.
Lão im lặng không biết phải tính ra sao, may mà vợ lão lại bảo:
- Hay là mình bán bán đôi lợn và đàn gà chuẩn bị cưới vợ cho con ủng hộ quỹ vaccine phòng Covid-19.
Lão ngạc nhiên nhìn vợi, nghĩ, ai dám bảo “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”? Hóa ra bà ấy còn nghĩ xa hơn lão. Tự nhiên bao nỗi bức xúc trong lão như tan biến. Một lần nữa, lão lại chiến thắng được chính mình. Lão cười ha hả, nói:
- Chỉ có bà là hiểu được ý tôi.
P.K.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc