Lạc giữa cháu con
Ngày đăng: 26/03/2025; 41

Truyện ngắn

 LÃ THẾ KHANH

Trải nhiều biến cố, cuối cùng bà cũng chịu lên thành phố ở với vợ chồng cậu con trai duy nhất. So với mặt bằng chung, nhà con trai bà thuộc loại trung lưu, nếu ở thế kỷ trước thì ngang nhà cấp thứ trưởng. Biết mẹ mới ở quê ra, lạ nước lạ cái, nhưng sợ nhất là thói quen của người ở quê, cứ thấy ai gõ cửa, bất kể quen hay lạ đều ra bắt chuyện nên anh chị bố trí cho bà ở tít trên tầng bốn của ngôi nhà. Nơi đây theo anh chị vừa thoáng đãng lại có ban công nhìn ra cánh đồng trước mặt. Nếu nhớ quê thì bà ra ngắm cảnh cũng sẽ nguôi ngoai. Nhà anh chị thường đông khách làm ăn, mỗi lần khách tới, sợ nhất bà lại ra bắt chuyện thì dở ơi là dở. Người thông cảm thì chẳng sao nhưng gặp người xét nét họ lại lấy đó làm câu chuyện đàm tiếu. Thế là anh chị giao hẹn:

- Bầm cứ ở trên tầng bốn. Không có việc gì thì bầm không cần xuống dưới nhà. Mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt, con cháu sẽ phục vụ chu đáo.

Bố trí cho mẹ một chiếc ti vi 43 inch có kết nối Internet và một chiếc điện thoại thông minh, anh dặn:

- Nếu buồn, bầm cứ mở ti vi xem cả ngày, trong đó ối chương trình mà bầm ưa thích. Thích nghe chèo thì cứ cô Tân Nhàn và anh Đình Cương mà bầm chọn, còn nếu muốn xem “Lưu Bình - Dương Lễ” do nghệ sĩ Văn Chương và Thanh Tuyết thể hiện thì cũng chỉ một nút bấm là có ngay. Tất tần tật đều nằm trong chiếc ti vi này. Ngoài ra cần gì nữa thì bầm cứ a lô. Chiếc điện thoại này chúng con đã thuê bao gói Viettel cho bầm. Một tháng có 1.500 phút gọi, bầm cứ a lô với các cụ ở quê thoải mái không sợ tốn tiền…

Nói rồi anh cẩn thận ghi ra một tờ giấy A4 về cách sử dụng ti vi, điện thoại phòng khi bà quên thì cứ theo “cẩm nang” đó mà dò…

                                                            ***

Chả biết có sướng thật không, nhưng từ hôm ở ngoài thành phố với gia đình con trai, tính đến nay đã gần ba tháng bà mới chỉ được đặt chân ra ngoài ngõ có đôi lần. Ấy là lúc con dâu đi đổ rác, bà lẻn đi theo. Đứng ở đầu ngõ, bà đảo mắt ngắm nhìn thành phố - nơi vợ chồng con trai định cư ở đây gần hai chục năm. Phố xá gì mà toen hoẻn không rộng bằng cái ngõ đất ở quê. Đã thế, nhà nào cũng chềnh ềnh chiếc xe máy, xe đạp trước cửa nhà, khách bộ hành muốn đi qua phải nghiêng người. Ngẩng mặt nhìn trời, toàn nhà cao tầng lừng lững, san sát nhau, che kín cả không gian, đến gió cũng không chui lọt. Nhà con trai bà được tiếng thoáng đãng là thế nhưng so với căn nhà ở quê thì còn kém xa. Đổ rác vừa xong, cô con dâu đã rối rít giục bà vào nhà để còn khóa cửa kẻo sơ sểnh là mất an toàn. Ngoái nhìn dòng người từ một tòa chung cư trước mặt đang ken nhau, bà nén tiếng thở dài, nghĩ: “Ăn ở thế này thì sướng cái nỗi gì”, rồi quay vào nhà, miễn cưỡng leo từng bậc thang để lên cái “tổ” của mình. Sức như bà, mới ngoài sáu mươi, leo cầu thang có bốn tầng nhà mà mỏi gối hơn cả những lần đi làm nương, làm rẫy ở quê.

Ở nhà một mình, suốt ngày bà bật ti vi để có tiếng người cho đỡ cô đơn. Nhưng xem mãi rồi cũng nản. Liên tục ngó đồng hồ, bà mong cho trời chóng tối. Tối thì con cháu mới có mặt ở nhà. Nhưng mong là mong thế thôi chứ khi chúng nó về, ngoài bữa ăn tối được gặp chúng mươi mười lăm phút thì đứa nào lại có việc của đứa ấy. Hai đứa cháu nội, thằng lớn học lớp năm, thằng bé học lớp ba vùi đầu vào học suốt. Ngoài giờ học chính khóa, bán trú, tối nào chúng cũng đi học thêm. Không Ngoại ngữ thì học Tin học hoặc Toán, Ngữ văn. Chúng chỉ được nghỉ tối thứ Bảy và nửa sáng ngày Chủ nhật, song những ngày đó lại tham gia câu lạc bộ bơi lội và bóng rổ để rèn luyện thể chất. Thế là muốn ngắm nghía cháu thật lâu, bà chỉ có cách xem lại những video, clip của chúng được quay vào những lần sinh nhật. Nhiều khi thèm trò chuyện với các cháu quá, bà bạo gan gợi ý thì con dâu lại gạt phắt: 

- Mẹ ơi! Các cháu còn đang học. Khi nào giải lao thì con bảo chúng lên nói chuyện với mẹ.

Nhưng rồi hết lần này tới lần khác, đến giờ giải lao bà vẫn chẳng thấy đứa cháu nào lên thăm. Sốt ruột, bà đi xuống phòng chúng ở. Thì ra tranh thủ được mẹ cho giải lao 30 phút, bọn trẻ “cắm mặt” vào chơi điện tử chẳng đứa nào nhớ đến trong ngôi nhà này còn có một người đã sinh ra đấng sinh thành của chúng nó - đó là bà nội. Những lúc thế, nước mắt bà không biết từ đâu tứa ra nhiều lắm. Nhưng lần nào cũng vậy, bà vội vàng kéo vạt áo lên lau thật nhanh, thật sạch, như thể muốn giấu kín một lỗi lầm không dễ tha thứ của mình. Nhiều hôm buồn quá, bà tha thẩn đi lên đi xuống hết tầng một đến tầng ba của ngôi nhà. Tới tầng nào bà cũng ngắm nghía thật lâu, rồi tần ngần tựa lưng vào cửa buồng của con của cháu, như thể chờ đợi chúng ra mở cửa để đón bà vào nói chuyện. Nhưng ngoài tiếng bước chân nặng trịch của bà, ngôi nhà vẫn lặng phắc. Lạc lõng giữa ngôi nhà của con trai, bà miễn cưỡng lê từng bước ngược lên tầng bốn - nơi có cái “tổ” đơn độc của mình…

Gặp cháu nội khó đến thế, bà mong trong tuần được nói chuyện với con trai ít nhất một lần. Con dâu, khác máu tanh lòng, bà chẳng dám đòi hỏi gì nhiều. Nhưng còn con trai, bà rứt ruột đẻ nó ra, vì nó mà bà bị hậu sản mòn. Chẳng có lẽ nó cũng dửng dưng. Có điều con trai bà còn ở nhà ít hơn cả con dâu và các cháu. Lúc nó về nhà thì phần lớn đã tới giờ bà phải đi nằm. Do đó người kết nối duy nhất giữa bà và con trai là chiếc điện thoại. Song quá nhiều lần liên lạc, bà chỉ nhận được câu trả lời vội vã:

 - Có chuyện gì thế hả bầm? Có chuyện gì bầm nói với vợ con nhé. Con đang có công chuyện.

 Rồi phía đầu máy bên kia đã vang lên một hồi tút tút kéo dài. Một cục tức cùng sự tủi thân cộn lên trong bà: “Chúng mày là vương là tướng gì mà ghê thế. Chồng đi tối ngày vợ cũng đi tối ngày. Về đến nhà không đứa nào hỏi mẹ được một câu, rằng, hôm nay mẹ khoẻ hay yếu, mà cắm ngay mặt vào cái điện thoại”, rồi bà so sánh: “Gọi điện cho người giời ơi đất hỡi thì cả tiếng không dứt. Giọng điệu ngọt nhạt, thẽ thà thẽ thọt ra vẻ công dung ngôn hạnh lắm, còn với mẹ thì chủng chà chủng chẳng. Lúc nào cũng con bận lắm! Con mải lắm! Cứ như mình là người gây phiền hà cho chúng không bằng…”.

 Thế là cực chẳng đã, bà lại bật ti vi rồi mở tiếng thật to để nghe cho bõ tức. May mắn thế nào ti vi đang phát chương trình “Sống vui sống khoẻ” làm bà hào hứng hẳn lên. Nhìn mấy bà trạc tuổi mình đang tụ họp trên ti vi tham gia chương trình do nghệ sĩ Chí Trung làm MC* khiến bà thèm được góp mặt một lần trong đời. Không biết mấy bà kia hoàn cảnh thế nào mà con cái lại cho “sổ lồng” như thế. Cũng vẫn cái thành phố này mà sao họ được ra khỏi nhà, còn bà thì không. Chẳng có lẽ khu phố nơi con bà đang ở an ninh trật tự lại kém đến thế, nên con cháu mới “giam lỏng” bà suốt trong nhà. Chẳng có lẽ bà quê mùa, lạc hậu đến mức cứ ra đường là đi lạc. Đã thế bà bắt chúng phải trao cho một chiếc chìa khóa cửa để những khi bà muốn ra ngoài còn có thể.

 Nghĩ là làm, sáng hôm sau nhân lúc con trai và con dâu đang chuẩn bị đi làm, bà đặt vấn đề. Nhưng bà chưa nói hết câu thì con trai đã gạt phắt:

- Bầm định rước trộm vào nhà à? Bầm không thấy mới hôm kia hôm kìa, cách nhà ta vài nhà, có chị bị mất chiếc xe máy SH chỉ trong có mấy giây à! Hơn nữa để bầm đi ra ngoài phố thì rồi bọn con lại phải báo công an tìm người mất tích. Lọc lõi như cái bà Xung ở ngõ phố này mà còn chẳng dám đi đâu, suốt ngày chỉ ru rú trong nhà bế cháu huống chi là bầm. Vừa từ rẻo cao về chưa được ba bảy hai mươi mốt ngày, bầm cứ ở nhà cho lành. Cần ăn gì, uống gì, chúng con một phút có ngay cho bầm.

- Thế anh chị định để tôi chết mòn trong cái nhà này à? Suốt ngày, ngoài cái ti vi, tôi chẳng được nói chuyện với ai thì tôi sống thế nào được? Ăn uống với tôi bây giờ thì quan trọng gì. Trước khi xuống đây, anh chị chẳng nói với tôi là ở đây tôi sẽ không thiếu bạn. Biết thế này tôi cứ ở quách quê cha đất tổ cho xong. Ở quê, tôi muốn đi đâu thì đi, chẳng khóa khoáy gì mà cửa nhà vẫn tịnh không suy suyển. Ở đây ra khóa vào khóa mà lúc nào cũng ngỡ trong nhà có trộm. Muốn làm bạn với mấy bà hàng xóm thì cũng không được, vì anh chị dặn là ngoài mình ra thì tôi không được tin ai, không được mời ai vào nhà bầu bạn. Rồi nữa, ở quê ý à, ăn trầu xong, tôi muốn nhổ bã chỗ nào thì nhổ chẳng ai xét nét gì, đằng này tôi có nhỡ đánh rớt ra thảm một tí nước bã trầu thì cả anh và chị đều dựng cả lên cứ như tôi là hủi không bằng. Thế thì sao tôi chịu nổi. Biết thế này tôi chẳng bán ruộng bán vườn cho xong. Giờ thì tôi biết làm thế nào bây giờ.

Nói rồi bà bưng mặt khóc. Những giọt nước mắt mặn chát chảy ngoằn ngoèo rồi đọng lại trong các rãnh nhăn chằng chịt trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Nhìn mẹ khóc, cả anh và chị đều động lòng trắc ẩn. Không phải không thấu hiểu những nỗi khổ tâm của mẹ mình, nhưng cũng không vì thế mà chiều theo ý muốn của bà được, vì hoàn cảnh sống mỗi nơi mỗi khác. Anh hứa đại với bà:  

- Được rồi! Được rồi! Thư thư ít ngày nữa chúng con sẽ tìm cho bầm mấy người bạn. Lúc ấy bầm tha hồ mà trò chuyện. Có khéo rồi lúc đó hối bầm về quê chơi bầm cũng chẳng muốn về.

***

Đợi mãi, đợi mãi chẳng thấy con trai tìm bạn cho mình, bà lựa lời gặng hỏi. Sau một hồi lặng im không nói, con trai bà đánh trống lảng:

- Con bận việc quá nên quên mất. Hứa với bầm một hai hôm nữa con sẽ tìm được người phù hợp với bầm.

Nhưng rồi cán mai dài hơn cán thuổng, dăm bảy ngày sau bà vẫn chẳng thấy có một ai đến bầu bạn với mình. Nhìn thành phố ngàn ngạt người qua lại, bà lẩm nhẩm: “Người thì lắm thế này mà chẳng nhẽ không chọn được ai bầu bạn. Chả bù ở quê, nhõn ấm chè tươi với vài củ khoai lang luộc là mình và đám bạn già đã có thể con cà con kê tối ngày không hết chuyện”.

Cho tới một hôm khi có việc phải xuống gặp con dâu, vô tình bà đã nghe thấy vợ chồng chúng thầm thào: 

 - Anh đã kiếm được người nào làm bạn với bầm chưa?

 - Kiếm đâu ra? Tôi bận tối ngày, việc kiếm người tâm sự cho bầm là việc của cô chứ, dâu với chả con, cái gì cũng đùn đẩy cho chồng.

 - Ơ hay nhỉ! Em cũng bận tối ngày chứ có ngồi chơi đâu. Mới lại mẹ cổ lỗ sĩ thế thì tìm đâu ra người cho phù hợp. Dân thành phố thì người ta kiếu rồi. Có trả công cao người ta cũng chịu. Ai mà hợp được một người như mẹ. Rõ là khó tính lại hay xét nét. Con cái cháu chắt thì bận việc, bận học tối ngày mà lại cứ muốn chúng ở nhà để hầu chuyện. Ăn uống thì như anh thấy đấy, em cũng toàn mua món ngon, món lạ miệng, nhưng mẹ vẫn chê ỉ chê eo. Nói không thích bằng cơm rau dưa cà pháo ở quê. Mệt thế cơ chứ! Đúng là khác thế hệ có khác không làm thế nào để hòa đồng được.

Nghe vợ cằn nhằn, con trai bà không phản ứng gì, mãi sau mới tủng tẳng:

- Kể cũng khó thật! Người thành phố thì không hợp với bầm rồi. Mà có hợp thì con cái người ta cũng chả cho đi. Cũng giữ bố mẹ trong nhà như mình giữ bầm mình thôi. Người khả dĩ hợp với bầm thì chỉ có mấy bà giúp việc ở quê ra thôi nhưng dễ gì chủ của họ cho đi như thế.

                                                            ***

Không rõ vợ chồng con trai bàn bạc, thống nhất thế nào về việc chọn bạn tâm giao cho mẹ, chỉ biết rằng, một tuần sau, trên chiếc xe khách Mỹ Đình đi miền ngược, người ta thấy có một bà già khuôn mặt rất khắc khổ nhưng trong đôi mắt đục màu cùi nhãn thì lại ánh lên những niềm vui rất khó tả, mà thông thường ánh mắt ấy chỉ tìm thấy ở những người thao thiết được trở lại cố hương.                                                                                                    L.T.K

 

* MC: Người dẫn chương trình theo cách gọi tắt từ tiếng Anh: Master of Ceremonies.

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc