Ngoài kia giông gió
Ngày đăng: 10/05/2022; 327

Truyện ngắn

HOÀNG CÚC

Cơn lũ đi qua, để lại những ngôi nhà đỏ oạch chân tường, chân cột. Bùn đất như vị khách không mời mà nghiễm nhiên xô cửa vào tận bếp. Ôi chao! Mọi thứ bộn bề. Mong mãi thì trời cũng có nắng. Bọn trẻ ùa ra ngõ, mang theo những trang sách ướt ra phơi. Có đứa ngồi khóc tu tu. Thế là đi đứt thành quả của một mùa hè chặt củi khô rộp cả tay mang bán. Mỗi bó củi người mua trả mười nghìn đồng. Có đứa phải đổi hơn chục bó củi mới đủ tiền mua bộ sách giáo khoa mới, thế mà bây giờ đành mang chữ đi hong… Người lớn thì bận bịu giặt giũ, phơi phóng chăn màn, giường, chiếu, thúng mủng, nong nia…

Thèm nắng! Hình như ai cũng có chung cảm giác thèm nắng sau những ngày dầm mình trong nước vừa qua. Đến như con vằn cũng muốn cắn sợi dây buộc ở cổ để ra ngoài tắm nắng. Nó cứ quẩn quanh bên chân khi Nhu đến gần chiếc bàn lấy nước ấm để pha sữa cho cu Ken.

Lòng Nhu giờ trống rỗng. Mẹ con Nhu chỉ còn lại con vằn là người bạn gần gũi nhất. Nhu sợ cái cảm giác mọi yêu thương khi bước qua cánh cửa, sẽ không bao giờ quay trở lại… Như chồng Nhu ấy. Biết là vợ con đêm ngày chờ đợi mà vẫn chẳng trở về. Cu Ken thức giấc, ọ ọe khóc làm Nhu giật mình. Ôm con vào lòng, nước mắt Nhu bỗng chảy xuống thành dòng.

Chiếc áo màu xanh tình nguyện của Mạnh - chồng Nhu, được anh em trong đoàn tình nguyện mang về đưa Nhu cất giữ vẫn còn hơi ấm của Mạnh. Vẫn còn đó mùi nước xả vải mà Mạnh thường bảo với Nhu, thơm như mùi của cây hoa miên quê ngoại… Nhu nhớ, có lần nhắc tới quê ngoại, Mạnh bảo với cô: “Chờ cơn lũ qua, anh sẽ đưa hai mẹ con em về thắp hương cho bà và báo tin vui, bà đã có chắt là cu Ken đây rồi…”. Giờ thì Nhu tưởng tượng thấy Mạnh đang cười, trên người anh vẫn khoác chiếc áo xanh tình nguyện. Đó là màu áo đã đi cùng Nhu và Mạnh suốt những năm tháng tuổi trẻ. Lên rừng, xuống biển; cất dựng cửa nhà; mở những con đường nối bản làng hiu hắt đến với nhộn nhịp, đông vui; ươm những mầm cây phủ xanh bao vùng đồi đất đỏ… Và cũng chính màu áo ấy đã gắn kết họ với nhau, nên nghĩa vợ chồng, dựng xây cuộc sống mới. Cuộc sống mới của họ bắt đầu bằng một đám cưới giản dị chỉ có cau trầu, trà thuốc, bánh kẹo và chủ hôn là đồng chí Bí thư huyện đoàn. Không có bên nội, cũng không có họ ngoại để làm thủ tục gửi và xin dâu, chỉ có những lời chúc phúc trăm năm nghĩa vợ tình chồng.

Ngôi nhà này vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Năm ngoái, trong hai ngày, các anh em đoàn thanh niên của xã đã cất dựng xong tổ ấm cho vợ chồng Nhu. Giường tủ, bàn ghế, bếp ga, xoong nồi… đều là quà mừng cưới của các anh chị em trong đội thanh niên tình nguyện. Chỉ bấy nhiêu thôi, Nhu đã thấy mình thật hạnh phúc. Cô bé mồ côi ngày nào giờ đã có một nơi gọi là gia đình để vun đắp yêu thương, cùng nhau san sẻ. Rồi Nhu và Mạnh sẽ có những đứa trẻ. Nhu sẽ đợi tới ngày con cất tiếng gọi bi bô ba ba… mẹ mẹ… để Nhu cảm nhận cảm giác ấy như thế nào, bởi suốt cả tuổi thơ, Nhu và Mạnh đều phải nén chặt tiếng gọi ấy trong lòng mà cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để có thể lớn lên như những đứa trẻ đủ đầy cùng trang lứa.

Giờ chỉ còn lại mẹ con Nhu và con vằn, ngôi nhà nhỏ bỗng trở nên thênh thang, trống trải… Nhu còn nhớ, buổi sáng ấy khi mẹ con cô vẫn còn đang ngủ, Mạnh vội mặc chiếc áo đi mưa rồi từ bếp bước tới cạnh giường thơm nhẹ lên má cu Ken và dặn Nhu: “Cháo chân giò anh nấu chín rồi, em nhớ ăn lúc còn nóng cho ngon. Anh đi cùng mọi người vào cứu hộ bà con xóm trong. Tối qua trong đó mưa to, ngập hết rồi em ạ!”.

***

- Nhu ơi! Thằng cu Ken của bà dậy chưa nào?

Nhu nhận ra tiếng bà Bảy trưởng thôn. Từ hôm Mạnh đi đến giờ, ngày nào bà Bảy cũng sang với mẹ con Nhu. Khi thì vài quả trứng gà, khi thì mớ rau ngót, rau dền, thêm quả đu đủ chín... Bà bảo, gà bà nuôi, rau hái ở vườn nhà, tay bà chăm tưới, không lo thuốc sâu. Bà Bảy đến bên giường, bế cu Ken lên nựng nựng. Nhu tranh thủ vo gạo, cắm cơm rồi ra giặt chậu quần áo. Mùi nước xả vải thoang thoảng hương thơm khiến Nhu nhớ tới Mạnh, nhớ mùi hoa miên mà Mạnh từng nói…

- Nhu này, con chuẩn bị đồ đạc cho cu Ken để chuẩn bị đi sơ tán. Theo lãnh đạo xã thông báo, từ chiều tối nay bà con thôn mình sẽ bắt đầu sơ tán lên trạm xá, bệnh viện, trường học. Cơn bão mới sắp tới rồi. Nghe đâu lần này bão mạnh lắm.

- Con muốn ở lại có được không bà Bảy. Bế bồng nhau đi hết, bàn thờ không nhang khói, con sợ chồng con lạnh…

Bà Bảy nhìn Nhu rồi lại nhìn cu Ken, thở dài:

- Đi vài hôm, đợi bão tan rồi về con ạ! Mẹ con con đi đến đâu, bố Mạnh nó khắc theo chân đến đấy. Không lo đâu con…

Nhìn dáng bà Bảy bước ra phía cổng mà Nhu thèm được thấy một dáng người quen. Cả tiếng nói tiếng cười ấy, cả tiếng bước chân khe khẽ mở cửa, bê chậu tã lót của cu Ken ra giếng giặt. Tiếng xả nước, tiếng chậu va nhau… Những âm thanh của đầm ấm, hạnh phúc, thế mà Mạnh đi, đành lòng mang theo…

Chiếc radio đang phát bản tin về cơn lũ tàn phá miền Trung. Hàng nghìn nóc nhà đang nhú lên giữa biển nước. Cuộc sống người dân chật vật, khổ trăm bề. Những con số thiệt hại về nhà cửa, về số người chết, người mất tích cứ lần lượt tăng lên. Trong những con số ấy, có cả chồng Nhu. Nhiều người xì xào: “Dòng nước chảy xiết thế, thằng Mạnh dại quá, nhảy xuống làm gì…”. “Làm anh hùng không phải lúc, chỉ khổ vợ, khổ con.”… Nhu bỏ ngoài tai những lời ấy. Hôm có hai vợ chồng lạ đưa đứa bé được Mạnh cứu đến nhà thắp nhang và cúi lạy tạ ơn ân nhân, không ai kìm được nước mắt. Chỉ có Nhu là không khóc. Cô ngồi thất thần ôm con tựa lưng vào chân bàn. Con vằn cũng nằm bên cạnh, dụi đầu vào chân Nhu. Mẹ đứa bé ôm mẹ con Nhu vào lòng, nói trong nghẹn ngào: “Nếu không có chú Mạnh, chúng tôi đã mất đi đứa con duy nhất của mình giữa dòng lũ cuốn. Tôi xin lỗi… Chúng tôi hiểu nỗi đau này là quá lớn… Ơn cứu mạng của chú Mạnh, gia đình tôi xin cúi đầu lạy tạ và không bao giờ quên ơn...”.

***

Bà Bảy và mấy anh em trong đội thanh niên tình nguyện đã có mặt giúp Nhu chuẩn bị đồ đạc, bế cu Ken đi trú bão. Khi bước chân ra cổng, như sực nhớ, Nhu lại bế cu Ken chạy vào nhà. Cô nhanh tay mở tủ, cầm theo chiếc áo màu xanh tình nguyện của Mạnh được gập vuông vắn. Lúc ngang qua bàn thờ chồng, Nhu nhìn Mạnh, rồi nói thầm câu gì đó mà chắc chỉ có Mạnh nghe thấy.

Nơi mẹ con Nhu và mọi người đến là trạm y tế xã. Đây là một trong những công trình nằm trong dự án phòng, chống thiên tai kiên cố tại địa phương nên mọi người rất yên tâm. Mẹ con Nhu được bố trí nghỉ trên một chiếc giường phía trong cùng, không sát cửa sổ, tránh gió lùa và những âm thanh khi bão giật mạnh làm cu Ken giật mình. Những người phụ nữ đến trước ùa ra cửa đón mẹ con Nhu. Người đỡ giỏ xách, người đỡ phích nước… Cứ thế, Nhu thấy như mình vừa đi đâu xa về được người thân đón vào nhà. Ấm áp, xúc động… Nhu ôm con vào lòng rồi bật khóc nức nở. Bà Bảy đón cu Ken từ tay Nhu, đặt thằng bé nằm xuống chiếc giường đã được các cô, các bác trải sẵn chăn ấm. Vài đứa trẻ khác cũng ùa đến bên giường, nhìn cu Ken đang chóp chép miệng bé xíu đòi sữa. Chúng sờ tay, nắn chân thằng bé. Có đứa còn mang đến cả chùm bóng bay đủ màu sắc, bảo là treo đầu giường cho em Ken ngắm chơi…

Chưa tới nửa đêm đã nghe tiếng gió rú lên từng hồi, cây cối rung chuyển. Những tiếng ầm ầm to và rõ dần. Mọi người bảo nhau: “Bão đến rồi đấy. Bắt đầu đến rồi. Lạy trời cho bão qua nhanh.”. Trăm ngàn nỗi lo ngổn ngang trong lòng. Rồi nhà cửa, đồ đạc, trâu bò, lợn gà… biết có còn không đến khi trở về… Tự trấn an nhau, mọi người chỉ biết kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn, vui trong cơn bão lũ vừa qua. 

Bà Bảy pha trò trước: “Cơn lũ qua đi mới thấy trâu, bò cũng có vị trí ra gì phết các bác ạ! Hôm vừa rồi nhà ông Chỉnh bị ngập. Còn mỗi cái phản gỗ kê cao là chỗ khô ráo nhất. Ấy thế mà cả nhà đành dầm mình dưới nước, vui lòng nhường chỗ cao ráo ấy cho… con trâu.”.  Nghe xong, bà Bản tiếp lời: “Nghịch lý nhưng mà có lý. Chứ như bà con mình để mất đầu cơ nghiệp thì coi như mất cả gia tài.”... Rồi những câu chuyện cứ thế lần lượt được kể. Chuyện có gia đình phải treo quan tài người thân sát nóc nhà, chờ mưa ngớt, dỡ ngói để đưa ra ngoài; chuyện nhiều gia đình phải bám trụ trên mái nhà chờ đội cứu hộ đi qua… Chao ôi, xứ gì mà thiên nhiên khắc nghiệt. Lũ chưa qua, bão chồng đến, nhìn đâu cũng thấy xác xơ. 

Nhu dậy pha sữa cho cu Ken, lòng chợt nhớ con vằn. Không biết con vằn sang nhà hàng xóm có ngoan không. Bão to gió lớn thế này có làm nó sợ không…  Chợt có tiếng “ầm” bên ngoài, mọi người nháo nhác làm cu Ken giật mình, khóc thét lên. Nhu bế con ấp vào lòng, thằng bé vẫn không nín. Xót ruột, bà Bảy đón cu Ken, vừa vỗ về, vừa đi vòng quanh… Gió bão vẫn hú mạnh ngoài hiên. Những âm thanh của sự đổ vỡ chưa dừng lại. Tiếng “ầm” ban nãy phát ra từ ngôi nhà cấp bốn đối diện trạm y tế xã vừa bị bão hất tung, đổ oạch. Cu Ken vẫn khóc ngặt nghẽo trên tay bà Bảy. Nhu vội lục tìm trong túi hành lý chiếc áo màu xanh của Mạnh. Bà Bảy đặt cu Ken nằm xuống giường, Nhu cầm chiếc áo của chồng đắp lên người con. Một lát sau, cu Ken thôi khóc, ngậm chặt cái núm bình sữa vừa mới pha. Có đứa bé giường bên chạy sang, vỗ vỗ cánh tay Ken, hát khe khẽ: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta đều thương yêu nhau…”. Nhu nhìn con, thấy thân quen quá, nét môi, mày, sống mũi cao cao mà ai cũng bảo Ken rất giống bố Mạnh. 

“Bà bảo rồi, hai mẹ con đi đâu thì thằng Mạnh nó khắc đi cùng đến đấy. Vợ con nó ở đây thì nó xa thế nào được. Cháu yêu của bà chắc nhớ bố nên quấy mẹ Nhu đây mà. Áo ấm hơi bố đây rồi, cháu yêu của bà ngủ ngon nhé. Mai này lớn lên phải mạnh mẽ, kiên cường như cái tên Đỗ Hùng Cường mà bố Mạnh đã đặt cho đấy nhé. Phải là chỗ dựa cho mẹ Nhu nữa…”. - Bà Bảy xoa đầu Ken, giọng nghèn nghẹn. Cả căn phòng ai cũng nghèn nghẹn…

Ngoài kia, giông gió đang qua…

H.C

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc