VNVP: Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác giả của 12 tập thơ, 2 tập ký và 1 trường ca.
Với những nỗ lực không ngừng trong lao động sáng tạo nghệ thuật, phục vụ cuộc sống, góp phần hướng bạn đọc tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung đã được trao tặng 15 giảithưởng sáng tác văn học từ nhiều cuộc thi khác nhau.
Quý III năm 2023, trường ca “Theo dấu chân của làng” của ông đã được Nxb. Hội Nhà văn ấn hành, có độ dày 120 trang, gồm năm chương: chương I. Ngày trở về; chương II. Làng, cánh đồng và mẹ; chương III. Những dấu chân của làng; chương IV. Hồn làng; chương V. Tự khúc.
Trong trường ca, “làng” là hình tượng trung tâm mang nhiều nét đẹp văn hoá từ truyền thống tới hiện đại. Từ tâm thức “làng”, tác giả đã mở rộng biên độ, phản ánh những vấn đề lớn lao của quê hương, đất nước ở nhiều thời kỳ khác nhau.
Với bố cục chặt chẽ, mạch thơ logic, ngôn ngữ giàu tính nghệ thuật… trường ca “Theo dấu chân của làng” đã trở thành một “điểm nhấn” trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung.
Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc một trích đoạn trong trường ca này:
Lối xưa
(Trích chương IV, trường ca “Hồn làng”)
Xa quê quá nửa đời người
Nay về cầm lấy những lời đắng cay
Sông quê, con nước vơi đầy
Nhà xưa lối cũ đổi thay ít nhiều
Đầu làng đâu bác làm diều?
Tuổi thơ ta được thả chiều vào mây
Cuối làng đâu ông phó may?
Đường kim mũi chỉ còn đây nghĩa tình
Bờ sông lò thổi thủy tinh
Bao nhiêu mảnh vỡ lại lành đời hoa
Lối xưa bác thợ làm nhà
Vung chàng, nét nụ, nét hoa cho người
Hạt sương biết gom đất trời
Con đường biết hát những lời của cây
Tôi về mượn hạt cỏ may
Khâu mưa vá nắng cho đầy sớm trưa
Về làng gặp lại nét xưa
Mái đình, cổ thụ, mái chùa rêu phong
Hỏi cô tát nước gàu sòng
Gàu dây ai tát bên đồng ruộng sâu?
Về làng chẳng thấy làng đâu
Nhà tầng, nhà ống đua nhau mở hàng
Bờ tre, dậu cúc tơ vàng
Cối xay, cối giã ai mang đâu rồi?
Cây rơm, cây rạ một thời
Chiều chiều ngọn khói xóm đồi lang thang
Cái cào lại nhớ cái chang
Bờ vai vẫn nhớ đôi quang sớm chiều
Vó tôm phơi trắng xóm nghèo
Cái đơm, cái đó buồn treo đầu nhà
Điếu cày, điếu bát nhớ cha
Cơi trầu nhớ mẹ ai mà thấu cho
Bình vôi hoá đá bơ vơ
Ba ông Táo bếp bây giờ nơi đâu?
Tay khơi sợi bấc đêm thâu
Thương Cha nhớ Mẹ dãi dầu nắng mưa
Tôi về lối cũ làng xưa
Bước qua ngưỡng cửa như vừa lớn lên.
N.N.T