Nguyễn Học và những bức vẽ giàu chất thơ
Ngày đăng: 06/05/2022; 686

Vĩnh Nguyên

Lâu nay, ở Vĩnh Phúc, khi nói về tranh phong cảnh, giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ  thuật hội họa thường nhắc đến họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Học - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc.

Xóm núi (Tranh của Nguyễn Học)

Nguyễn Học sinh năm 1945, tại xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuổi hai mươi, theo tiếng gọi củaTổ quốc, Nguyễn Học vào công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Phước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nướccủa dân tộc ta thắng lợi, Nguyễn Học trở thành sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1977, ông ra Bắc, tiếp tục theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Năm 1980, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khoa Tranh lụa, Nguyễn Học về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú. 5 năm sau, ông được điều chuyển về làm công tác giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phú (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc sau này). Với năng khiếu và niềm đam mê hội họa, với kiến thức chuyên môn bài bản cùng vốn sống phong phú của một con người đã đi qua chiến tranh, từng có lúc đối diện cái chết… Nguyễn Học từng bước trở thành một họa sĩ hình họa vững vàng, một nhà giáo giàu tâm huyết, được đồng nghiệp, học sinh yêu mến.

Luôn cho mình là người may mắn, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, được sống, được trở về sau chiến tranh, được gắn bó với công việc cũng là niềm đam mê, được đi đến nhiều vùng đất tươi đẹp của đất nước, Nguyễn Học luôn nỗ lực vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn vừa say mê sáng tác.

Ngược dòng thời gian, trở lại những năm 80, 90 của thế kỷ XX, cuộc sống của cả đất nước, của gia đình Nguyễn Học khi ấy rất kham khổ, thiếu thốn. Vậy nhưng, với Nguyễn Học, những gian khó ấy lại cũng chính là “chất xúc tác” đặc biệt thúc đẩy ông trong sáng tạo nghệ thuật.

Mỗi lần được đến với một vùng đất, hay khi chiêm ngưỡng, chứng kiến những sự kiện vẻ vang của dân tộc, những đổi thay, lớn mạnh của quê hương, đất nước… choán ngợp tâm hồn Nguyễn Học là những cảm xúc khiến ông không thể không dựng giá, căng toan. Chia sẻ với bạn hữu, ông bảo, ông vẽ để lưu giữ lại cảm xúc, hình ảnh cuộc sống, vẻ đẹp đất nước. Có bức vẽ nhanh chóng được hoàn thiện, có bức mới là phác thảo… nhưng tất cả, đều khiến người xem, khi nhìn vào đó, sẽ thấy được hình ảnh đất nước tươi đẹp, những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua những sáng tác của Nguyễn Học, người xem nhận ra bước chân của ông từng ghi dấu trên nhiều vùng, miền đất nước, từ Mèo Vạc (Hà Giang) tới Cà Mau đất Mũi. Ông thường nói vui: Tôi vẽ tranh để lưu giữ lại vẻ đẹp kỳ diệu của đất nước,quê hương, và qua đó, ghi lại nhật ký đời mình.

Chiếm phần lớn cảm xúc và sáng tác của Nguyễn Học là hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam tươi đẹp. Có thể thấy rõ những tên đất tên làng luôn lấp lánh trong tranh Nguyễn Học. Từ một “Góc chiều trung du” Vĩnh Phúc trầm
mặc đến khung cảnh núi rừng Lạng Sơn hùng vĩ. Từ “Làng Hương Canh” cổ xưa rêu phủ, tới “Cánh đồng chiêm trũng Thanh Ba”; rồi “Trên một dòng sông” hay cạnh một “Ao làng”; nơi “Ngã tư Đào Giã” hay bên một “Đồi cọ Tử Du”,
rồi một cánh “Đồng làng Láp”… Đặc biệt, dù vẽ về một thiên nhiên rộng lớn, kỳ vĩ hay chỉ mô tả một bối cảnh giới hạn, quen thuộc, thì hình ảnh con người luôn được Nguyễn Học nâng niu, yêu thương, thể hiện qua sự chau chuốt kỹ lưỡng, giàu cảm xúc trong từng nét cọ. Nhờ vậy, con người trong tranh Nguyễn Học luôn xuất hiện với hình thể đẹp, khỏe khoắn, với tư thế tự chủ, vững vàng. Đó là những người nông dân chất phác đang hối hả với quang gánh đòn tre xe ba gác, với mùa vụ cày bừa cấy gặt… Đó là những người công nhân cần cù, miệt mài trong xưởng máy, trên công trường; là những em nhỏ hồn nhiên cắp sách tới trường, là người lính trên thao trường hay trên đường tuần tra biên giới…

Ngay trong những bức vẽ phong cảnh, dù Nguyễn Học không trực tiếp mô tả sự có mặt của con người, thì người xem vẫn nhận thấy bóng dáng con người, cuộc sống của con người thông qua những chi tiết nhỏ mà “đắt” như một
lá cờ đỏ thắm đang tung bay, đàn vịt kiếm mồi, cửa ngôi nhà rộng mở, cánh buồm căng gió… Ngắm tranh Nguyễn Học, có người nhận xét: nếu nhà văn kể chuyện cuộc đời bằng ngòi bút, thì Nguyễn Học kể chuyện đất nước, quê hương, Nhân dân mình bằng những nét cọ. Tranh Nguyễn Học, nhờ thế, vừa hiện thực vừa bay bổng, vừa sinh động vẻ đời thường vừa lãng mạn, giàu chất thơ.

Mỗi bức tranh phong cảnh của Nguyễn Học còn là một “cứ liệu” đặc biệt, góp phần lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của làng Việt. Một cái cầu ao, một bến nước, con đò, cây rơm vàng ruộm nắng với bầy gà lích rích kiếm ăn, đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, cánh diều no gió chao nghiêng… đều được Nguyễn Học lưu lại. Ông từng chia sẻ, rằng ông muốn vẽ được nhiều nhất, lưu giữ được nhiều nhất có thể, những vẻ đẹp thuần Việt ấy, mong trao lại cho mai sau chút gì để nhớ, để thương. Nhất là khi, cuộc sống thời “mở cửa”, “hội nhập” với không ít hệ lụy hôm nay đang khiến những vẻ đẹp thuần phác kia bị phai phôi, biến mất.

Được đi đến nhiều vùng quê trên dọc dài đất nước, nhưng, nơi Nguyễn Học gắn bó máu thịt nhất vẫn là chốn chôn nhau cắt rốn. Phải thế chăng mà ông luôn dành cho cọ - loài cây bản địa đặc trưng của vùng trung du - những cảm xúc riêng, qua rất nhiều bức vẽ phong cảnh. Ở đó, hình ảnh cây cọ luôn được ông trìu mến chăm chút, mô tả trong các bức vẽ như một chủ thể - đại diện cho hình ảnh bình dị, chất phác mà có sức sống bền bỉ, kiên cường của con người trung du. Với một sê-ri những bức vẽ đậm chất thơ, cây cọ được Nguyễn Học khắc họa với nhiều góc độ, trong những khoảng thời gian, không gian khác nhau, như “Chiều trung du”, “Đồi cọ Tử Du”, “Chặt cọ”, “Rừng xanh yên tĩnh”…

Giờ đây, khi những rừng cọ, đồi chè - vẻ đẹp đặc trưng của trung du - đang bị xâm lấn, thay thế, biến mất bởi tốc độ phi mã của đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thì may sao, còn có tranh Nguyễn Học. Chiêm ngưỡng những bức vẽ phong cảnh đồng quê, làng mạc đằm chất thơ của ông, con người dường như vơi bớt nỗi chênh chao, tiếc xót, khi một ngày kia, về quê mà chẳng còn làng, về quê mà bỗng như là khách lạ.

Trong các sáng tác thành công của Nguyễn Học, phải kể đến những tác phẩm vẽ về cuộc sống lao động, về công cuộc chiến đấu và dựng xây của Nhân dân ta. Đây là mảng đề tài mà không ít người cho rằng khó thể hiện, “nặng tính chính trị”, khó vẽ, khó thành công mà lại dễ tạo áp lực cho người sáng tác. Vậy nhưng, với loạt tranh về đề tài công nghiệp, nông nghiệp (trong phân xưởng, trên công trường, nơi đồng ruộng), rồi hàng loạt bức vẽ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đầy hy sinh, gian khổ vào những năm 1978 - 1980, Nguyễn Học đã chứng minh điều ngược lại. Bằng tài năng và cảm nhận sâu sắc, với bút pháp tả thực thăng hoa cùng cảm xúc sáng tạo được “tiếp lửa” từ hình ảnh cuộc chiến đấu đầy cam go, hy sinh, gian khổ của đồng bào, chiến sĩ ta để bảo vệ vẹn nguyên cõi bờ đất nước, Nguyễn Học đã vẽ “tranh chính trị” thành công. Tả thực mà không bị sa vào tự nhiên chủ nghĩa, tả thực nhưng có sự chọn lọc tinh tế, tranh Nguyễn Học đã vượt lên điều mà người sáng tác thường lo sợ nếu không cẩn thận sẽ mắc phải, đó là chủ nghĩa tự nhiên thuần túy, thô vụng, để trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Đã bước vào tuổi 73, với hơn 40 năm cầm cọ, Nguyễn Học đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm hội họa bằng nhiều chất liệu: acrylic, mực nho, bút dạ, lụa, khắc gỗ, sơn dầu, bột thủy tinh, bột gồm sành, sứ… Trong đó, với chất liệu bột màu, ông có số lượng tác phẩm lớn nhất và cũng đạt tới thành công hơn cả. Trong các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực, toàn quốc, nhiều tác phẩm của Nguyễn Học đã được trưng bày, trao giải. Những thành quả ấy, được ông xem là động lực, để tiếp tục hành trình sáng tạo.

Đổi mới, cách tân, tìm kiếm, thể nghiệm… để có được những tác phẩm
đích thực là điều mà Nguyễn Học chưa khi nào ngừng trăn trở. Tin rằng, hiện thực đời sống phong phú, lớn lao hôm nay sẽ luôn là là “chất xúc tác” đặc biệt, giúp ông tiếp tục thành công.

V.N

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc