Thanh Vĩnh
Nằm ở trung tâm thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có một ngôi làng cổ, là nơi tụ cư lâu đời của bao thế hệ người Việt. Đó là làng Vĩnh Đông.
Trải nhiều thời đại, làng Vĩnh Đông, vốn xưa là xã Vĩnh Mỗ - lỵ sở của phủ Yên Lạc dưới thời Minh Mạng năm thứ 13 - nay thuộc thị trấn huyện lỵ huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Nhắc đến tên làng Vĩnh Đông (Yên Lạc) là nhắc đến sông Loan núi Biện, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, chùa cổ Biện Sơn; là nhắc đến Quảng Trí Quân Nguyễn Khắc Khoan (thế kỷ X); Tham nghị Phùng Khoa Hân, Đông các Đại học sĩ Phùng Bá Kỳ (thế kỷ XVIII), danh tướng Phùng Dong Oánh... Đó là những con người mà tên tuổi và sự nghiệp đã được khắc ghi nơi bảng vàng bia đá, lưu sâu cùng thời gian và lòng người.
Bài viết dưới đây, xin được kể về Danh tướng Phùng Dong Oánh - một tấm gương trung nghĩa tiết liệt.
Theo Gia phả họ Phùng ở Vĩnh Mỗ, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, và sách Danh nhân Vĩnh Phúc thì Phùng Dong Oánh (1716 - 1748) tên chữ là Trung Cảnh, tên hiệu là Nhã Trực. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Mỗ (nay là làng Vĩnh Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 13. Phùng Dong Oánh là di duệ của Văn Thụy hầu Phùng Văn Minh (làng Ốc Trù, Hội Hạ, nay là xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), đều thuộc đại gia tộc họ Phùng Việt Nam.
Phùng Dong Oánh là con thứ 8 của quan Tham nghị Phùng Khoa Hân và bà Lê Thị Thiệu, là em trai Tiến sĩ, Đông các đại học sĩ Phùng Bá Kỳ (1695 - 1751),
Phùng Dong Oánh sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt. Cha ông - quan Tham nghị Phùng Khoa Hân không chỉ là đại thần mẫu mực mà còn là một bậc túc nho uyên thâm. Phùng Khoa Hân tự dạy dỗ 12 người con đỗ đạt nên người. Trong đó, người con trai trưởng của ông là Phùng Bá Kỳ mới 17 tuổi đã thi đỗ Giải nguyên (khoa Canh Dần), tới 21 tuổi đỗ tiến sĩ đứng đầu hàng đệ tam giáp khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (1715), làm quan tới Đông các đại học sĩ. Về sự kiện vẻ vang hiếm có này, từng có thơ viết:
Quan Tham nghị Khoa Hân lỗi lạc
Giỏi tề gia trị quốc an dân…
Mười hai con mười hai gương sáng
Đều hiển vinh làm rạng gia phong…
Phùng Bá Kỳ thông minh đôn hậu
Mười bảy xuân đã đỗ thủ khoa
Thần đồng nổi tiếng tài ba
Đậu liền Tiến sĩ giữa khoa Ất Mùi…
Cha dạy con chiếm ngôi bảng hổ
Được vua ban áo mũ uy nghi
Võng đào lọng tía xiêm y
Cha con cùng được vinh quy lẫy lừng.
Thế nên, trải nhiều đời, tộc phả họ Phùng vẫn luôn truyền lưu những trang vẻ vang, ghi rõ: Họ Phùng vốn dòng lệnh tộc, thế phiệt trâm anh. Ba trăm lẻ hiển quan, quyền quý, bảy tám đời nối tiếp khoa danh. Văn kinh luân: có tiến sĩ, giải nguyên. Võ thao lược: quận công, đô úy…
Theo phả tộc, Phùng Dong Oánh sinh ra và lớn lên vào giữa thời kỳ Trịnh -Nguyễn phân tranh. Ở Đàng Ngoài vua Lê chỉ là hư vị, chúa Trịnh mới là người nắm thực quyền. Bởi vậy, Nhân dân vô cùng khổ cực. Khắp nơi, nông dân nổi dậy chống lại triều đình. Thế nước không yên, đã nảy sinh nhiều nhóm lục lâm, thảo tặc. Chúng ngụy danh quân nghĩa gây cảnh cướp của giết người. Dân chúng đã khổ sở lại càng thêm điêu đứng. Dân xã Vĩnh Mỗ cũng chịu chung thảm cảnh này.
Ngoài việc thường xuyên bị bọn giặc cướp (người Vĩnh Mỗ vẫn gọi là giặc Ngũ) kéo đến điên cuồng cướp phá, giết hại; thì khi ấy, ở núi Thanh Lanh - vùng Tam Đảo có thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương (1690 - 1751)* nổi lên chống lại triều đình, cát cứ cả một vùng rộng lớn, gồm: Bình Tuyền (Bình Xuyên ngày nay), Yên Lạc, Tam Dương, (Bạch Hạc) Vĩnh Tường, Lập Thạch (nay đều thuộc tỉnh Vĩnh Phúc)… Nguyễn Danh Phương đã dẫn quân về đánh chiếm lỵ sở Yên Lạc khi đó đóng tại xã Vĩnh Mỗ. Cảnh đao binh lửa cháy người chết khiến dân tình nơi đây càng thêm khổ sở, ly loạn.
Cũng khi đó (khoảng năm 1740), Phùng Dong Oánh là quan võ đời vua Lê Hiển Tông đương nhậm chức Tri huyện Bạch Hạc. Nghe tin quê nhà bị giặc cướp hoành hành, ông rất đau lòng. Ông dâng biểu lên triều đình xin về quê đánh giặc cứu dân lành. Tộc phả họ Phùng ở Vĩnh Mỗ (Minh Tân) kể lại: Với cương vị là Đồn trưởng đồn Vĩnh Mỗ, Phùng Dong Oánh đã lặn lội hết mình, đêm ngày xây dựng đồn lũy, thao luyện quân binh cùng Nhân dân đồng cam cộng khổ quyết tâm đánh giặc giữ làng.
Vừa truy đuổi giặc cướp; Phùng Dong Oánh vừa chỉ huy quân binh chiến đấu với quân của Nguyễn Danh Phương. Nguyễn Danh Phương là một thủ lĩnh có tài cầm quân, gặp Phùng Dong Oánh là một viên tướng trẻ tuổi mà rất kiên cường, lại có lòng trung thành tuyệt đối với triều đình Lê - Trịnh. Theo đó, cuộc chiến đấu kéo dài ròng rã nhiều năm trời. Nhiều lần, Phùng Dong Oánh chỉ huy quân binh đánh trả mãnh liệt, khiến đối phương bị thua đau mà phải rút lui. Nhân dân càng thêm tin tưởng, yêu mến, khâm phục tài đức của vị tướng trẻ. Công trạng của Phùng Dong Oánh được triều đình đương thời ghi nhận. Ông được thăng bậc chỉ huy từ Trung úy lên Chánh võ Đô hiệu úy.
Tháng 5 (Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9, 1748), Nguyễn Danh Phương lại dẫn quân tiến công đồn Vĩnh Mỗ. Phùng Dong Oánh tiếp tục chỉ huy quân dân Vĩnh Mỗ chiến đấu kiên cường, lập nhiều công lao.
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Nguyễn Danh Phương đem toàn bộ lực lượng vây bức, quyết triệt hạ. Đồn Vĩnh Mỗ bị cô lập, không nhận được tiếp ứng, lực lượng dần suy yếu. Không nao núng, Tướng Phùng Dong Oánh vẫn chỉ huy binh sĩ tả xung hữu đột, chiến đấu ngoan cường.
Đêm 24/5/1748 (năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9), Nguyễn Danh Phương dùng mưu hiểm, bất ngờ tập kích. Trước sức công phá dữ dội của đối phương, đồn Vĩnh Mỗ đã bị vỡ.
Phùng Dong Oánh khi ấy bị trúng hơn mười vết thương, máu nhuộm đỏ áo trận. Không chịu nhục, ông đã chọn cho mình một cái chết vô cùng bi tráng. Ông vát nhọn ngọn tre ngà, trèo lên cao, nhìn ngắm quê hương lần cuối rồi buông mình tự tận. Hôm đó, là ngày 25 tháng 5 năm Mậu Thìn, Cảnh Hưng năm thứ 9, 1748. Phùng Dong Oánh hy sinh khi đang ở tuổi 33 tràn đầy dũng khí.
Sau khi Phùng Dong Oánh hy sinh, gần 900 người gồm các tùy tùng, binh sĩ thân thuộc đã theo ông chiến đấu cùng những người dân phu phục vụ đồn binh cũng đều bị giết hại thảm khốc. Nỗi oán hận không sao kể hết. Xót thương người trung nghĩa vô song, dân hai xã Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ đã lập đền thờ, cung kính khói nhang tưởng nhớ. Từ đó về sau, ngày 25 tháng 5 hằng năm được người dân nơi đây lấy làm ngày giỗ trận.
Tận mãi về sau, trận đánh đồn Vĩnh Mỗ vẫn còn vang danh.
Cảm kích bậc trung thần nghĩa kiệt, triều đình đương thời ngay sau đó, đã ban tặng Phùng Dong Oánh 4 chữ: “Trung nghĩa khả gia” (sự trung nghĩa vô cùng quý báu, đáng khen thưởng); truy thăng vượt 3 bậc cho ông từ Tổng binh đồng tri lên Đô chỉ huy sứ. Rồi lại thăng tới chức Khinh xa úy, trung ban.
Vào tháng 10 năm 1748, Phùng Dong Oánh được nhà vua truy phong là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân - Đô chỉ huy sứ Oánh Quận công - xếp bậc Thượng trụ quốc, thượng trật; cho ghi tên Phùng Dong Oánh vào “sổ Trung nghĩa” để thỏa tiếng thơm muôn đời. Triều đình còn cấp 20 mẫu ruộng ở 3 xã Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ (Thị trấn Yên Lạc ngày nay), và xã Đan Dương Thượng, huyện Bạch Hạc (nay thuộc huyện Vĩnh Tường) làm ruộng tế tự, cấp cho 20 hộ dân xã Vĩnh Mỗ lập “Trung nghĩa đường” làm nơi khói hương, đời đời thờ phụng Phùng Dong Oánh.
Những người thân thuộc của Phùng Tướng quân có lòng trung nghĩa chiến đấu quên mình, tùy theo công trạng, đều được triều đình truy tặng tước vị và thăng chức vượt bậc. Những người dân trong hai xã Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ từng có công kiếm củi, cắt cỏ, phục vụ chiến đấu đều được triều đình xá tô trong 5 năm.
Lòng quả cảm, trung nghĩa, cái chết lẫm liệt của Phùng Dong Oánh khiến đất trời, lòng người rúng động, Chỉ trong năm 1748, Nhà Lê đã liên tiếp ban ba đạo sắc phong lần lượt vào ngày 10 tháng 6, ngày 13 tháng 10 và ngày 17 tháng 10, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9 (1748) để tuyên dương công trạng và tỏ lòng ai điếu ông - một tướng quân nghĩa kiệt. Trong đó, đạo sắc phong ngày 17/10/1748, ghi rõ (tạm dịch):
Sắc phong cho Quang võ Nghị Tướng quân Tổng binh xứ từ Oánh Trung hầu khinh xa úy, trung ban là Phùng Dong Oánh: Vì đánh giặc tại đồn Vĩnh Mỗ tuẫn tiết hy sinh thực tiếc thương đau xót. Qua các sắc chỉ trước đã chuẩn ưng tăng chức Đô chỉ huy sứ tước Quận công, nay đặc cách phong: Phụ quốc thượng tướng quân Đô chỉ huy sứ Oánh quận công, xếp bậc Thương trụ quốc, thượng trật.
Ngợi ca tấm gương trung nghĩa Phùng Dong Oánh, tộc phả họ Phùng dành những trang viết trang trọng bày tỏ lòng kính phục, biết ơn, tự hào sâu sắc, đại ý: Phùng Dong Oánh, xuất thân là một thanh niên trí thức trọng đạo thánh hiền. 20 tuổi giữ chức huyện thừa huyện Sơn Minh. 23 tuổi thăng chức Tri huyện Bạch Hạc. Nếu ông chỉ lo vinh thân phì gia, say mê quyền lực thì bước đường sự nghiệp công danh hẳn cũng dễ bề thênh thang hiển đạt. Nhưng, đau cùng nỗi đau khổ của nhân dân thường bị giặc cướp phá, ông đã giã từ quyền quý, trở về quê hương lo toan việc an dân kháng địch. 12 năm cống hiến, với 4 năm là quan văn, 8 năm là võ tướng, tận trung tận nghĩa với dân với nước, Phùng Dong Oánh luôn được Nhân dân yêu kính, triều đình khâm phục ngợi khen. Sử sách, những mỹ tự còn lưu giữ nơi Trung nghĩa đường làng Vĩnh Đông, thị trấn Yên Lạc ngày nay mãi tỏa tiếng thơm về bậc tiền nhân trung dũng. Đặc biệt, đôi câu đối thờ tại Trung Nghĩa đường:
Quận Công tráng khí cao Trung Nghĩa
Thượng tướng phong hầu (oai hùng?) diệu tiết linh…
đã tổng quát đầy đủ và tài tình về thân thế, sự nghiệp Phùng Dong Oánh
Gương trung nghĩa tiết liệt của danh tướng Phùng Dong Oánh mãi lưu truyền hậu thế, làm rạng danh dòng họ Phùng Vĩnh Phúc, dòng họ Phùng Việt Nam. Noi gương bậc tiền nhân anh kiệt, soi chung bảng vàng Trung Hiếu, bia đá Nhân Luân mà các bậc tiên tổ dòng họ Phùng ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn để lại, các thế hệ con cháu họ Phùng ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) luôn nhắc nhở nhau phát huy truyền thống, giữ gìn đạo lý, nỗ lực lao động, học tập, đóng góp cho quê hương đất nước những thành quả xứng đáng.
Trước khi kết lại câu chuyện về danh tướng Phùng Dong Oánh hôm nay, xin được mượn những câu thơ dưới đây để làm lời kết cho bài viết này, thêm một lần nữa tỏ lòng ngưỡng mộ bậc tiền nhân trung nghĩa:
Trầm hùng bài chính khí ca
Hào quang nghĩa kiệt xuyên qua bao đời
Sống anh dũng tuyệt vời trí dũng
Chết oai linh, chết cũng vì dân
Giã từ quyền quý hiến thân
Hy sinh vì nước, vì dân, vì đời
Gương tiết liệt bừng soi kim cổ
Đạo hiếu trung sáng tỏ nhân luân…
T.V
* Về năm sinh của Nguyễn Danh Phương, một số tài liệu cho biết là chưa xác định được.