HẢI ĐƯỜNG
Sinh năm 1984, tại xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc năm 2007, hai năm sau, Nguyễn Duy Mạnh (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc) về dạy học tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô cùng tỉnh. Năm tháng ruổi mau, chàng giáo sinh trẻ có dáng người mảnh khảnh, đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị nay đã có “thâm niên” nghề giáo trên 10 năm. Nơi anh công tác (một xã miền núi của Vĩnh Phúc, giáp tỉnh Tuyên Quang) cách nhà gần 60km. Đường sá đã chẳng gần lại gập ghềnh, thời tiết lắm khi giở thói thất thường khiến thầy giáo trẻ nhiều phen vất vả. Để trụ lại với nghề, Nguyễn Duy Mạnh phải lưu trú trong căn phòng tập thể 12m2 tại trường. Nói về anh, đồng nghiệp nhận xét: Mạnh luôn dành sự chỉn chu, cẩn trọng cho nghề dạy học và sự đam mê đặc biệt cho hội họa. Thế nên, mới tuổi đôi mươi, Mạnh đã có tác phẩm được chọn tham dự triển lãm. Từ 2006 đến nay, không chỉ liên tục tham dự hàng chục các triển lãm nhóm, các workshop… với bạn bè, đồng nghiệp, Nguyễn Duy Mạnh còn tổ chức thành công triển lãm cá nhân mang tên “Không gian bên trong”. Đồng thời, giành được nhiều giải thưởng rất đáng trân trọng: giải Khuyến khích cho tác phẩm “Chấn thương số 4” (sơn dầu, Festival Mỹ thuật trẻ, 2011); giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Festival Mỹ thuật trẻ, 2014 cho tác phẩm “Ký ức không nguyên vẹn” (nông cụ, sợi), giải Nhì, Festival Mỹ thuật trẻ, 2017 với tác phẩm “Đêm” (điêu khắc sợi, gỗ)…
Khi đang 20, Mạnh vẽ. Các sáng tác tuổi 20 của Mạnh được anh tạo nên từ bột màu, sơn dầu… trên toan, trên giấy.
Nguyễn Duy Mạnh và triển lãm "Không gian bên trong"
Tiếp đó, Mạnh dồn tâm huyết sáng tác bằng nghệ thuật sắp đặt, với những vật liệu mà không ai nghĩ rằng chúng có thể trở thành chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật, như cái cày gãy mũi, cái liềm hết chấu, cái bồ cào mất răng, chiếc khóa hỏng, cái ghế gãy chân, đám len sợi phế phẩm, những mảnh vỡ của bát, đĩa, gốm sứ, kim, chỉ, bóng điện, khung gỗ… Đó là những vật dụng quen thuộc của người Việt. Chúng đã cũ, hỏng. Nhiều thứ đã bị vứt bỏ. Nguyễn Duy Mạnh gom nhặt về, “thổi” vào chúng những tư duy sáng tạo, khiến chúng hồi sinh, có “hồn vía”, trở thành những tác phẩm nghệ thuật, được giới chuyên môn và công chúng thích thú đón nhận.
Bằng sáng tác của mình, Mạnh dẫn người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng trước những ngợi khen, anh chỉ nhỏ nhẹ mà rằng: Mình/em/cháu đang thử nghiệm. Nói về lý do tập trung các sáng tác mới theo nghệ thuật điêu khắc, sắp đặt. Nguyễn Duy Mạnh chia sẻ: Anh muốn thay đổi, làm mới mình. Và rằng: Hội họa có những ưu điểm riêng, nhưng sự “khuôn phép” của nó có lúc không đủ cho anh bày tỏ, diễn tả những cảm xúc bùng nổ như một sự giải phóng trong ý tưởng sáng tác. Vì thế anh chọn nghệ thuật sắp đặt để có thể hiển lộ đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn tâm ý của mình trong tác phẩm.
Luôn khao khát tạo ra những tác phẩm có giá trị, thế nên, ngoài giờ soạn bài, lên lớp; thời gian còn lại, hầu như Nguyễn Duy Mạnh dành trọn cho nghệ thuật. Tận tuổi 34, anh mới lập gia đình riêng. Cuộc sống của một nhà giáo - nghệ sĩ, dù không nói, hẳn ai cũng có thể hình dung còn bao thiếu trước hụt sau. Nhưng điều đó dường như không khiến Mạnh băn khoăn. Nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ người bạn đời, Nguyễn Duy Mạnh càng có thêm nhiệt tâm cho sáng tác. Nhiều tác phẩm của anh nối tiếp nhau ra đời là bằng chứng sinh động cho điều này.
Người xem thấy gì khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Nguyễn Duy Mạnh? Đó là những tươi vui ấm áp do chùm tác phẩm mang tên “Những hạt mầm” mang lại. Nhưng dễ thấy hơn cả, đó là nỗi âu lo, ám ảnh của người nghệ sĩ khi chứng kiến những biến đổi, xáo trộn của làng quê trước cơn lốc đô thị hóa. Có thứ được mệnh danh là “cái mới” ập đến, đã khiến điều có giá trị phải đổi thay, thậm chí bị biến mất. Không ít tập tục, lề thói, lối sống, lối ứng xử thuần phác bao đời, làm nên sự thuần khiết tốt đẹp đặc trưng của làng Việt đang bị sự pha tạp, lai căng lấn át. Cái xấu có lúc có khi còn dám hăm he đe dọa điều tốt đẹp. Những cái chết đau đớn do tai ương, tệ nạn gây ra cho con người… Những điều đó đã được Nguyễn Duy Mạnh quan sát, suy ngẫm và đưa vào tác phẩm. Đó là một không gian nghệ thuật với những hình thể thương tật; là các tác phẩm sắp đặt với những vật thể được tạo hình kỳ dị, lại bị bủa vây, trói buộc bởi chằng chịt những đầu dây mối dợ… Thông qua đó, Nguyễn Duy Mạnh muốn gửi tới con người thông điệp: Hãy sống và hành động có trách nhiệm, vì chính con người, cho hiện tại, hơn thế, còn vì mai sau.
Có lần, trả lời câu hỏi của một người bạn rằng cậu thường quan tâm đến điều gì. Mạnh nói ngay: Mình quan tâm đến con người! Lần khác, có người hỏi: Khi sáng tạo nghệ thuật, anh muốn tìm kiếm cái gì? Mạnh đáp: Tôi kiếm tìm không gian trú ngụ cho linh hồn. Cuộc sống hôm nay có thêm nhiều điều tốt đẹp, mới mẻ; nhưng cuộc sống hôm nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ to lớn, chưa có tiền lệ. Báo động đỏ về sự xuống cấp đạo đức con người, sự chai cằn của tâm hồn con người cùng những nguy cơ ghê gớm khác (thiên tai, nhân tai…) đang được gióng lên, khẩn thiết, khiến tất cả những ai quan tâm tới cuộc sống và tương lai loài người, đều không thể không lo âu, trăn trở. Bằng nhạy cảm tinh tế của trái tim nghệ sĩ, bằng tài năng và trách nhiệm công dân, Nguyễn Duy Mạnh - thông qua tác phẩm - đang nỗ lực gửi đến cộng đồng những thông điệp mang tính phê phán, cảnh báo. Công chúng yêu nghệ thuật nhận thấy điều đó, khi đứng trước sê-ri tác phẩm: “Phân hủy” (sợi màu & nông cụ, 2014), “Sự tuẫn tiết của ngôn từ” (sơn dầu trên vải, 2017), “Rừng phương Nam” (sơn dầu trên vải, 2017)… và đỉnh cao là triển lãm “Không gian bên trong” (2016).
Một góc triển lãm "Không gian bên trong"
Riêng với “Không gian bên trong”, toàn bộ tác phẩm/ triển lãm được tạo hình bằng cách cuốn, buộc, giăng, treo các sợi vải nhằm tạo nên những hình, khối lớn, nhỏ rất phức tạp, Nguyễn Duy Mạnh mang tới công chúng câu chuyện kể về sự giằng xé nội tâm, khát khao thoát khỏi những tù bức, chật hẹp, để khai phóng cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ. Bước vào triển lãm, người xem dường như “bị” “ngợp”, “bị” hút vào khoảng “không gian” mà tác giả tạo ra! Những cảm nhận tương đồng, và không ít cảm nhận khác nhau cùng ùa tới với người xem khi chiêm ngưỡng tác phẩm của chàng hoạ sĩ trẻ. Lạ về ý tưởng, cách thể hiện, cầu kỳ và phức tạp về bố cục, sắp xếp, trình bày. Lạ mà quen, quen mà bất ngờ là chất liệu sáng tác: đó là hàng ngàn hàng ngàn những đoạn, những mớ sợi mút, sợi len, dạ - là những phế phẩm, đã bị bỏ đi - được Mạnh cần mẫn kiếm tìm, gom về từ phế liệu của làng nghề sản xuất thảm và chổi lau nhà. Sau hơn hai năm miệt mài, âm thầm tư duy, khổ công lao động nghệ thuật, chàng hoạ sĩ trẻ quê Vĩnh Phúc đã sáng tạo ra một tác phẩm độc đáo, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, đó là “Không gian bên trong”. Ngắm nhìn “Không gian bên trong”, người xem thấy được những phức tạp đa sắc thái đa diện mạo, những “khoảng trống” những “ràng buộc” những “góc tối” những “nút sáng”, những “điểm mờ”... của “bên trong” tâm hồn chính mình, tâm hồn con người... Đồng thời, khi đến với “Không gian bên trong”, có người lại như nhìn thấy hình ảnh làng Việt mộc mạc thân thương với những luỹ tre bờ tre thân tre lá tre tay tre... đang xoả bóng, đang vấn vít, đang đan cài với nhau... Những hình ảnh truyền thống thuần hậu và thân thương ấy đang dần mất đi, dần bị thay thế bởi tốc độ phi mã của đô thị hoá, của lối sống nhanh, sống gấp thời công nghiệp! Tiếc nuối, bâng khuâng, lo âu... là cảm nhận của người xem khi vọng tưởng về làng quê của mình qua “Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh. Bằng nghệ thuật sắp đặt, với sự độc đáo về chất liệu (sợi len, vải phế phẩm), “Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh được giới chuyên môn đánh giá là “khá hiện đại, tiếp cận được với những ý tưởng của nghệ thuật phương Tây”.
Chất liệu là điều mà Nguyễn Duy Mạnh luôn tìm tòi, thể nghiệm. Gần đây nhất, Manh tìm về với gốm. Anh đang có những thể nghiệm sáng tạo mới trên chất liệu gốm men. Trong sê-ri (series) tác phẩm mới này, cùng những mảng men, họa tiết, hoa văn truyền thống, là những phá cách, nhấn nhá rất ngẫu hứng mà rất có chủ ý của Mạnh về màu men, về bố cục - những giới hạn với những khoảng sáng - tối, những điểm đứt - gẫy - vỡ, những khối âm - dương...
Với suy nghĩ “Gốm khác gì người”, Nguyễn Duy Mạnh tâm niệm: Bạn thực hành gốm tức là bạn đang trò chuyện với đất và lửa, nếu chúng đồng ý, bạn lắng nghe và làm theo mách bảo. Trong công việc ở đây, sự sáng tạo là của lửa còn tôi - người giúp việc yêu gốm!...
Theo đó, hàng loạt tác phẩm gốm, và sau này là sê-ri “Gốm 2020” của Nguyễn Duy Mạnh ra đời, chứa đựng quan niệm mới của anh về nghệ thuật với con người, nghệ thuật với sứ mệnh cứu rỗi tâm hồn/linh hồn con người, như “Sự xung đột của những chiếc bình” (gốm, 2020); “Phi, minh, túc, thực” (gốm)... Những ngày đầu năm 2021 này, Nguyễn Duy Mạnh và đồng nghiệp đã tổ chức một chuỗi các hoạt động nghệ thuật mà “nhân vật trung tâm” là những tác phẩm gốm, tiêu biểu như Triển lãm “CHÚNG TÔI KỂ CHUYỆN GỐM” (1), là “Work shop GỐM” (2)… tại Hà Nội. Nguyễn Duy Mạnh chia sẻ: Với tôi, gốm cũng như người, chúng có giá trị văn hóa, chúng chứa đựng đời sống tinh thần và tôi không thể phân biệt tôi đang nói tiếng của gốm hay gốm nói tiếng tôi. Tôi tái hiện lại hình dáng, hoa văn trên đồ gốm của người xưa và để lại trên đó dấu vết như chính dấu vết mà tôi cảm nhận về những tổn thương của văn hóa đương thời.
Những năm gần đây, bên cạnh những thách thức, khó khăn, bất ổn, xung đột đã có từ trước đó, nhân loại còn phải căng mình đối mặt với dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống con người. Trong bối cảnh ấy, những nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Duy Mạnh và các nghệ sĩ tạo hình thật đáng trân quý; đã góp phần mang lại cho cuộc sống, cho mùa xuân mới thêm những gam màu tươi sáng, khích lệ con người vượt lên sợ hãi, vượt qua thử thách, hướng tới tương lai.
Mặc dù đã gặt hái không ít thành công, nhưng Nguyễn Duy Mạnh luôn tâm niệm: Con đường sáng tạo nghệ thuật rất dài, rất xa... với không ít những nắng rát, mưa dầm, cũng đủ những hoa thơm và bóng mát. Muốn đến, phải đi! Muốn tới, phải vững bước! Hiểu rõ điều này, nên, ngay khi một tác phẩm mới vừa hoàn thành, Nguyễn Duy Mạnh lại đã trăn trở, tư duy để hướng đến những cái đích mới, cũng là cách mà anh tìm kiếm nơi trú ngụ cho linh hồn con người.
Công chúng luôn yêu mến, đón chờ những thành công mới trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh.
H.Đ
(1) Triển lãm “CHÚNG TÔI KỂ CHUYỆN GỐM”, khai mạc ngày 12/1/2021 tại Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền, Hà Nội.
(2) “Work shop Gốm” tại Ceramic Art space khai mạc ngày 23/1/2021, tại Ceramic Art space, 232, xóm 4 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội.