Về hệ thống di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở xã Đồng Tĩnh
Ngày đăng: 17/05/2022; 719
THANH VĨNH
 
Đồng Tĩnh là một trong ba xã miền núi, cũng là một trong tổng số 13 đơn vị cấp xã, thị trấn của huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo sách “Danh mục các làng, xã thuộc xứ Bắc Kỳ”, năm 1927, huyện Tam Dương có 10 tổng, 53 làng. Trong đó, tổng Tĩnh Luyện xưa, bao gồm cả vùng Liễn Sơn, Thái Hòa (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) có 5 làng: Lũng Hữu, Tần Lũng, Phần Thạch, Phù Liễn và Tĩnh Luyện. Về sau, ba làng Phần Thạch, Phù Liễn và Tĩnh Luyện được sáp nhập tạo thành xã Đồng Tĩnh.
Trên địa bàn xã Đồng Tĩnh hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, gồm hệ thống các đình, chùa, đền, miếu… thờ các vị thần - là những con người có công lao to lớn với dân với nước, được các triều đại sắc phong là chính thần, phúc thần. Cụ thể:
Di tích lịch sử - văn hóa làng Tĩnh Luyện
+ Đình làng Tĩnh Luyện thờ Quý Minh đại vương, tương truyền là người có công giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi giặc Thục.
+ Miếu Tĩnh Luyện (thôn Nam Thịnh, xã Đồng Tĩnh) là nơi thờ nữ tướng Quế Lan Nương - Nội thị đại tướng của Hai Bà Trưng.
Di tích lịch sử - văn hóa làng Phần Thạch
+ Đình Cổ Tích, thờ Quý Minh đại vương - người có công giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi giặc Thục.
+ Di tích lịch sử đền, chùa Dầu là nơi thờ vọng Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - chính vương phi Hùng Chiêu Vương Lang Liêu - người có công giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc Ân cứu nước.
+ Chùa Môi tọa lạc trên một quả đồi cao thuộc thôn Ngọc Thạch, làng Phần Thạch (phía sau trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tĩnh).
 
 
Chùa Môi, làng Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh
 
Di tích lịch sử - văn hóa làng Phù Liễn
Bao gồm hệ thống các đình, chùa, đền, miếu. Cụ thể:
1. Đình Cả (còn được gọi là đình công đồng), nằm cách đền Đức Bà (miếu Bà) khoảng 500m. Đình Cả và đền Bà là nơi diễn ra lễ đúc bụt - rước đêm, trình nghề - những lễ hội độc đáo, đặc sắc có tiếng của vùng đất này.
 
Dấu tích tam quan đình Cả làng Phù Liễn xã Đồng Tĩnh sau khi hạ giải, (ảnh chụp tháng 4 năm 2021)
 
Dấu tích tam quan đình Cả làng Phù Liễn xã Đồng Tĩnh sau khi hạ giải, (ảnh chụp tháng 4 năm 2021)
 
2. Chùa Thái Bằng
Tọa lạc trong cùng khuôn viên với đền Bà (miếu Bà), thờ Ngọc Kinh công chúa.
 
 
Tam quan chùa Thái Bằng (xã Đồng Tĩnh)
 
3. Đền (miếu) thờ Đức Bà Ngọc Kinh (Đền Bà)
Là nơi thờ Đức Bà Ngọc Kinh công chúa - người có công giúp rập Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán (năm 40 - 43).
 
 
Đền thờ Đức Bà Ngọc Kinh công chúa (di tích LS-VH cấp tỉnh) trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Bà (mùng 2 tháng Ba âm lịch năm Tân Sửu, 2021) và đón nhận danh hiệu “Di tích LS-VH cấp tỉnh” của đền Hức
 
Cả ba di tích: đình Cả, chùa Thái Bằng, đền Bà cùng tọa lạc ở xứ Gò Vải, thuộc địa phận hai thôn Chiến Thắng và Tự Do (làng Phù Liễn cổ), xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Các di tích đã được các cấp chính quyền và dân làng dành công của, tâm huyết trùng tu, nâng cấp khá khang trang; là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng - một không gian thiêng - cho Nhân dân trong vùng.
 
4. Đền Thính
 
 
Đền Thính: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc
 
Đền Thính thờ Đức Ông Tả Giai và Hách Thanh đại vương (tức Lôi Công - con trai cả của bà Ngọc Kinh và ông Tả Giai), tọa lạc tại thôn Hòa Thịnh, xã Đồng Tĩnh.
 
 
Đền Hức (còn gọi là miếu Ông Út), được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2020
 
5. Đền Hức (còn gọi là “miếu Ông Út”) thờ Trạc Linh đại vương (có tài liệu chép là “Chạc Linh đại vương”, tức Hắc Công) tọa lạc ở đồng Ré Dưới, xứ Gò Dờ.
Các di tích nói trên đều là những điểm thờ cúng Đức Bà Ngọc Kinh công chúa cùng chồng và hai con trai của bà, là những danh tướng thời Hai Bà Trưng, đã có công lớn cùng Hai Bà Trưng và quân dân ta đánh đuổi giặc Tô Định nhà Đông Hán, dựng cờ độc lập, định đô lập quốc tại Mê Linh (quê hương Hai Bà Trưng, nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) vào những năm 40 - 43 thế kỷ đầu nhất sau Công nguyên. 
***
Trong chuyến đi điền dã vào tháng 4/2021, người viết bài đã được các vị cao niên trong ban quản lý di tích xã Đồng Tĩnh cung cấp một số thông tin, câu chuyện liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng ở địa phương.
Câu chuyện thứ nhất liên quan đến gò đất, tương truyền đó chính là mộ của Hắc Công Đại vương.
Ngọc phả đền làng Phù Liễn chép rằng: Vào đời Hán Quang Vũ (năm 25 - 55 CN) có viên tướng nhà Hán là Tô Định giữ chức quan Lại sử ở Giao Châu (Giao Chỉ - miền Bắc Việt Nam thời thuộc Hán). Định là kẻ tham lam, độc ác. Y đã thi hành chính sách cai trị, đồng hóa, bóc lột vô cùng tàn độc khiến dân Việt điêu đứng lầm than không kể sao cho hết.
Lúc đó, có bà Ngọc Kinh - con gái của một tướng quân triều Hùng Vương, được gả về cho viên quan Phù ký lang tên là Tả Giai, tên chữ là Minh, người quê Tức Mặc huyện Thiên Trường (về sau là tỉnh Nam Định).
Ông bà sinh được hai người con trai. Người con cả có tiếng nói vang như sấm nên đặt tên là Lôi Công; người thứ hai mặt đen như sắt nên đặt tên là Hắc Công. Khi các con trưởng thành, ông bà cho lập doanh trại riêng.
Trước sự tham tàn bạo nghịch của Tô Định, ở Mê Linh (nay thuộc Hà Nội) có bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị kết giao với các hào kiệt trong thiên hạ, nuôi dưỡng quân sĩ, dựng cờ khởi nghĩa, quyết đuổi giặc Tô Định ra khỏi bờ cõi, khôi phục lại cơ đồ giang sơn.
Hay tin ấy, bà Ngọc Kinh tìm về cầu kiến, tỏ rõ sự tình. Hai Bà Trưng cả mừng liền phái một chi binh mã về tận nơi ở của bà Ngọc Kinh (làng Phù Liễn) đón ông Phù Ký Tả Giai cùng Lôi Công và Hắc Công (chồng và hai con trai của bà Ngọc Kinh) về đại bản doanh Mê Linh; phong cho ông Phù Ký Tả Giai làm “đại tướng quân - đại nguyên soái”; hai con trai làm phó tướng, giữ chức “tham tán phụng sự trung quân”; xây dựng đồn sở riêng ở quê nhà. Đồng thời, Hai Bà Trưng giao cho bà Ngọc Kinh trở lại Phù Liễn tiếp tục tập hợp lực lượng.
Bà Ngọc Kinh trở về Phù Liễn, liên kết với Minh phu nhân ở Thản Sơn và những người đồng chí hướng ở Ngọc Liễn, Sen Hồ (nay thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) chiêu nạp, rèn luyện binh sĩ với vũ khí sắc bén, quân ngũ nghiêm chỉnh kéo về hội với Hai Bà Trưng, cùng nhau khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Tô Định, thu phục được 65 thành ở Lĩnh Nam.
Nước nhà độc lập, bà Ngọc Kinh được Trưng Vương phong là “Ngọc Kinh công chúa”.
Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện, Lưu Long dẫn 30 vạn quân theo đường núi tiến đánh nước ta. Trưng Vương cử Ngọc Kinh công chúa cùng các tướng thuộc hạ dẫn quân đến thành Lạng Sơn cự chiến. Nhưng thế giặc đông và mạnh gấp nhiều lần, quân ta thất bại, đành phải rút lui về sông Tâm Kỳ. Sau trận chiến lớn ở Cấm Khê, Ngọc Kinh công chúa lại phải lui quân về núi Hy Sơn và mất ở đó.
Ngày mùng 8 tháng Giêng, cha con ông Tả Giai chỉ còn chiếm giữ được một quả đồi đất, phải dùng dao ngắn mà đánh giặc, vừa đánh vừa rút lui, nửa ngày qua đi thì đành bỏ lại ngựa, xuống đi bộ, ban đêm theo ánh sao mà trở về nơi đồn doanh cũ ở Phù Liễn, thu họp những binh sĩ còn lại, mưu tính sự khôi phục. Nhưng vì phía trước không có quân cứu viện, phía sau không có lương thực tiếp tế, hai cha con ông Tả Giai cùng với Lôi Công đều mất vào ngày mùng 7 tháng Năm.
Còn lại cánh quân của Hắc Công kéo về bản doanh, hết sức đánh địch xong cũng không xoay chuyển được tình thế. Đến ngày 12 tháng Bảy, Hắc Công cho quân sĩ giải ngũ tìm cách về quê làm ăn sinh sống, lại căn dặn nếu về sau có anh tài đứng ra mưu nghiệp lớn thì hãy ra đầu quân để cùng đánh đuổi ngoại bang, cứu nước cứu nhà.
 
 
Toàn cảnh đình/ đền Hức (miếu Ông Út), gò đất nhỏ nằm trên ruộng lúa, trước cửa đền, tương truyền là mộ của Hắc Công đại vương
 
Dặn dò xong, Hắc Công lệnh cho quân tướng lui ra xa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho ai tới gặp ông nữa. Một ngày sau, quân sĩ tìm vào thì thấy ông đã hóa. Mối đắp thi thể ông thành một quả đồi thấp. Hiện nay, trên cánh đồng Ré Dưới (phía trước đền Hức) vẫn còn một gò đất nhỏ. Truyền rằng đó chính là mộ của Hắc Công đại vương.
Câu chuyện thứ hai là thông tin về hai ngôi “mộ lạ” đang tọa lạc trong phần đất thổ cư của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh). Hai ngôi mộ này nằm cách khu di tích đình Cả, chùa Thái Bằng, miếu Đức Bà (gò Vải) khoảng ngàn mét (theo đường liên thôn).
Theo các bậc cao niên và dân làng Phù Liễn đoán định thì đây là hai ngôi mộ của hai vị sư, từng tu tập và viên tịch ở đây. Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng đó là “mộ tàu” (?). Theo chị Nguyễn Thị Thanh kể lại thì, khi cụ ông (thân sinh ra ông nội chị) mua lại mảnh đất này để dựng nhà sinh sống, đã thấy hai ngôi mộ hiện diện. Tính từ đó đến nay, đã có 5 thế hệ trong gia đình chị Thanh sinh sống trên mảnh đất do cụ 5 đời nhà chị tạu và để lại cho con, cháu, chắt thừa kế. Hai ngôi mộ này vẫn tồn tại ở đó, được gia đình chị Thanh trông coi, gìn giữ, ngày tuần tiết đều khói hương chu toàn, đầy đủ.
Bề ngoài, hai ngôi mộ có hình dáng giống nhau: đều là hình tháp, cạnh vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có chiều cao ước khoảng từ 2,5 - 3m, đặt cách nhau khoảng 5m. Vật liệu xây tháp mộ là gạch bìa (loại gạch xây truyền thống của người Việt) được gắn kết với nhau bằng vôi vữa. Quan sát bằng mắt thường, nhận thấy, hai ngôi mộ có kích thước khác nhau. Trong đó, ngôi thứ nhất (tính từ phía đường làng đi vào) nhỏ hơn, cũ hơn, đã có hiện tượng xuống cấp (bị bong tróc lớp áo vữa vôi cát bao bên ngoài, một phần mái mộ bị sạt nhẹ). Ngôi mộ này được dân làng đoán định là mộ một sư nữ và viên tịch trước. Ngôi mộ thứ hai có kích thước lớn hơn, nhìn mới hơn, nguyên vẹn hơn ngôi thứ nhất, được dân làng phỏng đoán là mộ của một sư ông.
Căn cứ vào việc trên địa bàn xã Đồng Tĩnh có nhiều ngôi chùa có niên đại lâu đời, thì việc người dân đoán định về hai ngôi “mộ lạ” nói trên là mộ các vị sư từng tu tập ở một trong các ngôi chùa trên địa bàn xã Đồng Tĩnh sau khi viên tịch được chôn cất ở đây không phải không có cơ sở. Vấn đề đặt ra ở đây, đó là, tại sao các di tích xung quanh hai ngôi mộ, gồm đình Cả, chùa Thái Bằng, đền Đức Bà, đền Hức, đình Thính…  ở Phù Liễn (Đồng Tĩnh) đều đã được tỉnh Vĩnh Phúc lập hồ sơ bảo tồn, công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh mà hai ngôi “mộ lạ” nói trên lại chưa được cơ quan chức năng nào tìm hiểu, quan tâm, có cách ứng xử phù hợp?
 
 
Ngôi “mộ lạ” thứ nhất trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh. Phần đặt bát hương phía trước mộ là do gia đình chị Thanh tạo thêm để tiện bề hương khói cho người an nghỉ trong mộ
 
 
 
Ngôi “mộ lạ” thứ hai trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Thanh
 
Câu chuyện thứ ba
Theo các ông Nguyễn Văn Thuế - Trưởng Ban Quản lý Di tích LS-VH làng Phù Liễn; ông Nghiêm Xuân Phong (sinh năm 1942) - sĩ quan quân đội nghỉ hưu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa làng Phù Liễn; Phạm Văn Nhuận (sinh năm 1951) - thủ từ miếu Bà kể lại, thì vào khoảng những năm 1960 - 1961, trong khi san bạt gò đất phía trước miếu Đức Bà để làm sân kho hợp tác xã, dân làng đã phát hiện một kiến trúc nhỏ có hình dáng tựa ngôi lầu bát giác (tám mái), trên các viên ngói lợp mái lầu đều có khắc chữ Hán. Dân làng suy đoán rằng đó là mộ của Đức Bà Ngọc Kinh, liền lấp lại. Sau đó, địa phương cho dựng lên trên vị trí có ngôi lầu tám mái này một cột cờ (kỳ đài). Khi xã Đồng Tĩnh tổ chức việc san bạt lần thứ hai để mở rộng sân kho hơn nữa, vì cột cờ này án ngữ giữa sân, nên dân làng quyết định hạ giải. Tuy nhiên, khi tháo dỡ cột cờ thì trong làng xảy ra những chuyện không hay, đặc biệt những ai trực tiếp tháo dỡ cột cờ đều gặp tai ương bất trắc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Vì thế, ngay sau đó, dân làng quyết định đặt lên trên vị trí trước đó là cột cờ một nồi hương trung thiên thì mọi việc lại được an yên. Hiện tại, nồi hương đang tọa lạc giữa sân đền thờ Đức Bà - nơi vị trí truyền rằng trước đây là một gò đất nhỏ, bên dưới có ngôi lầu bát giác tám mái như đã nói ở trên.   
Sự linh thiêng của vùng đất cổ này còn được dân làng nhắc đến với niềm tự hào khi kể về một chuyện đáng nhớ. Đó là trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội đã thả lên bầu trời “ông” rồng được kết bằng lụa vàng. “Ông” rồng đã “bay” đến Đồng Tĩnh và đáp xuống trước cửa đền Hức (miếu Ông Út), đầu rồng chầu vào đền, thân rồng nằm vắt ngang cánh đồng trước cửa đền. Trước sự việc được cho là điềm lành hiếm có ấy, dân làng Phù Liễn rất vui mừng, kéo đến chiêm ngưỡng. Sau đó, gia đình ông Phạm Bá Hậu - là người dân trong làng - đã xin với làng cho phép được sửa sang, phục chế lại mình rồng cho hoàn hảo rồi cùng dân làng đưa rồng vào tọa lạc trong đền Bà. Năm 2012, khi phục dựng, xây mới lại ngôi đền, dân làng đã dâng hương, xin phép các vị thánh được hóa “ông rồng” này.
Những chuyện kể trên có thể là một sự tình cờ, một sự hữu duyên về tâm linh, nhưng cũng là những gợi mở đáng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa quan tâm, tìm hiểu, lý giải cho xác đáng đồng thời có cách ứng xử phù hợp, giúp Nhân dân trong vùng và hậu thế thêm hiểu, ngày càng trân quý di sản tinh thần mà cha ông đã bao đời gây dựng và lưu truyền lại.
T.V
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc