Bảo tồn và phát huy giá trị của đàn bầu
Ngày đăng: 10/05/2022; 411
Đàn bầu- nhạc cụ thuần Việt 

Đàn bầu Việt Nam thuộc loại nhạc cụ (nhạc khí) một giây, nhưng khác với các loại đàn một giây của các dân tộc, quốc gia khác ở chất liệu tạo và âm chất của nó. Hình ảnh quả bầu thật giản dị, gắn liền với đời sống của người nông dân, sản xuất nông nghiệp nước ta từ lâu đời. Âm thanh của đàn bầu phong phú, diệu kỳ như giọng nói, tiếng hát, lời ru của người Việt.

Tuy nhiên, là một cây đàn được coi là “hồn cốt” của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu nhưng cho đến nay, đàn bầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hoá Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận đàn bầu là di sản văn hóa quốc gia trong thời gian tới. Hội thảo “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - truyền thống, kế thừa và phát triển”, vừa tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu âm nhạc sẽ góp thêm tiếng nói để bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc cụ độc đáo này.


Hội thảo “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - truyền thống, kế thừa và phát triển”

PGS,TS, nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân cho biết: Ca khúc “Tiếng đàn bầu”, nhạc Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang là hiện tượng độc đáo “đàn bầu hóa giai điệu ca khúc”. Tác giả đã xây dựng giai điệu bài hát mô phỏng âm hưởng đàn bầu, và sau đó lồng ghép thơ (ca từ) về cây đàn, nên hiệu quả là chỉ nghe riêng phần âm nhạc cũng hình dung ra cả hình ảnh, âm thanh của cây đàn này. Cho dù không nghe lời ca, người nghe vẫn cảm thụ đầy đủ và trọn vẹn hình tượng “độc huyền cầm”.

Theo TS Bùi Văn Hộ, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, cây đàn bầu đã được thế hệ ông, cha ta gọt giũa, sáng chế một cách tài tình, chỉ có một dây mà thể hiện đầy đủ mọi giai điệu, ngôn ngữ đa thanh. Tiếng đàn bầu thánh thót, giàu sức biểu hiện, có thể diễn tấu rất hay các làn điệu trong nước và cả nước ngoài, đặc biệt là các bài mang âm hưởng dân gian, cổ truyền cho đến các tác phẩm mới, nhạc nhẹ ... Chính sự phong phú và đa dạng ấy mà mỗi khi nhắc đến con người, đất nước Việt Nam, một nhà thơ nữ người Pháp đã mô tả về cây đàn bầu của Việt Nam: “Cây đàn bầu thật giống với con người Việt Nam/Nghèo của cải mà giàu lòng thân ái/Giản dị mà thanh tao/Đơn sơ mà phong phú”.

“Đàn bầu là một thành quả vô cùng quý giá đã được hình thành và đúc kết từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ gọt giũa, giữ gìn, bảo tồn, phát huy, đàn bầu là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc, là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Việt”, TS Bùi Văn Hộ khẳng định.

Là một nghệ sĩ đã được học, biểu diễn và hiện nay lại tiếp tục sự nghiệp của các bậc tiền bối là truyền dạy cho các học sinh, sinh viên đang học đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSƯT Hồ Hoài Anh cho rằng: Nghệ thuật biểu diễn đàn bầu hiện nay là sự kế thừa và phát triển vốn cổ với những ngón đàn độc đáo của các thế hệ nghệ nhân. Nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu và sự kết hợp chặt chẽ về mặt kỹ thuật, nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng tiềm tàng của cây đàn để tạo ra hiệu quả âm nhạc vừa dân tộc, vừa hiện đại, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống mới và hội nhập với thế giới.


Hòa tấu đàn bầu "Vì miền Nam" do NSƯT Bùi Lệ Chi biểu diễn. Ảnh: TTXVN.

Bảo tồn, phát huy giá trị của đàn bầu

NSƯT Hồ Hoài Anh kiến nghị, cần có các dự án về bảo tồn âm nhạc truyền thống bằng cách mời những kỹ sư âm thanh giỏi cùng với các nghệ nhân làm đàn, các nghệ sĩ am hiểu về đàn bầu nghiên cứu về các nguyên lý của âm thanh, cách phát âm đặc biệt của đàn bầu để từ đó tìm ra một cây đàn giữ được âm sắc của đàn bầu truyền thống với âm lượng đảm bảo phục vụ cho đông đảo quần chúng yêu nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Ngoài ra, phải có biện pháp khuyến khích người sáng tác các tác phẩm dành cho đàn bầu. Đặc biệt là những tác phẩm ngẫu hứng và ngẫu hứng trên cơ sở hòa thanh nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, cũng như tìm thêm được những kỹ thuật mới bổ xung cho khả năng diễn tấu của cây đàn thông qua các tác phẩm. Đây là một mảng hầu như còn để ngỏ.

Theo NSƯT Hồ Hoài Anh, nên dạy song song hai cây đàn bầu mộc và đàn bầu điện trong hệ thống các trường âm nhạc, trước hết là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Khi chúng ta chưa có được một cây đàn bầu mới có âm sắc như đàn bầu cổ truyền thì nên đưa cả cây đàn bầu mộc vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp song song cùng cây đàn bầu điện bởi hai cách diễn tấu của hai cây đàn này có sự khác nhau. Hiện nay, chỉ chú trọng cây đàn bầu điện mà chưa chú ý đến đàn bầu mộc, trong khi đàn bầu mộc mới là gốc rễ và độc đáo, là cây đàn thuần Việt nhất. Người học được học cả hai cây đàn sẽ hiểu về đàn bầu hơn, yêu đàn bầu hơn, đưa cây đàn đi xa hơn trong quá trình hòa nhập với thế giới.

Theo NSƯT Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên Biên tập viên Phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam: Các nhà quản lý văn hóa, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật nên tổ chức nhiều cuộc liên hoan dành riêng cho đàn bầu, tạo nhiều điều kiện để những nghệ sĩ đàn bầu có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và đặc biệt, đông đảo khán giả có dịp được thưởng thức đàn bầu, để đàn bầu trường tồn với thời gian, xứng đáng là một món ăn tinh thần quý giá trong đời sống của người dân đất Việt.

NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng: Đàn bầu là một nhạc cụ thuần Việt nhất trong các loại nhạc cụ truyền thống được các thế hệ người Việt Nam trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong tâm thức người Việt, đàn bầu chính là tâm hồn của dân tộc, nó tấu lên buồn vui, sướng khổ trong mỗi con người. Vì thế, việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị của đàn bầu không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, đặc biệt đối với những người nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn, học tập đàn bầu.

Để cây đàn bầu tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình với tư cách là một đại diện tiêu biểu cho con người và văn hóa Việt Nam, theo NSƯT Bùi Lệ Chi, Trưởng Bộ môn đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, công tác đào tạo phải là nền tảng. Đào tạo chính là cơ sở để phát triển nghệ thuật biểu diễn.

Việc bảo tồn nhạc cụ truyền thống nói chung, trong đó có đàn bầu là một vấn đề mang tính cấp thiết, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc truyền thống của  dân tộc.

   Nguồn: Báo QĐND
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc