Chiến tranh trong văn học dân tộc thiểu số nhìn từ số phận cá nhân
Ngày đăng: 22/11/2023; 166
THU HUYỀN
 
       1. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc là nguồn cảm hứng lớn cho những sáng tác văn học nghệ thuật. Đối với văn học dân tộc thiểu số, những tác phẩm đã có tuy chưa thực sự tạo thành một dòng chảy mãnh liệt như văn học người Kinh nhưng cũng đã có những dấu ấn quan trọng, cả thơ, truyện ngắn, trường ca, tiểu thuyết… Thế hệ tác giả đầu tiên như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng (dân tộc Tày), Đinh Sơn (dân tộc Mường), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao)… tiêu biểu cho văn học dân tộc thiểu số thế kỉ XX. Ở thời điểm hiện tại, có liền kề ba thế hệ nhà văn, nhà thơ cùng sáng tác, cùng có nhiều trang viết hay về chiến tranh, nhưng thành công thực sự được ghi nhận ở những tác giả trưởng thành từ trong cuộc chiến như Triều Ân, Y Phương, Y Điêng, Ma Đình Thu, Mã A Lềnh, Triệu Kim Văn, Kim Nhất... và sau này là những tác giả có những khám phá mới từ chất liệu hiện thực bề bộn như Nông Thị Ngọc Hòa, Bùi Thị Như Lan… và trẻ hơn nữa là Hoàng Chiến Thắng, Lý Hữu Lương…
       Với tác giả là người dân tộc thiểu số, họ cũng tham gia vào công cuộc cách mạng bằng một cảm hứng dồi dào, nhiệt thành rất riêng; những trang viết chính là nét khắc họa về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống đấu tranh của dân tộc họ. Nông Quốc Chấn đã khẳng định sứ mệnh cao cả của những người con Việt Bắc với đất nước: Chúng tôi người Việt Bắc/ Không một lúc nào quên/ Giành Nam Bắc nối liền/ Giành lấy ngày thống nhất. Hình ảnh cuộc chiến oai hùng, bất khuất của dân tộc hiện lên cũng với những sắc thái phong phú, nhưng cái làm nên nét độc đáo của họ chính là cách thể hiện, truyền tải xúc cảm riêng.
       Các tác giả người dân tộc thiểu số khi khai thác đề tài chiến tranh có những nỗ lực mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh, tuy nhiên vẫn chưa thực sự giải phóng hoàn toàn khỏi những ràng buộc về “kinh nghiệm chiến trường”, có cố gắng tạo dựng những số phận nhưng đôi lúc nhân vật còn giản đơn, mộc mạc. Tiến trình vận động của văn học về đề tài chiến tranh trong sáng tác của những tác giả người Kinh sau 1975 có thể thấy sự phân chia hai giai đoạn khá rõ. Từ 1975 đến giữa thập kỷ 80 là theo mô hình truyền thống, cảm hứng sử thi đóng vai trò chủ đạo. Giai đoạn sau này, từ 1986 trở đi xuất hiện nhiều khuynh hướng, trong đó cảm hứng về những thân phận con người bị chấn thương, bi kịch ngày một nhiều hơn. Họ mượn chiến tranh để nói những vấn đề phía sau mang đến những diễn ngôn về nỗi đau, về quyền sống và hạnh phúc con người. Trong văn học dân tộc thiểu số, phản ánh và cảm hứng ngợi ca dường như ở lại lâu hơn, tuy cũng đã xuất hiện nhu cầu nhận thức tối đa hiện thực của cả bên ta và bên địch một cách toàn vẹn, đầy đủ hơn.
       2. Các tác giả người dân tộc thiểu số viết về chiến tranh nhằm tri ân quá khứ, bởi đó là một món nợ, là trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc này; qua đó nhằm nhận thức lại hiện thực một thời với những khai thác chưa đầy đủ, cả mặt xấu và mặt tốt. Quan trọng hơn hết là viết về những con người trong chiến tranh với những số phận cụ thể, đời thường, không phải chỉ anh hùng với ý chí quật cường, dũng cảm tiến lên, mà ở đó còn có những đấu tranh giằng xé, những mất mát và cả những khát vọng hóa giải hận thù sau cuộc chiến.
       Nếu trước 1975, cảm hứng sử thi - ngợi ca Tổ quốc, Nhân dân là chủ đạo trong văn học của các tác giả người Kinh, thì sau năm 1975, văn học bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ thức tỉnh của ý thức cá nhân. Văn học dân tộc thiểu số tuy chuyển động chậm hơn nhưng cũng bắt đầu có những đổi thay. Trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, Y Phương, Mai Liễu, Triều Ân, Triệu Lam Châu, Ma Trường Nguyên, Kim Nhất, Y Điêng, Bùi Thị Như Lan..., đề tài được mở rộng: từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ những câu chuyện anh hùng đã hướng đến cuộc sống đời thường, từ vận mệnh chung của dân tộc đến số phận cá nhân và cả những tổn thất đau thương do chiến tranh để lại. Văn học dân tộc thiểu số thời kỳ này đã thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề, phức tạp của cuộc sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân; phản ánh cuộc sống không chỉ là mặt nổi mà còn ở những mặt khuất, ở giới hạn giữa cái “không thể” và “có thể”. Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc cũ nhưng tác phẩm viết về chiến tranh trong một số tác giả dân tộc thiểu số đã mang dư vị khác trước. Cảm hứng trữ tình chuyển từ sự tự hào, ngợi ca sang suy tư, chiêm nghiệm; bởi thế cái hào sảng, hùng tráng nhường chỗ cho sự bình dị, mộc mạc. Người lính không còn được khai thác nhiều ở tư thế: Gió bão ta không sợ/ Sấm sét ta không lùi/ Đánh giặc chưa xong/ Nếu anh bỏ về/ Cha mẹ sẽ mắng/ Bạn gái sẽ chê/ Pơ lây Chêm oán trách/ Ới con trai!/ Ta rủ nhau đi làm du kích - giữ làng (Đi làm du kích - Ra dam Dăk Bút) mà trở về với cái thật nhất trong suy nghĩ mỗi cá nhân:
... Đã tự nhủ mình: Vết thương có chi đâu!
Song gió lạnh thấm vào đau buốt quá
Càng nghĩ càng thương bao bạn cũ
Thêm tự hào mỗi bước đã đi qua...
(Triệu Lam Châu)
       Những hiện thực cuộc chiến được tiếp cận đầy đủ hơn, những tái hiện và lý giải cũng đa chiều hơn trong sáng tác của họ những năm gần đây. Ngày trước, khi “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” thì con người ai cũng “Không có quyền nghĩ lâu trong lúc đạn bom” và dù có mất mát, hi sinh cũng phải gác lại nỗi đau riêng. Người lính thường trực một tâm thế Không tính tháng tính năm/ Cả chặng đường hành quân/ Của ta đi đánh giặc (Nằm võng ở Trường Sơn - Ma Đình Thu). Nhưng khi hòa bình, khi cái tôi cá nhân được giải phóng mạnh mẽ hơn, người ta không ngại gọi tên những gì một thời “lảng tránh”. Họ viết về chiến tranh và không ngại nhắc đến:
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong người cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương
Ơn cây cỏ quê nhà
Chữa cho con lành lặn.
(Tên làng - Y Phương)
       Cái đòi hỏi cấp thiết là đưa văn học trở về với những gì chân thực của cuộc sống, kể cả đó là những đau khổ, bi kịch được các nhà thơ người Kinh nói nhiều trong các sáng tác của mình - nhất là sau đổi mới. Thu Bồn thì Ta là đất thôi xin đừng nặn ta thành những tượng thần, Trần Sơn Nam thì Ta vào cuộc chiến tranh, như vị tướng tài ba xông pha trận mạc, nghĩ đời mình là một chuỗi chiến công, tuổi hoa râm về đưa tang mẹ, túi không tiền chỉ có quân hàm và cuống huân chương... Các nhà văn dân tộc thiểu số cũng cùng một xúc cảm ấy. Tập truyện Số phận đàn bà (Hoàng Thị Cành, 1990) tiêu biểu cho việc khắc họa những số phận người phụ nữ miền núi không may trong cuộc sống, người thì chịu khổ, người rơi vào bi kịch. Chị Huệ có chồng đi bộ đội hy sinh, chị chịu nhiều mất mát, thiệt thòi trong cuộc sống. Tiếng chim kỷ giàng của Bùi Thị Như Lan là một tập truyện ngắn hay, nhiều ám ảnh. Trong những tác phẩm của mình, tác giả hướng đến những số phận bình dị nhưng từ đó lại mang đến những thông điệp nhân văn sâu sắc. Những con người bước vào và trở về từ cuộc chiến được khai thác từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng đều gặp gỡ ở một điểm là sự mất mát trong cuộc sống. Đó là hình ảnh những người lính mang trong mình vết thương sau khi xuất ngũ, nhưng vẫn tham gia sản xuất xây dựng quê hương (Hoa mía); những anh bộ đội đi chiến đấu, khi trở về làng thì vợ đã đi lấy chồng khác (Sau lời hát sli); người lính nhiễm chất độc màu da cam sau cuộc chiến (Trăng mọc trong thung lũng, Gió hoang); cả những người lính hy sinh không phải dưới mưa bom bão đạn mà hy sinh trong thời bình (Mùa mác mật)…
       Quan điểm của Lê Thành Nghị cho rằng “Một mô-típ có ý nghĩa đáng kể, nơi để nhà văn có dịp bộc lộ tư tưởng thẩm mĩ của mình là mô-típ con người về từ chiến trường trước thử thách mới”1. Nông Thị Ngọc Hòa dành trường ca Nước hồ mãi trong xanh để nói về người cha Ké Bằng của mình, và không ít lần nhắc đến những ngày trở về sau chiến tranh của người lính, tấm huân chương - biểu tượng của một thời oanh liệt là sự ghi nhận cho những ngày Ở chiến trường, đói rét cứ thừa dư/ Còn tất thảy mọi thứ đều thiếu thốn:
Bố ơi!
Bây giờ người ta thực dụng bao nhiêu
Huân chương không đo bằng cây, bằng chỉ
Háo hức, hội hè, hả hê, hoan hỉ
Những ô dù điên đảo mọi cán cân
 
Bố vẫn cần cù vất vả lo toan
Lòng đôi lúc nghĩ suy như con trẻ
Ước gì có phép thần thông nhỉ
Để mọi người lại quý… tấm huân chương!
       Công cuộc đổi mới khiến con người được giải phóng cái tôi cá nhân. Trong chiến tranh, cái ta được đặt lên hàng đầu, bởi thế cái tôi cá nhân nhiều khi bị hoà tan trong tập thể, trong ý thức nghĩa vụ. Như cách nói của Chế Lan Viên Giọng cao bao năm giờ anh hát giọng trầm, những thay đổi trên phương diện xã hội đã tác động đến thơ ca. Đứng trước sự chuyển mình của xã hội các nhà văn dân tộc thiểu số cũng nhanh chóng “nhập cuộc” hoà mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Họ không chỉ viết về sự hy sinh của người lính mà còn không ít lần tái hiện những nỗi đau của người vợ - những con người tảo tần khi làm hậu phương, và rồi một mình âm thầm gánh chịu sự mất mát khi các anh ra đi.
       Như một tất yếu, ngày trước khi còn chiến tranh, bên cạnh cảm hứng ngợi ca những con người xả thân vì nghĩa lớn là sự lên án, tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù. Khi hòa bình, cảm hứng ngợi ca còn, nhưng đâu đó nỗi đau còn ở lại:
Anh trở về
Với cuộc sống đời thường gian nan
Vui giữa bản làng
Bằng đồng lương binh chức
 
Anh trở về
Với thiên đường giản dị - hạnh phúc lứa đôi
Chỉ khi những đứa trẻ dị tật ra đời
Anh mới hiểu rằng
Đó là sự trở về với hạnh phúc chẳng bình an!
(Hạnh phúc không bình an - Lộc Bích Kiệm)
       Sự đồng cảm ấy ta bắt gặp trong thơ Dương Thuấn khi nói đến số phận của bốn em bé bị nhiễm chất độc màu da cam:
Bốn em bé ở Bắc Ninh
Là con một cựu chiến binh
Lên mười tuổi không em nào lớn nữa.
(Bốn em bé ở Bắc Ninh)
       Đó là những cảm nhận về dư âm chiến tranh một cách máu thịt đầy đau đớn mà C. Ximônôp từng nói: Chỉ có Nhân dân mới biết chiến tranh là gì. Những nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thời kì chiến tranh cũng như thời kì hậu chiến chủ yếu hiện lên qua những số phận người phụ nữ, day dứt nhất là hình ảnh người mẹ. Khi con ra trận rồi hy sinh: Mỗi con mỗi góc trời xa/ Trái tim của mẹ chia ra mấy phần? (Từ Ngàn Phố) và cả khi đã hòa bình: Chiến tranh qua từ lâu/ Mẹ hao gầy không ngủ (Bài thơ tặng mẹ - Đoàn Ngọc Minh)... Người mẹ - chính là đất nước, là những gì thiêng liêng nhất vẫy gọi người lính chiến đấu trở về: Tôi phải sống để trở về với mẹ. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, vĩ đại của tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất, nhưng cũng là nỗi đau không gì so sánh được. Mai Liễu khi nói đến nỗi đau của con người trở về sau cuộc chiến có một bài thơ rất độc đáo trong cách tạo dựng hình tượng. Đó là hình ảnh hốc mắt - đại lượng đo niềm vui nỗi buồn của con người. Niềm vui đầy lên, hốc mắt vỡ ra giọt lệ, ấy là khi: Người mẹ đón con/ Người vợ đón chồng/ Từ mặt trận trở về. Nhưng:
Đất nước sau chiến tranh
Bao nhiêu người đàn bà có niềm vui như thế?
Nhưng cũng còn bao nhiêu hốc mắt trũng sâu như năm tháng đợi chờ?
Những giọt lệ buồn không vỡ ra từ đó
Cứ đêm đêm thầm lặng nhỏ vào tim...
(Lặng thầm)
       3. Trong những sáng tác của những tác giả thuộc vào thế hệ thứ hai, thứ ba của văn học dân tộc thiểu số bắt đầu có những khai thác sâu sắc hơn đến vấn đề riêng của con người, những thân phận nhỏ bé - bởi thế nó mang tính nhân văn hơn khi chứa đựng những tâm tư, tình cảm vui buồn sâu lắng và cả những bi kịch cá nhân. Bên cạnh đó, văn học dân tộc thiểu số hiện nay cũng chứng kiến sự bứt phá mới lạ của nhiều gương mặt trẻ, trong số đó có một vài tác giả trẻ hướng cái nhìn của mình về chiến tranh. Nỗi đau của người ở lại sau cuộc chiến, khi đất nước đã hòa bình tác động vào tình cảm của thế hệ trẻ - đó là một điều đáng quý. Hoàng Chiến Thắng viết về sự dai dẳng của hậu họa chiến tranh:
Những người đàn bà đi qua chiến tranh
Hình hài đứa con minh chứng...
Đứa trẻ đi qua bình yên
Từ ngổn ngang nỗi lòng người mẹ...
Người đàn bà đi qua cơn mê...
Bên đứa con chưa lần nghe tiếng súng
Nhưng mãi là chiến tranh!
                                                        (Đứa con của chiến tranh)
       Theo Nguyên Ngọc, “Cuộc chiến tranh giải phóng ác liệt đặt lên hàng đầu sự mất còn của toàn dân tộc. Số phận của toàn dân tộc lấn át hết mọi quan hệ khác. Trong văn học nghệ thuật điều ấy cũng in rất rõ: cái chung, cái cộng đồng, cái toàn dân tộc là quan trọng nhất, cái riêng hầu như chưa được biết đến, nói đến. Chưa có quyền của cái riêng”2. Bởi thế, viết về những cái riêng, những số phận cá nhân là một hướng đi ngày càng được nhiều nhà văn chú trọng.
       Hiện nay, sự “va đập” của con người với cuộc sống không còn là những ngày kháng chiến gian khổ mà là sự vật lộn, lo toan với những cái thường nhật, cảm hứng dĩ nhiên cũng sẽ thay đổi. Cái khác này là một tất yếu của thời đại và một thực trạng dễ nhận thấy là nhiều cây bút trẻ không mấy hứng thú với đề tài chiến tranh. Tuy nhiên điều đáng mừng là một số tác giả thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba của văn học dân tộc thiểu số vẫn đang mải mê kiếm tìm, làm mới những xúc cảm của mình và khai thác đề tài này từ nhiều góc độ. Chính cái nhìn điềm tĩnh, chín chắn theo thời gian đã đem lại cho văn học những chiêm nghiệm sâu sắc, không chỉ là tinh thần yêu nước, mà còn hướng đến cái nhìn dân tộc và nhân loại.
 
T.H
 

1. Lê Thành Nghị, Qua những cuốn sách gần đây về chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 3-1999; tr.115
2. Nguyên Ngọc, Cần phát huy đầy đủ chức năng xã hội của văn học nghệ thuật, Báo Văn nghệ, số 44, ngày 31-10-1987; tr.2

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc