Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh: Bảo tồn thiên nhiên hướng tới phát triển du lịch xanh
Ngày đăng: 18/08/2023; 1312
VĨNH HÀ
 
Nằm phía Đông hệ thống Vườn quốc gia Tam Đảo, tại thôn Đồng Tâm (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên), ít người biết có một “bảo tàng” sinh vật học lưu giữ hàng trăm giống động, thực vật quý hiếm được sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước, rất thuận tiện cho việc tham quan, nghiên cứu của mọi lứa tuổi, đặc biệt là những ai ưa thích thiên nhiên - đó là Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.
 
Được thành lập từ năm 1999, với chức năng chính là bảo tồn nguồn gene bản địa, Trạm Đa dạng sinh học (ĐDSH) Mê Linh (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) nằm ở độ cao từ 100 - 500m so với mặt nước biển với tổng diện tích là 170,3ha, bao gồm 69ha rừng thứ sinh, 30ha rừng trồng; 68,3ha cây bụi, ao suối và 3ha dành cho khu hành chính. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhờ sự cố gắng với tinh thần trách nhiệm của cán bộ các thế hệ, Trạm ĐDSH Mê Linh trở thành một nơi có ý nghĩa quan trọng trong tiếp cận, khám phá những điều bí ẩn, kỳ diệu lý thú của thiên nhiên đối với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh ở trong nước và quốc tế. Từ một khu rừng nghèo kiệt hầu như không còn cây gỗ, không còn sự tồn tại của các loài động vật hoang dã, đến nay đã từng bước được phục hồi phủ xanh bằng các trạng thái rừng tự nhiên ở các mức độ khác nhau thuộc quản lý của Trạm ĐDSH Mê Linh.
Chúng tôi đến Trạm ĐDSH Mê Linh vào một ngày hè năm 2022. Dù đang đợt cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C nhưng ở đây không khí vẫn mát mẻ và dễ chịu. Trên vòm cây, tiếng chim hót líu lo. Bên bờ suối, từng đàn bướm rập rờn trên những khóm hoa như một bức tranh đa sắc.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn trồng cây thuốc và vườn lan, anh Trịnh Ngọc Minh - cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách của Trạm cho biết: Trạm đã xây dựng được vườn sưu tập lưu giữ các nguồn gene cây gỗ bản địa gồm 37 loài với hơn 1.000 cá thể đang phát triển tốt, cùng với đó, Trạm còn phát triển hệ thống vườn cây thuốc quý, vườn hoa phong lan, cây cảnh đa dạng.
Vườn cây thuốc của Trạm được duy trì mô hình bảo tồn các loài cây thuốc trên diện tích 1ha với gần 50 loài đã được trồng và chăm sóc. Các loài cây thuốc được trồng tại đây đều sinh trưởng và phát triển tốt. Một số loài như lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf), ba kích (Morinda officinalis How), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia tamdaoensis) và trà vàng pêtêlô (Camellia petelotii (Merr.) Sealy)... đã cung cấp nguồn giống để phát triển ra thị trường.
Cùng với vườn cây thuốc, Trạm đã xây dựng mô hình bảo tồn các loài lan rừng gồm hệ thống vườn lan có diện tích 500m2, trong nhà lưới khung thép với hơn 450 mẫu của gần 100 loài lan, trong đó 57 loài sinh trưởng và phát triển ổn định, đã được xác định tên khoa học. Các chậu lan được treo trên giàn treo, đặt trên giàn cách mặt đất khoảng 30-60cm hoặc đặt trên nền đất. Hệ thống tưới phun sương được lắp đặt phục vụ tưới cho từng loài với nhu cầu độ ẩm khác nhau. Cây giống được thu thập và bàn giao từ một số đề tài nghiên cứu. Các loại giá thể dùng để trồng lan là gỗ, vỏ cây, than hoa, xơ dừa, mùn cưa trộn với đất và đá nhỏ....
“Trước khi cấy lan, các loại giá thể này được xử lý thuốc chống nấm để đảm bảo không gây hại cho lan. Cây con được nhân giống bằng cách tách chồi. Phân bón cho lan sử dụng phân bón khô (phân chậm tan) và phân bón lỏng (phân bón lá), bên cạnh đó có sử dụng một số loại chất điều hòa sinh trưởng, thuốc kích thích rễ. Quá trình trồng, chăm sóc có thể phòng một số bệnh cho lan bằng cách cắt bỏ chỗ bị bệnh, bôi thuốc vào vết cắt, ngừng tưới nước 1-2 ngày chờ cho vết cắt lành, phun một số thuốc với mỗi loại bệnh có thể gặp. Trong năm 2021, Trạm đã bổ sung khoảng 50 cá thể lan thuộc 2 loài lan hài về bảo tồn, các cá thể hiện đã sinh trưởng phát triển ổn định” - Anh Minh chia sẻ.
Hiện nay, Trạm ĐDSH Mê Linh ưu tiên theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của 25 loài cây gỗ bản địa được trồng tại Trạm từ đầu những năm 2000 đến nay. Toàn bộ cá thể loài của các loài trên được gắn biển, hằng năm đều được đo chỉ số: đường kính (DBH), chiều cao vút ngọn (Hvn), chiều cao dưới tán (Hdc), đặc điểm vật hậu (ra hoa, kết quả…), khả năng tái sinh tự nhiên…
Thăm khu vực bảo tồn các loài động vật, bò sát, Th.s Trần Đại Thắng - cán bộ động vật học chuyên trách của Trạm cho biết: Để thu thập nguồn giống phục vụ công tác nhân nuôi sinh sản tại Trạm ĐDSH, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý và các đối tác như Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, Trung tâm cứu hộ, các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, Trạm ĐDSH Mê Linh đã bổ sung, duy trì và theo dõi sinh trưởng và phát triển về nhân nuôi, cứu hộ các nhóm động vật khác nhau. Trạm đã thống kê được lớp thú có 26 loài thuộc 14 họ, 7 bộ; lớp chim có 107 loài, thuộc 37 họ 11 bộ; bò sát có 34 loài thuộc 7 họ 3 bộ; lưỡng cư: 23 loài 5 họ 1 bộ; côn trùng có 1.088 loài thuộc 105 họ 10 bộ đang sinh trưởng trong hệ sinh thái của Trạm.
Trạm đã thử nghiệm nhận nuôi bảo tồn 48 loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) gồm 1 loài bậc CR (rất nguy cấp), 6 loài bậc EN (nguy cấp), 5 loài bậc VU (sắp nguy cấp) và 7 loài đặc hữu của Việt Nam như: Các loài rùa, các loài trăn, rắn, kỳ đà, hươu sao, các loài khỉ, vượn, cu ly... Một số loài bò sát đã sinh sản nhưng chưa ấp trứng thành công sẽ được theo dõi và điều chỉnh chế độ nuôi phù hợp hơn (nguồn thức ăn, chế độ ấp trứng)…
Chia sẻ về những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, anh Thắng hào hứng: Không phụ công chăm sóc của cán bộ, nhân viên Trạm, năm 2021, lần đầu tiên hai loài rùa quý hiếm của Việt Nam (rùa Trung bộ và rùa Núi vàng) sinh sản thành công trong môi trường nuôi bán tự nhiên tại Trạm. Đặc biệt, nhờ sự hợp tác với các nhà khoa học của Vườn thú Cologne (Cộng hòa Liên bang Đức), Trạm đã thí nghiệm nhân nuôi sinh sản thành công nhiều thế hệ loài thằn lằn cá sấu (Shinisaurus Crocodilurus) - một loài bò sát thuộc diện đặc hữu quý hiếm không những ở Việt Nam mà còn cả đối với thế giới và được xếp trong nhóm các động vật nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ. Vì đây là loài mới, chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, cho nên việc chăm sóc, nhân nuôi, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là đến mùa sinh sản, phải quan sát, theo dõi thời gian sinh con để tách con non khỏi bố mẹ, đưa vào phòng nuôi đến khi trưởng thành mới cho ra môi trường để hòa nhập. Vượt mọi khó khăn, Trạm đã nhân nuôi thành công 19 cá thể. Thành công này khiến các nhà khoa học thế giới quan tâm và hỗ trợ công tác nghiên cứu. Hiện Trạm cũng là địa chỉ duy nhất bảo tồn loài này.
Đưa chúng tôi vượt suối 2, suối 3 vào sâu trong rừng, Tiến sĩ Phạm Thế Cường - Trạm phó Trạm ĐDSH Mê Linh cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu bảo tồn, phục hồi rừng, bảo vệ và làm giàu các hệ sinh thái trên rừng, hệ sinh thái thủy vực (suối), đã góp phần làm phong phú đa dạng sinh học của Trạm. Thông qua kết quả nghiên cứu các đề tài về thực vật, động vật của các phòng nghiên cứu trong Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng với sự hợp tác nghiên cứu của các tổ chức quốc tế (Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...) đã thống kê được 1.126 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 166 họ, 651 chi trong 5 ngành thực vật, cùng với 461 loài động vật hoang dã thuộc 99 họ, 25 bộ thuộc 5 lớp động vật; thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng tại Trạm. Đây cũng là phòng thí nghiệm nhân nuôi kết quả các loài động vật quý, hiếm do cơ quan chức năng (Kiểm lâm) tịch thu từ các vụ vi phạm vận chuyển buôn bán trái phép các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng để thả lại vào môi trường tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh thái của loài. Bên cạnh việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trạm, cán bộ quản lý và kỹ thuật viên của Trạm đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm ở một số vườn thú nổi tiếng trên thế giới. Nguồn thức ăn như dế, các chất khoáng và vitamin bổ sung cũng được hỗ trợ từ đối tác nước ngoài (Đức, Nga) để nhân nuôi tại trạm.
Cùng với công tác bảo tồn, Trạm đã phối hợp với các đối tác của nước ngoài xây dựng Phòng Đa dạng sinh học và giáo dục môi trường, nhằm cung cấp thông tin về giá trị của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, hiện trạng đa dạng sinh học Việt Nam, mối đe dọa đến các loài động thực vật hoang dã, nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc gìn giữ và bảo tồn tài nguyên sinh vật. Trạm cũng xây dựng các tuyến tham quan, học tập về sinh thái và đa dạng sinh học, tập trung giới thiệu các sinh cảnh rừng, các loài động vật hoang dã, ý nghĩa của rừng, mối liên kết trong hệ sinh thái. Mô hình cứu hộ, nhân nuôi các loài linh trưởng không chỉ giúp thu thập tư liệu về đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài linh trưởng được cứu hộ, mà còn là những câu chuyện cảm động về bảo vệ động vật hoang dã. Một gia đình khỉ bị cụt tay do bị bẫy, không có khả năng trở về tự nhiên được nuôi nhốt trong chuồng đã cho ra đời một chú khỉ con, trở thành thí dụ sinh động trong bài giảng cho học sinh, sinh viên về tình yêu động vật, trách nhiệm bảo tồn động vật hoang dã.
Trạm còn là nơi tham quan, học tập cho học sinh phổ thông, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, cũng như các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các lĩnh vực liên quan đến sinh học; qua đó tuyên truyền và giáo dục lòng ham mê, yêu quý thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Toàn bộ hoạt động trải nghiệm tại Trạm đều miễn phí, đáp ứng nhu cầu học tập, trải nghiệm thực tế của giới trẻ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất của Trạm hiện đang trong tình trạng xuống cấp, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và tham quan nên các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Trạm đang phải tạm dừng. Cùng với đó, mọi chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ tại Trạm chưa thực sự hấp dẫn, nhất là trong điều kiện làm việc vất vả, đi lại khó khăn. Những bất cập này cần sớm được giải quyết, tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn động thực vật hoang dã nơi đây - Tiến sĩ Phạm Thế Cường chia sẻ.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các loài động vật nguy cấp, Trạm ĐDSH Mê Linh còn phối hợp với địa phương, các cơ quan khoa học liên quan tổ chức triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sinh thái tài nguyên sinh vật, xây dựng mô hình kinh tế sinh thái hộ gia đình, phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng, nâng cao đời sống Nhân dân địa phương cũng như nhận thức về lợi ích kinh tế của sự đa dạng sinh học.
Nằm trong hệ thống chiến khu Ngọc Thanh xưa, gần với khu du lịch hồ Đại Lải, Flamingo Đại Lải… Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh có điều kiện thuận lợi để phối hợp với các điểm du lịch trên tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu môi trường sinh thái. Tin rằng, với lòng nhiệt huyết, tận tâm của các cán bộ, nhân viên của Trạm, nơi đây sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Vĩnh Phúc.
V.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc