Đình làng Bình Sơn
Ngày đăng: 20/07/2024; 170
THANH VĨNH
 
          Lâu nay, nhắc đến làng Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch (nay là tổ dân phố Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), người yêu di sản văn hoá dân tộc không ai là không biết đến tháp Bình Sơn - toà tháp cổ gần ngàn năm tuổi, có niên đại từ thời Lý - Trần (cách ngày nay khoảng 800 năm) - một di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, toạ lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh; mà ít người biết đến đình làng Bình Sơn - một di tích lịch sử - văn hoá lâu đời, giàu ý nghĩa, cùng chùa Vĩnh Khánh - tháp Bình Sơn góp làm nên hệ thống các di tích tín ngưỡng, tâm linh có giá trị lịch sử - văn hoá lớn trong vùng.
          Các tài liệu cho biết: Thời trước, làng Bình Sơn là một trong 13 làng của tổng Đạo Kỷ, huyện Lập Thạch, gồm: Đạo Kỷ, Như Sơn, Lạc Sơn, Bình Sơn, Sơn Cầu, Thụy Sơn, Thụy Điền, Đồng Thị, Man Thạch, Cẩm Bình, Quế Nham, Quế Trạo, Ân Hộ. 
Đạo Kỷ xưa là một tổng lớn, diện tích bao trùm 6 xã: Nhạo Sơn, Như Thụy, Tân Lập, Đồng Quế, Tam Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. 
       Trải bao biến cố, thăng trầm của lịch sử cùng những thay đổi về địa danh hành chính, làng Bình Sơn - là một địa danh đã xuất hiện từ thời Hùng Vương thuộc trang Tây Cố, bộ Văn Lang.
Những thời kỳ lịch sử dân tộc tiếp theo đó, làng Bình Sơn lần lượt có vị trí như sau:
- Thời đầu Công nguyên, Bình Sơn thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ.
- Từ thế kỉ III đến thế kỉ V, Bình Sơn thuộc huyện Gia Ninh, quận Tân Xương.
- Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X, Bình Sơn thuộc huyện Tân Xương, quận Phong Châu - Thừa Hoá.
- Thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)  Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, châu Tam Đái, lộ Đông Đô.
- Thời Lê, Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây.
- Thời Nguyễn, trấn đổi thành tỉnh, Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, tỉnh Sơn Tây.
- Tháng 10 năm 1890, chính quyền Thực dân Pháp lập đạo Vĩnh Yên thì Bình Sơn thuộc đạo Vĩnh Yên.
- Tháng 12 năm 1899, Pháp lập tỉnh Vĩnh Yên, đất đai Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên.
- Năm 1907, làng Bình Sơn nằm trong tổng Đạo Kỷ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên.
- Sau Cách mạng Tháng Tám (1945). Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xoá bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, mở rộng phạm vi cấp xã, làng Bình Sơn thuộc xã Tam Sơn, huyện LậpThạch, tỉnh Vĩnh Yên.
-  Năm 1950, tỉnh Vĩnh Yên sáp nhập với tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc, làng Bình Sơn thuộc xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú.
- Tháng 1 năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, làng Bình Sơn thuộc xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Tháng 5/2008 thị trấn Tam Sơn được thành lập, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tam Sơn.
- Tháng 4 năm 2009, huyện Sông Lô được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Lập Thạch, lỵ sở đóng tại thị trấn Tam Sơn. Theo đó, đình Bình Sơn hiện tọa lạc tại tổ dân phố Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô.
Theo Xã chí làng Bình Sơn (lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) do chức dịch làng Bình Sơn kê khai tại mục 2 (Thần sắc) thì đình Bình Sơn thờ thành hoàng làng là Nhị vị đại vương Thánh Ông Minh Lang và Thánh Bà Ả Nương nương.
       Về lịch sử, hành trạng của Thánh Ông và Thánh Bà, sự tích trong vùng truyền rằng: vào thời Hùng Vương, có hai ông bà đến vùng đất này lập làng, mở cõi, dạy dân biết làm nghề nông.
Một tích khác, cho biết: Thánh ông Minh Lang là khảo dị của Quý Minh Đại vương - vị thánh được dân gian truyền tụng là người có công dạy dân làm nông nghiệp, được Nhân dân nhiều nơi thờ phụng. Theo lịch sử hành trạng của Quý Minh Đại vương thì ngài có tên huý là Nguyễn Hiển, là anh em họ với thánh Tản Viên, đồng thời cũng là Hữu kiên thần của Sơn Thánh.
        Chuyện xưa còn kể: Khi ấy, vua Hùng Duệ Vương chỉ có hai người con gái là công chúa Tiên Dung (đã kết duyên với Chử Đồng Tử) và Mỵ Nương. Để tìm được người xứng đáng truyền ngôi báu, vua dựng lầu kén rể. Các bậc hiền tài nô nức ứng thí, trong đó có Sơn Thánh và hai em là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Thấy Tản Viên sơn thánh là bậc kỳ tài đệ nhất thiên hạ, vua liền gả công chúa Mỵ Nương cho ngài. Sơn Thánh đón Mỵ Nương về núi Tản Lĩnh, để hai em (Nguyễn Sùng, Nguyễn Hiển) ở lại giúp vua việc nước. Nhà vua thấy hai ông đối đáp trơn tru, võ nghệ tinh thông, biết đây là bậc hiền tài tuấn kiệt, liền phong cho Nguyễn Sùng là Tả đô tài, Nguyễn Hiển là Trung thư lệnh. Hai ông một lòng giúp vua cai trị đất nước làm cho xã tắc yên bình, muôn dân no đủ.
       Quãng thời gian đó, người em út là Nguyễn Hiển mỗi khi nhàn rỗi thường du ngoạn tới vùng núi bên kia sông (Lập Thạch ngày nay). Tới đâu ông đều giúp dân tổ chức cuộc sống, dạy dân cày cấy, chăn nuôi, đánh cá… gây dựng thuần phong mỹ tục. Nhờ ơn đức của ông mà vùng này dần trở nên đông đúc, trù phú, sầm uất. Nhân dân khắp vùng truyền đời ghi nhớ.
       Khi ấy có người dòng dõi ngoại tộc họ Hùng tên là Thục Phán - bộ chủ bộ Ai Lao, nghe tin Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con rể liền đem binh tiến đánh. Nhận tin cấp báo, Hùng Duệ Vương lập tức cho hội triều để bàn kế sách dẹp giặc. Vua phong Tản Viên sơn thánh làm Ngũ Đạo đại tướng quân, lĩnh ấn nguyên soái, thống lĩnh ba quân; phong Nguyễn Sùng là Tả tướng, Nguyễn Hiển làm Tham tán. Ba ông xung trận, dẹp tan quân giặc, giành lại bình yên cho xã tắc. Vua Hùng Duệ Vương xét công trạng, ban thưởng cho Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển thực ấp ở đạo Sơn Tây (vùng Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội ngày nay).
       Một hôm, Nguyễn Hiển về thăm lại vùng đất Bình Sơn, Lập Thạch. Thấy cảnh xóm làng bình yên, mây khói hoà quyện tựa chốn tiên. Tức cảnh sinh tình, ông ứng khẩu ngâm một bài thơ vịnh khen thế đất rồng chầu hổ phục, nước chảy hiền hoà, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Ngâm xong thơ bỗng có tiếng thét vang trời, không gian bỗng chốc tối sầm, mây ngũ sắc bao phủ vòng quanh, bách thú chầu phục, ông Nguyễn Hiển cưỡi trên lưng hổ trắng từ từ bay lên không trung và biến mất.
Nhận được tin, Hùng Duệ Vương vô cùng thương tiếc, liền sắc phong cho ông là Quý Minh Hiển Linh Đại Vương rồi truyền cho dân các làng, các ấp nơi nào ông đã từng qua đều được lập đình, miếu để thờ phụng. Nhà vua còn cho ban phát tiền bạc, ruộng vườn cho những làng có đình, miếu thờ ông được hương khói phụng thờ vĩnh viễn. Từ đó về sau, trải qua các triều vua, mỗi khi có giặc ngoại xâm, thần Quý Minh đều hiển linh phù giúp, công đức khôn xiết.
       Đình Bình Sơn xưa được xây dựng vào năm 1815; trên một thế đất cao, thoáng có tên là gò Đình, cách chùa Vĩnh Khánh - tháp Bình Sơn khoảng 1km.
       Theo người cao tuổi trong làng, thì ngày trước, đình Bình Sơn là một kiến trúc truyền thống to lớn. Trụ biểu của nghi môn đình cao vút. Hai trụ chính tạo ra không gian của cổng chính. Trụ chính kết hợp với hai trụ nhỏ tạo thành không gian của cổng phụ. Tiếp nối giữa cổng chính và cổng phụ là hai cánh phong được đắp phù điêu tượng hai võ tướng đứng nghiêm trang mặc áo chiến bào tay cầm vũ khí, vẻ mặt nghiêm nghị như muốn nhắc nhở, răn đe mọi người khi bước vào không gian linh thiêng của thánh thần phải thể hiện thái độ tôn kính, nghiêm trang.
       Cũng theo trí nhớ người cao niên trong làng thì ngày trước, đình có 3 lối cổng, lần lượt có tên là: cổng Đông (nay là phần đất gia đình ông Vĩ đang sinh sống), cổng Tây (qua đất nhà ông bà Soạn - Thúy) và cổng chính. Trong đình, còn có một sàn gỗ được thiết kế khéo léo, gắn sát vào tường, chạy vòng theo hai bên tả, hữu đình, làm nơi ngồi dự hội họp, lễ tiệc của các quan viên, cụ thượng, các bậc tiên chỉ, người có uy tín trong làng… mỗi dịp làng có công to việc lớn hay hội hè, lễ tiệc… Sàn gỗ ấy rộng rãi, lên nước nhẵn bóng. Mỗi khi làng có việc, người phục vụ chỉ cần dùng chổi lông gà phất bụi là sàn sạch lau, các cụ ngồi trực tiếp lên mà không cần phải trải chiếu.
       Người thạo phong thủy khẳng định; đình Bình Sơn tọa lạc trên thế đất đẹp, có dáng long vờn hổ phục. Theo đó, tay ngai bên phải của nhị vị đức thánh vịn vào quả gò Thàng Làng, tay ngai bên trái vịn vào quả gò Làng Mới; lưng đình tựa vào gò Sau Đình (hậu chẩm); trước cửa đình có cánh đồng Cửa Đình một năm 2 vụ cấy, lúa tốt cá nhiều, làm minh đường. Lại thêm hướng đình nhìn vào doi đất nhô ra giữa một bên là gò đất có tên là gò Đẩu và cánh đồng Mẫu Tư. Doi đất ấy trông giống chân “ông” hổ đang quỳ, tạo nên thế đất hổ phục…  Tất cả, tạo cho ngôi đình một thế tọa lạc vững chãi, uy nghi.
       Trải năm tháng nắng mưa, đình xưa xuống cấp nghiêm trọng, nên làng phải hạ giải. Để bảo tồn chốn thiêng, vào khoảng những năm đầu thế kỷ XXI, dân làng thu vén, gom góp, tận dụng nguyên vật liệu từ chính đình cũ, phục dựng lại ngôi đình hiện tại trên nền xưa.
       Đình Bình Sơn có mặt bằng kiến trúc theo hình “chuôi vồ” (một lối kiến trúc truyền thống của người Việt). Đại đình có diện tích 80m2, chia thành 5 gian, được hình thành trên hệ thống cột gỗ có đường kính chân cột là 30cm, hệ mái đình Bình Sơn được làm bằng gỗ có kết cấu kiểu “chồng rường - giá chiêng”. Hậu cung của đình gồm 3 gian, diện tích khoảng 25m2 nối với đại đình; kết cấu mái bằng gỗ kiểu “chồng rường - giá chiêng”, tạo thành hệ vững chắc. Mái đình lợp ngói.
       Không chỉ là một không gian thiêng trong vùng, đình làng Bình Sơn còn là một “địa chỉ đỏ”; nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ cách mạng, kháng chiến của dân tộc.
       Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân làng đã dành ngôi đình Bình Sơn cho Viện Quân y 108 trưng dụng làm nơi sơ tán, cứu chữa thương binh. Trong chiến dịch Tây - Bắc, đình là kho muối của Chính phủ, phục vụ đời sống, chiến đấu.
       Đình Bình Sơn còn là nơi tổ chức các lớp học xoá mù chữ, nâng cao dân trí. Rất nhiều năm tháng về sau, đình là nhà kho chứa nông sản của hợp tác xã nông nghiệp, là hội trường của chính quyền xã Tam Sơn.
       Trong ký ức người cao tuổi của làng, cũng như của các thế hệ người dân trong làng sinh vào những năm 1950, 1960, 1970 (thế kỷ XX) vẫn còn nhớ rất rõ, vẻ uy nghi của đình xưa. Cùng hình ảnh cây gạo cổ thụ trước cửa đình, là hình ảnh sân đình lát gạch phẳng phiu rộng rãi (điều hiếm có lúc bấy giờ) chuyên là chỗ để bà con nông dân trục tuốt lúa, phân chia nông sản (từ mớ rơm tươi đến nắm củ muống, mớ cá tát đầm cuối năm…) trong mỗi vụ gặt chiêm, gặt mùa. Nơi sân đình, những đêm trăng sáng, những buổi làm mùa, cảnh các xã viên hợp tác xã… hăng hái làm việc thời hợp tác xã; rồi cảnh hội họp, sinh hoạt của thanh, thiếu nhi Bình Sơn… vẫn luôn là những ký ức đẹp, không thể phai mờ.
       Xung quanh ngôi đình Bình Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích gợi nhớ về một thời quá khứ rất đáng tự hào của dân làng, như giếng Vính (gần cửa đình) quanh năm đầy ắp nước mát, một thời chuyên là nơi cung cấp nước cho đội thúc mầm của hợp tác xã nông nghiệp ủ mạ phục vụ các vụ gieo cấy; chuyện kể về cánh đồng mang tên Quán Trác - cánh đồng nằm bên con đường làng nối từ chùa Vĩnh Khánh và tháp Bình Sơn vào làng, đi tới đình Bình Sơn. Trên đoạn đường dài khoảng hơn 1km ấy, xa xưa từng có ngôi quán nhỏ, là điểm nghỉ chân cho dân làng, khách thập phương mỗi khi từ đình, từ trong làng đi ra chùa dâng hương, lễ Phật hay từ đường xa về lại quê nhà. Chưa hết, gần sát con đường này, còn có quả đồi mang tên đồi Thầy Cội - do dân làng đặt tên để ghi nhớ câu chuyện về ông tiến sĩ họ Hà, trước khi đỗ tiến sĩ, làm quan to trong triều đình, đã từng mở trường dạy học ở đất làng Bình Sơn. Ông tiến sĩ ấy, phải chăng là Hà Nhiệm (Nhậm) Đại*, hoặc Hà Sĩ Vọng?
       Trong tâm thức người dân Bình Sơn, ngôi đình làng luôn là niềm tự hào đặc biệt; là không gian thiêng, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, chốn hội họp, bàn việc làng của các bậc trưởng thượng, quan viên, người uy tín trong làng.
       Theo kiểm kê của cơ quan chức năng, đồ thờ, khí tự trong đình Bình Sơn hiện nay là hiện vật mới, gồm: 2 ngai thờ; 2 hương án; một bức đại tự khảm 4 chữ “thánh cung vạn tuế” (聖躬萬歲);  một đôi câu đối có nội dung:
“Bảo hộ quần sinh công quả đại
 An bình sắc lý đức lưu quang”
(保護群生功果大
安平邑里 德留光)
(Tạm hiểu nghĩa là:
Bậc thánh/ông tổ của làng đã có công lao rất lớn bảo hộ cho tất cả mọi người/dân làng Công đức rất to lớn ấy được lưu lại cho muôn đời sau)
        Theo lệ làng, người dân Bình Sơn còn lưu truyền những điều khắc kỵ, như kiêng không gọi “khoai lang” mà gọi là “củ muống” (tránh húy tên đức thánh Minh Lang); việc dâng hương trong đình phải tuân theo quy định của làng; đàn bà, con gái không được tự ý bước vào hậu cung, kể cả khi muốn dâng hương, làm lễ thánh cũng phải tuân theo sự sắp đặt của ông thủ từ và ban quản lý di tích. Điều này cho thấy, trong tâm thức dân làng, luôn tôn kính, biết ơn nhị vị đức thánh - những con người có công hộ quốc tí dân. Đó cũng chính là nét đẹp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân ta. Đó cũng là thuần phong mỹ tục của dân làng Bình Sơn từ bao đời.
       Với những giá trị đặc sắc ấy, đình làng Bình Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là “di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh” từ ngày 15/02/2019.
 
T.V
 
* Hà Nhiệm (Nhậm) Đại (1525 - ?), hiệu Hoằng Phủ, tự Lập Pha; là quan nhà Mạc và là nhà thơ Việt Nam ở thế kỷ 16. Ông là người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Năm Giáp Tuất (1574), đời Mạc Mậu Hợp, Hà Nhậm Đại thi đỗ tiến sĩ lúc 49 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ. Anh ông (có tài liệu nói là chú) là Hà Sĩ (có tài liệu chép là “Nhậm”) Vọng thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc (1535).
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc