Việc xuất bản sách khi xưa và cách ghi bút danh tác giả
Ngày đăng: 31/03/2024; 56
NGUYỄN QUÝ ĐÔN
 
Thông thường, người viết văn, làm thơ... có họ tên cụ thể, bút danh và biệt hiệu.
Họ tên cụ thể là họ và tên thật của tác giả (tên khai sinh) trong giao tiếp xã hội, có thể ghi nhận tác phẩm để làm bút danh.
Bút danh là tên đặt ra của người viết, chuyên dùng để ghi nhận tác phẩm do mình sáng tác.
Bí danh hoặc biệt hiệu là tên riêng dùng cho một hoạt động nào đấy, thay cho họ tên chính thức của mình.
Thời kỳ từ 1939 đến 1945, các tác giả văn học thường dùng họ tên thật hoặc bút danh để ghi vào tác phẩm nhằm giải quyết việc thương mại và kiểm duyệt.
Các tác giả như Lưu Trọng Lư, Trần Tiêu, Bùi Hiển, Đỗ Đức Thu... ta thấy được ghi trên tác phẩm là họ tên thật của mỗi người.
Các tác giả như Thạch Lam, TChya, Thụy An... ta thấy được ghi trên tác phẩm là bút danh của mỗi người. Vì Thạch Lam họ tên thật là Nguyễn Tường Lân, TChya họ tên thật là Đái Đức Tuấn, Thụy An họ tên thật là Lưu Thị Yến... Bí danh được người hoạt động chính trị lấy dùng còn biệt hiệu người ta hay ghi cặp đôi với họ tên thật như: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Lệ Thần Trần Trọng Kim, Á Nam Trần Tuấn Khải, Chu Thiên Hoàng Minh Giám...
Cũng trong thời kỳ này (1939 - 1945), Văn học Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ. Cùng một lúc cả ba dòng văn học là yêu nước và cách mạng, văn học hiện thực phê phán, văn học lãng mạn cùng xuất hiện rầm rộ. Phần văn học yêu nước và cách mạng, tôi sẽ có bài viết riêng. Ở bài viết này, người viết chỉ đề cập văn học hiện thực phê phán và văn học lãng mạn, gọi chung là VĂN HỌC CÔNG KHAI, là loại hình được phát hành chính thức trên thị trường sách báo.
Các tác giả phần đông đem tác phẩm của mình bán cho các nhà xuất bản tư nhân, coi như một thứ hàng hóa, để nhận món tiền nhuận bút ít ỏi mà sinh sống.
Lúc đó, có các nhà xuất bản như Tân Dân, Đời Nay, Đời Mới, Mới, Hàn Thuyên, Cộng Lực, Minh Phương, Mai Lĩnh, Hương Sơn, Duy Tân thư xã... Các loại hình tạp chí như Tạp chí Thanh Nghị, Tạp chí Tao Đàn, Hà Nội tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Phụ Nữ tân văn... Các nhóm xuất bản tiểu thuyết như Phổ Thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy và một số tuần báo khác nữa... do tư nhân đứng ra “kinh doanh”.
Nhà xuất bản xem xét tác phẩm một cách kỹ càng, ỉ eo, chê bai, đòi sửa chữa chỗ này, chỗ nọ. Bởi vì sách hoặc bài viết không “hay”, không thu hút độc giả, không bán được, thì nhà xuất bản sẽ thua lỗ nặng nề. Do đó, họ đòi hỏi tác phẩm phải thật:
1. Ly kỳ: Có nhiều pha diễn biến bất ngờ, lạ lùng chưa từng thấy, hành động liên tiếp, thay đổi liên tục. Chẳng hạn, đang là thằng nhặt bóng trên sân gôn bỗng chốc biến thành một vị đốc-tờ (bác sĩ), giỏi hơn cả bác sĩ thật. Múc nước ruộng bẩn cho cụ cố uống, nhằm nhanh chóng đưa cụ về cõi chết để con cháu mau hưởng gia tài. Nhưng cụ cố tin tưởng thuốc thánh, uống nước ruộng bẩn mà lại khỏi bệnh mới kỳ. Bà phó Đoan vỗ nước, vỗ đùi, vỗ bẹn bì bạch, mong Xuân tóc đỏ xông vào buồng tắm, nhưng thằng này quá ngốc, chẳng biết gì, đành rằng lúc trước hắn đã dám nhìn trộm các cô đầm non thay quần áo... để đến nỗi bị cảnh sát bắt.
Các tình huống như thế được gọi là ly kỳ.
2. Lâm ly: Có hình ảnh nào thê thảm hơn hình ảnh một người mù dắt mấy đứa bé đi ăn xin? Từ ngày còn để món tóc bơ phờ trên đầu, hai tay bưng hai bát thức ăn, lúc đó Nhân chưa mù, nhưng bỗng nhiên bị đứt dải rút, thằng bé Nhân bị tụt quần giữa phố. May nhờ con bé Mũn kéo hộ quần lên cho, đi đằng sau túm chặt cạp quần, từ từ từng bước về được đến nhà. Cặp trai gái ấy thương yêu nhau, kết thành một gia đình trong cảnh khổ. Đến khi Mũn có 3 mụn con thì người chồng bị mù. Ít lâu sau, người vợ đi bán quà bánh dưới tàu thủy, bước hụt chân, ngã xuống sông chết. Anh Nhân mù đành phải dắt mấy đứa con bé dại đi làm nghề... ăn mày.
Đọc nguyên tác thì quá lâm ly, thê thảm gấp trăm lần phần tóm tắt này. Bởi thế, nhà xuất bản gật đầu, buông ra một tiếng: “Được!”.
3. Mê ly: Họ đưa ra những tình huống trái ngược với cuộc sống thông thường. Một cô gái giả trai đi tù trên chùa, làm chú tiểu, bị một chàng trai thành thị phát hiện khi cô gái tuột áo, lộ băng vải quấn ngực. Hai người yêu nhau “trên linh hồn, trên lý tưởng” trong cảnh chùa thiêng liêng và thiên nhiên thơ mộng... rất đỗi thanh cao!
Tệ hại hơn nữa, một nhà văn đem bản thảo của mình có tên là “Thất tình” bị nhà xuất bản yêu cầu tác giả phải đổi sang tên khác là: “Sự xấu hổ của chiếc quần đàn bà” hoặc “Sự động cỡn của đàn bà...”. Đồng ý như thế thì đăng.
Hàng loạt tình huống tương tự làm thị trường sách báo lúc đó xuất hiện những tác phẩm như: “Người đàn bà trần truồng”, “Khi chiếc yếm rơi xuống”... và hầu như quyển tiểu thuyết nào cũng phải có vài trang miêu tả cảnh hiếp dâm, loạn luân, cẩu hợp, ngoại tình, hở hang... để câu khách tò mò.
4. Rùng rợn: Cảnh đánh người, giết người, đâm chém nhau... được viết rất sinh động, khủng khiếp. Các “anh hùng rơm” đi buôn lậu, có súng đạn, có gái đẹp kèm bên. Các “con ma” hiện hình như trong “Liêu trai chí dị”, yêu say đắm chàng trai quan lang, hồn người vợ lái tàu hỏa hiện ra trong đêm, khua tay ra hiệu cho đoàn tàu đỗ lại, vừa lúc đoàn tàu tiến sát tới cây gỗ đổ, chắn ngang đường sắt. Rồi thì có các cô gái ngậm sâm, bị gắn chặt mồm, nhốt trong hầm tối cùng với kho báu chất đầy vàng, để làm thần giữ của. Có quyển lại miêu tả hình ảnh ghê rợn của người thắt cổ, lưỡi thè ra, thân xác đung đưa. Cô gái ôm anh ta, chả biết vô tình hay hữu ý, cả hai đều văng xuống vực thẳm... Lại có pha “mật thám săn đuổi phạm nhân” hồi hộp và tàn bạo, y như trong chiếu bóng, chiếu phim hành động Âu Mỹ.
Ngán ngẩm với cách viết văn như thế, trong bài thơ “Gửi Trương Tửu”, đăng trên báo Phụ nữ năm 1938, Nguyễn Vỹ đã thốt lên:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Và:
Anh đi che tàn một lũ ngốc
Triết lý con tườu văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua!”
Bên cạnh những nhà văn chịu kiếp đọa đày, buộc lòng phải viết những cuốn sách mà mình cũng kinh tởm, sa đọa, trụy lạc, nghiện ngập, thảm khốc... Vẫn còn nhiều nhà văn có lương tri như Hoàng Duy Từ, Khương Hữu Tài, Thạch Động, Trương Chính, Cao Văn Chánh... nhưng sách của họ không bán được, tên tuổi bị chìm lấp. Hãy nghe một nhà văn trong nhóm này phát biểu: “Tính tôi ưa hòa bình, không muốn gây gổ với ai. Vậy mà tôi phải lên tiếng, tôi phải chỉ trích những cái khốn nạn, nhầy nhụa (lầy lụa) của những đoạn văn mà bọn văn sĩ nửa mùa về hùa nhau cho là kiệt tác, là đúng sự thật, là can đảm” (ý kiến một người đọc “Dâm hay không dâm” ký tên Nhất Chi Mai, đăng trên báo Ngày nay số 14/3/1937).
Vẫn bài báo ấy còn có đoạn:
“Tuồng như nhân loại đã tiến hóa ở chỗ nói tục, dùng những danh từ bẩn thỉu, uế tạp, và chứa đầy rẫy những chuyện hiếp dâm, làm đĩ, ăn cắp và bịp bạc.
Nếu nhân loại tiến hóa ở chỗ đó thì cũng đáng buồn cho nhân loại... phải chăng đó là tấm gương phản chiếu tính tình, lý tưởng của một nhà văn, một nhà văn nhìn thế giới qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa”.
(Nhất Chi Mai, Báo Ngày nay, 1937)
Trách các nhà văn thuở ấy một phần, còn trách bọn chủ nhà xuất bản mới là phần chính.
Ta hãy đọc “Tin vắn... vắn” của Lê Ta:
“Các nhà xuất bản ra đời nhiều quá. Bất cứ bác lái buôn nào cũng bỗng dưng thành người nhận những “tác phẩm” đó để đọc và để rồi đem in.
Họ đã gây ra một không khí riêng
Cái không khí riêng của một thời kỳ quái gở?
Nhà văn học sử sau này có thể viết: Đó là thời kỳ thiểu não nhất, trong đó người ta thấy sự kém cỏi, sự bất tài in sách và vênh váo dưới sự che chở của những con buôn gặp thời”.
(Ký tên: Lê Ta, in trên báo Ngày nay số 197, ngày 20/01/1940).
Cái khổ của văn sĩ nước ta hồi 1939 - 1945, không chỉ do bọn “buôn văn bán chữ” đưa độc giả vào thị hiếu tầm thường, mà cái khổ chủ yếu của người cầm bút lúc đó là không có “Tự do ngôn luận”. Điều không muốn nói thì tha hồ nói, điều cần nói thì lại không nói được. Toàn quyền Brévié nắm chắc vấn đề đó, nên ông ta tuyên bố: “Trình độ và tư cách báo giới ở xứ này còn hèn kém lắm. Ở trên thế giới mà nghe đến báo giới Đông Dương thì ai cũng ít thiện cảm, vì vậy tôi tuyên bố: Tự do ngôn luận!”.
Thực chất “Tự do ngôn luận” của Brévié là tự do viết bậy, viết vớ vấn thì tha, viết chống đối thì cắt, xén bỏ cả trang, cấm in cả tập mà không có quyền bảo vệ. Lần lượt các tờ báo Nam Phong, Ngọ Báo, Dân Quê, Hà Nội báo, Tiếng trẻ... bị bịt miệng và bóp cổ cho chết. Báo Ngày nay, số 45, ngày 31/01/1937 đã có đoạn viết:
“Số phận bất trắc của một tờ báo Quốc ngữ là một điều trở ngại lớn cho sự tiến bộ báo chí, nghĩa là cho sự tiến bộ của toàn thể dân chúng. Nghề làm báo cũng như mọi nghề khác, cần phải có một tương lai chắc chắn mới có thể nảy nở ra được. Không bao giờ nên quên rằng một tờ báo, không phải chỉ là một cơ quan ngôn luận, mà còn là một việc thương mại nữa. Đóng cửa một tờ báo lớn, tức là ném người này vào sự thua lỗ, vứt người kia vào chỗ thất nghiệp...”.
Sự thật, những nhà văn tiến bộ không thể hành động công khai. Họ phải rút vào bí mật và làm nên dòng văn học cách mạng hoành tráng.
Các tác giả viết văn đồi trụy, viết văn mộng mơ, viết văn vớ vẩn, xa lánh hiện thực và hiện tại, cũng đều có nỗi khổ chung, day dứt, dai dẳng - nỗi khổ của nhục nhã, bệ rạc, đói khát, nô lệ... khác hẳn với nỗi khổ của văn sĩ cách mạng:
“Đời cách mạng khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ, súng kề tai
Là thân sống coi chỉ còn một nửa”.
                                          (Tố Hữu)
Bởi thế, cả ba dòng văn học, không ai thích thú gì, huênh hoang gì mà lấy tên mãi lên đầu tác phẩm, đánh bóng mãi cái tên hiệu, in mãi cái chân dung lên bìa sách hay trang báo. Không bao giờ ta nhìn thấy những chữ như GS, TS, THS... kèm với tên khai sinh của tác giả in lên trước bài viết, khống chế tư tưởng người đọc. Phải chăng, những chữ ấy nên để các bài báo khi xưa, các tác giả đều ký tên sau chữ cuối cùng của dấu chấm hết (./.), là khiêm tốn, hay e dè? Người ta cho rằng, tác phẩm được tôn vinh hay bài bác là nhờ ở nội dung và nghệ thuật của nó chứ đâu phải dựa vào các chữ cái kia để đọc ra cái gì cũng được.
 
N.Q.Đ
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc