Truyện ngắn
LÃ THẾ KHANH
I. Mùa Đông hơn hai mươi năm trước, em tôi rời làng, xa xứ tới phương trời Đông Âu thăm thẳm.
Bẵng đi ngần ấy thời gian, một hôm em tôi gọi điện thông báo xuân này sẽ hồi hương ăn tết. Còn niềm vui nào bằng, còn sự chờ đợi nào hơn thế. Nàng Vọng phu thuở trước chờ chồng chinh chiến có mười năm mà đã hoá đá, còn thầy mẹ tôi, trong nỗi khát khao chờ đợi đứa con trai út trở về đã không đủ sức chống chọi với quy luật sinh tồn, nên đành trở về với cõi hạc, trong ảo ảnh thấy mặt người con trai lần cuối.
Ngần ấy năm, nấm mồ của thầy mẹ tôi đã mòn vẹt theo thời gian, cỏ bao lần thay lá, em tôi mới đủ tiền mua vé máy bay trở lại cố hương.
II. Ngỡ ngàng nhìn Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, em tôi hỏi:
- Sân bay Nội Bài hiện đại, hoành tráng chả kém gì mấy sân bay lớn ở châu Âu mà em từng đến. Lúc chưa về nước, em cứ tưởng nó chỉ nhỉnh hơn hồi em đi tí chút, ai ngờ bây giờ sang trọng ghê. Dịch vụ thì thậm chí còn hơn cả Tây.
Tôi cười:
- Còn nhiều thứ khác khiến chú phải bất ngờ. Chú xa quê hai lăm, hai sáu năm rồi chứ ít gì.
- Nhanh thật đấy. Lúc đi, em mới ngoài ba mươi, vậy mà giờ tóc đã toàn sợi bạc. - Em tôi gật gù.
Xe qua trạm soát vé Phúc Thắng, vào địa phận thành phố Phúc Yên. Quan sát hai ven đường, nhìn thấy tấm pano lớn đề dòng chữ Công ty Honda Việt Nam, em tôi ngỡ ngàng:
- Đây là đất Hà Nội phải không anh?
Tôi giải thích:
- Đây là thành phố Phúc Yên, một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
- Thành phố trung du mà to thế. Hồi trước, khi chuẩn bị ra nước ngoài, lên thăm anh, nơi này vẫn còn là những dải đồi, sim mua mọc đầy. - Em tôi ngờ vực.
- Đúng. Hồi chú lên thăm anh, nơi này là một thị xã nghèo, nhà tầng chỉ dăm ba cái. Hiện, Phúc Yên đã lên thành phố, là khu kinh tế trọng điểm của Vĩnh Phúc, là vệ tinh của Hà Nội. Chiếc ô tô anh đang đi cũng là từ nơi này lắp ráp. Còn tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ phát triển mạnh lắm, thuộc top những tỉnh dẫn đầu của cả nước về phát triển công nghiệp. Lên Vĩnh Yên, chú muốn đi chơi mà không có người dẫn đường thì bị lạc là cái chắc. Thành phố sầm uất, mở rộng gấp nhiều lần so với năm 97 của thế kỷ XX khi chú lên thăm anh. Bây giờ thành phố đang phấn đấu “xanh - sạch - đẹp” như đất nước Singapore đấy. Bên Tây, ối nơi so với Vĩnh Yên cũng còn chạy dài.
- Vậy mà em cứ tưởng Vĩnh Phúc còn lạc hậu lắm. - Em tôi trầm ngâm - Ai ngờ tỉnh phát triển nhanh tới vậy. Nói thật, bên đó chúng em suốt ngày chỉ quan tâm làm ăn, thông tin trong nước nói là mù tịt cũng không hẳn, song có biết cũng chẳng là bao. Thành ra lạc hậu quá.
Nói rồi em tôi nhìn nhanh xuống mấy cái vali da cũ kỹ, to đùng mà nó lặc lè khuân từ nước ngoài về. Chẳng biết trong đó đựng những gì, nhưng ánh mắt em tôi thoáng một nỗi buồn sâu thẳm.
III. Khi kim đồng hồ chỉ 22 giờ đêm, vợ và các con tôi đã lên phòng ngủ, cậu em trai mới đủ can đảm mở ba cái vali. Cái thứ nhất toàn quần áo cả cũ và mới. Cái thứ hai đựng giày dép. Và cái thứ ba chứa đồ ăn, thức uống cho thằng con hai tuổi của nó. Em tôi sợ ở Việt Nam đồ thực phẩm nhiễm bẩn, không có những thương hiệu sữa nổi tiếng…
Nhìn đống “của cải” em trai út mang về sau 25 năm biền biệt xứ người, tôi ứa nước mắt:
- Anh đã dặn em rồi. Đi người không cho nhẹ, lỉnh kỉnh những thứ này làm gì cho vất vả.
- Chẳng lẽ mấy chục năm mới về quê mà không cho nội, ngoại được tí quà nào - Em tôi phân trần. Anh tưởng ngần này quà mà ít tiền à, em phải chắt bóp, làm thêm gần một năm trời đấy.
- Tao còn lạ gì, khỏi phải giải thích. Mọi người ở nhà cứ tưởng sống ở xứ người sướng lắm, nhưng khổ có hơn gì… - Tôi phụ hoạ. Hồi sang Pháp, tao thấy ối người Việt mình đi bán dạo đồ souvenir ở chân tháp Eiffel, ở sân Bảo tàng Louvre. Kiếm được đồng Euro của họ đâu có dễ. Ấy thế mà mỗi lần về nước, khoác cái áo Việt kiều Ăng-lê, Việt kiều Mỹ thì oách xì dầu ra phết.
Liếc nhìn cái vali quần áo, tôi hỏi:
- Những thứ này chú định cho ai?
- Em định biếu các ông, bà ở quê mỗi người một bộ. Quần áo bên đấy đắt khủng khiếp. Đồ mới thì biếu các cụ, còn second hand (đồ cũ) thì cho mấy thằng em con các chú, các cậu được không anh.
Tôi cười :
- Của không nặng bằng công. Anh nói thật nhé, nếu các cụ có nhận là nhận tấm lòng của em thôi chứ quần áo giờ ở nhà đâu có thiếu. Mới lại, cánh thanh niên nay nó không dùng đồ cũ đâu. Bọn này ghê lắm, cái gì cũng phải xịn. Điện thoại iPhone 13, 14. Giày không những xịn mà còn phải mốt. Chú cho, có thể chúng nó nể nó nhận, nhưng sau đó lại quẳng vào xó tủ thì phí lắm. Thôi cứ để đấy tính sau. Anh đã bảo rồi, không phải quà cáp cho nó mệt người. Nước mình giờ đâu có như hồi em đi xuất khẩu lao động. Hàng hoá chẳng thiếu thứ gì. Tây sang đây còn “mê” bỏ mẹ, xách về nước đủ thứ. Đã vậy giá cả lại rất rẻ. Đấy, ngày mai chú ra phố, vào mấy siêu thị thì biết, chỉ sợ không có tiền thôi, chứ có tiền thì hàng hoá năm châu đều có cả. Hoa quả thì mùa nào thức nấy, loại cực xịn cũng có mà bình dân cũng có. Đâu như cái ngày mới ra nước ngoài, chú gửi bạn cầm về nước cho thầy mẹ mấy quả táo xách tay. Bây giờ ấy à, táo Mỹ, Nam Phi, Úc… có mà đầy các siêu thị. Còn táo, lê Trung Quốc thì nếu có ai cho cũng phải cân nhắc chán mới dám ăn.
IV. Ở thành phố với tôi được hai ngày, thằng em nằng nặc đòi về quê bằng được. Trước khi về, nó hỏi:
- Quê mình giờ khá hơn trước nhiều không anh hay vẫn cứ lam lũ thế?
Tôi ừ hữ trả lời:
- Về thì chú khắc biết chứ anh có nói chú cũng chẳng tin. Ngay cả với anh mỗi lần về làng còn phải ngỡ ngàng cơ mà.
- Thế cơ à! - Em tôi mừng rỡ gật đầu, song ánh mắt thì lộ rõ sự nghi ngờ.
Về đến nhà, sau khi làm thủ tục tâm linh để kính cáo với gia tiên, em trai tôi đòi tới thăm họ hàng ngay. Nhà đầu tiên, cũng là do tiện đường, anh em tôi tới là đứa em họ. Thằng em này làm nghề ba toa kiêm kinh doanh hoa quả sạch. Nhìn chiếc xe BMW mới cứng đậu trong garage, em tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Xe này… của chú à? Mổ lợn mà cũng tậu xe oách nhỉ!
- Nhằm nhò gì. Cái xe cỏ mà anh cũng khen. Loại này làng mình đầy. Mấy thằng học cùng với anh hồi cấp II giờ còn đi Lexus cơ. Xe em xe cỏ chấp gì! - Thằng em ba toa hãnh diện trả lời. - Thế bên Tây bác cưỡi xe gì? Mỹ hay Tây Đức?
Em trai tôi đỏ mặt:
- Mỹ với Đức cái nỗi gì. Suốt ngày cắm mặt đi làm thuê cho tư bản, đủ ăn là khá lắm rồi. Tất nhiên là cũng có ô tô, nhưng là loại second hand của Nhật. So với xe của chú, anh có mà nằm mơ.
Rời nhà đứa em họ, thằng em bắt tôi đưa đi tham quan khắp các thôn làng. Tới chỗ nào nó cũng trố mắt ngạc nhiên vì sự đổi thay của quê hương. Cũng phải thôi, ngày em tôi đi xuất khẩu lao động, làng toàn ao tù, đường đất quanh năm lầy lội. Điện thì chỉ khu vực hành chính công mới có. Nay, khi đêm về, thôn trên làng dưới điện sáng lấp lánh như sao sa. Khắp thôn xóm, đường đi lối lại đều được trải bê-tông. Trục đường chính của xã còn được thảm asphalt như quốc lộ. Trường học và trạm y tế xã xây mới khang trang, hiện đại… nên em tôi ngỡ ngàng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng càng ngỡ ngàng, mừng rỡ trước sự phát triển của quê hương thì hình như nó càng chạnh lòng, xót xa cho chính phận mình - nhìn vào đôi mắt trĩu buồn của nó, tôi nhận ra điều đó.
V. Về nước được ba tuần, em tôi nằng nặc trở lại xứ người. Nó giải thích: Làm cho tư bản, nghỉ việc hai ngày quá phép thì ông chủ cắt hợp đồng liền. Không có việc mà trông chờ đồng lương thất nghiệp xã hội chi trả thì có nấu cháo mà ăn cũng không đủ chia cho 30 ngày trong tháng. Lại còn trăm thứ phí, thứ thuế… mà thứ nào quy ra tiền Việt cũng bạc triệu, vậy nên ốm cũng phải đi làm. Hơn hai mươi năm xa quê, em tôi bù đắp lại mỗi năm bằng một ngày phép, còn muôn vàn thứ khác đánh mất thì không bao giờ nó lấy lại được.
Đêm trước ngày em tôi trở lại xứ người, nó thắp hương thầy mẹ tôi, rồi lầm rầm khấn vái: Thầy mẹ tha tội cho đứa con bất hiếu này. Con cứ ngỡ sang xứ người kiếm tiền để về phụng dưỡng thầy mẹ, ai ngờ, sự biền biệt của con lại là nguyên nhân để thầy mẹ ra đi sớm…
Không biết lời sám hối của em tôi có linh nghiệm, chỉ biết rằng ngay khoảnh khắc đó bát nhang thờ cha mẹ tôi bỗng hoá đùng đùng. Và trong khóe mắt cha mẹ nơi di ảnh, tôi như thấy nhòe đi, thẫm lệ.
VI. Đến tận thời khắc em tôi phải vào làm thủ tục xuất cảnh, tôi mới lấy trong túi ra 1.500 Euro mà trước đó nó biếu, nài nỉ:
- Đây là số tiền em biếu anh chị và các cháu. Nhưng chú thấy đấy, anh chị bây giờ cũng đầy đủ, các cháu đứa nào cũng công ăn việc làm đàng hoàng, có nhà, xe ô tô riêng. Số tiền này khi nào cần anh sẽ xin chú sau. Anh biết chú vất vả, một chuyến về phép thế này tích lũy cả năm coi như sạch bách, thế nên, chú cứ vui lòng nhận lại để sang đó mà trang trải chứ ở xứ người thì vay mượn được ai.
Nói là vậy, nhưng tôi đinh ninh cậu em sẽ không nhận lại số tiền nó đã biếu vợ chồng tôi. Ai dè nó vẫn đưa tay nhận lại gói tiền rồi lầm lũi bước nhanh qua cái vạch sơn màu vàng để làm thủ tục xuất cảnh. Từ lúc ấy trở đi, nó không hề quay lại nhìn tôi một lần. Hút nhìn theo, tôi thấy nó lặng lẽ đưa tay dụi mắt. Bàn tay gầy guộc, thô nhám của nó lấp loá những vệt nước.
Tiếng loa trong nhà chờ vang lên khẩn thiết: “Những hành khách đi châu Âu đề nghị khẩn trương vào cửa X để làm thủ tục…”.
Kéo cái vali cũ sờn, em tôi lùi lũi nhích từng bước chân về phía cửa X để chuẩn bị lên máy bay, tiếp tục cuộc đời xa xứ. Trong cái vali ấy thay vì chứa những đôi giày tây quá cỡ, những bộ quần áo cũ, nó chất đầy những bức ảnh kỷ niệm của gia đình, quê hương. Trước đó nó đã gửi vào khoang hành lý trả chậm hai cái vali lớn chất đầy tỏi, ớt, lạc, vừng… - những món ăn bình dị của quê nhà, mà nhờ những thứ đó nó vẫn thao thiết tìm đường trở lại cố hương, vẫn ghi lòng, khắc sâu vào tâm khảm rằng mình có đi đâu, ở xứ sở nào trên trái đất này thì mình vẫn là con, dân nước Việt.
L.T.K