KIM CÚC
Lại nói về vùng đất Vĩnh Phúc, quê hương của người Việt cổ, ắt sẽ sản sinh ra một vùng văn hóa dân gian đậm sắc, nói cách khác, vùng đất này đã có diện mạo văn hóa phi vật thể riêng rất độc đáo, đa dạng và nổi bật hơn cả là dấu ấn cội nguồn dân tộc. Những dấu ấn cội nguồn ấy được ghi nhận trên các lĩnh vực sử học, khảo cổ học, dân tộc học… Dấu ấn cội nguồn ấy cũng được biểu hiện nhiều thể loại, các dạng thức của văn hóa dân gian như tín ngưỡng dân gian, truyện kể, truyền thuyết, cổ tích, diễn xướng, hội hè, lệ tục… Những dấu ấn cội nguồn này bộc lộ sắc thái riêng từng khu vực, từng làng xã, trong đó có không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Lỗ Đinh Sơn Thất vị đại vương (danh tướng thời Trần chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất - 1258), vùng chân núi Tam Đảo, núi Đanh, núi Ngang trên địa bàn Vĩnh Phúc.
Trên đỉnh núi Đinh (hay còn gọi là núi Đanh, Vĩnh Yên) có đền thờ bảy anh em họ Lỗ thời Trần chống giặc Nguyên Mông. Tục danh núi Đinh gọi là Lỗ Đinh Sơn vì tương truyền trên núi có lăng mộ là nơi hóa và hiển thánh của bảy anh em họ Lỗ - danh tướng đời Trần Thái Tông (1218 - 1277) tham gia trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258). Sau khi thắng trận, bảy anh em họ Lỗ không trở về quê hương - núi Ngang (dãy núi từ Tuyên Quang - Sơn Dương - Lập Thạch), nay thuộc xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) mà lên núi Đanh và hóa tại đây. Vì thế, Nhân dân vùng chân núi Đanh và các làng xã đều lập đền thờ và được các triều vua phong sắc, lấy ngày 4 tháng Giêng là ngày hóa thần để thờ phụng muôn đời và trở thành tên gọi núi Đinh thờ Lỗ Đinh Sơn Thất vị đại vương từ đấy. Theo Ngọc phả tại miếu Vèo ở làng Lương Phao, Thượng Trù, xã Quyết Trung, tổng Định Trung, huyện Tam Dương, phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây, do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng sao về 102 điểm (làng, xã) thờ cúng trong vùng, đậm đặc nhất là chân núi Đinh - nơi Thất vị hóa. Các đình, đền, miếu thờ Thất vị ở các làng xã nay thuộc thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Thời Trần các địa danh thờ Lỗ Đinh Sơn đều thuộc huyện Dương. Đến thế kỷ XIX, Cao Bá Quát (1808 - 1855), một danh sĩ có tài văn chương nổi tiếng một thời, trong một lần đi chu du đến địa danh Vĩnh Phúc đã lên đền chùa Tây Thiên (Tam Đảo), chùa Ngũ Phúc (trên đồi An Sơn) của 5 làng Tích Sơn có đền thờ Thất vị, núi Đanh (nơi Thất vị hóa)… Đến đâu ông cũng vừa vãn cảnh, mượn rượu làm bầu bạn để đề thơ, trong đó có bài vịnh về núi Đinh, nguyên bản chữ Hán, phiên âm như sau:
Dương lâu cao kiến Lỗ Đinh sơn
Hiệp cốt do văn ký bích man
Hải nội tức kim vô chiến lũy
Thặng lưu anh khí tại nhân gian
Tạm dịch là:
Ngồi trên lầu cao vẫn như thấy họ Lỗ ở núi Đinh
Biết rằng xương trắng đã tan trong vách đá
Nơi chiến lũy ngày nay không còn nữa
Nhưng khí anh linh vẫn còn mãi chốn nhân gian.
(Trích trong “Tam Dương Đông lâu bát vịnh đồng Minh Trọng tác” - Tám khúc vịnh ngồi trên lầu phía Đông huyện Tam Dương cùng làm với Minh Trọng - Nguyễn Quý Đôn dịch)
Trong 102 điểm thờ Thất vị trên đất Vĩnh Phúc đều có sự tích chung, song có những chi tiết do người dân của từng làng xã sáng tạo thêm qua từng năm, kỳ lễ, hội hè… vì thế mà tín ngưỡng thờ cúng Thất vị ngày càng phong phú hơn. Trong đó phải kể đến bản ngọc phả Thất vị hiện còn lưu giữ ở miếu làng Lương Phao, Thượng Trù, xã Quyết Trung, tổng Định Trung, nay là làng Vèo, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Theo bản Ngọc phả Hồng Phúc, năm thứ nhất, ngày 02 tháng Năm, do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng sao cho tổng số 102 điểm thờ cúng Thất vị ở các làng xã, thì:
“... Nước Đại Nam, tỉnh Sơn Tây, phủ Vĩnh Tường, huyện Tam Dương, xã Quyết Trung, thôn Lương Phao, Thượng Trù (nay là làng Vèo, xã Định Trung) tuân theo như lệ cũ, hương hỏa thờ cúng đầy đủ, mãi mãi về sau. Cùng với 102 điểm thờ cúng ở các làng xã trong vùng, đậm đặc nhất là chân núi Đinh - nơi Thất vị hóa”.
Đến năm Tự Đức thứ 7, ngày 09 tháng Tư (1854), chép lại bản Ngọc phả Hồng Phúc để thờ cúng (bản Ngọc phả này lưu giữ tại miếu Vèo).
Miếu Vèo hiện nay vẫn còn dấu tích văn chỉ, ao tắm Voi (tương truyền là trọng đồn của Thất vị Đại vương), nên địa danh trại Nông binh vẫn còn đến ngày nay; cột đá của cổng làng Lương Phao (có điếm canh của làng) nay còn hòn đá mọc, dân làng còn truyền lại câu ca:
Đêm đêm thổi sáo kèn đôi
Tiếp ông Quận Láng lên chơi Quận Vèo
(Nền móng Văn chỉ cạnh miếu thờ Quận Vèo, có giếng gọi là giếng Nghè, còn Quận Láng thuộc làng Láng, xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên).
Về sự tích câu ca trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Qúy Đôn đã viết trong bài “Truyện kể ở làng về thái tể Nguyễn Duy Thì”, như sau:
... “Nhờ mưu tính của Nguyễn Duy Thì (1562 - 1642), loạn Trịnh Xuân sớm bị dập tắt. Tháng 8 năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tráng đem binh ra Bắc, phá tan quân của Kinh Khoan ở Gia Lâm. Phe đảng họ Mạc cắm đầu chạy thoát thân, lẩn trốn lên phía Bắc, vùng ven bãi sông Hồng và sông Cà Lồ.
Trịnh Tráng phái Nguyễn Duy Thì về Yên Lãng (nay thuộc huyện Bình Xuyên) xem xét tình hình. Phàm kẻ nào gốc họ Mạc mà đã cải danh tính, sống yên lành, làm thầy đồ, thầy thuốc, nhà sư, nông dân… Nguyễn Duy Thì lệnh cho chức sắc địa phương cần lưu ý, nhưng không truy cứu tội để giam cầm và hạ sát, gây thảm kịch đẫm máu. Lúc ấy, có đôi vợ chồng họ Lưu là Lưu Đăng Mạc trở về quê, trú ở thôn Minh Lương, xã Thanh Lãng. Địa phương này có tới bốn chi họ Lưu. Chi nào cũng làm ăn phát đạt. Nguyễn Duy Thì về Hợp Lễ, biết tin ấy, cho gọi Lưu Đăng Mạc tới gặp mặt.
Lưu Đăng Mạc y lệnh đến hầu. Nguyễn Duy Thì thấy phong thái hắn đĩnh đạc, cử chỉ khiêm tốn lễ phép, dáng dấp nho nhã, nên chỉ hỏi một câu:
- Người là Lưu Đăng Mạc, nhưng ta cần tìm Mạc Đăng Lưu?
Hắn run sợ cúi đầu thành khẩn:
- Xin quan lớn thương xót, chỉ mong quan coi tiện dân mãi mãi là Lưu Đăng Mạc, lương y làm thuốc cứu người. Phương tuyền hầu, Trụ quốc công Nguyễn Duy Thì mỉm cười:
- Thế thì được! Nhớ lấy nhé!
Ngay đêm ấy, Lưu Đăng Mạc và vợ, mỗi người ôm một cái lọ lộc bình cổ ở từ đường họ Lưu, thả xuống đầm Láng. Lọ cao 2 thước 3 tấc, đáy nặng, miệng nổi, dùng làm phao bơi. Hai vợ chồng mỗi người ôm một lọ, bơi suốt 3 canh giờ mới tới bờ đầm phía Yên Lạc. Trên cả hai cái lọ đều có chữ: “Nhất phàm phong thuận” nghĩa là cánh buồm thuận gió. Lên đến bờ, họ móc quần áo khô trong lọ ra thay đổi, rồi vội vã đi về phía Tam Dương. Về sau ở Tam Dương xuất hiện một chi họ Lưu, nhưng là Lưu Văn, chứ không phải là Lưu Đăng. Trong tổ đường họ Lưu có bài vị thờ Phương tuyền hầu, Trụ quốc công Nguyễn Duy Thì…”.
Chuyện kể này đưa ra một giả thiết cho rằng: Thái tể Nguyễn Duy Thì được dân làng gọi là Quận Láng (kẻ Láng, làng Láng nay là xã Thanh Lãng, Bình Xuyên; Lưu Đăng Mạc (tức Mạc Đăng Lưu) là Quận Vèo (làng Vèo, xã Quyết Trung, tổng Định Trung, huyện Tam Dương nay là xã Định Trung, Vĩnh Yên). Đây cũng là một dữ liệu nữa để có thể tiếp tục khảo sát, nghiên cứu về câu chuyện dân gian này.
Thời Trần, vương triều hộ quốc cứu dân, uy danh hiển hách với nhiều anh hùng tướng sĩ có công với đất nước, trong đó phải kể đến 7 anh em họ Lỗ mà vua Trần đã gia phong mỹ tự: Lỗ Đinh sơn Thất vị đại vương để lại muôn đời hương hỏa phụng thờ và truyền lấy ngày sinh, ngày mất của Thất vị để cúng tế. Đồng thời cấm phạm vào các tên húy, tên chữ, màu sắc từ đấy trở về sau (chữ húy: Cường, Dũng, Mẫn, Dực, Vũ, Đài, Lê, Bảy, Trọng, Liên, Lỗ, Đinh, Sơn); hàng năm các kỳ tiệc lễ, cúng tế theo lệ.
K.C