Bình dị giữa đời thường
Ngày đăng: 22/01/2024; 86
NGUYỄN TẠ
 
 
     Làm vợ bộ đội đã 16 năm, cũng là ngần ấy thời gian, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Định (huyện Yên Lạc) phải một mình tần tảo sớm khuya, lo toan công việc của gia đình và chăm sóc hai con nhỏ. Chồng chị, Thiếu tá Phạm Văn Vinh, y sĩ quân y Đồn Biên phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, do đặc thù công việc, phải công tác xa nhà, nên mọi việc trong gia đình đều một tay chị thu vén.
 
     Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vinh, chị Hương vào một ngày rét ngọt cuối tháng Chạp. Rót chén trà nóng mời chúng tôi, chị Hương hồ hởi: “Anh Vinh có việc đi công tác dưới xuôi, vừa về nhà chiều qua!”. Chúng tôi mừng rỡ: “Ôi thế hả chị! Chúng em hẹn gặp chị mà không ngờ lại được gặp cả anh, may quá chị ạ!”. Chị Hương tươi cười: “Anh vừa có việc ra ngoài, các em ngồi uống nước đợi một chút anh về”.
     Chén trà nóng xua tan cái lạnh giá của ngày đông, câu chuyện đời sống của đôi vợ chồng bác sĩ - y sĩ quân y cũng được chị Hương dần mở ra trước mắt chúng tôi.
     Sinh năm 1976 tại Thị trấn Yên Lạc, 19 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Vinh tham gia nghĩa vụ quân sự với mong muốn được góp một phần sức trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành nghĩa vụ, anh trở thành quân nhân chuyên nghiệp và được đơn vị cử đi học lớp Y sĩ trung học của Học viện Quân y năm 2002. Trong thời gian học tập, anh quen biết và đem lòng yêu thương cô bạn cùng lớp quê gốc Nam Định - Phạm Thị Thu Hương, sinh năm 1980. Năm 2004 hoàn thành khóa học, anh được cử lên Hà Giang làm y sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, chị Hương xuống Hà Nội làm cho một phòng khám tư. Khoảng cách địa lý không ngăn được tình cảm của anh chị. Năm 2006 tình yêu đó đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị tại tổ dân phố 1 Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc.
     Sau khi kết hôn, chị Hương chuyển công tác về Trạm Y tế xã Bình Định, huyện Yên Lạc. 16 năm làm vợ lính, phần lớn thời gian chồng công tác xa nhà, chị Hương đã thay anh chăm sóc gia đình, chăm lo cho bố mẹ già và nuôi dạy các con nhỏ, đồng thời, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ y tế địa phương. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, chị còn tích cực tham gia các khóa học nâng cao trình độ cho bản thân. Năm 2013, chị Hương hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Thái Nguyên. Năm 2019, chị được đề bạt làm Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Định; tháng 5/2022, chị được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Định. Trên cương vị quản lý, chị Hương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tham mưu với các cấp, ngành những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác y tế của đơn vị. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hương cùng với cán bộ của trạm y tế nỗ lực làm tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Năm 2022, Trạm Y tế xã Bình Định được UBND huyện Yên Lạc tuyên dương, khen thưởng; chị Hương được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
     Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương cho biết: Thấu hiểu được nỗi vất vả của người vợ lính phải chịu nhiều thiệt thòi, ít khi có thời gian bên chồng, phần lớn thời gian làm vợ, làm mẹ đều một mình; tuy nhiên, “thuận vợ thuận chồng”, vợ chồng anh chị luôn cùng chí hướng, lý tưởng: tất cả đều tập trung hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao. Bên cạnh đó, chị luôn được sự cảm thông, yêu mến, chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè nên những gánh nặng cuộc sống cũng vơi bớt phần nào. Thêm nữa, vợ chồng dù xa nhau lâu ngày nhưng mỗi lần gặp nhau đều như ngày đầu mới yêu nên tình cảm ngày càng gắn bó - chị Hương tươi cười.
     Đầu năm 2020, cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19, anh Vinh cùng đồng đội ngày đêm tuần tra, ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, bảo vệ biên giới Tổ quốc nên rất ít khi có thời gian về thăm nhà. Cùng thời gian đó, anh lại được tăng cường vào phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi hậu phương, chị Hương tích cực tham gia phòng chống dịch cùng các đồng nghiệp tại quê nhà. Thời điểm khó khăn nhất là thời gian chị bị lây nhiễm Covid-19, sau đó đến bà ngoại và hai con trai của anh chị cũng bị lây nhiễm. “Khi bị lây nhiễm Covid-19, tôi lo cho tôi thì ít mà lo cho mẹ, cho chồng và hai con thì nhiều.” - chị Hương chia sẻ. Tuy nhiên, kìm nén lại những lo âu, đặt tinh thần phòng chống dịch lên trên hết, chị cùng các cán bộ y tế xã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân dân. Tranh thủ những lúc có thời gian, chị điện thoại về nhà hướng dẫn bà ngoại và hai cháu cách uống thuốc và phòng dịch tại nhà. Với những nỗ lực của chị và các cán bộ y tế của Trạm, năm 2022, Trạm Y tế xã Bình Định được UBND huyện Yên Lạc tuyên dương, khen thưởng và cá nhân chị Hương được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
     Chúng tôi đang mê mải cuốn theo mạch truyện của chị Hương thì anh Vinh về. Trước mắt chúng tôi là một thân hình rắn rỏi, gương mặt cương nghị, nước da rám nắng đúng “chất” lính biên phòng. Cùng cái bắt tay thân mật, anh tươi cười: “Anh định lên đơn vị từ sáng sớm, nhưng nghe chị nói hẹn gặp nhà báo nên anh nán lại đến trưa mới đi!”.
     Đồn Biên phòng Bạch Đích nơi anh đóng quân thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, quản lý 25,433km đường biên với 42 mốc quốc giới thuộc 4 xã biên giới gồm: Bạch Đích, Phú Lũng, Thắng Mố, Na Khê. Địa bàn rộng, dân cư phân tán, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn thường xuyên phải đi tuần tra, giám sát công tác xuất - nhập cảnh trên địa bàn. Những khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, về đường đi nguy hiểm… chưa bao giờ làm nao núng bước chân tuần tra của các anh trên những cung đường biên giới Tổ quốc.
      Không phụ sự tin tưởng của các cấp, ngành và sự kỳ vọng của gia đình, nơi biên cương của Tổ quốc, thiếu tá Phạm Văn Vinh đã biến tình yêu, nỗi nhớ thành động lực để vượt lên mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ của một y sĩ quân y, vừa chăm sóc sức khỏe cho cán bộ tại Đồn vừa hỗ trợ công tác y tế của các xã biên giới nơi anh công tác, phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương tiêm chủng mở rộng, khám sức khỏe định kỳ cho bà con Nhân dân. Do địa bàn rộng, trạm xá của huyện cách xa nơi bà con sinh sống nên bà con thường xuyên lên Đồn Biên phòng nhờ cán bộ quân y thăm khám và xin thuốc khi đau ốm. Nhờ sự gắn bó mật thiết với bà con Nhân dân nên các anh rất được bà con yêu quý, sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi cần thiết - anh Vinh cho biết.
     Trong gần 3 năm cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh Vinh cùng đồng đội thường trực sẵn sàng đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tại vùng biên giới. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn hầu như phải “cắm chốt” kiểm soát dọc đường biên. Đặc biệt, với những cán bộ quân y như anh Vinh phải túc trực 24/24 tại các điểm cách ly bệnh nhân Covid-19 từ biên giới về, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng anh cùng đồng đội luôn thể hiện bản chất “thép” của người lính Cụ Hồ, vững vàng trước mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, anh Vinh đã lên đường tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19. Anh cũng nhiều năm liền được đơn vị bình chọn là Chiến sĩ Thi đua cơ sở.
     Do đặc thù công việc nên một năm anh chỉ về thăm gia đình được 2 -3 lần. Đợt cao điểm dịch Covid-19, anh đi tăng cường cho các tỉnh phía Nam thì hơn 1 năm mới về thăm nhà nên cả 2 lần chị sinh con, anh đều không có mặt. Khi con bé, mỗi lần về nhà, con đều không theo vì lạ, đến khi làm quen và thân thiết với con thì anh lại phải trở lại đơn vị; hay khi anh được nghỉ phép về thăm nhà 15 ngày thì chị lại phải trực đến 7 buổi tối nên thời gian vợ chồng gần nhau cũng không được nhiều. “Nghĩ thương vợ, thương con vô cùng nhưng vì thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc nên những người lính như chúng tôi đều phải gác lại niềm riêng” - anh Vinh chia sẻ.
     Nói về quãng thời gian 20 năm yêu và làm vợ lính, chị Hương cười hiền: Làm vợ người lính chịu nhiều thiệt thòi bởi phần lớn thời gian không có chồng bên cạnh; nhưng, nếu cho chọn lại tôi vẫn quyết định gắn bó với anh và tự hào khi là vợ lính bởi chúng tôi luôn thấu hiểu và trân trọng nhau, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi lần lên biên giới thăm anh, tôi lại nuốt nước mắt vào trong bởi thương chồng và đồng đội của anh công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn, đường xá đi lại xa xôi, đồi núi cheo leo, vực sâu nguy hiểm, có khi còn bị sạt lở… Những lúc ấy, tôi mới cảm nhận được những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với công việc của người lính biên phòng. Tôi rất tự hào về anh bởi cuộc sống xa nhà dù nhiều vất vả nhưng chồng tôi và đồng đội của anh luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tận tụy với công việc, đoàn kết gắn bó với Nhân dân và luôn yêu thương, hướng về gia đình. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm phải vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, chu toàn công việc, gia đình, con cái để anh yên tâm công tác.
     Luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, vợ chồng anh Vinh, chị Hương - người nơi biên giới, người ở hậu phương, dù xa cách và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng anh chị luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình.
     Nhận xét về gia đình anh chị, ông Ngô Quang Thân - Tổ trưởng Tổ dân phố 1 Đông, thị trấn Yên Lạc cho biết: Vợ chồng anh chị Vinh - Hương luôn sống hòa đồng với bà con trong khu phố, dù bận công tác nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, anh chị đều nhiệt tình tham gia vào các phong trào của địa phương. Gia đình anh chị xứng đáng là tấm gương sáng để bà con noi theo.
     Chia tay gia đình anh Vinh, chị Hương trong không khí Tết đang đến gần, tôi hỏi anh Vinh: “Liệu Tết năm nay anh có về ăn Tết với chị và các cháu không?”. Anh nhìn chị tươi cười: “Tết năm nay anh trực, không về được!”. Vẫn biết, các gia đình có chồng là chiến sĩ biên phòng đóng quân ở biên giới hay nơi hải đảo xa xôi đều gặp những khó khăn như vậy. Niềm vui đoàn viên ngày Tết tuy chưa được trọn vẹn nhưng anh chị vẫn luôn vui cười, lạc quan, tự hào là những y sĩ, bác sĩ, những người con của quê hương Vĩnh Phúc, rất bình dị nhưng luôn mang trong mình tình yêu và sự nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
N.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc