Giải mã “Một và Nhiều”
Ngày đăng: 20/09/2024; 99
(Nhân đọc tiểu thuyết “Một và Nhiều” của nhà văn Hà Phạm Phú,
Nxb. Hội Nhà văn, 2022)
 
                                                                       PHẠM NGỌC CHIỂU
 
        Giữa những ngày nắng nóng đến khó chịu đầu mùa hạ năm 2023, cộng đồng mạng bỗng xôn xao bởi một bài viết ngắn về cuốn tiểu thuyết “Một và Nhiều” của nhà văn Hà Phạm Phú. Bài viết nói về những lỗi không thể chấp nhận được của bìa sách, từ màu nền, hoạ tiết, đến kiểu chữ, co chữ, nhất là cụm chữ trình bày trên đầu bìa như cố ý đánh đồng giá trị của tác giả và người tổ chức bản thảo, v.v... Cuối cùng, nhà văn - tác giả bài viết ngắn - thốt lên: Nếu tôi là tác giả mà nhận được sản phẩm như thế thì tôi ném cuốn sách vào sọt rác (!). Ngay lập tức cộng đồng mạng lên tiếng, nhất là sau khi có ý kiến giãi bày của nhà văn Hà Phạm Phú, rằng sau khi nộp bản thảo cho nhà xuất bản, được thông báo sẽ đưa vào một dự án nào đó, cho đến khi nhận được sách bản quyền, tất cả quá trình diễn ra trong đó, ông hoàn toàn không biết gì (nguyên văn ông dùng là thao tác hộp đen), thành thử rất thất vọng. Dĩ nhiên, quy trình làm việc giữa tác giả sáng tạo và nhà xuất bản, ban quản lý dự án, vấn đề bản quyền của tác phẩm, chế độ nhuận bút đều có những ràng buộc minh bạch theo luật pháp cũng làm không ít người quan tâm.
Có điều những xôn xao đó chưa động chạm đến những vấn đề cốt lõi của cuốn sách - giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Một và Nhiều”.
Bài viết này xin được bàn về những giá trị đó.
I
“Một và Nhiều” kể về cuộc đời của một con người từ lúc sinh ra cho đến khi bước sang lứa tuổi “xưa nay hiếm” - thời điểm ông ta quyết định gõ bàn phím máy tính để kể lại hành trình cuộc đời mình. Nhưng không chỉ có thế. Đọc hết 493 trang in khổ 14,5x20,5, người đọc thấy rằng “Một và Nhiều” nói với họ nhiều điều lớn lao hơn, sâu xa hơn phía sau cuộc đời 70 năm của nhân vật có tên Hải Phạm này.
Trước hết là hành trình cuộc đời của Hải Phạm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân có gốc gác từ trong Nghệ Tĩnh ra vùng đồi tổng Đan Hạ Thượng, thuộc vùng trung du Phú Thọ, khai hoang những quả đồi cao hơn ba trăm mét so với mực nước biển, lập nên làng Hạ Đan có giống cây cọ tiêu biểu của vùng đồi, mỗi năm chỉ mọc thêm được một lá với buồng hoa lạ lùng. Chuyện cuốn gia phả bị đốt cháy và chuyện ông bố Hải Phạm chỉ nhớ được năm đời, bảo gia phả là cái giếng. Nhưng có một điều Hải Phạm không chỉ nghe kể mà còn tận mắt chứng kiến và tham gia vào truyền thống của gia tộc - ấy là tự đời cụ cố nội đến ông nội, đến bố và bác rồi đến Hải Phạm đều là người có học, yêu thích thơ văn, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ của các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới, nhớ và thuộc nhiều tiểu thuyết cổ của Tàu. Chuyện vùng đồi, chuyện gia tộc, rồi chuyện học bình dân học vụ, nhất là đến chuyện cải cách ruộng đất đã nối nhau hiện lên trên phần đời thơ ấu của Hải Phạm, không bao giờ mờ phai trong tâm trí của chàng trai sớm bộc lộ năng khiếu văn chương và có ý thức phấn đấu theo cái nghiệp cầm bút nhọc nhằn này.
Phần đời tiếp theo của Hải Phạm là từ 1961, vừa học xong lớp chín bậc phổ thông mười năm, thì anh được tuyển dụng vào quân đội để đào tạo thành cán bộ nguồn. Từ đó, trải qua mười năm quăng quật nay đây mai đó, rời nhà mặc áo lính, vào trường đào tạo lái máy bay ở Cát Bi, Hải Phòng; bất ngờ được đưa về trường Văn hoá quân đội ở Lạng Sơn học tiếp văn hoá và ngoại ngữ để đi đào tạo ở Liên Xô, nhưng kết cục từ lính không quân, anh liền trở thành lính bộ binh thuộc biên chế của trung đoàn Thủ Đô luyện tập những kĩ năng chiến đấu trên mặt đất… Khi đã thấm đủ nỗi cay cực của người lính thì Hải Phạm lại được gọi về trường Văn hoá quân đội. Lần này thì anh được đi du học Liên Xô, tại một trường quân sự ở Kiev, thủ đô nước cộng hoà Ucraina. Sau sáu tháng dự khoá tiếng Nga, tưởng đã chắc ăn, thì đùng một cái, nhận lệnh dừng học, về nước học Nghị quyết 9 - Nghị quyết chống chủ nghĩa xét lại Khơrutsov. Kết thúc đợt chỉnh huấn, Hải Phạm cùng đồng đội chuyển qua học tiếng Trung, rồi đi học kĩ thuật quân sự ở Trung quốc. Năm 1969, Hải Phạm tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư thiết kế chế tạo pháo, được phong hàm thiếu uý và được điều động về nhận công tác giảng dạy tại trường Đại học kỹ thuật quân sự.
Vậy là tròn mười năm “rồng rắn”, kể từ ngày rời nhà vào quân đội, đi nhiều nơi trên miền Bắc, và đi rất nhiều nơi trên đất Liên Xô, Trung Quốc, từ một binh nhì thành một sĩ quan với tấm bằng đại học, với tư cách giảng viên đại học, Hải Phạm nghĩ gì? Đây là điều anh đã ghi lại, và đưa vào cuốn tiểu thuyết tâm huyết cuối cùng của cuộc đời cầm bút của mình, tiểu thuyết “Một và Nhiều” ta đang bàn đến:
“Đi và không đi học được lựa chọn theo tiêu chuẩn nào? Đó là việc của Cục cán bộ, chắc cũng giống như việc đi những quân cờ!” (trang 167)
“Làm chính trị người ta không tính đến mỗi cá thể, càng không tính đến con người… Trong chính trị chúng ta chỉ là những quân tốt thí…” (trang 253)
Trích nguyên văn mấy câu chữ trên đây về suy nghĩ của Hải Phạm để bạn đọc cùng suy ngẫm: Phải chăng đây là những gì ông muốn nhắn gửi cho mỗi chúng ta qua cuốn tiểu thuyết “Một và Nhiều”.
***
Hành trình cuộc đời của Hải Phạm còn cả phần đời dài từ ngày ông rời trường Đại học kỹ thuật quân sự về làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân. Bắt đầu từ hôm ấy, ông - như tự nhận - là một người lính cầm bút làm Nhà báo và sau này thêm danh xưng Nhà văn nữa. Rồi ông kết hôn với một cô công nhân thợ tiện, sinh con đẻ cái, vất vả nuôi con thời bao cấp và những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, trong khi trách nhiệm của một nhà báo quân đội ông vẫn phải hoàn thành. Và rồi vợ ông xa chồng con đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, sau đó đưa các con ông sang ở cùng rồi định cư ở bên ấy. Gia đình ông chính thức thành hai tiểu gia đình, sinh sống ở hai đất nước khá xa nhau…
Vậy là tiểu thuyết “Một và Nhiều” có thêm hai nội dung quan trọng nữa.
Nội dung thứ nhất: Dõi theo hành trình nhà báo, nhà văn Hải Phạm, người đọc được bổ sung thêm hiểu biết về ba cuộc chiến tranh mà Việt Nam phải tiến hành để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam, giúp nước bạn xoá bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng một nước Campuchia mới, và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, diệt mầm hoạ nghìn năm Bắc thuộc.
Phần nội dung này thật sự rất có ích cho những ai muốn tìm tư liệu về ba cuộc chiến tranh vừa nêu trên, nhờ những trang ghi chép tỉ mỉ, trung  thực của nhà báo Hải Phạm. Với những người không cần tư liệu, đọc ghi chép của Hải Phạm cũng là dịp để hiểu rõ thêm về diễn biến cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968, về chiến dịch giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972, về diễn biến sự phản bội của bè lũ Pôn Pốt và cuộc tổng phản công trừ nạn diệt chủng, lập nên Nhà nước Campuchia mới, về cuộc chiến tranh đẫm máu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân ta từ tháng 2/1979 đến năm 1988 mới hoàn toàn chấm dứt. Thế mới biết giá trị của những trang ghi chép về cuộc chiến có ích đến thế nào, không chỉ cho bản thân người ghi chép, mà cho cả thế hệ đồng hành và với cả các thế hệ nối tiếp sau này.
Đấy là mới nói những cuộc chiến mà Hải Phạm trực tiếp tham gia với tư cách người lính cầm bút viết báo, viết văn. Còn cuộc đại loạn của Đại cách mạng văn hoá do Mao Trạch Đông phát động làm bại hoại đất nước Trung Hoa, và cuộc đổ bộ quân sự khủng khiếp của Sự kiện mùa xuân Praha do Liên Xô chỉ huy, chỉ trong 24 giờ đã có 200 ngàn quân và 2000 xe tăng quân đội khối Vác- sa-va đổ vào tràn ngập lãnh thổ Tiệp Khắc, nhằm bóp chết phong trào đòi tự do, dân chủ của lãnh đạo và Nhân dân nước này.
Hai sự kiện lịch sử trên đây, Hải Phạm chỉ là người chứng kiến (với Đại cách mạng văn hoá) và được nghe kể lại (với Sự kiện Mùa xuân Praha). Nhưng ông đã ghi chép rất cẩn thận từng sự kiện, từng con số, và suy ngẫm rất nhiều. Bởi các sự kiện lịch sử, dù xảy ra ở đâu cũng đều tác động đến những thân phận con người. Và ông đã ghi lại cảm xúc đó như sau:
“Điều mà ông Hải Phạm, với tư cách nhà văn, luôn cảm thấy day dứt, tâm can bị nung nấu, ấy là thân phận con người và sự lựa chọn của nhân loại. Con người thì quá bé nhỏ, mà sự lựa chọn của nhân loại thì quá nhiều sai lầm!” (trang 490)
Còn một nội dung quan trọng nữa của “Một và Nhiều”. Ấy là những cuộc thăm thú, thưởng ngoạn rất nhiều vùng, nhiều miền của nhiều quốc gia cùng nhà báo, nhà văn nhân vật chính của tiểu thuyết nhiều trang chữ này. Một nội dung đậm chất du kí, giúp người đọc có dịp mở rộng tầm nhìn ra ngoài quê hương và đất nước mình, cũng là để người đọc xả stress sau những trang in đầy sự kiện căng thẳng và chết chóc của chiến tranh và đại loạn bên đất nước tỉ dân kề cận phía Bắc nước ta.
Đọc hết trang 493 của tiểu thuyết, bên tai tôi cứ vẳng lên cái giọng trầm buồn của nhà văn Hà Phạm Phú đang chậm rãi đọc lại mấy dòng ông viết ở trang 490 mà tôi vừa cẩn trọng chép lại để bạn đọc cùng suy ngẫm. Có vẻ như hai câu văn ngắn ngủi này mới gói ghém toàn bộ ý tưởng của nhà văn khi ông viết “Một và Nhiều”, cuốn tiểu thuyết cuối cùng đời văn của ông.
II
Bây giờ xin được bàn đến nghệ thuật thể hiện và ngôn ngữ văn chương của tiểu thuyết “Một và Nhiều”.
Nhà văn Hà Phạm Phú nói, “Một và Nhiều”Tiểu thuyết tự truyện của ông. Đọc hết ngót năm trăm trang sách còn thơm mùi giấy mực của ông tặng, đối chiếu với những gì tôi biết về cuộc sống của ông, tôi thấy ông nói rất thật lòng.
Có nghĩa là nói theo ngôn ngữ thể loại, tiểu thuyết “Một và Nhiều” của Hà Phạm Phú là tác phẩm Tự truyện có hư cấu.
Đây là thể loại văn xuôi được các nhà văn Việt Nam và nhiều nước ưa dùng trong những năm gần đây.
Viết theo Tự truyện có hư cấu người viết có thuận lợi là có sẵn một cốt truyện gần như đã thuộc ở trong đầu, nhưng đấy cũng là cái khó cho tác giả. Bởi cốt truyện có sẵn ấy như tấm áo giáp khuôn cứng lấy tư duy sáng tạo của họ, khiến họ không dễ tạo thêm những mảnh ghép mới ăn nhập hợp lí với cốt truyện vốn có để làm nên một cốt truyện mới hấp dẫn hơn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn.
Vậy trong tiểu thuyết “Một và Nhiều” đâu là phần tự truyện, đâu là phần hư cấu? Nhân tiện thì hỏi, chứ tôi biết, ngoài tác giả tiểu thuyết, không ai có thể trả lời câu hỏi này. Bởi tác giả chủ động nội dung của sách, nhưng ngay cả tác giả cũng không thể chỉ ra rạch ròi, đâu là chuyện thật (tự truyện), đâu là hư cấu thêm. Sáng tác văn học có con đường riêng của nó. Tác giả, khi đã nhập được tư duy của mình vào con đường ấy, thì tâm tưởng anh ta sẽ bị con đường ấy dẫn dắt, không còn theo ý định chủ quan ban đầu nữa. Thế mới nói, ngay chính tác giả viết thể loại Tự truyện có hư cấu cũng chẳng thể nói rạch ròi phần nào là chuyện thật, phần nào là chuyện được viết thêm (hư cấu) trong tác phẩm của ông.
Nhưng có một điều người đọc dễ dàng nhận ra trong tiểu thuyết “Một và Nhiều”, ngoài câu chuyện cuộc đời của chàng sĩ quan - kỹ sư chế tạo pháo Hải Phạm, còn có chuyện của nhà báo - phóng viên chiến tranh Hải Phạm và chuyện du ký của nhà văn Hải Phạm nữa. Và người đọc cũng dễ dàng nhận ra tác giả tiểu thuyết - nhà văn Hà Phạm Phú đã sử dụng ba bút pháp khác nhau để thể hiện ba nội dung trên.
Kể lại trọn vẹn và sinh động cuộc đời một con người, với yêu cầu gắn cuộc đời đó với cái nền lịch sử - xã hội dài như Hải Phạm đã sống, đã trải thật không dễ. Văn học thế giới đã có những tác phẩm kinh điển, mẫu mực về thể loại này. Đó là “Một cuộc đời” của nhà văn Guy đơ Mô-pax-xăng (Pháp) và “Pie đại đế”  của nhà văn Alexei Tonxtoi (Nga). Hai bậc thầy văn chương này đều thể hiện tác phẩm của mình bằng bút pháp tiểu thuyết cổ điển và rất thành công. Nhà văn Hà Phạm Phú khi kể lại tiến trình cuộc đời của Hải Phạm, cũng học theo tiền nhân, áp dụng bút pháp viết tiểu thuyết cổ điển trong xây dựng nhân vật chính (nhân vật trung tâm), trong cách thức kể chuyện (theo trình tự thời gian nhân vật sống, trưởng thành - tuy có đôi lúc đảo ngược trình tự này một chút cho sinh động và tránh tâm lý nhàm chán của người đọc), kết hợp với thủ pháp dựng truyện và nghệ thuật miêu tả (tả người, tả cảnh, tả tình). Những thủ pháp này của bút pháp tiểu thuyết cổ điển đặc biệt thích hợp và thành công khi viết các tiểu thuyết trữ tình - thế sự.
Bút pháp thứ hai nhà văn Hà Phạm Phú sử dụng là khi ông viết về các vùng đất của nước ta và rất nhiều vùng đất của các quốc gia khác. Đó là các vùng miền của đất nước Trung Quốc và Liên Xô vô cùng rộng lớn, là Tiệp Khắc và Pháp, là Đức rồi Campuchia. Tác giả dẫn người đọc theo chân Hải Phạm, với nhiều vai khác nhau - khi là anh chàng du học sinh, khi là nhà báo làm phóng viên chiến tranh, và cuối cùng là một nhà văn đã có tuổi, sau ngày nghỉ hưu, do công việc và do yêu thích khám phá, đã đến thăm và khám phá các vùng đất, từ địa lý tự nhiên đến lịch sử văn hoá, dân tộc học, v.v... Để thực hiện được nội dung này, nhà văn Hà Phạm Phú đã sử dụng bút pháp viết tiểu thuyết du kí, và theo tôi, ông đã thành công. Đến mức nếu tách phần nội dung này ra làm quyển sách riêng, nhà văn sẽ có một tiểu thuyết du kí dày dặn, gây được ấn tượng.
Bút pháp thứ ba áp dụng trong “Một và Nhiều” là bút pháp Tiểu thuyết tư liệu. Đây là bút pháp đắc địa khi thể hiện nhân vật Hải Phạm trong vai trò là phóng viên chiến tranh của Báo Quân đội Nhân dân. Chính bút pháp này cho phép nhà văn trích các trang tin chiến sự, đưa nguyên văn các tài liệu tác chiến và có thể chép lại các trang sổ tay phóng viên để đưa vào tiểu thuyết. Những trang tư liệu nóng hổi không khí chiến trường này giúp người đọc tiếp cận diễn biến chiến sự, từ diễn tiến cuộc tiến công Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa với “cối xay thịt” Quảng Trị, cuộc Tổng phản công giải phóng Campuchia, cuộc chiến đẫm máu bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta. Cũng qua những trang tư liệu cùng bình luận quân sự mà người đọc thêm tin yêu nhà báo - phóng viên chiến tranh Hải Phạm, và đó là thành công của bút pháp tiểu thuyết tư liệu mà nhà văn Hà Phạm Phú áp dụng khi viết tiểu thuyết “Một và Nhiều”.
Điều rất đáng lưu ý nữa ngoài việc áp dụng “ba trong một” về bút pháp là nhà văn viết các lời thoại trong “Một và Nhiều”. Ông bỏ hẳn lối viết thoại của Pháp văn, trở về lối viết thoại của ông cha, đưa lời thoại vào trong văn kể. Hay hay không cách viết này là tuỳ ý từng người, nhưng tạo được sự khác lạ thì đã rõ.
III
Tuy nhiên có hai điều mà tôi muốn trao đổi cùng tác giả và người biên tập của nhà xuất bản. Đây là ý kiến của tôi tham gia vào dư luận trên mạng xã hội về cuốn tiểu thuyết “Một và Nhiều” mà tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết này.
Thứ nhất, vừa là bạn cùng tuổi lại đồng nghiệp cả nghiệp văn và nghiệp báo với Hà Phạm Phú, tôi thật tình rất trân trọng và khâm phục khi ông tặng tôi tiểu thuyết “Một và Nhiều”. Bước qua tuổi 80 viết và in được cuốn sách khá nặng tay như “Một và Nhiều” đâu có nhiều người làm được. Bản thân tôi, suốt năm năm qua ôm ấp ý nguyện viết quyển tiểu thuyết cuối cùng để hoàn thiện bộ tiểu thuyết “Đường vòng nghiệt ngã” (quyển I - Khúc quanh định mệnh đã in năm 2017), nhưng đến nay vẫn chưa xong bản thảo, nên càng quý trọng sức làm việc của người bạn văn thân thiết. Và bởi vậy, tôi đọc cẩn thận, đọc kỹ “Một và Nhiều”.
Đọc xong, ngẫm nghĩ nghiêm túc, tôi thấy:
Bên cạnh những thành công tôi đã nêu trong bài viết, theo tôi “Một và Nhiều” cũng có đôi chỗ cần bàn với tác giả.
Về xây dựng nhân vật, đúng là Hải Phạm có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong tiểu thuyết nhưng khi ta nhắm mắt lại, không phải Hải Phạm hiện lên trước mắt vừa rất thật, vừa sinh động như suốt quá trình đọc ta đã cố hình dung. Tại sao vậy?
Điều nữa, 500 trang sách khổ 14,5x20,5 là sách dày, nhiều trang chữ, rất cần những trang văn hay để tạo hứng thú cho người đọc, cũng là để xua đi những căng thẳng mệt nhọc cho họ. Có rất nhiều chỗ trong sách có đất để làm việc này. Chẳng hạn cái vùng đồi trung du có giống cây cọ đặc trưng của Hải Phạm, loại cây mỗi năm chỉ mọc thêm một lá và cái buồng hoa lạ lùng. Tôi cứ ước cây cọ của quê Hà Phạm Phú được ông chăm chút, ông “làm văn” thêm một chút. Cũng như vậy, khi ông dẫn người đọc đến các vùng miền của nước ta và các nước trên thế giới, thì các trang du kí sẽ hấp dẫn hơn biết bao nhiêu…
Thứ hai, cũng là điều cuối cùng nói về “Một và Nhiều”, là tôi muốn trao đổi với người biên tập và cả người duyệt của Nhà xuất bản ấn hành cuốn tiểu thuyết này. Đó là việc cắt sửa bản thảo. Việc đọc thẩm định, biên tập bản thảo (cụ thể là việc cắt bỏ, sửa chữa những câu chữ, những đoạn văn, thậm chí cả một hoặc nhiều trang buộc phải cắt bỏ) để khi đưa in, tác phẩm tránh được những vướng mắc, nhất là những vướng mắc chính trị, việc này thuộc trách nhiệm và quyền hạn của người biên tập. Tất nhiên, phải cắt sửa hợp lý và được tác giả chấp nhận. Nhưng cắt sửa sao đó để người đọc không nhận ra và cả tác giả và người đọc hài lòng. Trong tiểu thuyết “Một và Nhiều”, bắt đầu từ trang 127, tôi thấy trang in có đánh dấu (…), một số trang đánh hai dấu như thế. Thấy lạ, tôi đếm được 26 trang và 31 chỗ đánh dấu này, và điện hỏi nhà văn Hà Phạm Phú. Ông cũng không rõ lí do, và đoán có lẽ đó là những chỗ biên tập viên cắt bỏ bản thảo của ông.
Phỏng đoán này của ông Phú có đúng không, xin hỏi người biên tập sách “Một và Nhiều”. Nếu đúng thì đây là điều cần bàn. Như trên tôi đã khẳng định, biên tập, sửa chữa, cắt bỏ là trách nhiệm và quyền hạn của người biên tập sách. Nhưng việc đó phải hợp lý, phải đúng và phải trao đổi với tác giả. Và thêm việc quan trọng này nữa, ấy là tạo sự khớp nối giữa hai đầu đoạn văn bị cắt bỏ. Cắt khéo thì không cần đụng bút, cắt dài, cắt nhiều thì phải viết thêm đoạn nối cho hợp lý. Có chỗ viết nối cả một đoạn văn, khi phần bản thảo bị cắt bỏ tính đến số trang. Nối ổn rồi là xong, đưa duyệt in, không có chuyện đánh dấu (…) như trong sách “Một và Nhiều”. Các đánh dấu này chỉ thời Pháp thuộc, các quan chức kiểm duyệt mới làm như thế. Tôi trao đổi điều này bởi tôi làm biên tập viên báo chí và xuất bản từ tháng 9/1975 và hiện nay tôi vẫn nhận biên tập sách cho bạn bè và các nhà xuất bản, tôi và các đồng nghiệp chưa một lần đánh dấu vào sách của tác giả như thế.
                                                                              P.N.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc