VĂN VƯỢNG
Thạc sĩ, nhà giáo Nguyễn Thị Phụng sinh ra và lớn lên ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Phụng đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo, mang cái chữ dạy cho các em học sinh kiến thức văn hoá và nhân cách sống. Thực hiện ước mơ ấy, năm 1996, tốt nghiệp THPT, Phụng thi đỗ vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ. Ra trường, với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn khám phá cuộc sống, con người miền Tây Bắc Tổ quốc, Phụng tình nguyện lên Lào Cai dạy học. Và, ngôi trường Nguyễn Thị Phụng được Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai điều về công tác là Trường THPT số 1 Bảo Yên.
Sau bốn năm dạy học ở Lào Cai, Phụng nên duyên với một thầy giáo quê Vĩnh Phúc. Để ổn định cuộc sống, sinh hoạt và cống hiến với nghề giáo, năm 2006 Phụng xin chuyển công tác về Trường THPT Tam Dương, Vĩnh Phúc.
Nhà giáo Nguyễn Thị Phụng quan niệm, dạy học là một nghệ thuật, đòi hỏi người thầy phải có tâm, kiến thức và kỹ năng sư phạm để khai sáng trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, đánh thức tiềm năng ở mỗi học trò. Xác định rõ điều ấy, Phụng luôn sắp xếp công việc khoa học, tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, toàn tâm toàn ý với nghề giáo cao quý. Để phát huy hết khả năng tiềm ẩn ở học trò, Phụng tích cực nghiên cứu các phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm qua sách báo, mạng Internet, từ các đồng nghiệp và các buổi sinh hoạt chuyên môn, từ đó áp dụng vào bài giảng ở các khối lớp để chất lượng dạy và học ngày thêm hiệu quả, chất lượng hơn.
Trong quá trình dạy học Nguyễn Thị Phụng luôn tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ học sinh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp nhất. “Bài học cũ mà tiết dạy vẫn mới thì mới khơi gợi niềm hứng khởi ở học sinh. Dạy văn không coi trọng dạy người thì vô nghĩa, không gắn liền với cuộc sống thì không gợi hứng thú, không coi trọng ý tưởng thì không phát huy được giá trị nhân văn trong văn học”. - Nguyễn Thị Phụng trải lòng.
Ở cô Phụng tình yêu thương, sự tận tâm, tận tụy dành cho học sinh là vô bờ bến. Tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường, Phụng dồn hết năng lực, toàn tâm, toàn ý ôn luyện, rèn giũa cho các em. Hằng ngày, Phụng cần mẫn chấm, sửa bài, dõi theo tiến bộ ở từng học sinh để khích lệ các em thêm yêu thích môn học. Không chỉ vậy, Nguyễn Thị Phụng còn lập sổ liên lạc cá nhân ghi số điện thoại của phụ huynh và địa chỉ gmail của từng em học sinh lớp mình chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt, thông tin tới gia đình các trò về tình hình học tập, rèn luyện. Qua gmail, điện thoại, Phụng chủ động khen cái hay, cái đúng để học trò nỗ lực phát huy; những điều chưa đúng, chưa phải, Phụng nhẹ nhàng khuyên bảo để trò không tự ti, mặc cảm, từ đó, hướng các em sống biết ơn, biết nghĩ và bao dung nhân hậu để rèn giũa, hình thành nhân cách tốt.
Em Thành Thị Thúy Hiền ở thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn nhưng có gia cảnh hết sức khó khăn. Nhà Hiền đông anh em, bố mất sớm, mẹ làm nông lại mắc bệnh nên thường xuyên đau ốm. Thu nhập của gia đình Hiền bấp bênh nên nguy cơ em phải nghỉ học, bỏ học rất cao. Hiểu gia cảnh của Hiền - cô trò nghèo chăm ngoan, hiếu học, Nguyễn Thị Phụng thường xuyên ghé thăm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ để Hiền có động lực vươn lên trong cuộc sống, học tập. Hiện Hiền đang là sinh viên năm thứ ba Học viện Ngoại giao. Tâm sự về cô giáo Phụng, ánh mắt Hiền rạng ngời, cho biết: “Em rất kính trọng và biết ơn cô giáo Nguyễn Thị Phụng. Nếu không có cô Phụng tận tình giúp đỡ thì em không thể trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao như hôm nay”.
Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề “gieo chữ”, Nguyễn Thị Phụng “mát tay” cho “ra lò” nhiều học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp trường, cấp tỉnh, đồng thời giúp nhiều trò nghèo, trò có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tinh thần để các em có thêm nghị lực viết tiếp giấc mơ tới trường. Phụng coi mình là người lái đò thầm lặng, trong đó, sự thành đạt của học trò chính là niềm hạnh phúc, là động lực để cô thêm yêu và tự hào về nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” mà mình đã chọn.
Là một đảng viên, Tổ trưởng phụ trách tổ chuyên môn Ngữ văn - Ngoại ngữ, Nguyễn Thị Phụng luôn giữ gìn đạo đức trong sáng, gương mẫu, sống hòa đồng, giản dị, quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương học sinh, ứng xử đúng mực với phụ huynh... Không chỉ dành thời gian cho việc trường, việc lớp, Nguyễn Thị Phụng còn nghiên cứu, viết nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được đồng nghiệp và lãnh đạo trường đánh giá cao. Tiêu biểu như “Giải pháp nâng cao hiệu quả các tiết dạy Nghị luận văn học trong chương trình Ngữ văn 12”; “Giải pháp nâng cao các tiết đọc văn theo chủ đề ký hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 12”… công bố vào năm 2017 và 2022, được Bộ giáo dục và Đào tạo công nhận là những sáng kiến hữu ích trong giảng dạy bộ môn Ngữ văn khối trung học phổ thông.
Đối với đồng nghiệp trẻ, Nguyễn Thị Phụng là người chị, người bạn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cùng cách tổ chức dạy học theo phương pháp mới. Không chỉ môn Ngữ văn mà các bộ môn khác trong tổ chuyên môn do cô đảm trách cương vị tổ trưởng, Phụng đều sẵn lòng đọc, góp ý, xây dựng giáo án, bài giảng cho đồng nghiệp. Nhờ đó, các giáo viên tổ Ngữ văn - Ngoại ngữ ngày một tiến bộ, tự tin đứng trên bục giảng. Ví như, bốn giáo viên trong tổ (Lê Thị Thu Hảo, Nguyễn Thị Thủy, Cao Thị Hà, Nguyễn Thị Hải Yến) được Phụng tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, hiện đều là giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó, hai giáo viên Cao Thị Hà, Nguyễn Thị Thủy đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Nói về đồng nghiệp của mình, đảng viên, nhà giáo Cao Thị Hà tâm sự: “Cô Phụng là một giáo viên tâm huyết, yêu nghề, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào và hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô chính là tấm gương sáng để đồng nghiệp, học sinh Trường THPT Tam Dương noi theo”.
Không chỉ được lãnh đạo trường tin tưởng; đồng nghiệp, học sinh quý trọng; phụ huynh yêu mến, Nguyễn Thị Phụng còn là một giáo viên cốt cán được Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tín nhiệm cử tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên khối THPT môn Ngữ văn trên địa bàn tỉnh. Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, môn Ngữ văn của trường THPT Tam Dương do cô Phụng phụ trách luôn đạt kết quả cao. Đặc biệt, tổ chuyên môn do Phụng đảm nhiệm cương vị tổ trưởng nhiều năm liền được xếp loại “Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc”; là tổ chuyên môn có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh…
Nhận xét về nữ giáo viên nhiệt huyết, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ này, Thạc sĩ, nhà giáo, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Dương - Phan Hồng Hiệp - cho biết: Nguyễn Thị Phụng là một giáo viên giỏi, có năng lực, tâm huyết, sáng tạo trong dạy và học. Điểm đáng quý ở cô Phụng là sống chân thành, thẳng thắn, kiêm tốn, hòa đồng, luôn cầu thị và có khát vọng vương lên. Việc gì giao cho cô Phụng lãnh đạo trường cũng rất yên tâm. Cô chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa được đồng nghiệp và phụ huynh học sinh kính trọng, quý mến.
21 năm gắn bó với nghề “gieo chữ”, năm 2017, nhà giáo Nguyễn Thị Phụng đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tuyên dương trong “Lễ tôn vinh cán bộ, công nhân, viên chức lao động tiêu biểu”. Năm 2018, công đoàn ngành Giáo dục tuyên dương trong Hội nghị sơ kết phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” giai đoạn (2016 - 2020). Năm 2020, cô Phụng được Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tuyên dương là giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn (2015 - 2020). Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021 Nguyễn Thị Phụng còn vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2020 - 2021.
Một vinh dự lớn đến với Trường THPT Tam Dương và Thạc sĩ, nhà giáo Nguyễn Thị Phụng là năm học 2022 - 2023 cô Phụng được tập thể sư phạm nhà trường, được Sở giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, phong tặng Nhà giáo ưu tú. Đây là vinh dự lớn để Nguyễn Thị Phụng tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” cao quý.
V.V