Nỗi riêng khép mở
Ngày đăng: 18/05/2022; 325

Truyện ngắn

LÃ THẾ KHANH

 

      Chị kém anh tới năm tuổi, nhưng từng có người đã nhầm lẫn: “Bà ơi, cho cháu hỏi, anh Hoàng có nhà không ạ!”. Cái anh Hoàng mà người đó hỏi thăm chính là chồng chị, tổng giám đốc công ty kinh doanh điện thoại nổi tiếng. Già hơn anh, già trước tuổi, điều đó cũng dễ hiểu, bởi chị là người vượng phu ích tử, lo toan trăm bề, để anh có được cái “vòng nguyệt quế” như hôm nay. Anh, muốn nói gì thì nói, phải chịu ơn chị cả đời. Ngoài việc đẻ và nuôi cho anh bốn mặt con, mà bây giờ đứa nào cũng thành đạt, chị còn như một ô-sin thực thụ của nhà chồng. Thầy bầm anh đều ở cái tuổi xưa nay hiếm từ lúc chị về làm dâu con các cụ. Ngót nghét tám mươi, hai cụ vẫn khá minh tường, song tay chân thì như tay chân mượn. Đã thế các cụ lại cực kỳ khó tính, hay hoài cổ, thường lôi chuyện thời thơ ấu của mình để so sánh với thời của con cháu. Vậy mà chị vẫn nhẫn nại chịu đựng, vừa chiều chuộng bố mẹ chồng, vừa lo cho chồng đủ gạo, tiền học xong đại học tại chức và nuôi bốn cái “tàu há mồm” sàn sàn trứng gà, trứng vịt của anh, đến khi chúng lần lượt tốt nghiệp đại học. Thế thì chị không già trước tuổi mới là chuyện lạ!

      Hồi anh chưa làm giám đốc (chứ chưa nói là là tổng giám đốc như bây giờ), anh chẳng mảy may bận tâm về việc chị già hay trẻ, ăn mặc như thế nào. Nhìn những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt phúc hậu, cam chịu của vợ, anh rất xúc động, thầm cảm ơn số phận đã giúp anh gặp được chị. Nhưng tới lúc làm giám đốc, nhất là bây giờ, làm tổng giám đốc, anh bắt đầu cảm nhận rõ sự phiền hà, khó xử của việc chị già hơn anh quá nhiều.

      Bắt đầu từ chuyện cô thư ký xinh đẹp, trạc tuổi với đứa con gái út của anh gọi chị bằng cô, song lại nhoe nhoẻn gọi anh bằng... anh ngọt xớt, để rồi sau đó lại quay sang chị: “Cháu xin lỗi! Cháu nhầm!”. Thực ra, cô ta đâu có nhầm nhỡ gì, bởi, có lần anh, chị và cô thư ký đó cùng đi ăn cơm, suốt bữa ăn cô ta vẫn “nhầm” như thế hàng chục lần, như thể cố tình trêu ngươi chị.

      Cũng từ khi anh làm tổng giám đốc, khách đến nhà thăm viếng, giao đãi ngày càng nhiều. Lúc đầu anh còn để chị pha trà giúp. Sau vài lần, nhìn bàn tay thô ráp, nứt nẻ chân chim của chị - những vết nứt có từ thời anh còn là một viên chức bình thường, đến giờ vẫn hiện hữu - thì anh không chịu nổi. Anh quy định, khi anh có khách, chị không được xuất hiện ở nhà ngoài. Để quy định ấy có hiệu lực tức thì, anh thẳng thừng: “Cô không phải ra tiếp khách, với ba lý do. Một là, để khách không nhầm lẫn cô là mẹ tôi. Họ lại ngượng, lại khó xử. Hai là, cũng không để họ nhầm cô với ô-in, kẻo rồi cô lại tự ái, làm mình làm mẩy. Còn điều thứ ba, điều này mới là quan trọng. Trong việc làm ăn của chồng, cô không cần quan tâm. Đàn bà, biết lắm chỉ rách việc! Mà rồi... không khéo lại oan gia cho chồng.”. Ngừng lại như ngẫm ngợi ra điều gì đó, anh bồi thêm: “Thứ tư nữa là, kể từ giờ trở đi, cô không nên cứ mỗi câu lại anh anh, em em nữa. Trước mặt khách, cô xưng hô thế, nghe nó nỡm lắm. Người ta cười cho thối mũi. Ngoại ngũ tuần rồi, trẻ trung gì nữa mà cứ mở miệng ra là anh anh, em em. Sốt cả ruột!

      Không cần anh giải thích, chị “đi guốc” vào bụng anh. Lảng nhìn về một nơi xa xăm, chị nhẹ nhàng: “Thế, sao có những đứa chỉ bằng tuổi con anh, nó gọi anh là anh thì được? Anh không thấy ngượng, không sợ thiên hạ họ cười cho à!”.

      Sa sầm mặt, anh ngụy biện: “Cô thật là! Thế mà cũng đòi so sánh. Họ gọi thế là vì quan hệ công tác, vì xã giao. Ở chốn công đường mà cứ chú chú, cháu cháu thì còn ra thể thống gì? Mới lại... còn vì cả những điều mà cô không nên biết. Hơn nữa, họ đâu phải là con tôi, cháu tôi mà bắt họ phải gọi tôi bằng chú, bằng bác. Nói cho cùng, việc gọi như thế nào thì quan trọng cái đếch gì. Mẹ kiếp, ối thằng mồm cứ xoen xoét con nuôi, cháu nuôi... rồi thì cuối cùng lại lôi cả con nuôi, cháu nuôi ra... Không phải mèo khen mèo dài đuôi đâu, nhưng nói thật với cô, loại như tôi bây giờ, cũng hơi hiếm có khó tìm đấy!”.

      Biết không thể thắng được anh, chị lầm lũi đi vào nhà trong, rồi cặm cụi thu dọn đống bát, đĩa mà trưa nay anh vừa tiếp khách. Vừa làm, chị vừa cố quên những điều anh nói. Tính chị bộc trực, thẳng như ruột ngựa, chẳng để bụng lâu được điều gì. Hơn nữa, chị đã có một niềm động viên, an ủi lớn, một nguồn sức mạnh mà không dễ gì ai cũng có được: bốn đứa con, cả trai, cả gái đều thành đạt, hiếu thảo và rất yêu thương chị. Những thứ mà anh cố tình tước bỏ đi của chị, thì bằng mọi giá, chúng tìm cách bù lại cho chị. Cũng bởi thế, chị thấy mình vẫn là người hạnh phúc.

 

***

 

      Chồng làm tổng giám đốc một công ty lớn, phát đạt, vật chất chị chẳng thiếu gì. Nội thất của gia đình chị thì khỏi nói, chúng là bộ sưu tập các thương hiệu nổi tiếng của nhiều châu lục mà anh đã từng đi công cán, nghỉ dưỡng. Anh là người sành điệu, thích khẳng định đẳng cấp, vậy là cứ sau mỗi chuyến xuất ngoại, hoặc “lướt” bàn phím thấy có hàng độc, lạ, anh lại tìm mọi cách để sở hữu. Chưa kể những món đồ mà bạn bè, đối tác rinh đến tận nhà, nài nỉ anh nhận. Một khi những vật dụng đắt giá trong nhà ngày càng nhiều lên, thì đồng nghĩa với việc chị phải lao động cật lực. Thuê ô-sin thì anh không đồng ý. Bởi anh không bao giờ chấp nhận cho người lạ vào ở trong nhà. Trong suy nghĩ của anh, ô-sin là những kẻ tắt mắt, đưa chuyện. Anh lập luận có lý đến mức chị không thể bắt bẻ vào đâu được: “Không phải tôi tiếc tiền, nhưng đừng có ô-sin thì cô còn chồng. Còn thuê ô-sin, có khi nó lại lấy cắp cả chồng của cô cũng nên! Vậy cô chọn cách nào!”. Thế là hằng ngày, chị phải dành vài tiếng đồng hồ để lau chùi nội thất, sao cho chúng không vương một hạt bụi. Anh vốn là người cực kỳ sạch sẽ. Chỉ cần nhìn cái ly, cái ấm pha trà cáu bẩn, là anh cũng có cớ để nổi trận lôi đình... Những công việc không tên đó tưởng như nhàn hạ, song nó lại làm chị bức bối và bận rộn. Vì chỉ sơ ý, làm vỡ cái quai tách, chén là mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chị, bận tới mức không có thời giờ đi thăm bạn bè, chòm xóm, càng không thể dành nổi một, hai ngày để về thăm thầy, mẹ đẻ. Mặc dù hai cụ chỉ cách khu phố chị ở một quãng đồng không quá rộng.

      Để tỏ ra cảm thông, bù đắp thiệt thòi cho vợ, anh mua cho chị những trang sức rất đắt tiền. Nào là chuỗi ngọc trai South Sea (loại giá trị nhất trên thị trường hiện nay); nào ngọc Phỉ Thúy, nhẫn đính kim cương... Tất cả những thứ ấy, anh dặn chị phải cất vào trong két. Còn chuyện tiêu tiền, mỗi tháng anh đưa chị không quá ba triệu, đủ chi dùng cho hai người một cách tùng tiệm. Anh bảo: “Đàn bà, không nên dính vào chuyện tiền nong, hỏng người. Mới lại, tôi có mấy khi ăn cơm ở nhà đâu. Mình cô, ba triệu là quá đủ. Tuổi cao rồi, ăn lắm, rồi lại máu nhiễm mỡ, lại tiểu đường, báu hóa gì!”. Trong hoàn cảnh ấy, muốn chắt bóp để dành ra một khoản hỗ trợ đằng ngọại, giúp mấy đứa cháu còn túng thiếu, chị cũng đành bó tay. Họa hoằn lắm, chị mới có thể cho chúng được vài bộ quần áo cũ mà anh thải ra. Thế là về danh nghĩa, chị sở hữu các tài sản đắt giá đó, song chỉ được quyền nhìn, ướm thử chúng trên người ở trong buồng. Không biết có phải vì lý do an ninh, song cứ mỗi lần chị định đeo nhẫn, hoặc dùng cái dây chuyền ngọc trai đó để đi dự tiệc cưới, thì anh lại tru tréo: “Cô muốn mất mạng à? Cô có biết hôm qua một bà bị bọn cướp nó giật cái dây chuyền mỹ ký, làm chấn thương sọ não không? Những thứ ấy dành cho cô, song không phải để cô sử dụng. Rõ thật là, chẳng hiểu gì về thời cuộc cả!”.

      Chị ngậm ngùi: Vậy là mình thêm một nhiệm vụ nữa, làm bảo vệ, làm thần giữ của cho nhà anh. Nhìn cái két sắt đầy ắp các đồ châu báu, sổ đỏ, sổ tiết kiệm... chị thầm nghĩ: “Chỉ khi nào mình về thế giới bên kia, thì họa chăng mới được sử dụng. Mà nếu có được sử dụng thì đó là đồ âm phủ!”.

 

***

 

      Từ ngày nghỉ chế độ, ở nhà nhiều đến mức mụ mẫm cả người, chị khao khát được tới thành phố Đà Nẵng dăm ba ngày. Một hôm, nhân lúc anh đang phấn chấn, chị ướm lời: “Mấy năm nay, em chẳng bước chân ra khỏi nhà, hè này, các con nó được nghỉ, anh xem, bố trí cho mẹ con em đi Đà Nẵng du lịch mấy ngày. Gọi là để xóa mù...”. Đang rung đùi, cười mỉm một mình, nghe chị nói vậy, anh liền quắc mắt: “Du cái gì mà du, có mà vào đấy để rồi du đẩy. Thành phố bé bằng cái bàn tay mà người thì như kiến cỏ. Vào đấy, không cẩn thận lại mang họa về nhà. Thời buổi này, càng ít ra đường càng tốt. Tất cả là tại mấy cái tay truyền thông. Nói cái gì cũng vống lên. Bà Nà Hiu (Bà Nà Hills) thì có cái gì ghê gớm đâu mà cũng ví là thiên đường này, thiên đường nọ. Gớm chết! Có mà... bà già về hưu thì có!”. Ngừng lại một lúc để lấy hơi, anh dằn giọng: “Mới lại, cô không nghĩ, nếu cô bỏ nhà đi chơi thì lấy ai coi nhà? Tôi thì đi suốt ngày rồi, chả lẽ nhờ hàng xóm trông hộ? Nhờ hàng xóm, khi cô về thì nhà chỉ còn nóc.”. “Sao anh lại cứ nghĩ xấu về mọi người thế nhỉ? - Không nhìn vào mặt anh, chị vừa gấp lại cái chăn trên giường ngủ, vừa nói. “Mình quê xa, chẳng lấy hàng xóm làm anh em thì lấy ai? Mới lại, anh thấy đấy! Bao năm qua, khu phố này có ai vắng nhà qua ngày, qua đêm thì cũng đều nhờ hàng xóm trông nom giúp. Vậy mà có chuyện gì xảy ra đâu!”. Bập môi vào điếu xì-gà, anh hậm hực: “Thời buổi này chả tin ai sất. Đến mình cũng còn chả tin mình nữa là. Mà, cô cũng hay thật? Đâu cứ nhất thiết phải đi du lịch bằng chân. Ối người đầy tiền mà cũng chỉ thích du lịch qua màn ảnh nhỏ đấy thôi. Thời đại bây giờ, muốn đi đâu, xem gì, cứ lên google là biết tuốt. Vừa đỡ tốn tiền lại vừa an toàn tuyệt đối!”.

      Tới nước này thì chị không còn gì để chia sẻ với anh được nữa. Lặng lẽ lên tầng hai, chị vào gian thờ tiên tổ. Ngước nhìn hai bức di ảnh của bố mẹ chồng mới khuất núi, chị chắp tay cầu khấn: “Thầy bầm ơi! Thầy bầm sống khôn, thác thiêng, con có một nỗi niềm riêng, mà không dễ gì chia sẻ được với ai. Bởi lúc sinh thời, thầy bầm vẫn dạy con rằng, xấu chàng thì hổ ai, nên hôm nay, con chỉ dám thổ lộ với thầy bầm! Con cầu xin thầy bầm phù hộ, độ trì cho vợ chồng con được trở lại như thủa ngày xưa...”.

      Cái thủa ngày xưa - như chị vừa cầu nguyện - đó là lúc vợ chồng chị còn là những viên chức nghèo. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng trong nhà luôn ăm ắp tiếng cười hạnh phúc...

                                                                   L.T.K

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc