“Bài ca bầu trời” - Thông điệp của tuổi thơ
Ngày đăng: 13/06/2022; 905
(Nhân đọc tập thơ “Bài ca bầu trời”
của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, Nxb. Hội Nhà văn, 2021)
 
                                                            TRẦN KHOÁI
 
Năm 2006, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung ra mắt bạn đọc tuổi thơ và chúng ta tập thơ thiếu nhi “Cánh diều tuổi thơ” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Nhớ lại ngày ấy, khi tôi còn làm biên tập phần thơ của Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, hằng ngày gặp nhau, ông ít khi nói chuyện hoặc trao đổi về thơ thiếu nhi. Vì thế khi ông tặng tôi tập thơ “Cánh diều tuổi thơ”, tôi có đôi chút ngỡ ngàng.
Đọc tập thơ, cứ nghĩ là ông viết để trả nghĩa cho tuổi thơ của mình và bạn bè nơi làng, thôn, đồng quê thời đuổi bắt chuồn chuồn, châu chấu với nhau… Bẵng đi mười lăm năm, Nguyễn Ngọc Tung lại ra mắt chúng ta tập thơ thiếu nhi “Bài ca bầu trời” với 70 bài bằng nhiều bút pháp khác nhau. Đọc tập thơ tôi hiểu ra rằng, tuổi thơ là một “thánh địa” ông luôn nâng niu, quý trọng và điềm tĩnh gom nhặt, quan sát từ đó “gieo trồng” để dành cho các em những mùa hoa, trái đẹp và ngọt ngào nơi chốn thi ca.
 
 
Không gian thơ chủ yếu trong tập thơ “Cánh diều tuổi thơ” là không gian của miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó, có con đê làng, dòng sông đỏ, có tiếng sáo diều, có đồi sim, mua bung nở tháng Ba, có tiếng chim gáy gù mùa hạ, bầy chim ngói mùa thu, tiếng chim cuốc gọi bầy khản giọng… còn trong tập thơ “Bài ca bầu trời”, không gian thơ chủ yếu lại là vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… với những địa danh: Sa Pa, Bắc Hà, Mường Hum, Lũng Cú, Phan-xi-păng, Bản Đôn…
Nhớ lại những chuyến đi thực tế cùng Nguyễn Ngọc Tung như đi Tây Nguyên hay lên Tây Bắc, Việt Bắc… có lần nhà thơ nói với tôi: “Trẻ em miền xuôi bây giờ nhìn chung là no đủ, có một bộ phận đạt mức dư thừa, nhưng các cháu, các em ở vùng cao vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm…”. Tôi biết Nguyễn Ngọc Tung đang có những băn khoăn, trăn trở và có lẽ thực tế ấy đã góp cho nhà thơ nhiều cảm xúc viết về trẻ em vùng cao trong tập thơ này. Điều tinh tế của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tung là ông không sa đà vào sự thiếu thốn, thua thiệt của các em, ngược lại ông tìm đến vẻ đẹp tâm hồn cũng như sinh hoạt trong đời sống thường ngày của các em hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu, đáng quý.
Xin được dẫn ra hàng loạt bài trong tập thơ “Bài ca bầu trời” mà Nguyễn Ngọc Tung viết dưới góc nhìn mỹ cảm này. Trong bài thơ “Học chữ” là hình ảnh cháu bé vượt khó đi học hàng ngày: “Ra khỏi nhà là dốc/ Đi hết dốc gặp suối…”, nhưng em đã vượt qua, bởi cha mẹ còn khó nhọc hơn để cho em đi học: “Mẹ đội nắng, đội mưa/ Vùi hạt ngô hốc đá/ Chiều về gùi mây gió/ Nhọc nhằn ruộng bậc thang…”. Chính tấm gương của mẹ là động lực: “Em chăm chỉ sớm tối/ Học chữ xây quê hương”. Cùng với trạng thái cảm xúc trên còn phải kể tới bài thơ “Cu Tý tập đan”. Cu Tý còn nhỏ lắm. Quê em ở Y Tý (Bát Xát - Lào Cai). Nơi đây có nghề truyền thống đan lát. Tý được chứng kiến: “… Nan nào mẹ chuốt/ Nan nào cha đan/… Đan gùi, đan giỏ/ Nan nắng, nan mưa/ Cái gùi giúp cha/ Cõng mùa về nhà/ Cái giỏ giúp mẹ/ Đong đầy sắc hoa…”. Thế còn cu Tý giúp cha mẹ thế nào: “Cắt giấy làm nan/ Cu Tý tập đan/ Cái rổ, cái rá/ Trăng đan ánh vàng”. Hình ảnh chú bé ngồi tập đan thật đáng yêu và xúc động. Trong chùm thơ viết về vùng cao, bài thơ “Đi chợ Mường Hum” là bài thơ đẹp, đầm ấm, giàu bản sắc vùng miền, dân dã, thắm tình: “Chợ phiên Mường Hum/ Vui như ngày hội/ Gà lợn cắp nách/ Ríu ran chào mời/…”. Cu Tý đi chợ cùng mẹ, được mẹ mua cho: “Mẹ mua cặp sách/ Mua quần áo đẹp/ Cho con khai trường…”. Bài thơ khiến mỗi ai trong chúng ta không khỏi bâng khuâng nhớ về tuổi thơ với những phiên chợ làng đầy ắp kỷ niệm.
Điều đáng ghi nhận trong tập thơ “Bài ca bầu trời” của Nguyễn Ngọc Tung, còn là thế giới quanh các em mà nhà thơ đề cập phong phú, sinh động và nhiều màu sắc. Đấy là ông mặt trời, tia nắng, con đường, mùa hoa biên giới, vầng trăng, chiếc cầu, bông hoa hồng, mái trường, hoa cải, những chiếc lá, quả bí, quả bầu, chiếc cầu vồng… Đấy là thế giới loài vật như con chó, con thỏ, con mèo, hươu cao cổ, chim chích bông, chim chích chòe, con dơi dơi, con đom đóm, ve sầu, con chuồn chuồn, chim sếu… Rồi còn là thế giới đồ vật: Cái lược của bà, cái phích, cái quạt, cái gầu, cái võng… và trên tất cả là thế giới con người quanh các em. Đó là hình ảnh lãnh tụ, cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, bạn bè nơi trường lớp, chú bộ đội, bác thợ xây, Trường Sa, chống dịch Covid… Thế giới quanh các em tất cả được phản ánh bằng sự quan sát, cách nhìn nhận, lựa chọn với tinh thần: “Hướng thiện yêu thương…”. Điều này giúp cho tuổi thơ hình thành lòng nhân ái, tính vị tha, gắn kết trong cư xử với người, với vật, với cảnh.
Từ những thành công như đã nói có thể khẳng định: “Bài ca bầu trời” là tập thơ bổ ích, mang tính giáo dục cao đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Rộng hơn còn là tập thơ mà người lớn cũng tìm thấy nhiều điều để ứng xử với con, cháu, trẻ em.
Trong tập thơ “Bài ca bầu trời” có một bài tôi biết nhà thơ rất tâm đắc. Điều này thể hiện khi ông lấy tên bài thơ làm tên cho cả tập thơ. Đó là bài “Bài ca bầu trời”. Bài thơ có 6 khổ, mỗi khổ 4 dòng, khổ 6 (khổ kết) có 2 dòng. Bài thơ viết theo lối thơ ngũ ngôn liên hoàn, thể hiện nội dung bằng thủ pháp kể và tả rất phù hợp với tâm lý trẻ em. Bởi ta biết trẻ em thích sự hoạt động nhanh, linh hoạt, thích nghe kể chuyện và được thấy sự việc, sự vật. Nhà Tý ở chân núi. Ở đấy có đàn chim Sếu. Sáng nó bay đi kiếm ăn, chiều nó bay về tổ. Ngày nọ Sếu con rơi xuống suối. Tý cứu nó, mang về chữa thuốc. Hôm Sếu con lành bệnh, Tý thả nó về với bầu trời cùng đàn. Đàn Sếu thật vui. Sếu con thật hạnh phúc, Tý thấy hôm ấy gia đình Sếu đã làm nên “Bài ca bầu trời”. Câu chuyện về Tý, bài thơ về Tý đâu chỉ là dành cho trẻ em, mà nó còn cho cả người lớn về việc chăm sóc và gìn giữ môi trường sống quanh ta.
Sáng tác thơ cho tuổi thiếu niên, nhi đồng gần như đã có chung mô-típ. Ví như cách biểu đạt, hình thức thơ thường theo lối đồng dao, diễn ca, vè, thơ 5 chữ, lục bát… dễ nhớ, dễ thuộc. Ở tập thơ “Bài ca bầu trời”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung vẫn tôn trọng dạng thức trên, song sự sáng tạo của Nguyễn Ngọc Tung lại là ở chỗ ông sử dụng triệt để thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa, vì thế những sự việc, sự vật trở nên gần gũi thân tình và ngộ nghĩnh đáng yêu. Như đàn gà con biết cảm ơn bác chó Cộc giúp mình, bác chó Cộc biết: “Cộc vừa đi vừa gật,” thú vị và mãn nguyện. Cây gạo nở hoa thì có “hoa chị, hoa em”. Ông mặt trời thì mặt đỏ gay, đỏ gắt. Bông hoa hồng là cô bé chăm chỉ, biết học bài. Tia nắng thì biết dậy sớm mỗi ngày. Hạt cát ở Trường Sa biết kết đoàn chắn sóng gió. Bác voi ở Bản Đôn thì biết: “Bác múc nước tắm/… Hai tai hai quạt… Đi thăm bản làng…”.
Đọc xong tập thơ “Bài ca bầu trời” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, bất chợt nhớ tới anh cháu tôi là nhà viết kịch bản phim truyền hình Khương Hồng Minh. Hôm hai cậu cháu gặp nhau ở quê. Tôi nhận xét: Dạo này trông cháu lòng khòng còn hơn cả cậu. Minh đùa lại: Nhà thơ các cậu là những người trẻ mãi không già: “Chẳng nhẽ lại đúng. Không những trẻ mà còn là “trẻ con”. Và mong mãi là trẻ con. Bởi vì: “Tuổi thơ là vẻ đẹp trinh trắng nhất của thế giới” (Bruno Schulg).
Chúc mừng nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, ông đã có một chuyến về với tuổi thơ thật ngoạn mục để làm nên “Bài ca bầu trời”.
 
T.K
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc