Đi ăn cỗ thật khổ
Ngày đăng: 22/01/2024; 95
CHU PHÚC
 
          Khi còn nhỏ, mỗi lần được đi ăn cỗ tôi thích lắm. Chỉ có đi ăn cỗ mới được thưởng thức nắm xôi, miếng thịt mỡ béo ngậy mà ngày thường lúc nào cũng thèm. Tôi hay đi ăn cỗ cùng bà nội, thường là những đám cỗ trong làng. Tôi không dám ngồi mâm trẻ con vì tính nhút nhát. Bọn trẻ ở quê thường hiếu động, ngồi ăn cùng chúng, tôi chẳng dám gắp gì mà ăn nên thường ngồi ghép cùng bà. Bà dành những miếng thịt, miếng giò cho tôi, bà chỉ ăn cơm với canh rau hay đậu phụ. Những hôm bà đi ăn cỗ một mình, tôi háo hức đợi khi về, thể nào bà cũng lấy phần mang về cho tôi nắm xôi với miếng thịt mỡ gói trong mảnh lá chuối. Tôi không thích đi ăn cỗ cùng ông nội vì ông thường ngồi nhắm rượu kề cà lâu lắm. Các cô, các bà phục vụ thường bảo: “Mâm các cụ uống rượu mang ít cơm thôi nhé”. Lớn lên tôi mới biết vì sao uống rượu lại ăn ít cơm.
Nói về uống rượu mới thấy giờ đi ăn cỗ đúng là một cực hình (tất nhiên là tôi thôi). Ở đâu giờ cũng vậy, phú quý sinh lễ nghĩa, cỗ bàn triền miên. Ngoài giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi còn đủ thứ để người ta bày ra tụ tập nhậu nhẹt. Tân gia, sinh nhật, hội đồng môn, hội đồng niên… gặp mặt là phải “đánh chén”. Cuộc rượu nào cũng thấy hô: “Một, hai, ba… dô”. Anh bạn tôi có mẹ ở quê lên chơi, thiu thiu ngủ sớm chợt giật mình nghe tiếng “dô… dô” mới choàng dậy hỏi: “Con ơi, người ta kéo dây điện hay sao mà hô to thế…”. Khổ nhất là mỗi khi về quê, anh em, các cháu quý mến ai cũng đến chúc một chén. Hôm nào về cũng say lơ tơ mơ. Có hôm không uống được mà từ chối thì khó mà được chấp nhận. Ngay lập tức nhận được một loạt những lời khiêu khích nửa trêu đùa của anh em quý mến:
- À... em biết bác bi giờ ở trên phố, bác uống gì với tụi em.
- Bác bi giờ uống rượu Tây cơ, bác uống gì rượu quê.
- Ấy... bác hết đi chứ, ai lại thế... hay là không thèm uống với tụi em. Bác là “nhiều văn” lắm đấy.
Thì uống, dẫu có mặt nhăn như uống thuốc đắng.
Đã định là không uống nữa nhưng tự nhiên có một ông râu tóc bạc phơ, hơn mình cả chục tuổi mang cái chén đến:
- Chào bác.
- Ấy chết, cháu phải gọi ông là chú đấy. Cháu kính chú một chén… ra đường đụng nhau vỡ đầu chả nhận ra có họ.
Khổ thế đấy, thế thì phải uống... Anh nào rời xa quê hương đi ngụ cư ở nơi khác mỗi khi về quê đều có chung một hoàn cảnh như vậy.
 Mỗi lần đi ăn cỗ về nhà lại nhăn nhó, đầu đau như búa bổ, báo hại vợ con xoa bóp hai bên thái dương mỏi tay may ra mới thiếp đi được chút. Ấy là chưa nói có hôm vợ phải bê cho cái chậu thau khi không lần nổi vào nhà vệ sinh “cho chó ăn chè”. Có hôm, buổi sáng vẫn khỏe như vâm, tới chiều đã khật khừ như người ốm chỉ vì cỗ. Nhưng khổ nhất là cứ uống rượu vào đằng miệng, hôm sau nó đau ra đằng chân mới là ác nhất. Cái bệnh rối loạn chuyển hóa axit uric nó “nhục” thế đấy, chả ai biết được đâu. Có lần một anh bác sỹ có phòng khám cạnh nhà, bảo:
- Bác thì chỉ cái miệng làm khổ cái chân thôi.
Toan sửng cồ nhưng ngẫm ra hắn nói đâu có sai. Ăn kiêng thì dễ rồi, nào là thịt đỏ, nội tạng, hải sản… của ngon vật lạ, ngồi ăn họ gắp cho mình chối từ thì không sao, nhưng rượu, bia mà từ chối thì quá khổ. Đã có bao hệ lụy từ những sự từ chối lời mời uống rượu trong các đám cỗ rồi. Hậu quả là cãi nhau, bạn bè anh em từ nhau, thậm chí đã có người mất mạng chỉ vì từ chối một chén rượu. “Văn hóa rượu” bây giờ là cứ phải ép nhau uống cạn, uống hết... trăm phần trăm. Đã “phan đình rót” là phải “cao bằng” và cuối cùng là “bắc cạn”... thế mới tình cảm, mới chân tình, mới tốt. Nhiều lúc cứ nghĩ vẩn vơ, mình uống vào bụng mình thì mình “ấm vào thân” mình, họ không được gì mà sao cứ muốn mình uống nhiều làm gì nhỉ? Nhiều lần chỉ vì sợ uống rượu mà phải nhờ vợ đi ăn cỗ thay.
Hôm nay lại đi ăn cỗ về, tất nhiên là mình phải nhắm mắt thể hiện là chân tình với anh em nếu không lần sau về “brexit” ngay nhé... Đầu đau như dần và mẹ lũ nhỏ sau khi pha cho một cốc nước cam lại phải xoa bóp hai bên thái dương dìu vào giấc ngủ. Và trong mơ thấy bụt hiện ra ban cho điều ước: “Từ nay khi đi ăn cỗ mỗi chén rượu người ta mời con sẽ biến thành một triệu “vê nờ đê” con nhé...”. Giật mình tỉnh giấc, mụ vợ dí vào tay tờ báo: “Đây ông nhìn đi, cứu hộ cứu nạn cho ông đây này…”. Chống mắt lên nhìn, chập chờn thấy mỗi số 100.
Quả là cứu hộ cứu nạn thật, từ ngày có Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đến nay đỡ quá. Mỗi lần về quê ăn cỗ, bị mời uống rượu, tôi đều bảo: “Bác thông cảm, cho em vay mấy triệu, uống xong về ngang đường còn có cái mà nộp phạt…”. Và từ đó tôi thuộc nằm lòng khẩu hiệu: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Cảm ơn Nghị định 100 của Chính phủ nhiều lắm.
                                                                            C.P

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc