Cúng giỗ và ăn cỗ ở làng Tiên Hường
Ngày đăng: 17/05/2022; 232
                                                                                                                         DƯƠNG VĂN LÃM
 
Làng Tiên Hường (Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là một làng lớn với các dòng họ như họ Tạ, họ Nguyễn, họ Đường, họ Dương sống đoàn kết bên nhau từ bao đời. Các dòng họ lại có sự giao duyên của nhiều thế hệ nên đến nay đã trở thành họ hàng xa gần của nhau “phi nội tắc ngoại”.
Các dòng họ ở đây đều rất nghiêm khắc trong việc gìn giữ trật tự tôn ti. Việc lễ nghĩa lại càng được coi trọng. Ông trưởng họ luôn là người có tiếng nói quyết định những việc trọng đại không chỉ trong dòng họ mà cả trong xóm ngoài làng.
Điều đó càng thể hiện rõ nét vào những dịp giỗ tổ ở nơi từ đường mỗi dòng họ. Mâm cơm cúng ngày giỗ kỵ ở mỗi gia đình dù sắp có hơn chục món gồm tám đĩa và bốn bát đơm vơi nhưng phải sạch sẽ và với tấm lòng thành kính chứ không cần mâm cao cỗ đầy. Nhà khá giả thì mổ lợn, nhà bậc trung mổ gà, nhà nghèo thì quả trứng, đĩa muối. Lợn gà mổ để cúng giỗ cũng phải là của nhà nuôi, nếu mua thì phải đem về nuôi vài ba ngày trước khi mổ thịt cúng giỗ. Con gà trống mào cờ, cái thủ lợn tai to trước khi đặt lên bàn thờ gia tiên cũng phải làm sạch sẽ, tạo dáng thật đẹp với khí thế vươn cao. Để cả khi luộc chín vẫn giữ được nguyên tắc: thủ lợn quay ra, đầu gà quay vào giữa mâm xôi, bên đèn nến hương hoa trên bàn thờ trang trọng.
Việc đơm bát cơm cúng ở đây cũng là cả một luật lệ. Có ba cách đơm cơm cúng: cơm đầy có ngọn, cơm in và cơm vơi. Mâm cỗ nào cũng phải có bốn bát cơm vơi. Riêng mâm cỗ giỗ kỵ người quá cố nếu sinh thời chết trẻ lại độc thân chưa vợ hoặc chưa chồng sẽ có thêm một bát cơm có ngọn vuốt nặn cao vút như ngọn tháp. Nếu là giỗ kỵ bậc già lão trên 60 tuổi mà cụ vong đó lại có mấy người vợ chung sống cùng nhau như một cụ ông chung sống với bốn bà, mâm cỗ giỗ kỵ đó phải có thêm năm bát cơm in để cúng. Mỗi bát cơm in gồm hai bát cơm đơm đầy bằng miệng lèn chặt xong úp vào nhau rồi bỏ bát trên đi sẽ được một bát cơm in. Khách và con cháu trước khi ăn cỗ, đứng lễ vái trước bàn thờ, quan sát những bát cơm cúng bày quanh mâm cỗ giỗ kỵ sẽ biết cả tuổi già và hoàn cảnh người quá cố lúc sinh thời.
Trước đây, khi nhà có giỗ, thường con cháu phải thức suốt đêm để làm cỗ, đến mờ sáng là đã có thể khấn vái thỉnh mời tiền nhân về hiến hưởng. Thường thì hết tuần nhang có thể hạ cỗ để cho khách khứa và con cháu vào mâm vừa giữ được không khí linh thiêng buổi sớm mai, vừa tránh được ruồi nhặng quấy rầy.
Ăn cỗ ở đây thường chỉ xếp bốn người một chiếu, nam nữ ngồi riêng, người ít tuổi hơn ngồi phía đầu nồi. Nếu là khách khứa ngồi theo lứa tuổi, nếu là họ hàng phải ngồi theo tôn ti có phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Đã là ông bà, chú bác phải được rước lên ăn trước, là con cháu dù tóc bạc râu dài vẫn phải ngồi dưới và ăn sau. Người dưới không được nâng chén chạm cao hơn người trên. Ăn uống từ tốn, rì rầm trò chuyện. Người trên ý nhị làm gương cho người dưới, không nhai nhồm nhoàm, vừa ăn vừa nói. Khi gắp thức ăn ở gần thì ngửa tay, lúc gắp ở xa thì phải úp tay, để tránh va chạm cũng như tránh mượn chén giả say để châm chọc, khích bác nhau bằng những lời bóng gió.
Rượu ở mâm trên đựng ở các nậm hoặc chai nhỏ, rượu ở mâm dưới đựng trong các be sành hoặc chai to. Rất ít mâm cần gọi lấy thêm rượu vì càng mâm trên càng uống ít mà các mâm dưới luôn phải nhìn lên mâm trên để mà tỉnh táo làm theo.
Dâu là con, rể là khách, các chàng rể có thể được thoải mái hơn nhưng không được phép ngồi cùng mâm với ông bà, cha mẹ vợ. Càng không được phép mang rượu đi cụng ly khắp lượt vì chỉ chủ tiệc, chủ bữa cỗ, chủ nhà mới có cái quyền đó.
Ngày xưa, có những đám giỗ cúng từ nửa đêm để hạ mâm thụ lộc lúc trời còn chưa sáng. Khi mặt trời nhô lên khỏi ngọn tre, nhiều mâm cỗ cũng đã tàn để ai nấy đều có thể ra đồng làm việc. Vì vậy hiếm khi xảy ra tình trạng khách đến ăn cỗ say rượu, mang tiếng cho nhà chủ.
 
                                                                                                                                                   D.V.L
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc